thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ủng hộ viên
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

 

SŁAWOMIR MROŻEK

(1930~)

 
Sławomir Mrożek, tác giả tập truyện ngắn Con voi, là một người viết truyện, một kịch tác gia và một nhà hí hoạ. Ba tính cách này của ông được nối kết lại bằng nét hài hước hoặc trào lộng mà đối tượng là những chuyện rởm đời, «phi lý» dưới mọi vùng khí hậu, nhất là ở Ba-lan. Ông sinh ở Borzecin, gần Cracovie, Ba-lan, năm 1930. Ông rời Ba-lan năm 1963, trước tiên qua Ý, rồi qua Pháp nơi ông đã lưu lại từ 1968 đến 1989 trước khi (cùng với bà vợ người Mễ) qua sống bảy năm ở Mễ-tây-cơ. Ông dứt khoát trở lại Ba-lan năm 1996 và từ đấy sống ở quê hương ông.
 
Về kịch, con số kịch bản của Mrożek lên tới ngót bốn mươi vở! Vở kịch nổi tiếng nhất của ông trước khi ông ra nước ngoài, là Cảnh sát (hoặc Công an, 1958). Thời gian ông lưu lạc, một số vở thường được nhắc tới: Tango (1964), Các di dân (1974), Ông đại sứ (1982). Đặc biệt, trong những năm 1990, ba vở mới của Mrożek: Yêu ở Crimée (1993), Cảnh đẹp«Các Đấng» (2000) cho thấy những mối quan tâm của ông đối với thực tại thế giới và Ba-lan. Các kịch bản của Mrozek được dịch ra khoảng 12 thứ tiếng và được trình diễn thường xuyên ở Ba-lan và trên các sân khấu thế giới. Người ta rất chú ý tới vở Lịch sử nước cộng hòa nhân dân Ba-lan của Mrożek mà đạo diễn Jerzy Jarocki đã đưa lên sân khấu Ba-lan ở Wroclaw năm 1998.
 
Về truyện, cùng với tập Con voi, Mrożek đã viết tất cả là tám tập truyện ngắn và hai cuốn tiểu thuyết. Ngoài ra ông còn viết hai tập tùy bút (trong đó có Nhật ký ngày trở về) và là tác giả ba kịch bản cho điện ảnh.
 
Các bức hí hoạ của ông, từng làm say mê công chúng Ba-lan trong những năm 1950, nay (kể từ 1997) lại được tiếp tục xuất hiện trên tờ Gazeta Wyborcza, nhật báo lớn nhất của Ba-lan, cùng với những cột «phim» của ông...
 
(Diễm Châu biên soạn)

 

__________

 

ỦNG HỘ VIÊN

 

Ông bác tôi bấy giờ đang lúc lâm chung. Bức điện tín chẳng có chỗ nào lập lờ. “Ta đang chết đây. Bác của cháu.” Một lối diễn đạt ngắn gọn xứng đáng với những nhân vật của Plutarque. Lại nữa, bác tôi là người hưu trí sống một mình, chỉ là một anh cựu giáo viên thân phận khiêm tốn. Chuyên dạy abc. Thiệt tình, thiệt tình... Vậy có phải tôi đã đánh giá thấp ông bác ấy?

Ngồi trên xe lửa, một ý nghĩ chợt đến trong đầu tôi: nếu ông bác đang hấp hối, ông không thể nào tự mình gửi bức điện này. Hiển nhiên là ông đã đọc cho ai đó khi ông nằm trên giường chờ chết.

Điều này không quan trọng mấy. Ít có người biết mình đang chết, và ít có người báo tin mình đang chết cho người khác một cách chính xác như thế. Không một chút ảo tưởng, không một chút hi vọng.

