thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chi Lan, hoa vẫn nở

 

Dallas, Tháng hai, 2009...

Tôi cầm những ngón tay mỏng mảnh ấy lên và muốn trao vào đó tất cả hơi ấm thân tình tôi có được. Bệnh tật không làm tắt được ánh tinh nhanh từ mắt Lan, mệt mỏi không làm héo nụ cười kia, dịu dàng nở đằm thắm. Hình như chỉ những giọt đau khổ mới làm tươi được đoá hoa hạnh phúc. Và con người sau khi nếm trải những vết thương, nụ đời mới rạng rỡ và đáng sống hơn lúc nào hết.

Ghé bên mép giường, nhìn Lan trong tấm khăn nâu bịt tóc, tôi thấy nét hay hay của một chú tiểu Lan ngày Hồn bướm mơ tiên nào đó. Nhẹ nhàng và thanh thoát, đoá Chi Lan Hoa của vườn hoa Văn Học Nghệ Thuật năm nào, vẫn nở dù bị chuyển liên tiếp ba bệnh viện, dù những ngày tháng qua không ăn được gì ngoài nước biển. Có những lúc con người sống bằng ý chí kiên cường vượt ra ngoài con đường hẻm hóc của bao tử và khoáng chất...

Những dòng này, tôi viết cho Lan sau ngay sau lần thăm cuối mà tôi linh cảm rằng, nếu tôi không gặp Lan lần này có lẽ không bao giờ tôi còn được gặp lại. Người con gái ấy (đối với tôi Lan lúc nào cũng còn là thiếu nữ), bề ngoài yếu đuối nhưng bề trong vồng ngực là cả một trời nghị lực. Hôm đó, anh Nguyên Nhi say nhiều. Anh say tình thân bạn hữu và ngầy ngật vị men đã chín của tình yêu Lan. Bên giường bệnh, anh ôm Lan vào lòng mà hát. Cái giọng nam nhừa nhựa của con chim quyên nhớ bạn, của vợ chồng quen hơi. Lan gối đầu vào vai anh, tựa cả đời mình vào bóng râm xanh mát ru hời, êm ả. Tôi thấy được Lan đứng giữa hai bờ khổ đau và hạnh phúc mà vẫn thắng vì Lan đang hạnh phúc. Lưỡi hái của tử thần có cứa tướm máu con bệnh nhưng sự can đảm và nhân cách cao quý của con người vẫn đánh lui nó mà dành lấy sự thanh thản và an bình.

Nhìn Lan bên anh Nguyên Nhi, tôi nhớ Lan của những ngày đầu mới gặp, buổi tôi mới bắt đầu chập chững làm thơ, viết văn gởi bài lên mạng Văn Học Nghệ Thuật, ngày Văn Học Nghệ Thuật là tờ báo mạng Việt Nam đầu tiên ra đời như một sân chơi kỳ thú của thế giới ảo. Song song với sân chơi lớn ấy, chúng tôi còn có một góc nhỏ được dùng như một cây cầu nối sự cảm thông của những bạn viết với nhau, đó là diễn đàn Ô Thước. Lan thuở ấy nhiệt tình, sâu sắc, dịu dàng, trong sáng dưới hình tượng một con chim đầu đàn của tờ báo mạng và diễn đàn, dẫn dắt cả sân chơi. Chúng tôi những con quạ họp sức bắc cầu, đem những hạt mưa nghệ thuật, thơ văn về ríu rít tưới tắm cho đời và cho nhau.

Tôi còn nhớ trong Ô Thước, Lan ít trò chuyện. Thường nếu có lên tiếng, chỉ là những công việc liên quan tới tờ báo Văn Học Nghệ Thuật. Tuy nhiên mỗi khi Lan lên tiếng hầu như ai cũng tôn trọng ý kiến của Lan. Lan được mọi người thương yêu và nể trọng đúng như cái tên được gọi là “Quạ Chúa”. Ôi cái thuở hồng hoang của internet ấy, ý thức được sự tiện ích của nhịp cầu nối giao lưu giữa con người khắp năm châu bốn bể, chúng tôi lợi dụng cơ hội để chit chat với nhau bằng email trên Ô Thước mỗi ngày, ồn ào như cái chợ vỡ. Chúng tôi bàn luận công việc, gởi bài cho nhau xem, thúc hối nhau viết bài cho tờ báo và còn có cả mục tranh luận rôm rả với nhau về những đề tài liên quan tới văn học nghệ thuật, khiến diễn đàn nhiều hôm như bãi chiến trường súng đạn bay lả tả, ai lạng quạng chen vào là bị ăn đạn oan uổng.

