thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT KHOẢNG XANH VÀ SÁNG [I]

 

MỘT KHOẢNG XANH VÀ SÁNG là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Viện, viết năm 1974. Tác phẩm gồm ba phần. Hai phần đầu đã được in trong tạp chí Sáng Hóa (bộ mới), mùa xuân 1975, tại Sài Gòn, sau đó, cả tác phẩm này đã được in trong tập truyện Trinh Nữ (NXB Đồng Nai, 1995) dưới nhan đề “Trinh nữ”. Đây là tác phẩm hoàn chỉnh đầu tiên, sau feuilleton Ngày tháng đi lên (viết dưới một bút danh khác) cho thiếu nhi, đăng dở dang trên tuần báo Thẳng Tiến tại Sài Gòn khoảng năm 1967-1968.

 

 

MỘT KHOẢNG XANH VÀ SÁNG

 

(cho Ngọc Hương – Bến Cát)

 

PHẦN MỘT

 

NGƯỜI BẠN

Vào năm hai mươi mốt tuổi, tôi bắt đầu đi dạy học ở một nơi buồn thảm và tuyệt vọng như sự chết. Thường vào khoảng bảy giờ tối, phố xá đã đóng cửa kín mít và dây thép gai phòng thủ được giăng ra giữa đường như là luôn luôn chờ đợi một cuộc tấn công tràn ngập. Tôi không có gì kể về những ngày đầu tiên của việc làm này, bởi vì tôi không coi đó là nghề nghiệp của mình. Tôi dạy học chỉ vì muốn phủ đầy nỗi cô đơn heo hút.

Thật nhiều thì giờ thừa. Và chán đời. Nhiều lúc, nằm hút thuốc lá bình thản nghe pháo kích dội âm u, tôi tự bảo sao không chết đi. Chết đi, mọi sự sẽ giản dị biết bao. Sự vụ ở trường học có thể là một cách an ủi và nguỵ tín cho điều tệ hại và những giá trị của đời sống năm tôi hai mươi mốt tuổi.

Ở đây, trong số những người tôi quen là một cô giáo lớn hơn tôi vừa một con giáp. Tôi không bao giờ gọi là chị ở ngôi thứ hai. Vì thế tôi gọi là Nàng ở ngôi thứ ba. Số ít. Dĩ nhiên. Một chi tiết tôi cần nói ngay là nàng chưa có chồng. Và may mắn thay, nàng cũng chưa có con. Đứa con duy nhất mà nàng có thể có chỉ là tôi. Người đàn bà lịch sự không bao giờ gọi người con trai bằng danh xưng đại danh từ Cậu. Vì thế, nàng gọi tôi bằng anh.

Quả thật, lúc đó tôi không biết điều gì đã nối liền sự thân mật giữa hai chúng tôi. Có thể vì trời đất đìu hiu, cũng có thể vì những biểu lộ cá tính làm xúc động cái cô quạnh trong hồn nhau.

Nếu anh là một người đã biết đàn bà hay chưa, tôi cũng chỉ có thể giới thiệu nàng thế này:

Trần thị M.

Chiều cao: một thước năm tám.

Vòng ngực: chín mươi phân.

Vòng eo: năm mươi chín phân.

Vòng mông: chín mươi phân.

Cân nặng: bốn mươi sáu ký.

Sở thích riêng: thích... một mình.

Công việc thường làm trong ngày: đi ra đi vô ngoài giờ dạy học.

Chú thích đặc biệt: đã tự tử một lần nhưng không chết.

Có một vài nếp nhăn khi nàng cười. Nhưng đó là miệng cười an ủi tôi nhất ở đây. Bởi vì nàng cười như những xúc cảm đơn thuần, vô tội vạ. Như ngọn lá đong đưa vì gió, thế thôi.

Tiếng cười của nàng thường làm khuấy động tâm can u tịch tôi. Không có nàng chắc là tôi chết bờ, chết bụi kiến tha quạ mổ rồi.

