thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chúng tôi nhớ cá

 

 

 

 

Chúng tôi đang sống trong một thời đại có những biến đổi rất nhanh về mọi mặt. Theo đó, những khái niệm và định nghĩa cũng vùn vụt thay đổi theo cho thích nghi với sự thay đổi của thời đại.

Có một số khái niệm và định nghĩa mới xuất hiện, và cũng có vô số khái niệm và định nghĩa cũ mất đi, mất vô tăm tích. Không những chúng biến mất trong đời sống thường ngày, mà còn biến mất trong những phương tiện lưu giữ mà ngày xưa con người vẫn nghĩ rằng có thể trường tồn vĩnh viễn như những viện bảo tàng hay những cuốn từ điển.

Ví dụ, ngày nay người ta không còn tìm được một thứ sinh vật gọi là ở đâu nữa, ngay cả trong các viện bảo tàng. Theo những thư tịch cổ như Wikipedia, thì vào đầu thế kỷ thứ 21, cá đã tuyệt chủng trên vùng đất này, và dần dần biến mất trong trí nhớ con người.

Thoạt đầu, nó biến mất trên mâm cơm, hay trong bể kính, hay trong sở thú, hay dưới ao hồ, hay ngoài sông rạch, hay biển. (À, biển và đảo và cao nguyên ... cũng là những thứ đã biến mất gần như cùng lúc với cá).

Cùng với sự biến mất của cá, những thứ liên quan đến nó cũng mất theo luôn.

Những danh từ như nước mắm, mắm, khô, mang, vẩy, vi, ngư phủ, tàu, thuyền...; những động từ như kho cá, chiên cá, muối cá, ướp cá, hóc xương cá, câu cá, đánh cá...; và cả những tính từ như tanh, ươn... cũng dần dần biến mất trong đời sống thường ngày và cả trong các cuốn từ điển.

Tuy vậy, không hiểu sao trong cổ họng của mỗi người sống ở vùng này, từ lúc sanh ra đời, đều có một vật thể có vẻ như vô hình nằm ở đó. Nói là có vẻ như vô hình vì người ta không cách nào chụp hình được, hay soi thấy được vật thể đó, dù đã sử dụng đến mọi thứ máy móc tối tân nhất. Nhưng mọi người đều ý thức được sự hiện hữu của nó. Cồm cộm, đâm xóc, nằm ngay trong cuống họng, đường thực quản.

Theo sự mô tả của các viện sĩ uyên bác thì tình trạng này giống với trường hợp bị hóc xương cá của tổ tiên chúng tôi ngày xưa, một chứng được gọi nôm na là chứng hóc xương cá di truyền thời bắc thuộc lần cuối. Đúng vậy, mỗi chúng tôi đều đang bị hóc một cái xương cá vô hình. Một thứ na ná như tội tổ tông trong Kinh Thánh.

Tình trạng này khiến chúng tôi gặp khó khăn trong việc phát âm một số từ, nhất là khi muốn nói những từ rất xưa có liên quan đến tên của vùng đất này. Chúng tôi muốn nói đến chữ Việt, chẳng hạn như Bách Việt, Đại Cồ Việt, Việt Nam, Nam Việt, Đất Việt... thì chúng tôi lại phát âm thành từ Bách Chệt, Đại Cồ Chệt, Chệt Nam, Nam Chệt, Đất Chệt...

Vì một nhu cầu hoài niệm vô ích và không nguyên cớ, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu để khôi phục lại khả năng phát âm đúng với nguyên trạng như nó — từ Việt — đã từng. Tuy rằng, nghĩ cho cùng, đó có thể chỉ là một hành động tuyệt vọng.

Chúng tôi đặt những cái răng cửa lên môi dưới, phát âm: vờ iii ê ê ttt — việtttt... vẫn rất khó khăn, so với việc phát âm từ chệt. Chỉ cần đặt lưỡi ở sau hàm răng trên rồi búng xuống là chệtttt được ngay.

Để giải toả ẩn ức này, chúng tôi khao khát được hóc xương cá, một cái xương cá thứ thiệt, bất kể loại cá gì: nục, ngừ, thu, đuối, chim, hường, bống... gì cũng được. Một lần trong đời. Nếu được hóc một cái xương cá thật như vậy một lần trong đời như tổ tiên chúng tôi đã từng được hóc xương — rồi lại đánh mất cái cơ hội được hóc xương đó — thì có lẽ số phận của chúng tôi sẽ thay đổi.

Chúng tôi nhớ cá, nhớ cá ghê gớm, những con cá chỉ còn hiện diện trong tiềm thức, của Việt-Chệt tộc.

 

Sg, 9/7/2009

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021