thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Điếu ca cho một giấc chiêm bao

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

ETGAR KERET

(1967~)

 

Etgar Keret là một trong những khuôn mặt văn nghệ hàng đầu của Do-thái hôm nay. Là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn, truyện bằng tranh, và cũng là một nhà làm phim, anh bắt đầu viết từ năm 1991 và gửi đăng trên một số tạp chí ở Do-thái. Năm 1992, anh xuất bản tập truyện đầu tiên Tzinorot [Những cái ống], và trong thập niên đó anh tung ra nhiều tập truyện khác, với bút pháp độc đáo, nổi tiếng nhanh chóng và gây ảnh hưởng đến nhiều nhà văn cùng thế hệ.
 
Keret đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương và điện ảnh, trong đó có Prime Minister's Award for Literature; Ministry of Culture's Cinema Prize; Israel Film Academy Award; giải nhất của Munich International Festival of Film Schools; và giải Camera d'Or tại liên hoan điện ảnh Cannes. Năm 2006, anh được Israel Cultural Excellence Foundation chọn như một nghệ sĩ ngoại hạng.

 

 

 

 

ĐIẾU CA CHO MỘT GIẤC CHIÊM BAO

 

Mọi sự bắt đầu từ một giấc chiêm bao. Rất nhiều chuyện phiền toái trong đời tôi bắt đầu từ một giấc chiêm bao. Và trong giấc chiêm bao ấy tôi đứng sau một xe bán hot dog tại một ga tàu lửa trong một thành phố lạ. Một đám khách sốt ruột đang chen nhau quanh quầy. Tất cả họ đều nôn nao, mất kiên nhẫn. Tôi không thể hiểu nổi họ. Họ đang khẩn thiết muốn ăn một ổ hot dog, họ lại sợ trễ chuyến tàu. Họ sủa những mệnh lệnh vào mặt tôi bằng một thứ ngôn ngữ lạ lùng nghe như một hỗn hợp đáng sợ của tiếng Đức và tiếng Nhật. Tôi trả lời họ cũng bằng thứ ngôn ngữ lạ lùng, phiền nhiễu ấy. Họ cố ép tôi làm nhanh hơn, và tôi cố hết sức để làm vừa lòng họ. Chiếc áo của tôi vấy đầy xốt mù-tạt và gia vị và dưa cải bằm, đến nỗi những chỗ màu trắng chỉ còn lốm đốm. Tôi cố tập trung tinh thần vào những ổ bánh nhưng vẫn không thể tránh lưu ý đến đám đông giận dữ ấy. Họ nhìn tôi bằng những cặp mắt thèm khát của loài thú săn thịt. Những mệnh lệnh bằng thứ ngôn ngữ không thể hiểu nổi ấy có vẻ càng lúc càng đáng sợ hơn. Hai bàn tay tôi bắt đầu run lẩy bẩy. Những giọt mồ hôi muối từ trán tôi rỏ ròng ròng vào những ổ hot dog. Và tôi tỉnh giấc.

Lần đầu tiên tôi có giấc chiêm bao ấy cách đây năm năm. Nửa đêm, tôi nhảy ra khỏi giường, đầm đìa hồ hôi, và tôi uống một ly trà đá cho bớt căng thẳng rồi xem một chương của loạt phim truyện The Wire. Không phải là trước đó tôi chưa từng gặp ác mộng, nhưng khi tôi thấy cơn ác mộng này bắt đầu bám rễ trong tiềm thức tôi, tôi biết tôi có vấn đề, một thứ vấn đề mà ngay cả sự kết hợp tuyệt thú của ly trà đá và thám tử Jimmy McNulty cũng không thể giải quyết được.