Chúng tôi có thói quen vào mùa trăng lớn, trong vườn nhà nàng trọ, sẽ trải chiếu dưới gốc nhãn chưa có trái. Đổ từng chai bia vào chậu đá lạnh, múc từng ly uống với một vài món khô. Bình thường, nàng sẽ mặc chiếc quần ngắn một gang tay rưỡi (của bàn tay tôi) màu trắng. Và một chiếc áo trắng tay trần. Tôi không hề nghĩ rằng đó là sự khiêu khích. Đối với nàng là thoải mái rất mực. Đối với tôi hẳn là quyến rũ vô cùng tận. Sự quyến rũ, là muốn được ôm chặt và cắn nát. Ánh trăng và men bia toát lộ ra hình tượng nàng mờ ảo, thơm nồng và mềm mại. Như kẻ lãng mạn nhất, tôi đã uống cả những điều có thực và những điều không có thực quanh tôi. Tôi cám ơn tất cả những gì mình có: trăng, bia và xử nữ.

Có một lần như thế tôi hỏi nàng:

- M. yêu ai?

- Tôi yêu bia.

- Ai nữa?

- Trăng.

- Ai nữa?

- Chỗ ngồi này.

- Ai nữa?

- Tôi.

- Ai nữa?

- Và Ấy.

Chúng tôi cùng cười vang làm xáo động tất cả những gì nàng yêu vừa kể. Chính cả Ấy, Ấy cũng lao lung. Và chúng tôi múc uống mỗi người hai ly một lượt.

Tôi lại hỏi:

- M. ghét ai?

- Cái không say.

- Ai nữa?

- Cái không phải là trăng.

- Ai nữa?

- Không phải chỗ ngồi này.

- Ai nữa.

- Cái không thuộc về tôi.

- Ai nữa?

- Và Ấy.

Tôi không cười được nữa. Tuy vậy, tôi vẫn uống hai ly một lượt và múc cho nàng hai ly.

Có những điều người ta chỉ cảm nghiệm được mà không thể bày tỏ được. Trường hợp tôi, người đàn bà vừa nói yêu vừa nói ghét Ấy. Chắc là tôi không cố gắng để giải thích tiếng Ấy đâu. Bởi vì, chẳng có gì đáng xấu hổ hơn một dòng sông đi quanh.

Về phần tôi, tôi không biết chắc là có yêu nàng không. Như tôi đặt cái tựa đoạn truyện kể này. Nhưng thực ra đâu có điều gì bắt tôi phải tôn trọng cái tựa đó, nhất là khi nói về một người nữ.

Nếu tôi định nghĩa một cách đơn giản và bố láo rằng: Tình yêu là sự quá độ của tình bạn. Và tình bạn, thực ra là cái bước hụt của tình yêu. Thì câu chuyện kể, chẳng qua là chuyện của một giống đực và giống cái. Nhưng tôi sẽ không bao giờ nói tới cái Linga và Yoni đâu. Giả dụ tôi nói ra cũng đâu có gì đáng mắc cỡ phải không. Dù sao một người đàn bà chẳng thích bị tiết lộ những điều riêng tư của mình, huống gì một cô giáo. Bởi vậy, vì bạn tôi, M. đó, tôi sẽ không nói gì để phiền nàng.

Tôi dạy học được hai năm. Có đứa chê tôi dạy không đâu vào đâu. Có đứa thích tôi về sự khai mở những chân trời mà tuổi đang vỡ bọng cứt khao khát bay tới. Tôi không có gì ân hận về sự truyền thụ của mình.

Một chút rắc rối giữa chúng tôi là, ngày kia, có một quả đạn vô tình rơi trúng nhà của một cô nhỏ học trò, đã có lần hỏi tôi là: “Thưa thầy, có phải là trong lòng mỗi một con ốc có chứa một biển khơi?”. Không hiểu cô bé đã đọc điều đó ở đâu. Nhưng nhìn cô bé khi ấy có đôi mắt vực thẳm, tôi đã không dám trả lời chi, có lẽ điều tốt nhất là nên nói chuyện khác, và tôi nói khi đưa một con ốc cho cô bé trên bãi biển rằng: con ốc này đẹp.

