thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người quan trọng
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

 

SŁAWOMIR MROŻEK

(1930~)

 
Sławomir Mrożek, tác giả tập truyện ngắn Con voi, là một người viết truyện, một kịch tác gia và một nhà hí hoạ. Ba tính cách này của ông được nối kết lại bằng nét hài hước hoặc trào lộng mà đối tượng là những chuyện rởm đời, «phi lý» dưới mọi vùng khí hậu, nhất là ở Ba-lan. Ông sinh ở Borzecin, gần Cracovie, Ba-lan, năm 1930. Ông rời Ba-lan năm 1963, trước tiên qua Ý, rồi qua Pháp nơi ông đã lưu lại từ 1968 đến 1989 trước khi (cùng với bà vợ người Mễ) qua sống bảy năm ở Mễ-tây-cơ. Ông dứt khoát trở lại Ba-lan năm 1996 và từ đấy sống ở quê hương ông.
 
Về kịch, con số kịch bản của Mrożek lên tới ngót bốn mươi vở! Vở kịch nổi tiếng nhất của ông trước khi ông ra nước ngoài, là Cảnh sát (hoặc Công an, 1958). Thời gian ông lưu lạc, một số vở thường được nhắc tới: Tango (1964), Các di dân (1974), Ông đại sứ (1982). Đặc biệt, trong những năm 1990, ba vở mới của Mrożek: Yêu ở Crimée (1993), Cảnh đẹp«Các Đấng» (2000) cho thấy những mối quan tâm của ông đối với thực tại thế giới và Ba-lan. Các kịch bản của Mrozek được dịch ra khoảng 12 thứ tiếng và được trình diễn thường xuyên ở Ba-lan và trên các sân khấu thế giới. Người ta rất chú ý tới vở Lịch sử nước cộng hòa nhân dân Ba-lan của Mrożek mà đạo diễn Jerzy Jarocki đã đưa lên sân khấu Ba-lan ở Wroclaw năm 1998.
 
Về truyện, cùng với tập Con voi, Mrożek đã viết tất cả là tám tập truyện ngắn và hai cuốn tiểu thuyết. Ngoài ra ông còn viết hai tập tùy bút (trong đó có Nhật ký ngày trở về) và là tác giả ba kịch bản cho điện ảnh.
 
Các bức hí hoạ của ông, từng làm say mê công chúng Ba-lan trong những năm 1950, nay (kể từ 1997) lại được tiếp tục xuất hiện trên tờ Gazeta Wyborcza, nhật báo lớn nhất của Ba-lan, cùng với những cột «phim» của ông...
 
(Diễm Châu biên soạn)

 

__________

 

NGƯỜI QUAN TRỌNG

 

 

Trong buổi tiếp tân, không có ai chú ý đến tôi. Chắc chắn là vị chủ nhà đã mở cửa cho tôi và đã nói với tôi câu nói dễ thương: “Có lẽ ông đây muốn bỏ áo khoác ra?” nhưng tôi có cảm tưởng là ông đang đợi một người nào khác. Khách khứa đến trước tôi bắt tay tôi và nói: “Rất vui sướng”, hay: “Hân hạnh”, nhưng sau đó họ trở lại ngay với những cuộc chuyện trò không bị gián đoạn của mình. Tại bàn ăn, bà chủ nhà hỏi tôi: “Có lẽ ông muốn thêm một chút xà lách?” nhưng tôi cho là không nên tìm kiếm một ý nghĩa sâu xa hơn cho lời đề nghị của bà. Sau bữa ăn, giữa bầu không khí thoải mái và sôi nổi, tôi quyết định đưa một cái gạt tàn đến cho một bà trong đám, nhưng có vẻ như bà này không hút thuốc lá. Thế là tôi bắt đầu kể mấy chuyện đùa, nhưng lúc ấy có một vị khách đến trễ xuất hiện, rõ ràng là quan trọng vì mọi người đều đứng cả dậy để đón ông và sau đó không ai yêu cầu tôi kể hết chuyện. Thế là tôi ngồi trong một góc phòng, hi vọng là tự ý tách mình ngồi riêng ra như thế sẽ làm cử tọa ai nấy tò mò và người ta sẽ đề nghị tôi ra ngồi chung với họ, nhưng chẳng có gì xảy ra hết. Rốt cuộc tôi quyết định sử dụng những phương cách lớn: rời bỏ cuộc họp mặt, hay ít ra, là để lộ ý định đó. Ông chủ nhà và bà chủ nhà không tìm cách giữ tôi lại khi tôi cho biết có mấy việc khẩn cấp buộc tôi phải từ giã họ sớm. Tất nhiên, ông chủ nhà bảo: “Tiếc thật”, nhưng ông không nói rõ ông đang nghĩ gì trong đầu, nghĩa là ông cũng rất có thể nghĩ: “Tiếc là ông ở chơi quá lâu.” Nhưng quả là bà chủ nhà tuyên bố: “Có thể một ngày nào đó mời ông ghé qua nhà”,[*] là câu cũng có thể có nghĩa: “ Có thể mời ông nhảy xuống một cái lỗ cống.” Cánh cửa lớn khép lại sau lưng tôi và tôi đã đứng trong cầu thang. Tôi cho họ một cơ may cuối cùng và tôi đứng đợi thêm nửa tiếng nữa trong cầu thang. Nhưng cánh cửa vẫn đóng, chẳng có ai ra mở cửa để gọi tôi trở lại. Tôi bước ra đường, và bước chậm rãi, phòng trường hợp họ có muốn bắt kịp tôi và khẩn khoản xin tôi ở lại với họ chăng, và tôi trở về nhà mình.