Uzi, thằng bạn thân nhất của tôi, một tay sành sỏi về chiêm-bao-và-hot-dog, nhanh chóng giải nghĩa cho tôi. “Mày thuộc thế hệ thứ hai của những người sống sót từ Holocaust,” nó nói. “Bố mẹ của mày đã bị buộc phải lập tức rời bỏ quê hương, nhà cửa, môi trường xã hội của họ. Cái kinh nghiệm bất an đó đã ngấm từ tiềm thức bất an của bố mẹ mày xuống tiềm thức của mày, nghĩa là ngay từ đầu đã bất an rồi. Thêm vào đó lại có cái hiện thực bất an của đời sống bọn mình ở Trung Đông. Đào bới hết những thứ đó lên thì mày thấy cái gì? Một giấc chiêm bao chứa đựng đủ loại sợ: sợ mất gốc, sợ đến ở trong một đất nước xa lạ, sợ bị buộc phải có một công việc làm không quen thuộc và không thích nghi. Mày đã cưu mang tất cả những thứ đó.”

“Có lý đấy,” tôi nói với Uzi. “Nhưng tao phải làm gì để chắc chắc là cơn mộng dữ đó không trở lại? Đi gặp một bác sĩ tâm lý?”

“Việc đó chẳng ích gì,” nó ngắt lời tôi. “Thằng bác sĩ sẽ bảo mày những điều gì? Bảo rằng bố mẹ của mày thật ra đã không bị bọn Đức quốc xã giết? Bảo rằng nước Do-thái chẳng có nguy cơ bị huỷ diệt chút nào cả để mày phải trở thành người tỵ nạn? Bảo rằng ngay cả với tay chân vụng về mày vẫn có thể bán hot dog một cách lành nghề? Những điều mày cần thì không phải là một đống láo khoét từ mồm một thằng có bằng tiến sĩ về bệnh tâm thần lâm sàng. Mày cần một giải pháp đích thực: một trương mục tiết kiệm trong một ngân hàng ngoại quốc. Ai cũng đang làm như vậy. Tao vừa mới đọc báo, họ nói trương mục ngân hàng ở nước ngoài, sổ hộ chiếu nước ngoài, và xe 4WD là ba thứ thịnh hành nhất trong mùa hè này.”

“Và nó có hiệu quả chứ?” tôi hỏi.

“Như bùa,” Uzi hứa hẹn. “Nó sẽ giúp cho cả chiêm bao và hiện thực. Nó sẽ không giúp mày khỏi trở thành một người tỵ nạn hay thứ gì khác, nhưng ít nhất mày sẽ là một thằng tỵ nạn có của cải. Một dạng người mà ngay cả nếu phải đứng bán hot dog tại một nhà ga ở xứ Nhật-Đức gì đi nữa thì cũng có đủ tiền mặt để mướn một thằng tỵ nạn khác còn kém may mắn hơn cho nó đứng đó mà nhồi dưa cải bằm.”

Lợi dụng người tỵ nạn thì không phải là một ý tưởng hấp dẫn đối với tôi ngay lập tức, nhưng sau vài đêm liên tiếp gặp ác mộng ở xe bán hot dog, tôi quyết định chọn cách ấy. Trên internet, tôi tìm thấy một trang web đẹp của một ngân hàng Úc có chiếu một đoạn video tiếp thị, không chỉ có những phong cảnh đẹp nín thở, mà còn có một cô tiếp viên mỉm cười, trông giống như Julia Roberts nhưng thậm chí trẻ hơn và xinh đẹp hơn, thúc giục tôi ký gửi tiền cho họ.

Uzi xua ngay cái ý tưởng đó. “Mười năm nữa Úc châu thậm chí sẽ không còn ở đó. Nếu cái lỗ trong tầng ozone không chụp xuống đầu nó, thì bọn Tàu sẽ chiếm mất nó. Chắc chắn như thế. Ông anh họ của tao làm việc ở cơ quan tình báo Mossad, đơn vị Thái-bình-dương, biết quá rõ. Mày nên chọn châu Âu. Bất cứ nước nào cũng được, trừ Nga và Thuỵ-sĩ.”