Lúc đầu Văn Học Nghệ Thuật được viết bằng font VIQR, phát hành tuần một lần. Sau nhờ sự tiến bộ của kỹ thuật điện toán các phát minh về font chữ Việt như VPS, VISCII, VNI, UNICODE ra đời, tờ báo cũng lần lần cải tiến theo lối viết mới.

Văn Học Nghệ Thuật được gởi ra theo mailing list và ngày càng được nhiều người ưu ái gởi bài đến cộng tác. Một thời gian, vì quá nhiều việc, theo lời Lan ngỏ ý, tôi đứng vào ban biên tập để giúp Lan và các bạn khác trong ban biên tập lo việc bài vở. Hồi ấy cái chúng tôi sợ nhất là các font chữ Việt không được thống nhất, người thì dùng VNI, người quen với VIQR, VISCII hay VPS font khiến Lan phải nhức đầu trong việc đổi lại để đưa lên mạng. Đôi khi chúng tôi phải ngồi đánh máy lại toàn bộ những bài viết theo kiểu tiếng Anh không bỏ dấu, thật là vất vả. Giống như lần chúng tôi làm số báo tưởng niệm “Trịnh Công Sơn”. Tối hôm trước, nghe tin TCS mất, sáng hôm sau chúng tôi đã có bài vở đầy đủ để ra số báo mạng đặc biệt tưởng niệm TCS rồi. Khổ nhất là việc ca sĩ Khánh Ly gởi chúng tôi hàng trăm trang bài viết đánh máy không có dấu về TCS. Chúng tôi phải chia nhau đánh máy lại để đi bài sớm cho kịp. Tuy cực nhưng chúng tôi lúc nào cũng vui vẻ hăng say làm việc cùng nhau.

Sau niềm vui của những số báo ra đều đặn, niềm vui thứ nhì của chúng tôi là những buổi họp mặt Ô Thước. Quên sao được những phút họp mặt bạn bè trên căn gác cao vùng biển, quanh ánh nến lung linh ngập khói thơ nhạc. Các khuôn mặt trẻ phá phách, sâu lắng, thâm trầm, đầy khí chất, lắm tài năng vẫn lần lượt được bàn tay ký ức tôi dở lại, lật qua. Bao nhiêu năm hoạt động cùng Ô Thước, bấy nhiêu năm kỷ niệm tôi có với Lan, tình bạn lúc nào cũng nhẹ nhàng và thắm thiết.

Hôm nay, lần đầu tiên Lan quay lưng với chúng tôi, bỏ sân chơi đi về nơi xa tắp. Tôi tin một điều, thần chết dù có cướp đi được thân xác của Lan nhưng chưa bao giờ cướp được sự an lành hạnh phúc mãi mãi có trong tâm hồn Lan. Đóa Chi Lan ngày nào của tôi vẫn nở. Con Quạ Chúa đã tháp đôi cánh vẽ lên trời một đường cánh cung và bay cao. Tất cả chúng tôi cũng sẽ tìm đường bay về với nhau, và nếu có thể cùng về một hướng: đường chân trời văn học nghệ thuật.

Bay về đường chân trời

Khi chiều xuống dần, gió ngập ngừng trở luồng se lạnh, mùa lễ hội bắt đầu.