Hừng sáng, tiếng chuông ở cửa ra vào đánh thức tôi dậy. Tôi mở cửa. Ông chủ nhà, người mới mấy tiếng đồng hồ trước đã chào từ biệt tôi một cách rất dửng dưng, đang đứng ngay cửa. Ông ta có vẻ bối rối.

– Chúng tôi ai nấy đều rất lấy làm tiếc là ông đã bỏ về nhanh đến thế, ông bắt đầu nói ngay ở ngưỡng cửa.

– Có gì đâu, tôi trở lại ngay bây giờ, chỉ xin một lát thôi để mặc áo quần.

– Nhưng than ôi, khách khứa không còn đó nữa. Ông bỏ đi ngay từ đầu, có phải vậy không ạ?

– Tôi có lý do.

– Ồ, đúng thế! Chúng tôi ai nấy đều rất tò mò muốn biết vì sao ông bỏ đi.

– Tôi có việc cần giải quyết.

– Chắc chắn, chắc chắn rồi. Nhưng nó làm mọi người tò mò muốn biết, người ta không nói chuyện gì khác, chỉ nói về ông.

– Thật sao?

– Vâng, có người còn muốn đi tìm ông nhưng tôi bảo là để tôi lo cho. Dù sao, với tư cách là chủ nhà, tôi là người chịu trách nhiệm.

– Đúng vậy.

– Ông tán thành như thế tôi lấy làm vui lắm. Có ích gì mà phải làm to chuyện? Chúng ta sẽ giải quyết chuyện này giữa mình với nhau, giữa ông và tôi thôi, không cần ai làm chứng.

– Xin mời ông, tôi không phải là kẻ không biết tha thứ.

– Vậy thì ông hãy trả cái đồng hồ lại đi.

– Đồng hồ nào?

– Đừng có giả vờ nữa. Ông biết rõ hơn bất cứ ai là cái đồng hồ đeo tay của một trong những khách mời đã biến mất.

– Và ông nghĩ chính tôi đã đánh cắp nó?

– Thế thì còn ai khác, nếu không phải là ông? Mọi người đều nghĩ như thế, không phải chỉ mình tôi.

Tôi ôm siết ông ta trong tay mình, mặc dù ông kháng cự. Ông không muốn ăn mừng chuyện này với tôi và ông vừa bỏ đi vừa hăm dọa là sẽ báo cho cảnh sát. Cho dù vậy, tôi vẫn sung sướng. Xưa nay lúc nào tôi cũng biết mình là người quan trọng và rốt cuộc thì người ta cũng đã nhận ra như vậy.

 

_________________________

[*]Faire un saut [chez...]: có nghĩa ghé qua nhà...

 

-----------
“Người quan trọng” [chủ đề “Phức cảm”] dịch từ bản tiếng Pháp “Quelqu’un” của Jean-Yves Erhel, trong Slawomir Mrozek, Le petit Mrozek illustré, minh hoạ của Chaval (Paris: Les Editions Noir sur Blanc, 2005).
 
Le petit Mrozek illustré tập hợp những tiểu phẩm từ những năm 1960 đến 1990, được sắp xếp theo chủ đề, viết trong thời tác giả còn ở Ba Lan cũng như thời sống lưu đày, mang một giá trị bất di bất dịch, từng đưa Slawomir Mrozek đến gần Ionesco, Beckett và cả Durrenmatt trong cái nhìn của người đọc.
 

 

 

-------------

Đã đăng:

Hamlet  (truyện / tuỳ bút) 
... Vậy là tôi quyết định lấy cái sọ của anh chàng sát bên trái tôi; nhưng anh chàng này không đồng ý lắm, và cả hai chúng tôi ngã xuống huyệt. Trong lúc ấy, những anh chàng ở trên cũng bắt đầu choảng nhau bởi vì cái sọ của chúng tôi vẫn còn nằm trên sân khấu, có nghĩa tiếp tục tổng cộng có tám cái sọ, nhưng giờ đây là cho bảy diễn viên, mà mỗi anh lại muốn có tới hai sọ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Một ngày nọ tôi đi dạo chơi trong rừng, gió từ đâu thổi đến ngay chân tôi một mẩu giấy phủ đầy một nét viết bất thường, như thể ai đó đã viết chữ xuống giấy trong bóng tối hoặc, ít nữa, trong vùng tranh tối tranh sáng. Thì ra đây đúng là nhật ký của một kẻ lạc quan... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
A.— Như thế là ông quả quyết, rằng ông đập bể răng tôi và chọc lủng bụng tôi vì lợi ích của tôi? | B.— Phải. Phải có ai đó đập anh. Nếu như không phải ta thì cũng là một người khác đã làm chuyện ấy. Và anh biết là ai... Nhưng kẻ kia hẳn đã làm anh bị hư hại nhiều hơn. Không những hắn cũng đập bể răng anh và chọc lủng bụng anh, mà hắn còn đập nát cái xương quai xanh của anh, rút những đầu móng và móc mắt anh ra nữa. Thế nên thay vì thù ghét ta, lẽ ra anh phải cám ơn ta... [Bản dịch Diễm Châu]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021