thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Có một ngày để chết

 

Có dạo tôi gặp T ở dọc đường. Trông anh ta rất tiều tụy, tôi đâm ra nghi ngờ:

“Dạo này chắc ăn chơi dữ quá sao trông xuống sắc vậy?”

T im lặng. Hồi lâu anh ta mới thổ lộ:

“Sao tao cứ thấy mình sắp chết đến nơi rồi.”

T lại im lặng. Và lúc sau anh ta ngắc ngứ hỏi tôi:

“Ngày nào mày sẽ chết?”

“Trời đất, sao mày lại trù ẻo cho tao chết?”

“Ừ, thì có ai không chết đâu. Vì tao thấy mình sắp chết nên nghĩ người khác chắc cũng vậy. Tao đang lo chẳng biết ngày nào mình sẽ tiêu đây...”

 

Rồi sau đó ít lâu, tôi gặp M ở một quán cà phê. Anh ta nhìn tôi chăm chú và nói:

“Mày biết ngày nào chưa?”

“Ngày nào là ngày gì?” Tôi thắc mắc hỏi lại.

“Là ngày mày sẽ chết đó.”

“Quái, thằng này bộ điên rồi hay sao?” Tôi nghĩ thầm.

 

Rồi một ngày kia tôi nhận được tin thằng Đ chết rồi. Đ là một gã khoẻ mạnh và vô tư. Cái gì đã làm cho hắn chết trẻ như thế. Tôi hơi hoang mang và nhớ lại lời của hai thằng T và M.

Hôm đi đưa tang thằng Đ, tôi gặp lũ bạn, trông thằng nào cũng im lìm và suy nhược. Sau buổi đó, chúng tôi gặp nhau tại một quán nhậu. Nhưng khác với bình thường, chẳng có thằng nào uống nổi một chai.

Chúng tôi cứ ngồi im lặng nhìn nhau. Cuối cùng tôi lên tiếng:

“Có cái gì tệ hại đang xảy ra phải không? Ai biết tin tức gì thì nói cho mọi người cùng biết với”

T lên tiếng:

“Sắp chết hết rồi, tao, mày, thằng M hay tất tần tật mấy thằng khác đều sắp tiêu rồi.”

“Mày nghe tin này từ đâu?” Tôi hỏi.

“Tao tự cảm giác thấy như vậy.” T trả lời

“Tao cũng có cảm giác như vậy.” M lên tiếng

Và tôi hiểu rằng, cái chết của thằng Đ là bằng chứng xác quyết mạnh mẽ cho cái cảm giác của hai thằng này. Thằng Đ tự dưng ngã lăn đùng ra chết, chẳng ai hiểu làm sao cả. Rồi cứ như vậy, đến một ngày nào đó, có lẽ tôi cũng sẽ lăn đùng ra mà chết. Nhưng đó là ngày nào?

“Tụi mày biết ngày của mình chưa?” Tôi hỏi

“Chưa.” Cả hai đồng thanh trả lời.

Trông gương mặt thất sắc của hai thằng, tôi đã hiểu ra lý do tại sao tụi nó trông tệ hại đến vậy.

 

Rồi từ hôm đó trở đi, tôi mất ngủ. Gương mặt tôi đã trở nên hốc hác và đen sạm. Tôi chẳng buồn ăn uống hay giải trí gì nữa.

Vài tuần sau, khi nhìn mình trong gương, tôi chỉ thấy một gã vượn người mới đến từ thời thượng cổ. Có lẽ tôi sẽ tiêu ma trước ngày mà tôi được hưởng dương. Nhưng đó là ngày nào? Câu hỏi này cứ hành hạ tôi suốt từng giây phút...

Một buổi chiều, khi tôi chưa kịp chết, T và M cùng đến. Vừa nhìn thấy tôi, cả hai đã hớn hở lên tiếng:

“Có cách rồi.”

T chìa ra một tờ giấy và giải thích:

“Mẫu đơn của uỷ ban Thành phố. Mày điền vào rồi đưa cho tay môi giới này là biết ngày của mình.”

Tôi mừng như bắt được vàng, vội đìền ngay và đem gởi. Chỉ có điều, gã cò mồi ăn quá đậm khiến tôi phải chạy vạy ngược xuôi mới đủ tiền đưa cho hắn. Nhưng không sao, việc này đáng giá như thế lắm...

