thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cha, con, và...

 

Tặng Nguyễn Văn Phúc

 

Có thể anh đã nói với H một nước Mỹ của tự do, tôn trọng con người, quyển sách dày ngàn trang, anh có thể tìm đọc một trang nào trong đó có hương vị cảnh sắc của tịch liêu thơ mộng như anh từng mong đợi. Nỗi tịch liêu đó, có thể rất hiu hắt mà không hề héo hắt, ở một đất nước mà nhiều kẻ có máu văn nghệ hắt hiu của xứ sở ta luôn tỏ vẻ ghê sợ thốt lên rằng nước Mỹ siêu công nghiệp đó làm con người ngạt thở.

Chắc chắn anh đã nói với H, nước Mỹ tuyệt vời đó đã nuốt chửng của anh những nàng thơ, trong đó có H. Anh càng căm hận, sẵn sàng để ngạt thở giả tạo chăng nữa: nước Mỹ đã cướp đi một người con của anh, Q., cô gái xinh đẹp thông minh và đầy hứa hẹn, anh đã đặt hy vọng để tiếp tục tin yêu cuộc sống. Người con đó của anh, sau bốn tháng xa khuất anh không lời từ biệt, từ nước Mỹ gửi về một bức thư tràn đầy rủa sả nơi mình sống trọn tuổi thơ, và hú hồn đã thoát được địa ngục có thật, không một lời hỏi han và mặc kệ anh ra sao thì ra, chẳng thương xót.

Anh nhớ lại, ông Đỗ, nhà biên khảo văn học, bạn vong niên của anh: “Thế anh có trả lời thư của Mạc Lô không?” Ông Đỗ: “Chả có gì để thông tin cả!” Bức thư của Mạc Lô không giống chút nào bức thư của Q., ông Đỗ không trả lời chỉ vì ông cho rằng không có gì để ông phải viết một bức thư hồi âm. Anh thì không phúc đáp bức thư của người con: Q. có hỏi han gì đâu? Hoàn toàn là một bức thư rủa sả hết thảy những thứ ở địa ngục có thật, và có vẻ chắc chắn anh là một thứ trong đó. Và trong ý nghĩ Q. đã hé mở, anh là một sự tệ hại giữa những tệ hại của xứ sở. Cả người bạn thân, em cột chèo của anh, cũng đã ly dị người em vợ cũ của anh: mỗi lần ông ấy tới thăm con ông ấy, rặt nói những chuyện trời ơi đất hỡi gì đâu không à…, Q. viết trong bức thư.

Tất nhiên anh không chờ thăm hỏi của người con để ca cẩm này nọ, anh chẳng bao giờ than thở gì hết. Cứ thế cứ thế, anh sống thuận theo dòng nước chảy cùng thời gian. Bridge over the trouble water, ca khúc anh ưa thích, đời sống khi đó cũng không phải địa ngục, chỉ là khó khăn nguy khốn hung hiểm buồn phiền. Ngay lúc đọc bức thư của Q., tới bây giờ, anh hoàn toàn không thấy chút nào rằng anh đang sống ở địa ngục. Anh chỉ thấy Q. bày địa ngục ra đó để ghi lòng tạc dạ vụ việc mình đã hú hồn thoát khỏi. Càng lúc anh càng quên lãng Q., quên lãng sự quên lãng của đứa con. Anh không mảy may cần thiết để thấy, nghe, nghĩ, cảm xúc thiên đàng địa ngục hai bên làm gì. Anh không muốn mình trở nên ngu xuẩn, không muốn mất công cho cái vô ích. Anh thấy, vì đời sống là vậy, là hết thảy các thứ. Hết thảy các thứ đều có thể có mặt trong đời sống ở bất cứ nơi nào.

 

*

 

Một lần vừa qua, anh nhớ tới người con đó, Q. là điều dưỡng viên trong một bệnh viện ở Mỹ. Anh nhớ hết thảy những ai có liên quan xa gần tới bệnh viện, tới bệnh tật. Lần vừa qua đó, anh ngỡ mình bị say nắng. Buổi trưa nắng gay gắt, anh từ phố xa trở về. Tới nhà, anh đứng sững nghe ngực mình tức thở, anh như sắp ngã đổ xuống, mồ hôi chảy túa liên tục, lau ướt khăn tắm lại vắt khăn để lau tiếp. Anh điện thoại tới nha sĩ Phúc, hẳn từng học y khoa tổng quát trước khi học chuyên môn nha khoa, phải rành hơn anh, biết mua thuốc gì chống say nắng cấp kỳ. Trong điện thoại của anh chỉ có số của Phúc là người có liên quan tới bệnh viện bệnh tật. Phúc bảo anh pha nước trà gừng uống chống say nắng. Ly trà chưa pha xong, Phúc gọi tới: “Anh phải đi cấp cứu ở bệnh viện gấp, không thể chần chừ được… Em đã điện thoại cho bạn em, là bác sĩ ở bệnh viện, đón anh…”

