thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những màu xám của Hà Nội

 

Bản dịch của Nguyễn Thị Thanh Phượng.
Tiền Vệ hiệu đính.
[Dịch từ nguyên tác Pháp văn “Les gris d’Hanoï”, báo Libération, 23 juin 2009.]

 

 

 

Thứ Năm, 25/12, ở đây trời cũng lạnh, khoảng 8 độ C gì đó, không khí ẩm ướt và gió thổi không ngừng. Đã 3 tháng nay tôi ở Hà Nội. Ngày tháng trôi qua và tôi nhận ra rằng ánh sáng bất chuyển. Một thứ ánh sáng đôi khi gần với màu trắng, đôi khi gần như không tồn tại. Rất ít bóng râm. Rất ít sự tương phản. Luôn luôn là một màu xám, rất xám. Có nhiều ngôi nhà, khu thương mại, cây cối lốm đốm màu xám này, nhưng chỉ thế thôi, bóng râm và ánh sáng là một. Bầu trời do đó cũng màu xám, u sầu nhưng không sướt mướt, hơi khắc nghiệt. Một thứ đơn sắc. Không có mây, không một nét trắng, không một nét xanh lam, không, đó là một màu xám không tăng giảm. Một bức hình bầu trời chụp “hỏng”, do đó không có một chút sắc thái nào.

 

 

Mặt khác, khi quan sát thì đó không phải là một bầu trời như chúng ta thấy. Không phải là sự tái hiện mà tất cả chúng ta có trong đầu với những con cừu, những gương mặt, những bóng mây chập chờn, những đổi thay, những sắc màu. Không phải là một trong những bầu trời tượng hình dễ dàng bị thuần phục ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ta không khám phá nó như vậy. Có lẽ ta nên dứt bỏ bầu trời của mình ra khỏi bối cảnh của nó để tạo tác một bức tranh. Khiến nó bất động trong thời gian, tước nó ra khỏi sự tồn tại của nó, sau đó chắc hẳn sẽ dự cảm, tựa như điểm nhấn từ sự thiểu sinh này, một triển lãm lớn về những bầu trời Hà Nội tại bảo tàng Quai Branly. Tựa như ướp xác nó vậy. Giảm thiểu bầu trời như thế là cắt nó ra khỏi phần còn lại, khỏi những chân trời của nó, khỏi những đường khớp nối, cắt rời nó ra khỏi những gì đã kết nối nó với chúng ta. Thế là phạm vi rộng mở. Chúng ta chăm chú nhìn những chân trời: bầu trời biến dạng dần. Do đó, nó trở nên biểu cảm. Tôi nghĩ đến một nghệ sĩ, đến một trong những series tác phẩm của người ấy. Những bức tranh không đơn sắc, nhưng lẽ ra có thể như vậy. Trong tác phẩm đó có sự nổi trội của màu xanh, một màu xanh-xám. Tên các tác phẩm đó là “Tuyến đỏ”, “Góc đỏ II” hay còn nữa là “Atlantique, chiều thẳng đứng đỏ”. Những tuyến đỏ của nghệ sĩ ấy tạo thành tác phẩm. Những chân trời tạo nên bầu trời. Đó là những gì đem lại ý nghĩa cho bầu trời, khiến cho bầu trời không còn là bầu trời nữa. Nó mang ý nghĩa nhờ sự tương phản với cái mà nó bao phủ. Bầu trời nơi đây là một sắc màu và nó chỉ có ý nghĩa nhờ có những chân trời xám khác nhau mang chở nó. Nó HIỆN HỮU nhờ sự tương phản và có hình dạng nhờ sự tiệm cận/đối lập/mâu thuẫn. Bầu trời trở nên đẹp, nó mang ý nghĩa. Mặt khác, đó cũng không còn là một bầu trời nữa. Nó là một yếu tố màu xám không còn cô độc, mà đùa rỡn cùng những gì từ phía dưới trồi lên. Những khối lập phương, những hình chữ nhật, những đường thẳng, những đường cong. Những phối cảnh này là những vạch ảnh điểm. Một hình ảnh RGrisB.[1] Càng lại gần nó, ta càng phát hiện ra những những sự cố bất ngờ, những rạn nứt, những đứt gẫy của hình thể, của chất liệu... và của màu xám. Đó là thành phố. Màu xám này, do đó, chỉ là một cái cớ cho sự trốn chạy, và từ một cái nhìn hướng về nó, nó nói với chúng ta: “Hãy hạ mắt xuống, gạt cái nhìn của mi đi, zoom vào, zoom ra, điều chỉnh tiêu cự và kể cho ta nghe những câu chuyện, những điều sai trái, những thứ đẹp đẽ, những chuyện mờ tối, những thứ giả mạo,...” — wide angle — như một suy tưởng, cuối cùng đã tìm thấy ý nghĩa, một suy tưởng tràn trề. “Born to be wide angle”.[2]