Trước đây chưa bao giờ tôi đến cái thành phố nhỏ nơi bác tôi sống, và cũng là nơi, bây giờ, bác sắp chết. Và sẽ không bao giờ tôi đến đây nếu như bác sẽ sống đời đời. Từ nhà ga, tôi đi thẳng đến địa chỉ bác tôi. Đây là một ngôi nhà ngang bằng với một khu vườn nhỏ, nằm trên một con đường bên hông. Trong thành phố nhỏ này, đường nào cũng nằm bên hông.

Bác tôi nằm trên một cái nệm lông; một người đàn ông, trạc tuổi bác, ngồi bên cạnh trên một chiếc ghế đẩu; ông ta mặc một cái áo khoác đã cũ dài quá khổ, thực ra là một thứ áo đi mưa. Thoạt nhìn, tôi nhận ra là bác tôi ít có vẻ đang chết hơn là đang ẩn lánh. Chẳng có chút đau đớn gì nơi bác, cũng chẳng có chút bi kịch. Cả ý thức cũng không có, vậy thì nói gì đến siêu ý thức? Sự sống của bác kết thúc theo cách thoải mái nhất trên đời đối với những người chung quanh bác, có lẽ còn cho cả chính bác nữa. Rõ ràng, bức điện đã được thảo trước, trước cả khi bác bất tỉnh.

Bác tôi không nhận ra tôi; ngược lại, con người kia đứng dậy khỏi ghế và tự giới thiệu. Nghĩa là ông ta nói tên mình, là tên, như mọi tên khác, không có gì quan trọng.

“Anh có nhận bức điện của tôi?”

Đây là một câu hỏi hoa mỹ.

Nhìn thì ta biết ngay ông chăm nom ông bác tôi từ lâu. Ông để nguyên áo mưa trên người, bởi vì trong phòng vẫn lạnh. Lý thuyết thì chúng tôi đang giữa mùa xuân, nhưng thực tế thì trời mưa, mưa mùa thu. Thiên nhiên, vốn dĩ rất ân cần, muốn để cho bác tôi hiểu là ông không có gì phải tiếc. Trên bàn, có những miếng xúc xích ăn thừa bọc trong giấy. Xúc xích nhiều bao nhiêu thì vỏ xúc xích nhiều bấy nhiêu, điều ấy chứng tỏ con người hiện diện nơi đây đã sống bằng thức ăn này từ nhiều ngày nay.

Chúng tôi ngồi yên hầu như không ai nói với ai lời nào. Do vừa mới đến, nên tôi đang bị ấn tượng về sự chết, dễ có cái vẻ trầm trọng và khiếp sợ. Trong khi con người kia thì đã có thì giờ, dường như thế, quen mọi chuyện. Thỉnh thoảng, ông ta thốt ra những nhận xét lễ độ: “Mưa cứ mưa mãi”, hoặc: “Rơi chi mà rơi dữ!” Thoạt tiên tôi nổi cáu. Nhưng sau một vài giờ, tôi không để ý đến nữa. Tôi còn bắt đầu cảm thấy đói bụng nữa. Ông bác tôi vẫn còn sống.

Mặc dù đã quen với tình huống, tất nhiên là thế, ông kia không cho thấy một chút dấu hiệu buồn chán nào. Trái lại, ta có thể nói rằng tình huống ấy làm ông thấy phấn chấn. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu cái phấn chấn ấy của ông khoác một tính cách luyến tiếc và than thương, như lề thói vẫn thường đòi hỏi. Thế nhưng, ở đây, đúng ra lại là một thứ sôi nổi thật khó mà đem liên hệ với sự tang tóc. Ông bác tôi vẫn nằm dài một cách đơn điệu đến độ tôi bắt đầu quan sát, thay vì khuôn mặt của bác, lại là khuôn mặt của con người kia. Ông này nhận ra điều đó, bởi lẽ ông lập tức lấy một thái độ tập trung đầy vẻ buồn đau. Nhưng ông không giữ được lâu. Tựa như là ông kiên quyết muốn đặt lên mặt mình một cái mặt nạ quá hẹp.

