thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tái sinh

 

Bí mật của N.

Có một nốt ruồi rất to ở giữa hậu môn và cửa mình. N chỉ biết mình có nốt ruồi này qua V. V bảo dường như cả phần dưới của em tỏa sáng. Đó là lần đầu tiên V tụt quần N. Đôi khi, N cũng nằm dạng chân soi gương để nhìn ngắm và tìm lời giải đáp cho điềm báo của nốt ruồi kín ấy. Các thày bói đều bảo đó là con mắt nhìn vào bên trong và dấu chỉ của nó là sự sáng suốt. Ai sở hữu được nốt ruồi đó sẽ không bao giờ hành động sai lầm. Bởi thế, người đó muốn giàu sẽ giàu, muốn hạnh phúc sẽ có hạnh phúc. Nhưng theo một quyển sách nói về ý nghĩa các nốt ruồi thường được bán dạo ở các bến xe và quán cà phê vỉa hè, nốt ruồi nằm ở vị trí đặc biệt như thế nếu là màu đỏ thì sẽ được giao hợp với các bậc khanh tướng, còn nếu màu đen, chỉ là dấu hiệu của người sẽ mắc bệnh hoa liễu. Nốt ruồi của N màu đỏ hồng. V không phải khanh tướng. Chồng cũ của N cũng không phải vương tôn quí tộc. N bảo, nếu theo sách, em vẫn còn cơ hội lấy một thằng chồng bảnh. V cười bảo, em là một nhân vật văn chương, cơ hội lớn nhất của em là gặp một nhà phê bình văn học. N nói, em thích bọn bợm nhậu tán tỉnh em hơn, tuy khả ố và phù phiếm, nhưng ly kỳ phong phú. Phê bình ứng tác trên đỉnh của sự ngất ngưởng, chỉ có bọn bợm nhậu là thiên tài đích thực. V bảo, cũng là bọn a dua thôi. N cãi, anh tưởng bọn phê bình không a dua chắc? Ngay cả em, anh cũng tạo ra em theo một thói quen. V bảo, những nhân vật của anh không có căn cước, không là ai, nhưng là tất cả. N nói, không phải, ngay sau khi em được sinh ra, em đã có một cuộc đời riêng. Nó không còn lệ thuộc vào anh, mà tùy thuộc vào bọn bợm nhậu tung hứng em như thế nào. V cười buồn, chưa bao giờ em coi anh là người yêu của em. N bảo, nhưng anh lúc nào cũng là người quan trọng nhất đối với em.

Bàn tay của N chỉ có hai đường chỉ tạo thành hình chữ V. Một đường tâm đạo chạy ngang bàn tay và một đường mạng đạo chạy xéo xuống. Không có đường trí đạo. Có lẽ vì thế N là một cô gái sống theo tình cảm và rất bộc trực. Tay N lúc nào cũng thơm. V thường mút ngón tay N mỗi khi họ ngồi riêng với nhau. Tuy thế, ngón tay N không dài thêm hay teo tóp lại, nhưng những vân tay thì không còn. N nói, không có vân tay em cũng mất luôn lý lịch.

 

Những người muốn thay đổi số phận

V nói em không có lý lịch cũng có nghĩa là anh mất căn cước, bởi em được tạo ra từ anh. N bảo em muốn thấy anh khác đi.

Làm thế nào có thể khác đi khi mỗi người sinh ra đã có một số phận? N bảo thì cứ tái sinh và tự chọn cho mình ngày ra đời. Đó là điều không tưởng, V nói. Nhưng N bảo không có điều gì không tưởng khi nó đã là một ý nghĩ. V ôm ngang mông N nói, nếu có thể được tái sinh, anh ước được nằm trong bụng em. N bảo anh thử vẽ cái đó xem. V nói, ừ cũng hay. Rồi V lấy giấy bút vẽ một cái bụng bầu, trong tử cung, anh nằm vắt vẻo trên võng hút thuốc. N bảo, hút thuốc không tái sinh được đâu. V lại vẽ một cái hình khác, miệng ngậm vòi sữa. V nói, hình như hoài niệm là một tâm trạng khôn khuây của con người về cội nguồn. Có lẽ đó là điều kỳ lạ nhất của muôn loài, N bảo, em cũng thế. Và em đã không thể bỏ anh đi. Anh là thói quen là bản thể của em.