 

Trở lại mặt đất

 

Đã một tháng nay những khung sườn của các toà tháp đang xây trong phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, phía Tây Nam của thành phố, khinh nhờn tôi. Phần lớn khu vực này là công trường, trên nhiều km vuông, những ngôi nhà, trường học, đường phố, những toà tháp, người ta xây dựng ở đó Hà Nội của ngày mai. Hà Nội của những tầng lớp trung lưu tương lai. Đô thị hoá là khả thi với việc trưng dụng đất nông nghiệp của Nhà nước và bán lại cho những nhà thầu tư nhân. Dù thế nào, những toà tháp này rình rập, bám theo tôi sát gót, chúng biết tất cả về tôi. Đó là những người lính canh của tôi, quyến rũ và đồng thời khủng khiếp. Quan sát từ xa đã đủ lâu, tôi quyết định sẽ đi vào một trong những công trường đó, tiến tới gặp gỡ một trong những toà thành đó. Có một toà thu hút tôi đặc biệt. Đó là một khối nhà có vẻ như đang bị ngưng xây dựng. Sau này tôi biết được, một việc ít xảy ra, rằng một gia đình trong khu vực đang đấu tranh để dừng việc xây dựng lại vì đó là nơi mà tổ tiên của họ đã được chôn cất từ hơn 500 năm nay. Vì thế đó là một khu đất thiêng liêng, ở Việt Nam, người chết quan trọng hơn người sống. Vậy nên gia đình này, để ghi nhớ, đã cho xây lại ở đây một ngôi mộ bằng bê tông theo phong cách “Trung Hoa” đặc trưng của các chùa chiền trong thành phố. Tình trạng không hoạt động tạm thời của công trường, sự vắng mặt của những người thợ xây, của những cần trục, máy móc tạo nên một loại quái vật kiến trúc, một loại trung tâm Pompidou. Thế nhưng khác với khu Beaubourg, toà nhà của chúng ta không phải là duy nhất, mà cùng với nó còn có những toà nhà đồng dạng, nói tóm lại là cực đại và cực đại quái dị, nhưng không hề có màu sắc.

 

 