Lòng tôi xúc động không tưởng được, rồi u uất tuyệt vọng. Tôi khóc thương cô nhỏ như người tôi yêu dấu nhất. Tôi khóc và buồn bã nhiều ngày. Rồi tôi nói với M. rằng: phải chi tôi chết thay cho cô nhỏ. Một thiên thần đã chết thay vì một ác quỷ. Phải chi tôi được là đất bao dung.

Sau mùa hè đó, tôi không bao giờ gặp lại M. nữa. Và tôi buồn hơn, buồn hơn. Tôi không còn được nghe tiếng nàng cười. Tôi không còn lại bất cứ điều gì. Tôi tưởng mình sẽ chết vì cô độc và thương tiếc.

 

CỦA VỰC THẲM

Như lần trước tôi đã kể, tôi thường uống bia vào những ngày trăng lớn dưới gốc nhãn trong vườn nhà người đàn bà lớn hơn tôi một con giáp.

Nhưng thực ra tôi lại là người ghét trăng thậm tệ. Chỉ vì mặt trăng làm tôi khó ngủ, mà tôi vốn là kẻ coi ngủ như sinh thú ở đời, dĩ nhiên không giống như bọn heo. Tôi cầm tinh con trâu, kỷ sửu, mệnh tích lịch hỏa. Mặt trăng, sách tử vi gọi là thái âm, thuộc thủy. Thủy hỏa tương khắc, trăng lên tôi chỉ còn cách chết hoặc trở thành điên dại.

Bởi thế, tôi uống bia khi trăng lên không như một thi sĩ, mà như người khổ nạn cầu ơn bồ tát già phủ dụ cho say và ngủ.

Tôi ghét mặt trăng vì còn lý do nữa, là sự huyền hoặc của ánh sáng sẽ thể nhập vào trong giấc ngủ cái chập chờn, mệt mỏi và thành những cơn mộng dữ. Sợ hãi.

Ví dụ tôi kể câu chuyện này:

Có một đêm kia ngủ ở nhà nàng, tôi mơ thấy mình là đứa con hoang trở về, cả cõi lòng tôi ê chề, hối hận. Từ xa tôi đã nhìn thấy căn nhà chìm trong nắng nhạt. Tôi bỏ đi chưa lâu mà cây nhãn đã héo chết. Trên lối đi cỏ mọc um tùm như là không có chân người đã lâu, bụi chuối đầu nhà đẻ thêm nhiều cây con đứng truân chuyên chịu đựng, và cái thềm xi măng đã vỡ thêm nhiều chỗ. Tôi bước lên đó gõ cánh cửa đã tróc hết màu sơn xanh bạc phếch. Và chờ đợi nhưng chẳng hy vọng gì cánh cửa sẽ được mở ra. Cùng lúc nỗi quạnh hiu òa vỡ trong trái tim tôi, và tôi muốn khóc.

Khi ấy, tôi nói thầm: tôi về để xin lỗi M. đây, hãy tha thứ cho tôi. Bây giờ thì tôi biết tôi yêu M. quá, nếu M. không mở cửa cho tôi vào, tôi chết mất. Tôi không còn sợ bất cứ điều thị phi nào. Tôi không tin ai hơn chính trái tim mình, là tôi yêu M.. Tôi yêu M.

Rồi từ thanh vắng có tiếng kêu loạt xoạt. Tiếng động của then cửa. Cuối cùng thì nàng hiện ra, người đàn bà tôi yêu xưa, năm hai mươi mốt tuổi, diện tiền thê thảm.

Thay vì mái tóc dài hơi quăn vẫn thường toát ra cái ý chí, quyến rũ là những lọn tóc bạc trắng phất phơ. Thay vì da thịt nồng nàn như lúa chín là mốc meo cỏ giạ. Thay vì tinh anh là đần đờ lãng đãng.