Anh bị nhồi máu cơ tim. Anh choáng người không phải vì chứng bệnh này, mà vì số tiền để chữa trị bệnh. Gia đình anh hoàn toàn không thể chi trả, vợ chồng anh không biết tính sao. T., con trai của anh, cùng cha khác mẹ với Q., nhanh trí, tự động gửi thư điện tử tới bằng hữu, người thân quen của anh, hai tờ báo mà anh cộng tác, và người em trai của anh ở nước ngoài, nhờ hỗ trợ tiền chi trả bệnh viện. T. hỏi anh có nên hay không gửi thư báo chị Q., vì người bạn, em cột chèo cũ của anh có cho địa chỉ của Q. Anh lắc đầu liên tục một hồi, bảo tuyệt đối không gửi thư báo Q. gì cả. T. gật đầu, nói: “Con cũng nghĩ không nên gửi. Chị Q. đã từng về Sài Gòn mà không hề tới thăm ba…” Phúc nghe chuyện, ngạc nhiên, phẫn nộ về tình nghĩa của người con như Q.. Anh chỉ nói: “Chuyện bình thường trong cõi nhân gian này, Phúc không nên ngạc nhiên phẫn nộ làm gì.”

Anh nói lơ đãng điều đó, mắt nhìn chăm chú mái tóc bồng bềnh của chàng nha sĩ có dáng vẻ nghệ sĩ đàn dương cầm. Mới quen Phúc chừng một tháng, thỉnh thoảng anh ghé phòng nha khoa của Phúc, uống trà, nghe nhạc từ máy vi tính xách tay, hình như Phúc dùng cái máy này chỉ để nghe nhạc. Hai người nói đủ thứ chuyện. Có lẽ vì hợp tính, Phúc và anh nói chuyện gì cũng say sưa, sôi nổi, thú vị quên cả tường vách tù túng của chỗ uống trà. Phúc xem uống trà, nói chuyện phiếm là chính, chuyện của nha khoa là phụ, nên anh nhiều lúc ngại ngần không tới.

Không phải lúc ngồi uống trà với Phúc, mà, như cơn đau tim bất chợt, anh nghĩ tới Duyên của nhà Phật: gặp Phúc là do Duyên. Biền, người anh cả của Phúc, anh quen biết khi đi chơi vùng Long Thành, Bà Rịa, một bữa về Sài Gòn, rủ anh tới nhà Phúc. Một chàng nha sĩ nào đấy, anh không hào hứng gặp, nhưng vẫn đi cùng Biên tới nhà Phúc. Sau cái bắt tay rất chặt, rất may thuở thanh niên từng học quyền Anh, nên anh không thấy đau, Phúc nồng nhiệt nói: “Bây giờ em mới gặp người em chú ý từ nhiều năm trước…” “Em không hiểu sao, sau khi nói anh pha trà với gừng để uống, lại giật mình, cấp tốc gọi máy biểu anh đi cấp cứu…” Phúc nói. Bác sĩ khoa tim mạch can thiệp tại bệnh viện Chợ Rẫy cho anh biết ngay sau cuộc chữa trị: “Anh chưa tới số, chớ không thì đi ‘Đức’ (đứt) rồi, chỉ chậm khoảng nửa tiếng đồng hồ mà thôi…” Khi anh xuất viện, về nhà cũng chừng nửa tiếng đồng hồ, H điện thoại từ nước Mỹ tuyệt vời: “Anh có bình an không, sao cả tuần rồi em cứ nóng mặt, nghi nghi anh bị sao đó…” Anh có cảm giác đã hóa giải được nỗi căm hận cái xứ sở đã nuốt chửng hết những bông hoa cho tươi thắm cuộc đời ủ dột của anh. Anh nghĩ tới H và sự nhiệm màu, thần giao cách cảm… Anh nghĩ, anh nghĩ… Và Phúc và H, hai người có làm nghiêng lệch cán cân có đối trọng là Q., đứa con, giọt máu của anh?

Anh lên Đà Lạt sau khi xuất viện một tuần lễ. Gặp Đỗ Tư Nghĩa, người bạn thân thiết và cùng mang hiểm họa có thể đi định cư ở ‘Đức’ bất cứ lúc nào. Hai người uống rượu vang Đà Lạt, dở cũng thấy ngon, nghe bạn nói: “Chúng mình đã từng đứng chênh vênh chới với trên bờ vực thẳm, đã từng ngó thấy lòng huyệt mộ, nên từ nay có sợ chi, không còn coi chuyện chi là quan trọng nữa…” Cứ thế cứ thế, chúng tôi uống say men rượu vang vừa chua vừa chát vừa ngọt, đêm hiu hắt tới nhẹ nhàng lúc nào không thể biết.

 

Sài Gòn, tháng Chín, 2009

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021