Mỗi ngày, bản vẽ của V nằm trong tử cung của N càng nhiều chi tiết hơn. V nghĩ, cần biến ý tưởng này thành hiện thực. Và anh đã mất hơn sáu tháng để làm mô hình một phụ nữ mang thai trong tư thế ngồi một chân co, một chân duỗi, dáng thoải mái, bằng đủ loại chất liệu từ xi măng cốt sắt đến thạch cao. Giữa háng hở ra một khe cửa đủ lớn để một người có thể đi ra đi vào.

Trước ngày “nhập thất”, V nói với N, anh sẽ vào trong đó sống đủ chín tháng mười ngày, em kiếm một ông thày tử vi, chọn cho anh ngày tháng khai sinh sao cho tốt nhất. N hỏi, thế nào là tốt nhất? Giống Hồ Chí Minh hay Nguyễn Du? V bối rối một chút rồi nói, anh chỉ muốn khác đi thôi. Thế thì anh có thể ra bất cứ lúc nào anh muốn, hoặc không bao giờ ra nữa.

Vốn là người có nhiều kinh nghiệm kinh doanh, N bảo, thật ra anh không cần vào trong đó lâu thế, mà anh biến nó thành một quán cà phê hay một tịnh thất cho thuê, số phận của anh sẽ thay đổi.

V nghĩ, khai thác cái ngu dốt và mù quáng của con người để kiếm tiền cũng vui. Và V đã làm như thế.

Quán cà phê Tử Cung của V được quảng cáo như sau: “Vào Tử Cung để được sinh ra lần nữa”. Quán đắt khách đến nỗi ai muốn vào trong đó phải đăng ký trước cả năm và chỉ được đi một mình.

Tất cả những ai đã từng uống nước trong quán tử cung đều công nhận rằng, dù muốn thay đổi số phận hay không, cũng cảm thấy như được tái sinh.

 

Bí mật của sự tái sinh

Bí mật một: Khách vào quán Tử Cung không được mặc quần áo.

Bí mật hai: Quán không có người phục vụ.

Bí mật ba: Không được nói chuyện với người khác, cũng có nghĩa là tuyệt đối giữ im lặng.

Quán không có âm nhạc, tuy nhiên thỉnh thoảng có tiếng khóc và tiếng cười.

Bí mật bốn: Chỉ có một thứ nước uống duy nhất là sữa và được uống tùy thích qua một bầu vú.

Bí mật năm: Không gian tràn ngập mùi nước ối.

Bí mật sáu: Về lý thuyết, thời gian tối thiểu phải ngồi trong quán là một ngày, tối đa là 9 tháng 10 ngày. Tuy nhiên trong thực tế, chưa có ai ngồi trong đó hơn một tuần lễ.

 