“Sao vậy?”

“Kinh tế Nga không ổn định,” Uzi vừa giải thích vừa cắn một miếng bánh falafel to tướng. “Còn Thuỵ-sĩ thì... tao chả biết. Tao không ưa bọn chúng. Bọn chúng có vẻ lạnh lùng, nếu mày biết tao muốn nói gì.”

Rốt cuộc tôi tìm được một ngân hàng khả ái ở quần đảo Channel. Sự thật là trước khi tôi bắt đầu tìm kiếm một ngân hàng tôi không hề biết ở Channel có những hòn đảo. Và không chừng nhờ vậy mà trong trường hợp tệ hại nhất của một cuộc thế chiến, những kẻ xấu xa sẽ chinh phạt cả thế giới nhưng sẽ không biết đến những hòn đảo ở đó, và thậm chí khi cả địa cầu bị chiếm ngự, cái ngân hàng của tôi sẽ không hề hấn gì cả. Anh chàng ở ngân hàng đồng ý nhận tiền của tôi có tên là Jeffrey nhưng cứ đòi tôi gọi thân mật là Jeff. Một năm sau đó, anh ta được thay thế bởi một người nào đó tên John hay Joe, rồi đến một anh chàng mới rất dễ thương tên là Jack. Tất cả bọn họ đều vui vẻ và nhã nhặn, và khi họ nói đến cổ phần và trái phiếu của tôi và cái tương lai bảo đảm của chúng, họ luôn luôn sử dụng động từ ở thời hiện tại hoàn thành một cách chính xác, một điều mà Uzi và tôi chưa bao giờ làm được. Mà điều này lại khiến tôi càng an tâm hơn.

Chung quanh tôi, những tranh chấp ở Trung Đông càng ngày càng dữ tợn. Những hoả tiễn Grad của phe Hezbollah đang trút xuống Haifa, và những phi đạn của Hamas đang quất ngã những cao ốc ở Ashdod. Nhưng bất kể những tiếng nổ điếc tai, tôi vẫn ngủ như một em bé. Và không phải tôi không còn nằm chiêm bao nữa, nhưng tôi lại chiêm bao thấy cảnh thiên nhiên điền dã nơi ngân hàng toạ lạc, chung quanh là biển, và Jeffrey hay John hay Jack đang chở tôi đến đó trên một chiếc thuyền gondola. Từ chiếc thuyền gondola nhìn chung quanh, tôi thấy cảnh vật đẹp choáng váng, và những con cá chuồn bơi theo thuyền chúng tôi, hát cho tôi nghe bằng giọng người hơi giống giọng của nữ danh ca Dido; chúng hát về sự tráng lệ của tiền vốn đầu tư của tôi đang tăng lên từng giây từng phút. Theo bản chiết tính do Uzi thực hiện bằng nhu liệu Excel, tiền vốn đầu tư của tôi đã tăng đến mức tôi có thể mở ít nhất hai xe bán hot dog, hay một quầy bán hot dog có mái che, nếu tôi thích.