Những con quạ Ô Thước bỏ xuống chiếc nạ da người bon chen tất bật, trở về khuôn mặt ban sơ, mặc lại dạ phục đêm hoá trang lộng lẫy, nghiêng cánh, tíu tít gọi bầy. Quạ kêu!!! Quạ kêu!!! Hơn một nhu cầu khẩn thiết. Như một ràng buộc duyên nghiệp. Tiếng gọi quạ thiết tha đã thôi thúc đàn quạ cùng bay về một hướng: Đường chân trời biển Galveston, bang Texas. Đêm thứ sáu 10 tháng 11 năm 2000, các quạ Ô Thước theo tiếng quạ đầu đàn Phạm Chi Lan đã tìm về quây quần bên củi lửa rộn rã vui, trong một căn beach house thơ mộng. Nơi ấy tình người khơi mở. Nơi ấy thơ và nhạc xoãi cánh rộng, cao. Đêm không còn nghĩa vô tận. Ngày đồng loã với đêm. Nến, trăng và nắng cùng nhau nhóm sáng. Sóng, sao, đàn và người không còn là những tinh thể tách rời. Nơi ấy những con quạ đã một phút thoát kiếp thành ngựa tung vó câu đêm sầm sập, rền rung gác cao. Vó câu muôn dặm của Văn Phụng được hợp ca. Dòng nhạc tiền chiến theo gió thả hương về. Tình khúc Lê Uyên Phương kết nụ khắc khoải, nở đoá xót xa. Nến lung linh soi tỏ những dạo khúc trẻ, dìu dặt và lóng lánh của Hoàng Đình Bình, Bích Ngọc, Nguyễn Tiến Dũng, Ian Bùi và Nguyễn Phước Nguyên. Từng giọt Nguyệt cầm của Cung Tiến đã nhỏ xuống đêm biển trăng thật đầy và rạng rỡ qua giọng hát Đỗ Danh Đôn. Long lanh, long lanh, trăng chiếu một mình... khơi vơi, khơi vơi, nhạc lắng tỏ ngời... nguyệt cầm..

Thơ nhẹ lên cung rơi vào môi len vào tóc những bóng quạ đêm thật dìu dặt như tặng vật ban riêng của thượng đế. Tập thơ Lan Ban chào đời trong buổi họp mặt như điệu Paso khởi đầu nóng sốt của đêm khiêu vũ dài vô tận. Thơ Nguyễn Bình Thường, Đinh Trường Chinh, Cỏ May, Thận Nhiên, Nguyễn Sung, Bùi Đình Thăng, Trăng Bắc Phương và Nguyễn Phước Nguyên được các quạ Dạ Thảo, Ian Bùi, Đan, Thận Nhiên luân phiên nhau đọc. Thơ Yên Thao, Quang Dũng, Nguyễn Thái Dương một thoáng bay lơ lửng vào không gian tĩnh lặng qua giọng ngâm Hoài Ngọc, Nguyên Nhi, Tóc Dài. Đinh Yên Thảo ôm đàn tự tình cùng trăng Galveston, và nhắn nhủ anh đang nhớ trăng Sài Gòn. Nguyễn Tư Phương buồn buồn khoác vòng hoa thất trận ngậm ngùi: Thôi, tôi ngoại tình với bóng.

Rượu khơi tình thân. Hạnh phúc bỗng ngắn hơn những cơn say. Thuý, Phước, Hoàng và Cỏ Hạ khép nhè nhẹ cánh cửa cảm xúc khi Mimi mỉm cười trong câu cuối bài hát Niềm chia ly rực rỡ của Bửu Ấn. Ba ngày dành cho thương yêu rơi theo chiếc lá cỏ uá khô xuống thềm nhà Nguyên, Thuý. Tiếng phong linh leng keng, leng keng tiễn chân quạ bay về tổ ấm. Biển Galveston xám hơn bao giờ. Đường chân trời tình cờ làm khởi điểm cho một nơi đến giờ lại làm mốc ra đi cho một lên đường. Quạ lại bay... như một lời nguyền truyền kiếp bỏ lại phía dưới trời đêm Texas ngàn ngàn bó đuốc hơi đốt khổng lồ đang rực sáng.

(Viết xong tại Cali 11/15/2000)
 
Trịnh Thanh Thủy
(Tưởng niệm Phạm Chi Lan tháng 9/2009)
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021