thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Võ Đình, người bạn chưa gặp mặt

 

 

Tôi được biết đến Võ Đình từ trước 1975 là do Doãn Quốc Sĩ giới thiệu và ca tụng. Nhìn tập sách mỏng do nhà văn này vừa ở Âu châu về trang trí, nét vẽ nghệch ngoạc không có màu, diễn tả “Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng” (ca dao), tôi chẳng thấy đẹp, dù Doãn Quốc Sĩ ca tụng không cạn lời. Nhiều năm sau, đến Hoa kỳ, được coi tranh có màu của Võ Đình, tôi mới thấy các tranh của hoạ sĩ này là đẹp, với lối dùng màu tung toé ra mặt giấy và vải vẽ. Dĩ nhiên vào thời kỳ còn ở Việt Nam, tôi đã quên phăng nhà văn có tên dễ nhớ là Võ Đình ấy, cho tới nhiều năm về sau, khi tôi đã đến được Seattle. Vào một kỳ nghỉ, mấy bố con thay nhau lái chiếc xe cũ xuôi miền Cali, đến tạm trú vài hôm nơi nhà Nguyễn Mộng Gíac thuê chung với “thầy” Từ Mẫn — tu sĩ này đã hoàn tục, mặc thường phục và vẫn làm nhà xuát bản như hồi nội địa. Từ Mẫn tặng tôi ít sách mới in, trong đó có Xứ Sấm Sét của Võ Đình. Cả hai vợ chồng tôi thay phiên nhau đọc và phục tài viết của nhà văn này, ngang hàng với những nhà văn hàng đầu hiện đại. Và cũng trong dịp này tôi được đọc cuốn sách đầu tiên Nụ cười tre trúc của nhà văn Nam Kỳ ở Pháp/Canada lâu năm là Kiệt Tấn.

Cả hai nhà văn này, một già một trẻ, đều viết về sex táo bạo, thẳng tay thẳng chân hơn tôi nhiều. Chẳng hiểu sao ở hải ngoại cũng như nội địa năm xưa, cứ bàn tới truyện sex trong văn chương, là người ta lôi cổ Thế Uyên ra, trong khi người đầu tiên đưa sex vào văn xuôi thế kỷ 20 là nhà văn Lê Hoằng Mưu (thập niên 10, thế kỷ 20, Oán hồng quần, Người buôn ngọc) ở Nam kỳ,Vũ Trọng Phụng (thập niên 40, thế kỷ 20, Số đỏ, Làm đĩ...) ở Bắc kỳ. Thậm chí tới tự điển bách khoa về văn học Việt Nam của Mỹ (Wikipedia) hiện nay cũng nhấn mạnh về khía cạnh đó trong phần chót của tiểu sử Thế Uyên. Tôi bày tỏ sự ngạc nhiên này trong một thư viết cho Võ Đình, người đã dịch “Căn nhà người mẹ” của tôi sang tiếng Anh và đăng trên một tạp chí đại học ở miền Đông. Nhân tiện dịp này tôi cũng liệt kê vài chi tiết Võ Đình viêt trực tiếp tới các cơ phận nam và nữ (thí dụ: tinh trùng của chú tiểu vọt ra, một đầu rùa nhô ra...). Tại sao dư luận văn học không ai để ý tới? Khi trả lời thư này, Võ Đình kèm theo một bài thơ tả “blow job” đàng hoàng — đăng lọt một số Văn Học nào đó của “ông đồ” nghiêm chỉnh Nguyễn Mộng Giác (gọi là ông đồ vì viết nhiều bậc nhất hải ngoại nhưng không có sex) — và cắt nghĩa không ai để ý bởi vì Võ Đình miêu tả, nhắc tới sex một cách erotic, còn Thế Uyên viết về sex là sex, không lôi thôi gì cả, không thả hoả mù, không cài hoa lá cành.

Tôi còn không đồng ý với anh về vấn đề thế nào là nhiều sex hay ít sex trong một tác phẩm văn học, vì vấn đề này thay đổi tuỳ hoàn cảnh (không gian và thời gian), và tuỳ sự trưởng thành của người đọc, người nhìn. Hơn nữa biên giới giữa erotic porno nhiều khi rất khó phân biệt trong văn chương và nghệ thuật trình diễn. Một lần, có một phái đoàn văn nghệ một nước Phi châu đến NewYork trình diễn trong một chương trình trao đổi văn hoá. Khi biết các nữ vũ công Phi sẽ nhảy ngực trần, ông đại diện phía Mỹ tá hoả tam tinh, phản đối, kêu không hợp với thuần phong mỹ tục (của Mỹ). Và yêu cầu các nữ vũ công Phi châu phải mặc áo vào. Ông đại diện đoàn Phi châu thản nhiên: Đồng ý, với điều kiện: tháng tới khi sang Phi đáp lễ, các nữ vũ công Mỹ phải cởi áo ra để ngực trần...