Thế rồi đến tháng Mười 2008 thì những con cá trong giấc chiêm bao của tôi ngưng ca hát. Sau khi thị trường sụp đổ, tôi gọi điện thoại cho Jason, người đã thay thế cho anh chàng J cuối cùng trong danh sách nhân viên ngân hàng, và tôi hỏi anh ta liệu tôi có nên bán cổ phần hay không. Anh ta nói tôi tốt hơn nên chờ đợi. Tôi không nhớ rõ anh ta đã nói thế nào, ngoại trừ là anh ta, cũng giống như tất cả những người mang tên J trước kia, đã dùng những động từ ở thời hiện tại hoàn thành một cách chính xác. Hai tuần sau, tiền của tôi bị mất giá thêm 30 chục phần trăm nữa. Trong những giấc chiêm bao của tôi, cái ngân hàng vẫn trông giống như vậy, nhưng chiếc thuyền gondola bắt đầu lật úp và những con cá chuồn, không còn thân thiện chút nào nữa, bắt đầu nói với tôi bằng cái giọng Nhật-Đức quen tai ấy. Ngay cả nếu tôi muốn, tôi cũng không thể mua chuộc chúng bằng một cái hot dog thơm ngon. Bản chiết tính Excel của Uzi cho thấy rõ là tôi không còn đủ tiền để sắm một xe hot dog nữa. Tôi gọi điện thoại liên tục cho ngân hàng. Trong vài cuộc điện đàm đầu tiên, giọng nói của Jason có vẻ lạc quan. Rồi hắn bắt đầu tìm cách chống chế, và từ một điểm nào đó trở về sau, hắn chỉ tỏ ra dửng dưng. Khi tôi hỏi hắn liệu có phải hắn đang xem xét các khoản đầu tư của tôi và cố gắng làm một điều gì đó để cứu vãn phần còn lại hay không, thì hắn giải thích cái nguyên tắc của ngân hàng là biện pháp đề phòng phá sản chỉ áp dụng cho những vốn đầu tư từ một triệu đô-la trở lên. Kể từ đó tôi biết chúng tôi sẽ không bao giờ còn du hành trên cùng một chiếc thuyền gondola nữa.

“Hãy nhìn vào mặt tích cực,” Uzi nói, và chỉ cho tôi tấm hình chụp một người đàn ông có vẻ thân thiện in trên phụ trang tài chính của tờ nhật báo. “Ít ra mày đã không đầu tư tiền bạc cho lão Madoff.” Về phần Uzi, nó không hề bị trầy trụa gì trong cuộc khủng hoảng tài chính; nó đã liều lĩnh bỏ tiền vào những vụ buôn lúa mì ở Ấn-độ hay buôn súng ở Angola hay buôn thuốc chủng ngừa ở Trung quốc. Trước khi nói chuyện với nó, tôi chưa từng nghe đến tên lão tài phiệt Madoff, mà chỉ biết rành về cặp vợ chồng Bernie và Ruth.[*] Bây giờ nhìn lại, ngoại trừ một chút khác biệt là tôi bị lột sạch tiền, lão Madoff và tôi giống nhau rất nhiều: hai tên Do-thái bạt mạng, thích bịa chuyện và suốt nhiều năm đã chu du trên những chiếc thuyền gondola thủng đáy. Có phải lão, giống như tôi, cách đây nhiều năm, đã có lần nằm chiêm bao thấy mình đứng bán hot dog ở ga xe lửa? Có lẽ lão cũng có một thằng bạn vàng nào đó, giống như Uzi, kẻ không bao giờ ngưng ban phát những lời khuyên bá láp?

Thằng đọc tin trên đài truyền hình vừa thông báo tình trạng khẩn trương ở thủ đô, có nhiều xa lộ đã bị đình chỉ giao thông. Người ta đồn rằng một người lính đã bị bắt cóc. Trên đường về nhà, tôi mua hai chai trà xanh và dừng lại ở tiệm video để thuê vài chương đầu của phần cuối loạt phim The Wire. Chỉ để an tâm.

 

_________________________

[*]Tức là cặp vợ chồng Bernie Madoff và Ruth Madoff. Trước khi bị truy tố về tội lường gạt 50 tỷ đô-la tiền đầu tư của khách hàng, Bernie Madoff đã nổi danh như một huyền thoại về sự thành công tài chính ở Wall Street. Từ số vốn vỏn vẹn 5 ngàn đô-la, Madoff đã đầu tư và thành công liên tục trong một sự nghiệp kéo dài gần 50 năm. Bernie và Ruth được xem là một cặp vợ chồng tuyệt vời, không bao giờ rời nhau. Họ cùng làm việc tại một văn phòng ở Midtown Manhattan, New York, và luôn luôn đi bên nhau với nụ cười hạnh phúc. Sau khi Bernie Madoff bị bắt, Ruth Madoff tuyên bố bà không hề biết gì cả về những hành vi gian lận của ông chồng! [Chú thích của người dịch].