Kinh nghiệm của tôi

Tôi đã chờ đợi đúng một năm, sau tuần nghỉ phép năm Mậu Tí để được vào quán Tử Cung. Thật ra, cuộc đời tôi chẳng có gì đáng phàn nàn đến nỗi cần phải thay đổi số phận. Tôi cũng không mong được tái sinh để sống thêm một cuộc đời nữa. Mặc dù giá cả để vào Tử Cung đắt hơn một khách sạn hạng nhất, nhưng tôi vẫn quyết định vào sống trong đó ba ngày, như ba ngày của Chúa trong cõi âm ti, nhằm xóa sạch quá khứ. Tất nhiên, đó chỉ là một ý tưởng. Tôi không thể tự bôi xóa ký ức. Cũng không có một ánh sáng chân lý nào lóe lên trong ba ngày trở về cái nơi là biểu tượng của cội nguồn đó. Không tính toán, nhưng thời điểm tôi bước ra khỏi quán Tử Cung đúng vào ngày thứ hai của năm Kỷ Sửu, trùng với ngày tháng năm sinh thật của tôi. Tuy nhiên không phải vì thế mà tôi chẳng có gì thay đổi. Không biết từ lúc nào, một vài chi tiết trên thân thể của tôi khác đi. Thí dụ, tóc bỗng nhiên xoăn tít lại, lông mày dậm hơn, da đen hơn và những ngón tay dài ra. Một vài người quen bảo tôi, “ông đẹp giai hơn trước”. Đặc biệt, tôi trở nên dễ tính hơn. Cũng có nghĩa là hòa bình an lạc hơn. Tôi còn có thể quảng cáo nhiều hơn cho quán Tử Cung, nếu như tôi được trả tiền. Nói cho công bằng, tôi cho rằng việc mình bỏ ra ít tiền vào quán Tử Cung nằm võng ba ngày hoàn toàn xứng đáng.

 

Tôi đã thấy đấng hằng sống

Đó là người gác cửa quán Tử Cung. Năm tôi gặp, anh 33 tuổi. Có lẽ anh ta sẽ mãi mãi 33 tuổi. Tôi tin thế vì anh ta sống ngay cửa quán Tử Cung, hằng ngày hít thở mùi và dưỡng chất tinh tuyền của khí thượng thanh. Gương mặt phương phi và ngây ngất, không nói một lời, nhưng nhìn vào cử chỉ và đôi mắt chia sẻ, tôi hiểu được cách hướng dẫn của anh ta. Chỉ đến khi tôi thực sự thư thái trên võng, anh ta mới rút lui.

Đó là một cái vòm với khoảng 10 cái võng ở những độ cao khác nhau. Mỗi lần muốn uống, bạn chỉ cần ấn vào cái nút thiết kế sát bên vách, một bầu vú to vừa bàn tay bóp sẽ hiện ra cho bạn bú. Sữa tràn trề không giới hạn.

Một cảm giác quen thuộc và an toàn làm cho hệ thần kinh của tôi trùng xuống cùng lúc với một cơn buồn ngủ không cưỡng được. Một ký ức trắng giống như một màn sương tràn qua đầu làm cho thực tại trở nên chênh vênh. Nhưng chính lúc đó tôi lại nhận thức được cái mùi nước ối nồng ấm bảo bọc. Và có điều gì đó giống như sự hân hoan tuôn chảy vào tâm hồn, nó làm khơi dậy niềm thiết tha với cuộc sống. Không thánh thiện cũng không vô tư, tôi hiểu đó là nguyên ủy của tình yêu. Khi cảm nhận được như thế, tôi liền bị hối thúc phải bước ra. Và tôi đứng dậy đi ra.

Khi người gác cửa đưa hóa đơn tính tiền, tôi mới biết mình đã nằm trong Tử Cung 3 ngày. Tôi lại quan sát anh ta. Và tôi cảm thấy anh ta hạnh phúc.

Tôi hỏi: “Lương khá không?”

Anh ta nói, “Đó không phải là vấn đề.” Tôi bảo, thật ra, tôi chỉ muốn biết làm thế nào mà trông anh ta hạnh phúc đến vậy?

“Vì tôi đã sống thường xuyên ở đây,” anh ta nói.

Tôi tự nghĩ, nếu như lại một lần nữa, tôi vào trong Tử Cung và nằm đủ 9 tháng 10 ngày như một bào thai thì điều gì sẽ xảy ra?

Người gác cửa Tử Cung hình như đoán được ý nghĩ của tôi. Anh ta nói, “Vấn đề là anh có sẵn sàng cho một thay đổi chưa?”

Quả thật, đó là một “vấn đề”. Chắc gì tôi đã dám từ bỏ tất cả những gì đang có để bắt đầu một cuộc sống khác.