Tôi đứng chết lặng. Trong giây phút ngắn ngủi tôi như sống qua một thoáng của bảy mươi năm dâu biển. Dường như sau đó tôi đã kêu lên bi thống như một anh kép hát. Bạn có thể nào cảm nhận được trong tiếng hét ấy là tất cả cái mà người ta gọi là thân phận con người không? Giữa lúc đổ vỡ tuyệt vọng, tôi bỗng trực nhận được từ sâu thẳm nỗi kinh hoàng muôn đời là sự hủy diệt đến cái tơ cái tóc, và tôi tỉnh cơn mơ.

Mồ hôi tôi toát ra nhễ nhại, người đàn bà nằm cạnh tôi khuôn mặt mờ nhạt, nồng nàn mùi lúa chín.

Tôi cố gắng nằm yên để trấn tĩnh tâm thần. Đêm thật im vắng. Bỗng nhiên tôi cảm thấy thèm một điếu thuốc kỳ lạ, chẳng may, không còn bất cứ một điếu thuốc nào. Tôi nghe trong thân xác mình khô ran, bứt rứt.

Lúc này thì tôi đã nằm nghiêng hẳn sang một bên, đầu gối lên hai tay, tôi nhìn nàng vẫn hơi thở điều hòa. Đây là sinh vật ngươi khát khao và theo đuổi trên trần gian. Tôi thèm ôm nàng trong lòng, nhưng tôi thương sự thánh thiện của giấc ngủ, hơn thế nữa là nỗi hổ ngươi với người đàn bà đã dạy tôi về hạnh phúc và niềm bí ẩn của đời sống. Quả thật, tuổi già của nàng đã ám ảnh tôi mà tôi vẫn tưởng như mỗi buổi sáng thấy hoa tươi thắm sẽ không bao giờ héo úa, như tôi có vẻ háo thắng của con ngựa non hơn là tự tại trước thị phi của cõi người.

Và tôi không thể nằm yên được nữa, tôi ra khỏi mùng, mở cửa ra ngoài. Con trăng già đã xế, trời gần sáng. Tôi khẽ rùng mình vì sương lạnh.

Tôi có biết sơ qua về phân tâm học, hiểu sự bùng vỡ và phô bày sự thật của vô thức trong giấc mơ. Điều ấy dìm tôi trong cơn buồn bã, ngươi là tên giả hình khốn kiếp, ngươi là con sâu thối tha. Tôi ngậm ngùi thương xót nàng, và sự hèn mạt của chính tôi. Đời sống vụn vặt, tội nghiệp như rãnh nước.

Tôi tha thẩn trong vườn tìm lời an ủi của hạt sương.

Dường như có tiếng chim đêm kêu thương, tôi tưởng đến một cành mềm vừa gãy. Tôi hoảng hốt quay lại tìm vu vơ. Và tôi chợt thấy ánh sáng trong nhà đã được thắp lên từ lúc nào. Kìa, nàng đứng bên cửa sổ đang nhìn tôi như đã nghìn năm. Tôi không nói đúng được lúc ấy mình sống như thế nào, nhưng tôi biết mình hiện hữu như người đàn ông thứ nhất của vũ trụ sơ khai, và trông thấy thế giới trong suốt. Tôi vội bước về, chúng tôi nhìn nhau kéo ngắn dần sợi dây của hai đầu vực thẳm. Rồi tôi ôm chầm lấy nàng, sư mẫu yêu dấu của tôi, để được vỗ về như đứa bé. Dường như tôi muốn khóc khi hôn chân nàng.

 

VỀ SỰ TỐI TĂM

Tôi vẫn còn nhớ hôm tôi hôn chân nàng như thể là tôi bé bỏng, hèn mọn dưới chân núi.

Và như thể nàng đã dạy tôi thêm một điều nữa về trái tim hoằng viễn bao dung của tình yêu mà suốt đời tôi chỉ gặp một lần và sống một lần. Những ngày tôi còn lại chỉ là ý nghĩ của sự thâm tạ đớn đau đối với đời sống dường như đã xóa nhòa, sự xóa nhòa mà tôi có thể nói hơn một chút là cái cảm thức hụt hơi về vĩnh cửu.