Trời bắt đầu tối, bởi thế con người kia đốt đèn lên, cùng lúc làm cho sự thiếu thốn và xấu xí của căn phòng càng rực rỡ sáng chói, là cái mà trong độ màu trung gian của hoàng hôn tôi đã bắt đầu quên mất. Một ngọn nến có lẽ sẽ thích hợp hơn, nhưng đối với bác thì chuyện này dường như cũng không khác đi chút nào. Một bóng đèn điện trên trần nhà hay một ngọn nến ở đầu giường, bác cũng đã không còn coi trọng những tế nhị kiểu này rồi. Tôi thì tuy vậy, tôi vẫn thích một ngọn nến hơn.

“Có lẽ chúng ta có thể mua một cây nến?” tôi đề nghị.

“Thắp một ngọn nến thì tối quá,” ông kia nhanh nhẹn trả lời.

 

*

 

Chúng tôi từ đám tang trở về. Trời bấy giờ sáng dần, nhưng không có nghĩa là trời đã sáng. Chỉ là trời không còn mưa nữa, và cái vòm màu chì dày đặc của bầu trời đã chuyển thành vòm màu chì mỏng mảnh. Tôi cảm thấy trống không trong bụng cũng như trong tâm hồn, tựa như là tôi vừa hoàn thành một công việc mệt nhọc và chưa bắt đầu công việc kế tiếp. Chuyến xe lửa của tôi còn một tiếng nữa mới khởi hành.

Tôi mời ông uống một cốc bia với tôi. Tôi không thể không làm gì, và dù sao chính tôi cũng đang thèm uống. Để hoàn thiện cuộc lễ. Trước khi chia tay nhau sau hai ngày và một đêm trải qua ở đầu giường ông bác tôi.

Mùi bia đắng, mùi quán cóc lùi xùi ở tỉnh, ôi tuổi thanh xuân tỉnh lẻ của tôi...

Chúng tôi ngồi gần quầy quán. Được ngồi xuống sau một đám tang thật là dễ chịu. Chúng tôi mỏi chân, nhưng cảm thấy khoẻ.

Phía trên quầy, có một bức hình lồng khung, đội bóng địa phương, là thứ đồ vật ngưỡng mộ.

Tôi hỏi ông vài câu về bác tôi. Tôi ngạc nhiên, là ông không thể nói gì nhiều. Họ chưa từng là bạn, như tôi vẫn tưởng. Họ còn không quen nhau nhiều nữa.

Vì lễ độ tôi cần phải cám ơn ông, là người mặc dù thực tế không phải là chỗ quen biết với gia đình, đã ở đến cùng bên cạnh bác tôi khi bác hấp hối. Bởi lẽ chẳng có gì buộc ông phải làm như thế.

“Không có chi,” ông bảo, khi tôi nói lời cám ơn. Dù sao thì kết quả cũng là chuyện đương nhiên.

Nhưng gương mặt ông biểu lộ sự hài lòng.

Xe lửa đầy ắp đám ủng hộ viên trở về sau trận đấu. Đội bóng họ ủng hộ đã thắng. Bây giờ họ tha hồ biểu lộ sự vui mừng một cách ồn ào. Bằng những tiếng kèn trompét, huýt sáo, la hét...

Những gương mặt họ biểu lộ sự hài lòng.

 

 

-----------
“Ủng hộ viên” [chủ đề “Cái chết”] dịch từ bản tiếng Pháp “Le supporter” của André Kozimor, trong Slawomir Mrozek, Le petit Mrozek illustré, minh hoạ của Chaval (Paris: Les Editions Noir sur Blanc, 2005).
 
Le petit Mrozek illustré tập hợp những tiểu phẩm từ những năm 1960 đến 1990, được sắp xếp theo chủ đề, viết trong thời tác giả còn ở Ba Lan cũng như thời sống lưu đày, mang một giá trị bất di bất dịch, từng đưa Slawomir Mrozek đến gần Ionesco, Beckett và cả Durrenmatt trong cái nhìn của người đọc.
 