Tranh luận hoài cho đến khi tôi đưa ra nguyên tắc chung là: thế nào là nhiều/ít sex, có hay không khiêu dâm là tuỳ resume của từng cá nhân. Đến đó thì Võ Đình thôi không tranh luận về vấn đề này nữa. Giữa hai chúng tôi, thiếu gì vấn đề để trao đổi. Võ Đình hay cằn nhằn tôi về lối viết cẩu thả, và vấn đề này Võ Đình có ngay một đồng minh là vợ tôi: bà ấy cũng hay than như thế. Chỉ mình tôi biết là oan một phần, lý do tôi ít khi được ở gần nhà in để sửa bài cho chinh xác, đa số trông cậy vào người khác. Và người khác thì lắm khi quá bận, để quên bản đã sửa của tôi đâu đó, đến hạn in nhà in cứ in bản trên computer, kết quả là ông nhà văn lãnh đủ, như tập truyện “Nhà văn già và cô bé gù”. Một phần khác tại bút pháp của tôi thường bồng bềnh phóng khoáng. Văn chương như mây trên trời, mang vào giấy không nên gò bó. Về từ sử dụng, tôi tránh dùng từ phức tạp, cầu kỳ, gọt dũa, kiểu Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời (Mai Thảo), Hố thẳm của tư tưởng (Phạm Công Thiện)...

Hai vợ chồng tôi cùng thich đọc Võ Đình, nhiều cuốn đọc đi ít lâu sau đọc lại không biết chán. Võ Đình là nhà văn người Huế, khúc giữa của Việt Nam, nên đôi khi anh nhận xét đúng và ngộ nghĩnh: gái Bắc hà mặc váy và đái đứng, gái Nam hà mặc quần và đái ngồi, nhưng nước tiểu đàn bà ba miền đều “độc” như nhau: Võ Đình tả một cậu bé đưa một cô gái đi cắt cỏ. Buồn đái, ra bãi trống phía sau nhà, cậu bé thấy cô vén váy đái một vũng lớn nổi bọt phập phồng. Khi cô đi rối, cậu bé vén chim đái, cố nhằm trúng những bong bóng chưa tan hết. Sau đó cậu bé đau một trận lớn cả tháng mới khỏi.

Một cựu huynh trưởng hướng đạo bạn tôi hiện định cư ở Paris kể: Có lần họp bạn ở một vùng quê nuôi nhiều cá tra, anh chọn một nơi có hai ao gần nhau, cắm biển một bên đề nam một bên đề nữ. Ông chủ ao lên tiếng: “Cậu làm thế chết cá trong ao tôi cho mà coi!” Anh huynh trưởng không tin, tuyên bố nếu chết cá, anh bồi thường. Và anh phải bồi thường thật vi chỉ hai hôm sau cá trong ao “nữ” chết nổi lên...!

Không phải lúc nào Võ Đình cũng quan tâm đến những “hình như hạ” như thế, mà lãng đãng ám ảnh khôn nguôi bởi hình ảnh một người nữ chỉ nhìn, gặp thoáng qua vì nàng lái xe. Đó là một thiếu phụ trẻ, đôi môi thoa son hồng nổi trên nền trắng của đôi bao tay. Từ đó thuê nhà nào anh cũng thu xếp để một phòng để trống, tuyệt đối không đồ đạc, để mỗi khi muốn, anh vào ngồi một xó, yên tĩnh và im lặng. Anh cứ như thế ngồi thoải mái, cho tới khi vợ con gọi xuống ăn cơm chiều. Có lần hình ảnh nàng hiện ra từ từ êm ái trong phòng, có khi nàng hiện ra, khoả thân từ từ chậm rãi qua sự biến đổi của đám mây trên trời về chiều.