Đó là một toà tháp gần như hoàn hảo với hàng chục tầng và chẳng có gì khác dưới chân nó ngoài ngôi mộ. Tít trên cao người ta có thể thấy những bó sắt kiên định chĩa về màu xám phía trên để đợi chờ màu xám của chúng phía dưới. Khối bê tông của chúng. Tôi ngắm nhìn nó hằng ngày và nó cũng thế. Tôi đi vào trong công trường. Một người đàn ông trẻ và mảnh khảnh tiếp đón tôi, anh ta đến từ nông thôn, từ Nghệ An, một tỉnh miền trung. Anh ta sống ngay trong công trường. Đó là người gác toà nhà. Tôi hỏi anh bằng cử chỉ rằng liệu tôi có thể leo lên cao để chụp ảnh không. Nụ cười của anh cho tôi biết rằng anh đồng ý. Chúng tôi đi vào, những cầu thang sẫm tối, hoàn toàn bị hư hại, những thanh sắt ở khắp nơi. Những tầng nhà bày ra và cấu trúc của chúng ngày càng yếu dần đi, những tầng cuối được đỡ bằng những xà gỗ độ chừng vài chục cm. Vừa vặn tới nơi, chỉ còn đúng một cái thang bằng thép để leo lên và thế là chúng tôi đã ở trên cao. Một sự tin chắc lạ lùng, trực tiếp và không khoan nhượng, tầng trên cùng này sẽ là cửa sổ của tôi nhìn ra Hà Nội, nó sẽ là “góc rộng” của tôi. Cấu trúc toà tháp giống hệt nhau ở mọi tầng. Thực ra thì chỉ có cái khung đỡ được xây. Đó là một cấu trúc bàn cờ trong đó những ô cờ là những lời mời gọi tới thành phố. Tại mỗi cây cột, một khuôn ảnh, một điểm nhìn. Phía trên cao, đầu tôi chìm trong màu xám. Tràn đầy trong đầu chất liệu xám, những khối lập phương, những hình chữ nhật, những đường thẳng, những ảnh điểm. Đây là một hình ảnh thuần tuý của sắc xám, tất cả những gì mà nó có được từ nỗi u sầu, một niềm chán nản thực sự, một làn sóng vỗ vào tâm hồn.

 

Đối đầu

 

Cấu trúc bê tông, thô ráp, chất liệu lạnh lẽo, sự chống đỡ nhọc nhằn như nô lệ, buồn và mờ mịt tới mức khiến tôi dừng lại. Từ phía trên cao, ngự trong đám bụi, vẫn luôn thế chẳng có màu sắc gì: một màu xám phía trên và những màu xám phía dưới. Một và số đông. Ông chủ và những người nô lệ. Lên giọng với họ, nhưng những người kia đang kháng cự. Hắn mạnh, kẻ đại thống trị, tuỳ tiện điều khiển những màu xám phía dưới, những người không dễ buông xuôi theo sự định hướng của hắn. Vô vàn những sự giải phóng ngắn ngủi đã đánh dấu sự tồn tại của mình, nhưng hiếm có một sự giải phóng nào vượt thời gian. Những màu xám không có người dẫn lối, không có người giải thoát, không có đấng tiên tri Moïse của mình. Sức mạnh của chúng là tính khoảnh khắc của sự tồn tại. Một khối lập phương mọc lên ở đây, đưa ra một lối thoát ở kia, sau đó biến mất. Những khối lập phương và chữ nhật của tôi, những gì đã làm nên Hà Nội, là những T.A.Z.[3] Đừng nhìn với tốc độ bình thường, mà hãy thử tăng tốc theo lịch sử của thành phố. Những khối lập phương và chữ nhật thoát ra khỏi lòng đất sau đó biến mất để rồi tái xuất hiện dưới một hình thái khác ở một nơi khác. Bị thay thế và thay thế. Một cái nhìn tăng tốc về sự đối đầu này phơi bày những dòng đối kháng Tạm thời và Tự chủ. Chúng đầy nhung nhúc dưới đây. Vô số những tồn tại nổi trội này đối lập với cái màu xám bất diệt và cương quyết kia. Chủ nghĩa xã hội không tồn tại. Từ khối nhà này, tôi có những khuôn hình cho những màu xám. Độ hai chục Vùng. Tôi chấp nhận tất cả. Biến thành chân máy, với vũ khí trong tay, tôi chụp và biến đổi.

 

 

Nhiếp ảnh: CC RUUD & PIERRE POCHAN

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]RGrisB (ĐỏXámLam), nói lệch đi từ mô thức màu tiêu chuẩn RGB/Red Green Blue (ĐỏLụcLam).

[2]Tạm dịch: “Sinh ra để mở rộng khẩu độ” (“wide angle”, khẩu độ rộng, là một thuật ngữ của ngành nhiếp ảnh).

[3]“Temporary Autonomous Zone”, tên một cuốn sách của Hakim Bey, tạm dịch : “Vùng tự chủ tạm thời”.

 

 

---------------------------
Phụ chú của Tiền Vệ:
Pierre Pochan, nhiếp ảnh gia và ký giả người Pháp, là phu quân của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Phượng.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021