 

 

-------------

Đã đăng:

Chỉ là chuyện chính trị  (truyện / tuỳ bút) 
... “Không phải vậy đâu! Đây chỉ là chuyện chính trị, không hề có chút nào cân nhắc cá nhân,” Brutus giải thích và bồi thêm một nhát nữa. “Con, con chẳng có gì chống cha cả, cha ạ.” ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Chuyến xe lửa tốc hành đêm  (truyện / tuỳ bút) 
... “Ông hút thuốc?” tôi nghe tiếng trên cao. “Không, cám ơn.” “Tôi không chịu nổi khói thuốc.” “Ông có thể yên ổn, tôi không hút thuốc.” “Bởi vì nếu ông hút, tôi sẽ không chịu nổi. Phổi tôi yếu lắm.” “Tôi thông cảm, nhưng không có gì phải sợ.” “Hay có lẽ ông hút thuốc và bây giờ thì ông đã ngưng. Giữa đêm ông sẽ cảm thấy thèm và ông sẽ không cưỡng lại được đâu.” “Không, tôi chưa hề hút thuốc bao giờ.” Tiếng nói im bặt. Tôi cởi một chiếc tất... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Khảo cổ học  (truyện / tuỳ bút) 
... “Ồ, dường như tôi đã nhìn thấy người này đâu đó,” anh canh cửa nói. “À vâng, tôi nhớ ra rồi, ấy là hồi tôi còn trẻ. Vâng, vâng, tôi nhớ rõ lắm, anh ta lúc nào cũng đứng ở góc phòng kia để chờ người ta ký một cái giấy gì đó. Anh ta cứ chờ như thế như thế, và, rốt cuộc, anh đã bị chôn vùi.”... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Anh hùng  (truyện / tuỳ bút) 
Một ngày nọ, tôi đi ngang bờ sông và tôi bỗng nhìn thấy một thiếu niên hướng đạo sinh đang chìm xuống nước. Tôi biết chỗ này, nước ở đây không sâu lắm; tôi quyết định sẽ cứu cậu ta chừng nào những kẻ hiếu kỳ bu quanh đông hơn một chút. Tôi ngồi lên một chiếc ghế băng và chờ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Cái lỗ trên cầu  (truyện / tuỳ bút) 
Có một con sông, và trên mỗi bên bờ có một địa phương. Hai địa phương này nối liền nhau bằng một con đường đi qua một chiếc cầu. Một ngày nọ, một cái lỗ xuât hiện trên chiếc cầu này, cần phải lấp cái lỗ thủng ấy. Về ý kiến này, quần chúng sống ở cả hai địa phương đều nhất trí. Tuy nhiên một cuộc tranh cãi nảy sinh để tìm cho ra lẽ bên nào phải làm việc này. Bởi vì... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Phục vụ sức khoẻ  (truyện / tuỳ bút) 
Cuộc giải phẫu thành công tuyệt vời. Bác sĩ trưởng thân hành chúc mừng tôi về các kết quả. “Bà thân mến,” ông nói, “giải phẫu như vậy quả là tuyệt.” Tôi lưu ý ông tôi thuộc nam giới. Ông kiểm chứng cái gì đó trong hồ sơ của mình. “Ông từng là đàn ông, trước khi giải phẫu. Do nhầm lẫn người ta đã chuyển ông qua khu thử nghiệm; hiện giờ, thưa ông, ông là một phụ nữ...” [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Những nỗi đau của chàng Werther  (truyện / tuỳ bút) 
... Và cái tên phát xít ấy, hắn không chịu đưa chúng tôi khoản lương trả dần. Chúng tôi bước ra, ai nấy thấy bị tổn thương. Trên tường có một tấm bích chương loan báo có một tên Mozart nào đó sắp trình diễn. “Cái tên kia, thằng cha nào vậy?” Có tiếng hỏi... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Núi lửa Vésuve  (truyện / tuỳ bút) 