Mỗi người đàn ông (và nhiều khi cả đàn bà) thường có hình ảnh một người nữ lý tưởng, và khi gặp một người nữ có đôi nét hao hao, là dễ yêu ngay người đó. Tôi không may mắn có tâm hồn nhạy cảm tưởng tượng phong phú, để ngồi một mình phòng vắng, chạy bộ ngoài trời, đều thấy được nàng. Dưới hai mươi tuổi, tôi cảm tình nặng, gọi là yêu cũng được, một cô tên Mặt Trăng một cô tên Mặt Trời, rồi đều phải xa cách cả hai. Vài năm sau, trong phòng thi Tú tài, tôi gặp một nữ thí sinh đang ngồi khóc vì vấn đáp vật lý không cao điểm. Tôi rút khăn tay ra đưa nàng lau nước mắt, nàng ngửng lên nhìn thẳng vào mắt tôi. Thế là xong. Không phải là sét đánh đến rầm một cái choáng váng mặt mày đâu, mà là một cảm giác nhẹ nhàng của sự tìm thây một cái gì đi tìm từ nhiều kiếp trước. Và tìm thấy rồi là yêu nhau thôi, không kinh qua chặng tán tỉnh. Nói cách khác tôi lấy vợ khá nhanh không kịp tán theo lệ thường, thành vợ chồng với nhau rồi tôi mới... tán vợ đều đều, đến hiện nay...

Võ Đình tưởng tìm thấy “nàng tóc vàng sợi nhỏ” qua nàng Helene, nhưng không phải, bèn lấy cô em Alice, cũng không phải nốt (tôi phục ông hoạ sĩ này đang ở bên Tây mà hoa thơm bứng cả cụm được)... Khi tôi chủ động làm quen, kết bạn thư từ và trao đổi hình ảnh gia đình với anh, thì vợ anh là một phụ nữ Á châu khá xinh không rõ quốc tịch. Trong một chuyến sang thăm gia đình ỏ Virginia, nhân dịp có một hai ngày trống, tôi điện thoại, đề nghị sẽ đến thăm anh và coi tranh đã vẽ. Anh từ chối, viện lẽ nơi anh ở hoang vắng, khó tới lắm. Lúc đó tôi tưởng anh bận vẽ dở cái gì hào hứng lắm nên tạ khách. Sau này, tôi có coi phim kinh dị “The Blair Witch project” do một nhóm sinh viên thực hiện, và được biết phim lấy khung cảnh nơi anh ở. Khi đó tôi biết anh đã nói thật, nơi anh ở hoang vu, hoang vắng thật sự, và đọc văn thấy anh có vẻ khó tính và giác quan bén nhạy. Có người bạn cho anh một cây chanh nhỏ, mùa đông đến anh mang vào phòng khách nhưng cây vẫn từ từ rụng lá. Một đêm đang ngủ bỗng bừng thức giấc, anh đi ra phòng khách xem có chuyện gì: hoá ra cây chanh vừa rụng chiếc lá cuối cùng... Một người nhạy cảm và thính tai như thế hẳn dễ giận, mà tôi thì lại hay chọc, mỉa mai đùa chơi bạn bè... Từ đó bỏ ý định đến thăm Võ Đình. Nhất là khi đọc truyện “Huyệt tuyết” tả anh đã tìm thấy người yêu lý tưởng nằm dưới một huyệt tuyết trong vườn nhà, lúc đó là mùa đông cảnh vật trắng xoá, anh đưa tay sờ một bên vú nàng. Nàng tan biến thành tuyết lạnh ngắt.

Sau đó một khoảng thời gian, không nhớ rõ là bao lâu, tôi được tin anh đã rời bỏ vùng băng giá hoang vu, dọn nhà xuống miền nắng ấm Florida, định cư tại Orlando. Chưa kịp tìm địa chỉ để hỏi thăm thì đã nhận từ anh một ảnh khổ bưu ảnh, đằng sau có hàng chữ: “Hãy nhin kỹ người đàn bà ngồi đầu bàn, Trần Thị Lai Hồng bạn anh phải không, hai đứa tôi là vợ chồng rồi...” Hai vợ chồng tôi cùng ngạc nhiên vì sự kết hợp này: ông chồng là cây phiêu bạt, hết Pháp (Âu châu...) rồi đến Mỹ ẩn dật một nơi hoang vắng; người vợ là người định cư cùng miền với tôi, làm một tờ báo và có tài vẽ trên lụa. Chính chị là người đầu tiên phỏng vấn tôi ở Mỹ, và Tết năm đó tuyết băng phủ đầy trời, đè nặng trên lều lớn ở sân chùa Cổ Lâm, Seattle, chị cùng chị Tuý Hồng ngồi sau bàn báo xuân, cạnh một lò sưởi nhỏ vặn tối đa để chống lạnh. Sau màn chào hỏi và chúc tết, khi thấy hai vợ chồng tôi sắp rút lui vì lạnh, chị Lai Hồng lấy trên bàn một hũ dưa món nhà làm tặng vợ tôi. Dưa món thật ngon ăn với bánh chưng mua ở sân chùa, vợ tôi tấm tắc khen tài nữ công của chị.

