thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Về SẮC LUẬT CẤM VIẾT

 

[Đây là văn bản cuối cùng được chính quyền công bố để giải thích SẮC LUẬT CẤM VIẾT. Tôi chỉ dám chép nhanh lại để học thuộc lòng. Ngay sau khi chép lại xong và cấp tốc ghi nhớ văn bản này, tôi sẽ không dám viết một chữ nào nữa. Kính xin chính quyền thông cảm và tha thứ cho hành động hoàn toàn với thiện ý này của tôi. Trân trọng cảm tạ.]

 

____________

 

 

Sắc luật cấm viết được ban hành kể từ khi chính quyền phát hiện rằng ngòi bút thì mạnh hơn mọi vũ khí. Đó là một sự phát hiện hoàn toàn chính xác trên cơ sở khoa học và tuyệt đối cần thiết để duy trì an ninh quốc gia. Các nhà khoa học ưu tú của đất nước đã nhất trí rằng viết là một hành động khủng bố nguy hiểm hơn bất kỳ loại vũ khí nào vì nó có thể làm lay chuyển và sụp đổ cả một thượng tầng kiến trúc của guồng máy nhà nước.

Xét trên lý thuyết, viết là một hành động qua đó người viết sử dụng các chữ nhằm vào những mục tiêu cụ thể, cũng giống như người bắn súng sử dụng đạn để bắn. Nếu khẩu súng không có đạn thì không nguy hiểm, và điều này tương đương với hành động viết mà không có chữ. Nếu khẩu súng được lắp đạn không có đầu đạn thì chỉ gây ra tiếng nổ nhưng không gây thương tích, và điều này tương đương với hành động viết ra những chữ vô hại.

Tuy nhiên, trong thực tế, viết không có chữ là một điều phi lý, nhưng công việc xác định những chữ nào vô hại trong sự viết là một công việc cực kỳ khó khăn. Lý do là mỗi chữ có thể mang nhiều nghĩa, và người ta có thể sử dụng những chữ xem ra rất vô hại, thậm chí rất tốt đẹp, nhưng lại nhằm tạo ra những ý nghĩa rất nguy hiểm. Ví dụ: chữ Dân Chủ. Chữ này mang ý nghĩa vô cùng tốt đẹp và được chính thức sử dụng trong hiến pháp của nhà nước. Tuy nhiên, khi nó được sử dụng bởi những kẻ khủng bố, nó có thể huỷ diệt toàn bộ giá trị của chính bản hiến pháp ấy.

Trong những phiên họp của Quốc Hội trước khi SẮC LUẬT CẤM VIẾT được ban hành, có những đại biểu kém hiểu biết đã đề nghị chính quyền cho phép công dân sử dụng những chữ mà họ xem là “tuyệt đối vô hại”, chỉ để diễn tả và thông tri về những sinh hoạt hàng ngày của con người, chẳng hạn những chữ chỉ thức ăn như: “cơm”, “nước mắm”, “phở”, “hủ tiếu”, “gà”, “heo”, “xoài”, “ổi”...; những chữ chỉ vật dụng như: “áo”, “quần”, “giày”, “dép”...; những chữ chỉ hành động như: “ăn”, “ngủ”, “đi”, “đứng”...; những chữ chỉ các bộ phận cơ thể như: “miệng”, “mắt”, “tay”, “chân”...; những chữ chỉ các hiện tượng thiên nhiên như: “mưa”, “nước”, “biển”, “sông”, vân vân.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của chính quyền, các nhà khoa học về ngôn ngữ đã khẳng định rằng ngay cả những chữ ấy cũng không phải là “tuyệt đối vô hại” như nhiều người vẫn lầm tưởng. Ví dụ: những chữ “răng”, “môi”, “hở” và “lạnh”, khi được ghép thành câu “môi hở răng lạnh”; hay những chữ “sông”, “núi”, “liền”, khi được ghép thành câu “núi liền núi, sông liền sông”, thì rõ ràng trở thành một thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm có khả năng tàn phá uy tín quốc gia. Đó là chưa nói đến vô số những trường hợp khủng bố nguy hiểm hơn nữa.

Tất nhiên việc ban hành SẮC LUẬT CẤM VIẾT có thể sẽ gây ra một số khó khăn nhất định ở bước đầu trong việc thông tri và liên lạc, nhưng vì công dân vẫn được phép nói, nên những sự khó khăn ấy sẽ nhanh chóng được khắc phục. Các nhà khoa học ưu tú khẳng định rằng con người tiền sử đã sống hàng trăm ngàn năm độc lập, tự do và hạnh phúc mà không hề viết chữ. Văn tự chỉ xuất hiện cách đây chừng vài ngàn năm. Mức độ thông minh và khéo léo của nhân dân ta hôm nay hiển nhiên vượt quá xa con người tiền sử, do đó đất nước ta nhất định sẽ tồn tại một cách độc lập hơn, tự do hơn và hạnh phúc hơn con người tiền sử.

SẮC LUẬT CẤM VIẾT được ban hành sẽ mang đến những điều tốt đẹp vô cùng to lớn mà ngay cả các nhà khoa học ưu tú nhất cũng không thể lường trước được. Trước mắt, thành quả cụ thể và hiển nhiên nhất là sự đóng góp vĩ đại trong việc bảo vệ môi sinh: khi tất cả các nhà xuất bản đều ngưng hoạt động, mức độ tiêu thụ giấy sẽ lập tức giảm xuống, và rừng cây sẽ lập tức được hồi phục và phát triển.

Chính quyền tin tưởng rằng mọi công dân sẽ nhanh chóng nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của SẮC LUẬT CẤM VIẾT và tuyệt đối tuân hành. Những công dân cố tình hoặc vô ý thức vi phạm sắc luật này sẽ bị truy tố và xử lý ở mức độ nghiêm trọng nhất.

Trong tương lai gần, với sự góp sức của các nhà khoa học ưu tú nhất dưới sự chỉ đạo sáng suốt của chính quyền, đất nước ta sẽ tiến đến giai đoạn thực hiện một cuộc sinh tồn đạt đến mức độ tối cao của văn minh và an ninh — một cuộc sinh tồn hoàn hảo của một cộng đồng người không cần nói. Để thúc đẩy công cuộc vĩ đại đó, chính quyền sẽ từng bước ban hành những điều khoản luật pháp về vấn đề hạn chế nói, đồng thời với công tác tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng và ý nghĩa của cuộc sinh tồn không cần nói. Khi đại đa số công dân đã nhận thức được vấn đề, thì chính quyền sẽ ban hành SẮC LUẬT CẤM NÓI. Đó sẽ là sắc luật mang tính cách mạng toàn triệt và tối hậu của một đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc vĩnh viễn.

 

30.4.2009

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021