 

---------
Nguồn: “Requiem for a Dream” của Etgar Keret, bản dịch Anh ngữ của Miriam Shlesinger, đăng trên Tablet Magazine, August 25, 2009.

 

 

Những tác phẩm của Etgar Keret đã xuất hiện trên Tiền Vệ:

Đôi mắt lấp lánh  (truyện / tuỳ bút) 
... “Hãy cho tớ biết,” bé xoay sang hỏi nó ngay lập tức, không do dự một giây đồng hồ, “cậu đã lấy cặp mắt lấp lánh ấy từ đâu vậy hả?” “Nó chỉ xảy ra như thế.” “Vậy thì tớ phải làm gì để nó cũng chỉ xảy ra như thế cho tớ?” bé kêu lên. “Tôi nghĩ bạn cần phải mong muốn một điều gì đó nhiều khủng khiếp, và khi điều đó vẫn không xảy ra, thì cặp mắt của bạn sẽ bắt đầu lấp lánh, chỉ vậy thôi.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Khi chiếc phi thuyền đầu tiên đáp xuống mặt trăng, các phi hành gia chẳng tìm thấy ai ở chung quanh. Họ chỉ thấy có hàng triệu cái hố tròn. Thoạt đầu, các phi hành gia nghĩ rằng những cái hố tròn ấy là những huyệt mộ của những con người đã từng sống trên mặt trăng. Chỉ đến khi quan sát gần hơn, họ mới phát hiện rằng những cái hố tròn ấy chỉ là những ý tưởng về sự trống rỗng... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cô bồ của tôi ở truồng  (truyện / tuỳ bút) 
Ngoài kia, mặt trời đang chiếu sáng, và trên thảm cỏ dưới sân, cô bồ của tôi đang nằm trần truồng. Hăm mốt tháng sáu, ngày dài nhất trong năm. Đi ngang qua trước toà nhà chúng cư nơi bọn tôi ở, người ta ngoảnh đầu nhìn nàng, thậm chí có người tìm lý do để dừng lại — họ phải cột dây giày, chẳng hạn, hay họ đã đạp nhằm cứt chó ở đâu đấy và nhất định phải dừng lại đúng ngay vào lúc này để chùi cho sạch đế giày... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Ảo thuật với cái mũ  (truyện / tuỳ bút) 
... Thế rồi “Allakazeem—Allakazam!” và con thỏ chui ra. Bao giờ nó cũng làm bọn trẻ con ngạc nhiên. Và chẳng phải chỉ có bọn trẻ con — cả chính tôi nữa. Mỗi lần bàn tay tôi chạm vào đôi tai buồn cười của nó trong cái mũ, tôi cảm thấy mình như một ông phù thuỷ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thứ keo điên rồ  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi bước qua tất cả các phòng ở trong nhà, chẳng thấy nàng ở đâu cả. Trên bàn nhà bếp tôi thấy ống keo đã dùng hết. Tôi thử kéo một chiếc ghế ra, để ngồi. Nó chẳng nhúc nhích. Tôi ráng kéo một lần nữa. Không nhích một phân. Nàng đã dán nó xuống sàn nhà... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những cái ống  (truyện / tuỳ bút) 
... Một đêm nọ, tôi làm một cái ống cực kỳ phức tạp, với rất nhiều khúc cuộn và những đoạn cong ngoặc, và khi tôi thả một hòn bi vào đó, nó không chạy ra ở đầu bên kia. Thoạt tiên tôi nghĩ hòn bi bị kẹt ở khúc giữa ống, nhưng sau khi tôi thử bỏ thêm chừng hai chục hòn bi nữa, tôi nhận ra rằng chúng chỉ đơn giản biến mất... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021