Kẻ bên đông người bên tây cách nhau cả một lục địa, tại sao lại có thể gặp nhau, lấy nhau gọn đẹp ngon lành như thế. Có lẽ điểm cắt nghĩa được là cả hai đều là người Huế chăng? Lữ thứ gặp nhau, kết duyên Tần Tấn chăng? (Tôi dùng điển tích mà không cắt nghĩa vì cảm thấy thế mới hợp với đôi hơi... già mới kết hôn thêm một lần nữa). Kể từ khi có vợ mới, về miền nắng ấm ở, anh cùng vợ thi nhau trồng cây, đủ thứ đủ loại. Thỉnh thoảng vẫn trao đổi thư từ với tôi, anh viết thôi, còn chị thường chỉ ký tên vô một góc nào đó, cho thế là đủ rồi. Có một lần chị nhiều lời nhất là gửi tặng vợ chồng tôi một tấm lịch chụp các cô gái Việt mặc áo dài do chị vẽ. Rực rỡ, mơ màng, đẹp. Tôi chỉ biết diễn tả như thế thôi.

Rồi một ngày nào đó, anh email cho tôi bằng cỡ chữ to bự, chắc anh dùng size 18, giao hẹn kể từ nay phải dùng chữ cỡ lớn như thế anh mới đọc được. Tôi không nghe, hay chưa nghe, chỉ vì trận đau lớn cách đây 10 năm đã xoá trung tâm bộ nhớ của tôi về cách sử dụng computer mà tôi đã học được, khiến tôi loay hoay không biết làm thế nào viết chữ lớn như anh. Rồi đang yêu đời, đang nằm trên giường lơ mơ, bỗng nhiên tôi nói không được nữa; vợ con đưa vào bệnh viện, bác sĩ điều trị lắc đầu vì không biết tại sao tôi bị nhiễm trùng máu hơi nặng. Không còn thì giờ thử xem tôi hợp với loại trụ sinh nào, bác sĩ điều trị cho uống cả ba loại trụ sinh hiện hành. Cứu được tôi, nhưng làm rối loạn hệ thống tiêu hoá, một sự rối loạn làm khổ các y tá và vợ tôi không phải ít. Sau ít hôm, lại thêm cơ phận mật rối loạn, phải giải phẫu. Tôi cứ thế đau lắc lư con tàu đi vào nơi sắc bất dị không không bất dị sắc gần nửa năm, lúc tỉnh ra thì mắt mũi kèm nhèm, bà vợ phải đưa tôi vô bệnh viện về mắt, cắt cườm mắt phải, mua kính thử kính mới. Lụi cụi lỉnh kỉnh như thế cho đến khi có thể nhìn rõ, học dùng computer trở lại cũng hơi lâu một chút. Tôi lại ngồi trước bàn phím, tình cờ vô website “Gió O” của Lê Thị Huệ, được theo dõi buổi ra mắt cuốn Đất và Trời của Võ Đình ở miền Đông Hoa Kỳ. Nhìn hình anh mũ áo chỉnh tề, đeo kính đen như các vị Lốc cốc tử, toạ thiền tham dự buổi ra mắt sách của chinh mình, tôi không cần đoán cũng biết anh sắp đi vào khoảng vô thuỷ vô chung, sắc sắc không không lẫn lộn.

Tôi là một Phật tử không thuần thành, nhưng anh thì thuần thành khỏi chê. Anh có tin ở luân hồi chứ, vậy kiếp sau anh sẽ chọn làm gì? Làm một con bướm thẫm màu, vỗ cánh rất êm ái? Còn tôi, kiếp sau sẽ chọn làm một con bò Ấn-độ, đủng đỉnh dạo chơi giữa thành phố đông người...

 

Seattle, tháng 6, 09.

 

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021