 

N đi chùa

N nói với V, anh nên bỏ quán ít ngày lên chùa với em. V bảo, anh cảm thấy mình đủ bình an rồi, chẳng lên chùa làm gì cho rối. Nhưng N nói, không phải lên chùa để tìm an lạc đâu, em muốn cho anh thấy người ta đang cướp một ngôi chùa như thế nào. Anh nên coi đó như một kinh nghiệm làm giàu. V bảo, cũng hay.

Bát Nhã Tự nằm trên một ngọn đồi bao la được bao bọc bởi những cây thông cao vút. Đó là ngôi chùa duy nhất do tư nhân dựng nên và không thuộc một giáo hội nào trong hệ thống cho phép hoạt động tôn giáo của chính quyền.

Tư nhân này là một Việt kiều hồi hương. Đang thành công rực rỡ trong lãnh vực kinh doanh tại Mỹ, bỗng nhiên ông ta bỏ về Việt Nam, dốc toàn bộ vốn liếng vào việc mua đất xây chùa, qua trung gian của một pháp sư làm đại diện. Bản thân ông Việt kiều cũng qui y vào chùa, trực tiếp quản lý tài sản của mình. Ước vọng của ông không chỉ là xây một ngôi chùa to nhất nước, mà còn muốn rao giảng đạo pháp. Và ông được như ý. Vị pháp sư đại diện giúp ông hoàn thành ngôi chùa trong ba năm. Cũng là ba năm ông tu tập. Ông muốn có một đạo Phật cho người Việt, bởi thế ông đã hoằng pháp bằng phép tu dưỡng bản thân trong tình thương yêu với những người ruột thịt trong gia đình như một đạo đức căn bản, trước khi lòng từ bi được mở rộng đến mọi tha nhân. Thực tế và đơn giản. Ông nhanh chóng nổi tiếng như một giáo chủ. Hàng ngàn người tín mộ ông và xin theo ông tu tập. Ông thu nhận tất cả và nuôi dưỡng họ trong chùa.

Để làm được việc này, ngài giáo chủ đã phải cung hiến một phần tài sản cho chính quyền địa phương với danh nghĩa từ thiện.

Nhưng tất cả bọn độc tài đều không chấp nhận người khác cạnh tranh ảnh hưởng với mình. Vì thế, khi thấy ngài giáo chủ Việt kiều càng ngày càng có nhiều đệ tử, chính quyền đã tìm cách tống khứ ông này ra khỏi Bát Nhã Tự. Họ cho mời vị pháp sư trụ trì đến trình diện Ban Tôn giáo tỉnh, cho biết ông đang dung dưỡng một phần tử phản động nguy hiểm và yêu cầu ông cộng tác với chính quyền để giải quyết vụ việc.

Một thông cáo của vị pháp sư trụ trì được chính quyền cho phổ biến bằng loa phóng thanh trên cột điện ngay trước cổng chùa. Nội dung tố cáo ngài giáo chủ tự phát đã lợi dụng tự do tôn giáo để truyền bá những tư tưởng trái với đạo pháp và yêu cầu vị giáo chủ này phải giải tán đạo tràng của mình. Cùng lúc, một quyết định của Công an huyện sở tại cũng được công bố, trục xuất tất cả những ai không phải là dân địa phương ra khỏi chùa.

Khi N và V đến Bát Nhã Tự, đất đai của nhà chùa đã được chia cắt một phần cho các dự án “văn hóa” của chính quyền.

N có một lô 1000 mét vuông cho dự án mở một nhà hàng và một tiệm massage trong khu đất vừa được qui hoạch này.

V khen N tài. N cười bảo em lại vừa có sắc. N nói tiếp, anh góp ý cho em để kinh doanh có cái gì độc đáo. V bảo áp dụng triệt để khái niệm nhân dân và dân tộc ít nhất trong lĩnh vực nhân sự, nếu được thì tạo tính cách cũng bằng cách đó qua trang phục và cung cách phục vụ. Cuối cùng tạo ra một ấn tượng nhất quán bằng việc đặt tên cho cơ sở. N bảo, anh đặt tên luôn cho em đi. V nói ngay, ngắn nhất là “Máu”, dài nhất là “Tất Cả Những Gì Bạn Muốn Đều Có Thể”, vừa vừa là “Mặt Trận Tổ Quốc”. N bảo, em chọn và gọi tên dự án này là “Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc” vì em thích cái ý nó sẽ là nơi để người ta đánh đĩ với tất cả.

