thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Núi lửa Vésuve
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

 

SŁAWOMIR MROŻEK

(1930~)

 
Sławomir Mrożek, tác giả tập truyện ngắn Con voi, là một người viết truyện, một kịch tác gia và một nhà hí hoạ. Ba tính cách này của ông được nối kết lại bằng nét hài hước hoặc trào lộng mà đối tượng là những chuyện rởm đời, «phi lý» dưới mọi vùng khí hậu, nhất là ở Ba-lan. Ông sinh ở Borzecin, gần Cracovie, Ba-lan, năm 1930. Ông rời Ba-lan năm 1963, trước tiên qua Ý, rồi qua Pháp nơi ông đã lưu lại từ 1968 đến 1989 trước khi (cùng với bà vợ người Mễ) qua sống bảy năm ở Mễ-tây-cơ. Ông dứt khoát trở lại Ba-lan năm 1996 và từ đấy sống ở quê hương ông.
 
Về kịch, con số kịch bản của Mrożek lên tới ngót bốn mươi vở! Vở kịch nổi tiếng nhất của ông trước khi ông ra nước ngoài, là Cảnh sát (hoặc Công an, 1958). Thời gian ông lưu lạc, một số vở thường được nhắc tới: Tango (1964), Các di dân (1974), Ông đại sứ (1982). Đặc biệt, trong những năm 1990, ba vở mới của Mrożek: Yêu ở Crimée (1993), Cảnh đẹp«Các Đấng» (2000) cho thấy những mối quan tâm của ông đối với thực tại thế giới và Ba-lan. Các kịch bản của Mrozek được dịch ra khoảng 12 thứ tiếng và được trình diễn thường xuyên ở Ba-lan và trên các sân khấu thế giới. Người ta rất chú ý tới vở Lịch sử nước cộng hòa nhân dân Ba-lan của Mrożek mà đạo diễn Jerzy Jarocki đã đưa lên sân khấu Ba-lan ở Wroclaw năm 1998.
 
Về truyện, cùng với tập Con voi, Mrożek đã viết tất cả là tám tập truyện ngắn và hai cuốn tiểu thuyết. Ngoài ra ông còn viết hai tập tùy bút (trong đó có Nhật ký ngày trở về) và là tác giả ba kịch bản cho điện ảnh.
 
Các bức hí hoạ của ông, từng làm say mê công chúng Ba-lan trong những năm 1950, nay (kể từ 1997) lại được tiếp tục xuất hiện trên tờ Gazeta Wyborcza, nhật báo lớn nhất của Ba-lan, cùng với những cột «phim» của ông...
 
(Diễm Châu biên soạn)

 

__________

 

NÚI LỬA VÉSUVE [*]

 

Chúng tôi cẩn thận phủi đi lớp tro than mỏng của núi lửa phủ lên một vật. Chúng tôi nhận ra hình thể một đầu người mang kính. Nhờ những đặc điểm của đất núi lửa, cái đầu còn được giữ nguyên vẹn, như một vật đổ khuôn bằng thạch cao.

“Chắc chắn là một người Nhật,” vị giáo sư, là nhà khảo cổ lỗi lạc nhất của thế kỷ XXXXVI, nhận định.

Chúng tôi lau chùi ông trước đây là người Nhật đến tận thắt lưng. Trong hai bàn tay đã hoá đá của ông, ông cầm một cái máy chụp hình đã hoá đá.

“Đúng như vậy,” vị giáo sư tuyên bố. “Triều đại Nikon, kiểu tự động laser, cuối thế kỷ XXXI.”

Một mét rưỡi dưới ông người Nhật, chúng tôi tìm thấy một người đàn ông đã hoá đá, mặc một cái quần ngắn, ông cũng cầm trong tay một máy chụp hình.

“Asaï, nửa đầu thế kỷ XXVII.”

“Vậy ổng cũng là người Nhật?”

“Không, máy chụp hình là của Nhật, nhưng người thì không. Đây là một người châu Âu, quanh vùng Bavière.”

Ba mét sâu hơn, chúng tôi bỗng ngạc nhiên. Nguyên một cái xe ca hai tầng, với phòng vệ sinh hoá học. Khoảng sáu mươi nguyên mẫu ngồi và chụp hình qua cửa sổ xe với những máy chụp hình của Nhật. Chiếc xe ca, hành khách, máy chụp hình, mọi thứ đều đã hoá đá. Vị giáo sư vui mừng xoa hai tay.