Sau cái giây phút tôi ngộ nạn và được người đàn bà như bồ tát ấy cứu vớt, chúng tôi lại có một buổi sáng bình thường. Thực ra tôi nói bình thường vì chúng tôi đã tìm được niềm yên ổn cũ, nhưng cũng có thể chỉ là sự giả tạm như điềm bất tường của thế giới thuộc về những con người đã được nhân cách hóa thêm một lần, thêm nhiều lần...

Bây giờ trở lại chuyện của chúng tôi đi, tôi kể tiếp.

Buổi sáng đó chúng tôi cùng nhau đi ăn khi trời còn mờ tối, những chuyến xe đò thứ nhất bắt đầu những dặm trường của nó. Tôi bỗng có ý nghĩ là dạy học có thể ví như một tên lơ xe, nhưng chẳng may cái điều được giảng dạy chẳng phải là anh tài xế. Tôi nói với M. như vậy. Nàng chỉ cười như thây kệ, có lương để ăn và được ngủ là được rồi, đó là vấn đề của các vĩ nhân, tên lơ xe thì làm việc của tên lơ xe thôi. Tôi vẫn yêu những điều như là thực tế ấy của tất cả mọi đàn bà, chẳng có gì cả, anh thấy không, chỉ là đàn bà thôi. Và đàn bà thì nhất.

Chúng tôi vào một quán quen. Đúng ra ở đây quán nào cũng quen, nếu anh là một người Việt Nam hẳn là anh phải biết ở những quận lỵ nhỏ, sinh hoạt hầu như được thu gọn vào cái chợ và bến xe, hai cái đó gần nhau và thường ở trung tâm quận. Mỗi thứ có vài cái. Vài cái quán. Vài cái xe. Vài bàn bi da, vài người. Vài con đường. Vài con chó nhỏ chạy rông. Vân vân...

Chúng tôi ăn phở, tôi Bắc kỳ thì phở khỏi bàn rồi, nhưng nàng là người miền Nam mang những đặc tính điển hình nhất cũng thích ăn phở ghê gớm, hơn bất cứ thứ nào. Vả lại văn chương ta ca tụng phở chứ không phải hủ tíu.

Chúng tôi chuyện trò, nàng hỏi:

- Anh ăn cơm bên đó khá chớ? Hay bây giờ như vầy, anh bỏ ăn cơm tháng ở đó đi, sang tôi nấu cơm cho ăn, với điều kiện là anh phải đi xách nước nghe, anh phải vo gạo nghe, anh phải đi chợ nghe...

- Thôi, tôi không có đủ cái ngoan của ông chồng hiền.

- Ai cho anh làm chồng bao giờ?

- Không thì người ở vậy.

- Đâu được bồ, anh làm người ở cho tôi, tôi tắm một ngày mười lần, cho anh xách nước chết thôi.

- Nhưng nếu M. sai tôi yêu M. chắc là tôi không chết đâu.

- Ê bậy nào.

Vậy chứ tôi làm gì được, tôi tự hỏi thế. Nàng nói sát vào tai tôi.

- Anh chỉ làm quỉ được thôi.

Trời đất, tôi khoái ngất. Đàn bà và quỉ là hai cái số một. Tôi đưa tay cho nàng bắt, chúng tôi cùng cười rộ khoái trá. Quỉ và đàn bà thống trị mặt đất. Tôi cúi nhanh hôn tay nàng giữa quán, không ai biết chúng tôi diễn cái tuồng quái gì.

 

BẬC THẦY

Có một lần khác, tôi vô chùa để tìm một chút im lặng. Cái im lặng khác cái im lặng trong hồn tôi. Những ngọn trúc đứng cười, tôi bèn bực mình đi về.

