thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngôn ngữ

 

[Tạp bút / tạp luận]

 

Tôi đến Venice khi trời gần tối. Đồng hồ trên quảng trường thánh Mark chỉ sáu giờ chiều. Bên bờ biển, tôi đứng nhìn ra xa, sương mù mỏng như lụa, vầng trăng mười bốn tròn vành vạnh hiện lên ở chân trời. Khung cảnh tuyệt mỹ. Tôi đi bộ một mình dọc theo bờ nước, len lỏi qua những ngõ hẻm. Khoảng cách giữa hai tường nhà hai bên đường có khi chỉ vừa một người đi. Trong một khu vực im lặng, sau cây cầu uốn cong qua dòng nước tối, tôi nghe giọng hát opera vang xa trên mặt nước.

Tôi đến gần, một người đàn ông trạc năm mươi tuổi đứng hát một mình. Anh hát lâu, nồng nàn, say đắm, với giọng hát rung cảm sâu xa. Trong lúc nghỉ lấy hơi, anh gật đầu mỉm cười nhìn tôi, người thính giả duy nhất. Chờ anh xong, tôi khen ngợi và hỏi anh từ đâu đến. Anh bảo rằng anh sinh ra ở đây và chỉ tay về phía ngôi nhà sau lưng tôi, đó chính là nhà cha mẹ anh. Anh theo cha mẹ rời Venice đi về vùng phía Nam của nước Ý cách đây hơn ba mươi năm. Đây là lần đầu tiên anh trở lại. Tôi khen Venice đẹp tuyệt. Anh nhìn tôi lắc đầu thương hại, bảo rằng Venice của anh ngày xưa đẹp hơn, sạch hơn, ít người hơn, không thương mãi như bây giờ. Anh kể rằng thời anh còn nhỏ trên mỗi góc phố, sau mỗi khung cửa sổ, buổi chiều có thể nghe được tiếng hát opera và tiếng đàn lyre của những chàng trai, cô gái, những nghệ sĩ lang thang. Venice không có nhiều du khách và những kẻ bán đồ lậu như bây giờ. Coi bộ anh không thích những người gypsies lang thang. Nhìn vào mắt anh, tôi tin. Và tôi nhớ ra một chuyện.

Một người bạn của tôi nhà ở Sài Gòn lần đầu tiên ra miền Trung, đi ngang qua quốc lộ số một, đi ngang qua làng tôi. Anh nhận xét rằng miền quê của tôi thật nghèo nàn xơ xác, không có cảnh sắc gì đặc biệt. Đó là một nhận xét thành thật. Có thể một phần vì sự tàn phá của chiến tranh, nhưng cũng có thể vì thời gian ba mươi năm tự nó đã có nhiều thay đổi. Ngày xưa làng quê của tôi đẹp hơn bây giờ, dòng sông thơ mộng hơn, bờ sông cát trắng nhiều hơn, nhìn là muốn nhảy ùm xuống nước, người lớn nhân từ hơn, trẻ con tử tế hơn, và thanh niên lãng mạn hơn ngày nay.

Nhưng có chắc chắn là tôi đúng không? Có chắc gì đâu.

Có thật là sự khác nhau là do trí tưởng tượng hay lòng hoài niệm của lớp người cũ, hay quả thực có những điều gì thực tế, thực sự, xảy ra khác nữa? Một đồng nghiệp của tôi, người da trắng, được giới thiệu món phở Việt Nam, hết sức thích thú. Mới đây, đến giờ ăn trưa, anh đòi tôi dẫn đến một quán phở mà anh đã ăn ở đó mấy lần, khen. Tôi chiều ý anh, mặc dù hơi nghi ngại. Nhìn bạn ăn một cách ngon lành một thứ thức ăn kinh khủng, mà tôi không thể nào nuốt nổi, tôi hiểu rằng con đường đi từ cái lưỡi hiện tại của bạn tôi đến mùi vị quá khứ của tôi là một con đường rất dài.

Chúng tôi chào nhau chia tay. Người hát opera vẫn còn đứng đó một lúc, chiếc bóng đổ dài trên tường, dưới ánh đèn đường pha lẫn ánh trăng. Đi bộ quãng thật xa tôi chợt nhớ ra một điều kì lạ. Suốt cuộc trò chuyện, tôi chỉ dùng tiếng Anh. Người đàn ông đẹp trai có giọng hát truyền cảm vì không biết tiếng Anh nên nói bằng tiếng Ý.

Vậy thì bằng cách nào hai chúng tôi đã hiểu được nhau, thông cảm với nhau? Như thế, có nhiều thứ giao tiếp khác ngoài ngôn ngữ, mạnh hơn ngôn ngữ.

Và biết đâu, cũng có mấy chục phần trăm tôi đã hiểu lầm anh?

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021