“Cái khám phá lớn nhất mà tôi được biết về cuối kỷ nguyên những người Democratos. Chứng cứ không thể bác bỏ được của giả thuyết cho rằng ở phía bắc, dưới lớp mưa bụi công nghiệp xuất phát từ đông Âu, ngày xưa đã từng hiện hữu một nền văn minh có tên gọi là Bắc Âu.”[**]

“Làm sao ông biết được chuyện này?”

“Đơn giản thôi. Chiếc xe ca mang biển đăng ký ở Stockholm.”

Bên duới những du khách, chúng tôi tìm thấy một người mà vị giáo sư nhận diện là người ở Detroit, Michigan, Hoa Kỳ, cuối thế kỷ XX. Ông đi đến kết luận này bằng phương pháp suy diễn. Quả vậy, thành quả của việc khai quật không thể được nhận diện như một cái gì khác; vậy thì nó phải là cái này nếu nó không phải là cái khác. Hơn thế, có những dấu vết mang nợ trên những đường nhăn trước trán.

Ông người Mỹ cầm trên hai tay một cái máy chụp hình Nhật Bản.

“Ở đây, còn có thêm một bàn tay khác nữa,” tôi lưu ý.

“Ở đâu vậy?”

“Trong túi quần sau.”

Chúng tôi phủi hết tro than. Bàn tay là của một thanh niên thuộc típ người vùng Địa trung hải, chính hắn ta cũng đã hoá đá.

“Tiêu biểu nền văn hoá phương nam,” vị giáo sư khẳng định. “Hình dáng phồng lên của cái túi chỉ cho thấy nó đựng một cái ví. Tất cả những yếu tố ấy đều chứng tỏ là thảm hoạ xảy đến rất đột ngột. Các người nghĩ sao về chuyện này?”

“Tôi nghĩ họ đã bị chôn vùi.”

“Đúng vậy; vào những thời điểm tương ứng với những trận núi lửa nối tiếp nhau phun trào ở Vésuve. Trước tiên là một ông người Mỹ, ngay khoảng cuối thế kỷ XX. Tiếp theo là những người khác, nối tiếp nhau; rốt cuộc, thảm hoạ sau cùng đã xảy ra cách đây một ngàn năm trăm năm.”

“Nhưng bên dưới ông người Mỹ là cái gì?”

“Là Pompéi. Một thành phố thời Cổ đại La mã thế kỷ thứ V trước Thiên Chúa, từng bị tàn phá bởi một trận núi lửa phun trào xảy ra vào thế kỷ đầu tiên thời đại chúng ta. Được khám phá ra hồi thế kỷ XVII, thành phố trở thành một điểm du lịch hấp dẫn ở thế kỷ XIX. Ông du khách Mỹ bấy giờ đang chụp hình thành phố Pompéi vào cuối thế kỷ XX thì Vésuve lại một lần nữa phun lửa và đã chôn vùi ông ta. Nhiều thế kỷ trôi qua và những cuộc khai quật đã cho phép phát hiện ra ông người Mỹ, đến lượt chính ông ta cũng trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Thế rồi, những người từng chụp hình ông sau đó, chính họ cũng đã bị chôn vùi. Người ta đã phát hiện ra những người này một thời gian sau, và bấy giờ những du khách khác cũng chụp hình những người nói trên. Nhưng đến lượt họ họ cũng bị chôn vùi. Một trong những du khách bị chôn vùi lần sau cùng chính thị là ông người Nhật kia. Vésuve từ mười lăm thế kỷ nay chưa hề phun lửa. Nhưng này anh bạn anh làm gì thế kia?”

“Tôi chụp hình. Chưa có ai chụp hình cảnh hấp dẫn này. Tôi sẽ là người đầu tiên!”

Nhưng vị giáo sư chưa kịp giật cái máy chụp hình khỏi tay tôi, thì núi Vésuve đã để tuôn ra làn khói đầu tiên của nó.

 

_________________________

[*]Núi Vésuve [monte Vesuvio] là một núi lửa ở Ý, cao 1281 mét, tiếp giáp vịnh Naples, phía đông thành phố, là nơi các thành phố Pompéi, Herculanum, Oplontis và Stabies từng bị hủy hoại và chôn vùi dưới một lớp mưa tro than và bùn. Từ 1995 Vésuve được xếp là vườn quốc gia.