Bất chợt V hỏi lại N, làm thế nào em có thể “xí” được một lô đất rộng như vậy trong khi em không phải là một con người thật? N cười, chẳng phải chỉ có một lô đất, cả tổ quốc của anh cũng chỉ là hư cấu.

 

Một kinh nghiệm về ngôn ngữ

Một bà bạn già của tôi bảo, rất ghét các từ như “hư cấu”, “hoành tráng”, “phấn khởi”, “tranh thủ”... nghe vừa buồn nôn vừa mắc ỉa. Trong khi các từ như “tự do”, “dân chủ” nghe sướng như thủ dâm, nhưng nói thì phải nhìn trước nhìn sau. Bà bạn nói tiếp, tôi rất thích các từ dân giã như “hiếp”, “mả mẹ mày”, “bú”... nghe tê tái từng sợi lông. Trong một số tình huống, cách ăn nói bị gọi là “thiếu văn hóa” lại trở nên cần thiết và đặc biệt thú vị. Bà bạn nói tiếp, tôi tin rằng một người không biết chửi thề đúng lúc thì cũng đáng chán như người không biết nói một câu văn hoa dí dỏm, hay một câu cám ơn lịch sự kịp thời.

Tôi nói với bà bạn, không phải nói bất cứ điều gì, vô tư hoặc khinh bỉ mới là một trạng thái tuyệt vời nhất. “Ông đã có dấu hiệu của tuổi già, bà bạn nói, ít nói hoặc không nói thật sự không quan trọng bằng thái độ và cách hành xử ngôn ngữ. Tôi thích ông vì ông có cách ăn nói bặm trợn và báng bổ, nhưng lại có rất nhiều hàm ngôn, đa tầng.” Tôi bảo, tôi thích dùng một điển cố này để giết một biểu tượng kia. Tôi thích sự tàn sát trong ngôn ngữ, bởi vì tôi ghét sự “thăng hoa, bay bổng, đầy tính nhân văn” của sự ví von, của những mỹ từ bột ngọt. Tôi cũng ghét sự phải đạo của khuôn sáo và lễ phép. Sự “hầm hố” cơm thừa canh cặn cũng vô duyên như sự tẻ nhạt của tình trạng nhai lại trong văn chương. Nói chung, tôi không thích hàng nhái hàng giả. Bà bạn nói, nhưng tôi nhớ không lầm thì ông rất mê món giò heo nướng giả cầy. Tôi cười, quả vậy, bởi vì tôi thương mùi mắm tôm.

 

Thế giới mắm

N lên xứ thông ngút ngàn để xúc tiến việc kinh doanh cho dự án “Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc”. V dặn, em cần có một thứ đặc sản để làm biểu tượng của nhà hàng. Tốt nhất là các món mắm, nó phù hợp với tên gọi và tính chất nhà hàng của em. Nhân dân là mắm. Dân tộc là mắm. Tổ quốc cũng là mắm. Ngoài ra, cũng nên làm một cái trò gì đó cho thêm phần độc đáo. Thí dụ, một thủ tục trong việc ăn thịt là cho khách vặt lông con vật, nhằm làm thỏa mãn cái ý chí căm thù giặc sâu sắc của người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Và N đã làm như thế.

Khách du lịch người nước ngoài vốn rất sợ mùi mắm, nhưng khi được thuyết phục vào Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc ăn chơi trọn gói, họ đã bất ngờ thú vị. Một người Canada phát biểu: “Trên cả tuyệt vời.” Một người Pháp chính gốc con gà trống cho biết: “Đúng là hương vị trần gian.” Người Trung Quốc thì nói ngắn gọn: “Sư phụ.”