Tôi kể cho M. nghe điều ấy. Nàng cũng cười tôi. Nàng nói khi hôn tôi trong lòng: “Bé con ơi, tôi chưa đủ sao?”. Tôi chỉ còn một cách là hôn nàng trả lại, trong sự thống khoái cởi mở.

Sau đó nàng dẫn tôi tới chùa lần nữa. Những ngọn trúc không cười tôi, nhưng nghiêng mình ngưỡng mộ. Bởi vì không những tôi được đi cạnh nàng mà tôi còn nói với nàng nhiều điều về cái mà tôi cũng không thể chắc chắn được có phải là tình yêu hay không, tuy vậy chúng tôi cũng tạo được ít nhiều hòa điệu, bằng những dấu hiệu nhỏ nhặt là nắm chặt tay nhau hơn.

Và ngay cả khi chúng tôi không cầm tay nhau, và không nói gì hết, tôi cũng biết rằng nàng thâm cảm những gì tôi nói hay những gì tôi chưa nói hoặc không nói. Có một phần rất nhỏ là do sự thông minh của nàng.

Tôi vẫn biết là tiếng động dù có lớn lao tới đâu, nó cũng không lớn hơn được cái nôi của nó là thanh vắng. Vì thế, tôi không nói gì nhiều về tình yêu tôi hơn là tôi cứ để tình yêu tôi trùm khắp. Nhờ có nàng tình yêu ấy được thấm nhuần.

Trong sân chùa, những lát gạch kêu dưới chân chúng tôi. Bỗng dưng, nàng đứng lại bảo tôi một cách nghiêm trang:

- Bây giờ M. làm lễ thí phát cho anh.

Tôi nhìn thảng thốt đôi mắt nàng như vực sâu, và không tìm thấy ý định của nàng nhưng tôi đồng ý. Tôi vẫn thích cái bất ngờ tôi đạt được. Hơn nữa, chúng tôi vẫn thường đùa giỡn với nhau, như thể cái hạnh phúc vừa túi tiền.

Đầu tiên nàng yêu cầu tôi quỳ xuống bằng cái giọng nũng nịu yêu ma của nàng.

Cái nghi thức thứ nhất tôi phải làm kể từ lúc ấy là cởi áo ra và nàng nói:

- Không có gì che đậy ngươi.

Nàng đặt tay lên đầu tôi, nói cái quyết định nung nấu trong lòng nàng. Bỗng nhiên nàng rực rỡ bởi ma lực của ý chí và bản năng.

- Ngươi là người ta yêu. Bổn phận ngươi là biết từ chối trước hết thảy mọi sinh vật khác. Ta gọi ngươi là dê con của ta.

Nhưng đó là quyết định lầm lỡ. Có điều gì khốc liệt vừa xảy ra giữa hai chúng tôi.

Tôi đứng lên trước khi nàng kéo tay trở về. Tôi đi sang phía bên kia của ngôi chùa một mình. Ở đó tôi không nhìn thấy mặt trời, bóng mát buổi sáng dịu dàng phủ dụ trong hồn tôi. Tôi phản ứng tự nhiên là đốt một điếu thuốc. Và tôi cho rằng công việc này có ý nghĩa hàm ngụ nhiều hơn là tôi phải nói với M. điều gì đó.

 

TỤI CON BÒ CHIÊM BAO

Có điều gì thê thảm trong hồn tôi như sự chờ đợi. Những giấc mơ săn đuổi tôi trong và ngoài cuộc sống, dò dẫm tuyệt vọng. Nhiều lúc chập chờn trong giấc ngủ, tôi tưởng như biển đã tràn ngập mặt đất. Quả thực, tôi ao ước hồng thủy như vui mừng và hy vọng. M. cũng biết tôi cùng quẫn, nàng muốn an ủi tôi. Nhưng tôi chỉ tin vào khả năng phục hồi của thiên nhiên đối với con người.

Chỗ tôi dạy nằm trên một sườn đồi. Ở phía bên kia có hai cây lim sắt hoa vàng ối. Ngày ấy, hoa rụng lan man trên mặt đất, cảm thức về sự buồn phiền và cái đẹp phiêu diêu nhưng ẩn mật và tha thiết trong hồn tôi. Những lúc không có giờ dạy tôi đến đó.