 
 

[**]Scandinave.

 

 

-----------
“Núi lửa Vésuve” dịch từ bản tiếng Pháp “Vésuve” của André Kozimor, trong Slawomir Mrozek, Le petit Mrozek illustré, minh hoạ của Chaval (Paris: Les Editions Noir sur Blanc, 2005).
 
Le petit Mrozek illustré tập hợp những tiểu phẩm từ những năm 1960 đến 1990, được sắp xếp theo chủ đề, viết trong thời tác giả còn ở Ba Lan cũng như thời sống lưu đày, mang một giá trị bất di bất dịch, từng đưa Slawomir Mrozek đến gần Ionesco, Beckett và cả Durrenmatt trong cái nhìn của người đọc.
 

 

 

-------------

Đã đăng:

Cách mạng  (truyện / tuỳ bút) 
... Cần phải dứt khoát thay đổi, phải lấy một quyết định cơ bản. Nếu như trong khuôn khổ đã được ấn định trên mà ta không thể thực sự thay đổi được gì, thì cái quan trọng là phải thoát ra khỏi khuôn khổ ấy. Ngay khi đi ngược công thức cho thấy là chưa đủ, ngay khi tiền vệ cũng không đem lại kết quả nào, thì cần phải thực hiện một cuộc cách mạng. Tôi quyết định ngủ trong tủ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Một ông Nobel  (truyện / tuỳ bút) 
Một nhà thơ nọ, người đoạt giải Nobel, đến thăm chúng tôi để giao lưu với công chúng. Đây là một vinh hạnh lớn, bởi lẽ nhà thơ thì lớn, mà thị trấn chúng tôi thì nhỏ. Vậy là có rất nhiều bài diễn văn, với ban nhạc để chào đón ông và một bữa tiệc trong căn phòng trang trí đầy hoa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Người quan trọng  (truyện / tuỳ bút) 
Trong buổi tiếp tân, không có ai chú ý đến tôi. Chắc chắn là vị chủ nhà đã mở cửa cho tôi và đã nói với tôi câu nói dễ thương: “Có lẽ ông đây muốn bỏ áo khoác ra?” nhưng tôi có cảm tưởng là ông đang đợi một người nào khác. Khách khứa đến trước tôi bắt tay tôi và nói: “Rất vui sướng”, hay: “Hân hạnh”, nhưng sau đó họ trở lại ngay với những cuộc chuyện trò không bị gián đoạn của mình... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Hamlet  (truyện / tuỳ bút) 
... Vậy là tôi quyết định lấy cái sọ của anh chàng sát bên trái tôi; nhưng anh chàng này không đồng ý lắm, và cả hai chúng tôi ngã xuống huyệt. Trong lúc ấy, những anh chàng ở trên cũng bắt đầu choảng nhau bởi vì cái sọ của chúng tôi vẫn còn nằm trên sân khấu, có nghĩa tiếp tục tổng cộng có tám cái sọ, nhưng giờ đây là cho bảy diễn viên, mà mỗi anh lại muốn có tới hai sọ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Một ngày nọ tôi đi dạo chơi trong rừng, gió từ đâu thổi đến ngay chân tôi một mẩu giấy phủ đầy một nét viết bất thường, như thể ai đó đã viết chữ xuống giấy trong bóng tối hoặc, ít nữa, trong vùng tranh tối tranh sáng. Thì ra đây đúng là nhật ký của một kẻ lạc quan... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
A.— Như thế là ông quả quyết, rằng ông đập bể răng tôi và chọc lủng bụng tôi vì lợi ích của tôi? | B.— Phải. Phải có ai đó đập anh. Nếu như không phải ta thì cũng là một người khác đã làm chuyện ấy. Và anh biết là ai... Nhưng kẻ kia hẳn đã làm anh bị hư hại nhiều hơn. Không những hắn cũng đập bể răng anh và chọc lủng bụng anh, mà hắn còn đập nát cái xương quai xanh của anh, rút những đầu móng và móc mắt anh ra nữa. Thế nên thay vì thù ghét ta, lẽ ra anh phải cám ơn ta... [Bản dịch Diễm Châu]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021