Khi nhận tờ quyết định có ghi ngày của mình, tôi đem về in ngày vào một tờ giấy khổ lớn rồi dán lên ngay trước giường ngủ.

Tôi, T và M họp nhau lại để tính toán kế hoạch cho những ngày còn lại. Chúng tôi tính thật kỹ để bán gom hết tài sản rồi chia ra để xài.

Thằng M là rủng rẻng nhất, bởi nó còn ít ngày nhất.

Từ hôm đó, ngày nào đối với chúng tôi cũng như ngày cuối cùng của tử tù. Chúng tôi ra sức ăn chơi mọi cái có thể. Và quả thực, trên đời này có thứ gì sung sướng bằng việc chơi bời hết cỡ mà chẳng lo lắng gì cho tương lai? Mà phải lo lắng gì chứ, khi bạn đã biết cái đích kết thúc rõ ràng cho nó rồi...

 

Và ngày cuối cùng của M đã tới.

Hôm đó, từ sáng sớm, chúng tôi đã đến chỗ nó. M đã lên kế hoạch chi li cho ngày hôm đó vì hắn không muốn bỏ phí bất kỳ một giây nào trong cái ngày trọng đại ấy.

Buổi sáng dĩ nhiên là ăn sáng và uống cà phê. Nhưng M đã bày ra đầy nhà đồ ăn thức uống. M để bia rượu ở khắp mọi nơi, kể cả trong toa lét. Và từ sáng sớm, M đã rước về mấy cô ả ăn mặt hở hang mặt đầy son phấn.

“Hắn muốn hốt cú chót đây.” Tôi cười thầm.

Dĩ nhiên hôm đó chúng tôi chẳng còn biết trời trăng mây gió gì nữa. Hình như bọn tôi đã lăn lộn trên đống đồ ăn cùng bọn gái điếm đến suốt ngày suốt đêm...

Sau hôm ấy, M chết.

Chúng tôi đón nhận tin đó rất bình thường. Chẳng có ai đau buồn và chẳng giọt nước mắt nào được nhỏ xuống. Chúng tôi còn đùa giỡn thoải mái trong suôt buổi đưa tang...

 

Đến bây giờ tôi chỉ còn nhớ mang máng “ngày cuối cùng” của T. Hình như anh ta sáng tạo ra nhiều thứ hơn là của M. Chúng tôi cũng được ăn nhậu thả giàn và còn thưởng thức múa lửa khoả thân...

Nhưng sau cái hôm đưa đám thằng T trở về, cảm giác của tôi thật tệ. Hình như trong lòng tôi trống rỗng như một đám ruộng mùa khô hạn. Một kẻ như tôi, được ra đi sau cùng, có cái lợi là được thưởng thức hết những bữa tiệc cuối, nhưng cũng bị đè nặng bởi những cảm giác cô đơn. Từ hôm đó, tôi lại rơi vào tình trạng chán nản lạ lùng. Tôi chẳng còn thiết gì đến ăn nhậu và cũng chẳng để ý gì cái ngày cuối cùng đang đến gần. Tóc tai tôi lại dài và rối bù, người tôi ốm o hốc hác... Tôi đã trở lại như một gã vượn người.

 

Chỉ còn vài tuần nữa là đến ngày tôi chết, thì gã cò mồi lại đến. Gã hỏi tôi có nghe tin tức gì chưa. Tôi nói sắp chết rồi còn nghe để làm gì. Gã nổi lên cười và nói:

“Có tin tốt đây. Quốc hội vừa thông qua luật mới. Sẽ cho phép gia hạn giấy phép... sống, mỗi lần thêm năm năm. Cứ đóng tiền lệ phí đầy đủ là sống khoẻ. Từ nay khỏi phải lo nhé.”

 

Và bạn biết đấy, cho đến bây giờ, dù đã rất xa cái ngày mà tôi đưa tiễn T lên đường, nhưng tôi vẫn còn sống. Cứ mỗi năm năm tôi lại phải lo chạy vạy đủ tiền để đi gia hạn giấy phép.

Bây giờ tôi chẳng còn buồn hay vui, chẳng bận tâm đến việc gì. Thỉnh thoảng tôi cũng nhớ lại những ngày ăn chơi huy hoàng cùng hai thằng bạn quá cố mà có phần tiếc nuối. Tính ra, có lẽ bọn nó đã hạnh phúc hơn tôi nhiều...

 
 
---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021