Tôi sẽ cởi giày cầm trên tay, mang tới để bên dòng suối cạn cho chúng ngồi gần nhau. Những hôm có nước, tôi cũng sẽ cởi quần áo và tắm. Tôi la hét một mình. Tụi con bò ăn cỏ gần đó nhiều khi sợ hãi. Tôi tạt nước vào những tảng đá lạc lõng nằm giữa suối, chửi rủa: đồ cản mũi kỳ đà thô tục. Có khi mệt ngất, tôi vẫn còn chút mơ mộng bò lết tới hai gốc cây lim sắt, nằm rũ liệt trên những xác hoa mềm. Nhiều khi tôi ngủ ở đó suốt ngày li bì như lên cơn sốt.

Có hôm M. bắt gặp tôi đang nằm ôm mặt đất, như kẻ thống hối trong đền thờ. Nàng lay gọi tôi giống như một kẻ đã chết. Không nghe trả lời, nàng xoay người tôi lại cho tôi nhìn trời, tôi biết có trời cao nhưng tôi vẫn không nói. Có vẻ như tôi chết thật. Bỗng nhiên nàng òa khóc, kể lể như con mẹ điên.

Cho đến khi nắng soi chiếu vào mắt tôi như rực lửa hỏa ngục, tôi mở mắt ra nói:

- Xin lỗi M.

Chúng tôi nhìn nhau tươi sáng, thấy rõ niềm tự tại của nhau.

Tôi gởi tặng bạn điều tuyệt vời này: nàng cúi xuống, chúng tôi hôn nhau bồi hồi và mong manh. Niềm xúc động ngân nga vọng đến từ xa xôi, sơ nguyên và cứu rỗi. Tôi muốn nín thở kẻo vỡ tan. Tôi muốn nằm im cho tới chết.

Và tôi vẫn nằm trên mặt đất như thế, gối đầu bằng hai tay, dáng lười biếng, M. nằm xuống cạnh tôi, có một chút ngại ngùng ở giữa trời xanh. Bỗng dưng tôi nghe tiếng mặt đất gọi, từ bi xiết bao, như tự lòng tôi từ bi hoan hỉ.

Tôi nói với nàng:

- M. cũng giống như mặt đất.

Rồi tôi âu yếm nàng. Và lá cây gọi gió. Tội nghiệp thay những xác hoa đã mềm nát. Chúng tôi lăn một vòng tròn. Khi ấy, trong tiềm thức tôi là: Một sinh vật nguyên thủy sung mãn và tự do trong cái ý chí của bản năng phóng tới hư vô phía trước mà chẳng hề xao xuyến, nhưng là đắm say.

Chúng tôi yêu nhau xót xa và giản dị. Tụi con bò dường như thấy tôi thân thiện hơn.

Và tôi muốn kéo nàng xuống dòng suối tắm chơi, nhưng nàng sợ hãi đứng lại trên bờ.

Để nàng đứng một mình sẽ đớn đau, nhưng tôi vẫn lội qua dòng suối.

Đi len trong các bụi cây, tôi nói thầm với mình rằng: mày không tìm điều gì chứ? Chắc vậy, tôi không tìm cái gì. Chỉ có Thượng Đế biết chỗ tôi phải đến. Mày không nghĩ gì chứ? Chắc vậy, nghĩ con mẹ gì.

Lúc lâu sau tôi trở lại, tay cầm cây gậy đi tàng tàng. Không còn thấy M. bên dòng suối. Tôi gọi:

- M. ơi.

Tiếng tôi khô vang. Có lẽ nàng bỏ về. Tôi cảm thấy mình có gì lớn hơn sự thản nhiên tàn nhẫn.

Thực ra, nàng ngồi khuất phía sau cây lim sắt. Thâm sâu và buồn bã. Tôi biết nàng nghe thấy tiếng tôi gọi.