 

Nhận xét của tôi

Tôi chưa vào Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc của N, vì nó vẫn còn là một dự án, chưa phải hiện thực. Tuy nhiên theo truyền thống báo công của người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của V, tất cả những gì N làm đương nhiên thành công rực rỡ. Bởi vậy, tôi có một số nhận xét như sau:

Sự thành công của quán Tử Cung cũng như Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc có đặc điểm là mùi. Một bên là mùi nước ối. Một bên là mùi mắm. Một mùi của sự sống. Một mùi của sự chết. Cả hai mùi đó dù khác nhau nhưng đều làm cho con người hồi sinh. Ít nhất về mặt cảm giác. Và nó đáp ứng được khát vọng thầm kín của con người về bản chất thật của mình.

Tôi được biết thêm sau này Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc đã được tôn vinh như một tụ điểm văn hóa. Và N được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

 

Thời của mắm

N cầm hồ sơ đến Sở Công thương tỉnh Cây Thông xin giấy phép mở nhà hàng và dịch vụ massage. Nhân viên phụ trách cho biết, chỉ tiêu về dịch vụ massage trong khu vực đã hết. Tuy nhiên nếu cần vẫn có thể thu xếp được. N bảo, cứ thu xếp đi. Nhân viên phụ trách nói, giá 20 triệu. N bảo được, ngày khai trương mời anh đến mở hàng nhé. Mắm của em thơm lắm. Nhân viên phụ trách nói thêm, mở hàng thì tất nhiên anh phải đến, dù mắm của em thơm hay thối thì cứ cuối tuần anh đến, miễn phí đấy. N rủa thầm, miễn phí cái mả cha anh.

Thế là mắm lên ngôi. Có một trăm thứ mắm, N gọi là “Mắm Bách Việt”, qui tụ đặc sản tinh hoa của tất cả các dân tộc đang sống trên quê hương gấm vóc xã hội chủ nghĩa. Các nhà báo từ trung ương đến địa phương đều được mời thưởng lãm. Tỉ lệ các nhà báo ăn và chơi xong về viết bài PR ca tụng mắm là 20%. Coi như đạt yêu cầu. Chỉ trong một thời gian ngắn cả nước biết tiếng Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc.

Thế là mắm huy hoàng. Từ hạng bình dân, mắm lên đời quí tộc. Mắm và các em bán mắm ở Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc trở thành chuẩn mực cho sự lịch lãm của các quí ông và tính thời thượng cho quí bà. Riêng N, mỗi tháng thu lời tiền tỉ.

Ngành du lịch Việt Nam xã hội chủ nghĩa phát triển đột xuất. Ai chưa đến Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc ít nhất một lần trong đời chưa gọi là biết sống.

 

An bánh vẽ và đi tàu bay giấy

Đó là truyền thống lừa phỉnh của tất cả các đảng cai trị. Nhưng N là người thành thật, vì N không phải là người cai trị, N chỉ là một bà chủ nhỏ, nên N nói với các nhân viên của mình: Chị hứa với các em là sự thịnh vượng của chị cũng là sự giàu có của các em, danh tiếng của chị cũng là vinh quang của các em. Nếu các em hết lòng phục vụ ở đây, các em sẽ được đền bù xứng đáng. Nhưng trước hết các em cần nhớ, người cần được phục vụ không phải chị, mà là quí khách của chúng ta. Các em chiều lòng khách tức là các em chiều lòng chị. Hãy làm quí khách của chúng ta sung sướng và hãnh diện đến đây với bè bạn của họ. Chiều khách như thế nào thì đã có phong tình cổ lục còn truyền sử xanh, tức bà tổ Thúy Kiều. Mỗi em sẽ có một quyển Truyện Kiều làm cẩm nang gối đầu giường. Các nàng Geisha của Nhật Bản sẽ phải ghen tị với các em. Các em sẽ trở thành mẫu mực trong làng giải trí thế giới và được kính trọng trong văn học. Bởi vì sẽ có rất nhiều Từ Hải, Mã Giám Sinh, Nguyễn Du đến ngửi mùi của các em và ăn mắm của chúng ta. Các em sẽ bất tử trong sự hoài niệm của các bậc trượng phu trong thiên hạ. Bởi vì các em là suối nguồn hoan lạc của sự sống. Các em hiểu hết ý chị phải không?