“...Vésuve từ mười lăm thế kỷ nay chưa hề phun lửa. Nhưng này anh bạn anh làm gì thế kia?” “Tôi chụp hình. Chưa có ai chụp hình cảnh hấp dẫn này. Tôi sẽ là người đầu tiên!” Nhưng vị giáo sư chưa kịp giật cái máy chụp hình khỏi tay tôi, thì núi Vésuve đã để tuôn ra làn khói đầu tiên của nó... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Cách mạng  (truyện / tuỳ bút) 
... Cần phải dứt khoát thay đổi, phải lấy một quyết định cơ bản. Nếu như trong khuôn khổ đã được ấn định trên mà ta không thể thực sự thay đổi được gì, thì cái quan trọng là phải thoát ra khỏi khuôn khổ ấy. Ngay khi đi ngược công thức cho thấy là chưa đủ, ngay khi tiền vệ cũng không đem lại kết quả nào, thì cần phải thực hiện một cuộc cách mạng. Tôi quyết định ngủ trong tủ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Một ông Nobel  (truyện / tuỳ bút) 
Một nhà thơ nọ, người đoạt giải Nobel, đến thăm chúng tôi để giao lưu với công chúng. Đây là một vinh hạnh lớn, bởi lẽ nhà thơ thì lớn, mà thị trấn chúng tôi thì nhỏ. Vậy là có rất nhiều bài diễn văn, với ban nhạc để chào đón ông và một bữa tiệc trong căn phòng trang trí đầy hoa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Người quan trọng  (truyện / tuỳ bút) 
Trong buổi tiếp tân, không có ai chú ý đến tôi. Chắc chắn là vị chủ nhà đã mở cửa cho tôi và đã nói với tôi câu nói dễ thương: “Có lẽ ông đây muốn bỏ áo khoác ra?” nhưng tôi có cảm tưởng là ông đang đợi một người nào khác. Khách khứa đến trước tôi bắt tay tôi và nói: “Rất vui sướng”, hay: “Hân hạnh”, nhưng sau đó họ trở lại ngay với những cuộc chuyện trò không bị gián đoạn của mình... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Hamlet  (truyện / tuỳ bút) 
... Vậy là tôi quyết định lấy cái sọ của anh chàng sát bên trái tôi; nhưng anh chàng này không đồng ý lắm, và cả hai chúng tôi ngã xuống huyệt. Trong lúc ấy, những anh chàng ở trên cũng bắt đầu choảng nhau bởi vì cái sọ của chúng tôi vẫn còn nằm trên sân khấu, có nghĩa tiếp tục tổng cộng có tám cái sọ, nhưng giờ đây là cho bảy diễn viên, mà mỗi anh lại muốn có tới hai sọ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Một ngày nọ tôi đi dạo chơi trong rừng, gió từ đâu thổi đến ngay chân tôi một mẩu giấy phủ đầy một nét viết bất thường, như thể ai đó đã viết chữ xuống giấy trong bóng tối hoặc, ít nữa, trong vùng tranh tối tranh sáng. Thì ra đây đúng là nhật ký của một kẻ lạc quan... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
A.— Như thế là ông quả quyết, rằng ông đập bể răng tôi và chọc lủng bụng tôi vì lợi ích của tôi? | B.— Phải. Phải có ai đó đập anh. Nếu như không phải ta thì cũng là một người khác đã làm chuyện ấy. Và anh biết là ai... Nhưng kẻ kia hẳn đã làm anh bị hư hại nhiều hơn. Không những hắn cũng đập bể răng anh và chọc lủng bụng anh, mà hắn còn đập nát cái xương quai xanh của anh, rút những đầu móng và móc mắt anh ra nữa. Thế nên thay vì thù ghét ta, lẽ ra anh phải cám ơn ta... [Bản dịch Diễm Châu]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021