Mồi thuốc cho M., chúng tôi cùng nhìn khói thuốc bay.

Tôi muốn nói với M. rằng đời sống thực sự không phải là cái biến thể của tâm thức bái vật là những biểu tượng, mà đời sống cần được vươn tới độ vô luân thần linh.

Thay vì nói như thế, tôi nói kiểu chăn bò:

- Hoặc là tôi sẽ bỏ M. vĩnh viển, hoặc là tôi giết M.

 

MÙA HÈ TẮT NẮNG

Nếu như mùa hè không còn nắng nữa, tôi sẽ rất buồn vì điều ấy, M. cũng sẽ biến đổi theo thời tiết. Và tôi rở nên tần ngần mỗi khi gặp M. Sự mơ hồ này cũng giống như cái mơ hồ tôi tưởng có về M. Và mùa hè có còn nắng hay không thì trong tâm tôi M. cũng đã biến đổi mất rồi.

Nếu như tôi vẫn được coi là kẻ truy tìm, thì đối với M. sự truy tìm ấy bỗng hiển lộ bất ngờ, ngoài cái tôi mường tượng.

Tôi không thể nói là thất vọng hay không. Nhưng tôi biết một điều chắc chắn là tôi cũng đã khác để có cái quyết định sau mùa hè đó, như sau này tôi đã làm khi cô bé, tôi gọi là thiên thần bản mệnh chết đi. Dù cho lòng tôi ngậm ngùi. Lời cầu nguyện tôi đã nghe:

“Lạy Chúa xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy”.

Như chảy trong máu tôi và chảy tràn đầy thinh không hiu hắt, cho linh hồn của thiên thần bản mệnh và linh hồn tôi mềm. Mỗi khi tôi có thể khóc, tôi đã khóc cho em nhỏ, cho M. và cho tôi, xin Chúa cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Cho dù điều tốt lành em nhỏ đã mở, điều dữ M. và tôi đã cùng làm được mờ xóa đi trong ánh sáng ngàn thu.

Như mùa hè sẽ tắt nắng, mùa hè sẽ rất buồn. Tôi nói điều này với M. một cách bâng quơ.

M. không phải là mặt trời rực lửa, M. chỉ là mặt đất âm ỉ chờ ngày nguội lạnh. Tôi cũng thương M. lắm chứ. Nhưng tôi chẳng thể nào, bất cứ bao giờ thuộc về ai. Tôi biết là M. sẽ không thù oán tôi, dù sao tôi vẫn coi M. là núi lớn mà hoằng viễn bao dung như biển.

Mùa hè tắt nắng không phải là lúc để người ta nói với nhau hay sống với nhau nín lặng, mà khi không còn nắng nữa, người ta chỉ có thể cầu nguyện cho nhau, một cách cá nhân hay toàn bộ, xin ánh sáng ngàn thu độ lượng.

Và ánh sáng ngàn thu độ lượng ơi, cô bé xưa đã chết, rồi tôi và M. cũng sẽ chết trong vực đời.

Tôi để thời gian cầu nguyện khá lâu cho M. và tôi bên trong cái bề mặt bình thản người ta có thể nhìn thấy.

Chúng tôi nói với nhau rất ít và chỉ nói những điều thông thường phải nói, những thói quen vẫn giữ. Thực ra, cuộc đời đâu có chi thay đổi. Con trăng vẫn lớn khi chúng tôi uống bia, cây nhãn chờ ngày ra trái. Giữa mọi điều tốt lành, khi người ta muốn một cái tốt lành hơn, những cái tốt lành khác trở thành vô nghĩa. Như thế cái tốt lành hơn đã không đạt được, người ta chỉ còn cách chết sớm hơn định mệnh. Và tôi tin là M. sẽ làm điều ấy sau mùa hè.

 

[còn tiếp PHẦN HAI và BA]

 

 

---------------------
Bấm vào đây để đọc CHUYÊN ĐỀ về NGUYỄN VIỆN

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021