Em Lài quê ở xứ dừa, nói: Dạ, em hông hiểu.

N bảo: Cứ làm đi rồi hiểu.

Tuy nhiên, sau đó Lài bị đuổi việc. Các em còn lại không biết có hiểu không, nhưng họ đều làm đúng những gì N nói.

 

Mắm và rượu

Ở Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc, ngoài mắm “Bách Việt” còn có một đặc sản vương giả dành cho các quí ông, đó là rượu “Tố Nữ”. Loại rượu được chưng cất từ những cánh hoa hồng. Khi ngồi vào bàn tiệc, các thực khách có quyền yêu cầu bất cứ nữ tiếp viên nào tùy thích, khỏa thân ngâm mình vào trong một bình rượu bằng pha lê trong suốt. Rượu thấm vào máu, khí sắc và màu da thân thể cô gái hừng đỏ lên. Mùi thơm của hoa hồng, hương nồng của gái đẹp quyện trong chất men thuần khiết là tuyệt phẩm của nhà hàng này. Tất cả những ai đã từng uống rượu Tố Nữ đều cảm thấy hưng phấn tinh thần và một niềm nhục cảm thanh thoát. Hai thực thể nhưng cùng một bản chất, đó là sự thăng hoa của tàn rữa. Mắm và rượu đủ để làm cơ sở cho một nền tảng triết học Việt thời kỳ hậu Cộng sản, tạo nên bản sắc văn hóa Việt và định hướng cho xã hội Việt.

 

Toàn cầu hóa và mắm

Mùi người nhiều khi cũng giống mùi mắm. Quốc tế hóa mùi mắm là một chủ trương được bà chủ Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc theo đuổi bởi một ước vọng chí tình với đất nước và một niềm tự hào thầm kín của bốn ngàn năm văn hóa. N nói với V, mắm Bách Việt cần phải ra biển lớn chinh phục thế giới. Không một loại thực phẩm nào hơn mắm ở sự tinh tế, đa dạng và nhiều ý nghĩa nhân sinh đến thế. V cười bảo, anh chỉ thấy mắm thơm giống em. N cũng cười, thế thì lại càng cần để cho cả nhân loại dí mõm vào giống như anh.

Một kế hoạch quảng bá qui mô và tìm thị trường được N cho thực hiện. Trước hết N nhắm vào nhóm đối tượng khách nước ngoài du lịch Việt Nam. Họ sẽ là sứ giả của mắm Bách Việt đến với các dân tộc trên thế giới sau khi thưởng lãm đặc sản này ở Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc. Không một thực khách người nước ngoài nào từ chối món quà lưu niệm của nhà hàng là một bình mắm Bách Việt. Và cũng không có một du khách nào đến Việt Nam mà không đến Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc ít nhất một lần.

Cả thế giới sẽ tràn ngập mùi mắm. Đó là cách để người Việt Nam hòa nhập với cộng đồng nhân loại.

Bộ Văn hóa – Du lịch – Thể thao ủng hộ chiến dịch này bằng cách phát động toàn dân ký tên ăn mắm ngủ mắm trên mạng thông tin toàn cầu. Toàn thể báo chí Việt Nam cũng được lệnh nhiệt liệt tham gia tuyên truyền cho kế hoạch mỗi người Việt Nam một chữ ký thề hứa suốt đời tôn thờ mắm. Đặc biệt nhất là chỉ thị của Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các hội đoàn văn hóa nghệ thuật phải nghiên cứu và tổ chức hội thảo về tính cách mắm của người Việt trong tiến trình hiện đại hóa đất nước. Bộ Ngoại giao cũng vào cuộc bằng việc tặng một bình mắm làm quà lưu niệm cho các nguyên thủ cũng như sứ thần các nước khi đến Việt Nam.

Mắm trở thành quốc hồn quốc túy và là thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Tôi yêu mắm

Tôi ở đây là V. Nếu một lúc nào đó bạn gặp một người đàn ông mặc áo thun có hàng chữ trước ngực “Tôi yêu mắm” và sau lưng “I love mắm” thì người đó chính là V. V thật sự tin rằng sẽ đến một ngày mắm được khảo cứu như một triết lý và tinh thần mắm trở thành cách sống cho toàn thế giới, bởi sự hài hòa tuyệt đối giữa các ý niệm về mùi và sự dậy hương của cái chết.

 

Hòa hợp và hòa giải

Trong số những du khách nước ngoài đến Việt Nam đã từng vào quán Tử Cung và Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc, có một bà Việt kiều tên Anne Trần. Không những thích hai loại hình kinh doanh độc đáo này, bà còn ngưỡng mộ những ý tưởng có tính triết lý trong hoạt động của nó. Bởi thế, bà đã là người đầu tiên mua bản quyền khai thác thương hiệu quán Tử Cung và Nhà hàng nhân dân và Massage dân tộc Mặt Trận Tổ Quốc trên đất Mỹ.

Ngay khi bảng hiệu Mặt Trận Tổ Quốc được treo ngoài cổng khu liên hợp ăn nghỉ của Anne Trần tại phố Bolsa ở Orange County, Nam California, hầu như tất cả những người Mỹ gốc Việt đi qua đều nhổ nước bọt. Tuy nhiên, cũng có người tò mò muốn vào xem nó là cái gì, đặc biệt đối với những người chưa từng sống ở Việt Nam.

Vốn nghi ngờ sự thông minh của khách hàng, bà Anne Trần cho treo rất nhiều banner trong khuôn viên được viết theo kiểu thư pháp với những nội dung như: “Đây là cội nguồn”, “Hãy tái sinh trước khi chết”, “Hãnh diện là người Việt”, “ Mắm là tổ quốc”, “Tử Cung là quê hương”...

Có một hiệu ứng kỳ lạ đã xảy ra với tầng lớp trí thức học hành và thành đạt ở Mỹ là sau khi đã thưởng thức tất cả các dịch vụ của khu liên hợp ăn nghỉ của Anne Trần, họ đã cảm nhận được một sự hòa hợp và hòa giải với nguồn gốc của mình.

 

Báo Mỹ

Trong vòng 3 năm, Anne Trần đã nổi tiếng khắp nước Mỹ. Báo Time đưa hình bà lên bìa kèm theo một bài phỏng vấn. Và đây là câu nói của Anne Trần được Time rút tít: “Tái sinh trong mắm”. Trong chapeau của bài phỏng vấn, Time viết: “Một ý tưởng phát xuất từ Việt Nam, sự tái sinh không mang tinh thần Thiên chúa giáo, một khải huyền về sự bất diệt được gợi ý bằng sự dung tục nhưng vô cùng tuyệt vời bởi chính sự lựa chọn của con người.”

 

Kết thúc của V.

Những cơn đau thắt tim đến với V thường xuyên và kéo dài. Bác sĩ nói V bị xơ vữa động mạch cảnh và chỉ có thể sống thêm được 6 tháng. Một thông tin không gây chút xúc động nào với V nhưng đã làm N lo lắng. Phải làm sao anh? N hỏi. Chẳng làm sao cả, V nói, 60 năm hay 6 tháng cũng không khác gì nhau. Anh sẽ vào trong Tử Cung và đóng cửa lại. Vĩnh viễn. Tái sinh hoặc trở thành một thứ mắm nào đó cũng không có gì quan trọng. Vấn đề là anh muốn quay trở lại cái nơi có thể là bắt đầu, tự chọn cho mình cách để hóa kiếp.

 

27.3.2009

 

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021