thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cho đến một ngàn năm

 

Năm 1010. Đức vua đã ngự đến nơi này và trong căn chòi của tôi, ngài nói: “Ta là vua của ngươi”. Tôi cũng thật thà thưa lại, như tôi vẫn hằng nghĩ: “Vâng, tâu bệ hạ, bần dân là chủ của vùng đất này”. Thanh âm của tôi chưa thoát ra khỏi căn chòi chật hẹp, đầu tôi đã lìa khỏi cổ.

Năm 980. Không biết ai đã sinh ra tôi, nhưng tôi đã lớn lên cùng với những cây cối xung quanh, những con vật thân thuộc như con gà, con chó và cả mấy con chuột thậm thụt dưới chân vách. Hàng ngày, tôi đi bắt cá trong mấy cái hồ lân cận để đổi lại vài nắm gạo. Và tôi nghĩ cuộc sống như vậy cũng tốt đẹp, nếu như tôi cưới được một mụ vợ.

Cũng không khó lắm khi tôi ngỏ lời với cô gái có bắp chân to nhất vùng, rằng: “Tớ muốn có một người vợ như đằng ấy”. Cô ấy bẽn lẽn hỏi lại: “Thật không?” Tôi bảo sẽ nhờ người đến nói chuyện với thày mẹ cô ấy.

Thế là chúng tôi thành vợ chồng.

Vợ tôi sinh một hơi mười đứa con. Đứa nào cũng khỏe mạnh. Bầy gia súc trong nhà cũng thi nhau đẻ. Vườn tược, ruộng lúa nhà tôi xanh cả một góc trời. Các cụ trong thôn bảo: “Thằng này giỏi”. Tôi thưa lại: “Đấy là nhờ vượng khí của rồng”.

Hồng hoang. Khi ẩn, rồng là khí của đất, những linh hồn người chết được vỗ về, người sống được an lành. Khi hiện, rồng là nước của đất, vạn vật được nuôi dưỡng. Nếu để rồng bay mất, thì lòng người ly tán và mọi nỗi oan khiên sẽ đổ xuống đất. Điều này, tôi nghe mấy ông già nói.

Năm 1000. Các con tôi trưởng thành. Chúng mạnh mẽ và siêng năng. Cũng là lúc tôi được gọi là chủ đất của hai bờ sông Tô Lịch. Các cụ tiên chỉ nói: “Nhà bác ăn nên làm ra, thì cũng nên nghĩ đến người chung quanh”. Tôi bảo: “Các cụ muốn gì, cứ dạy”. Các cụ nói muốn có một cái nhà chung để chòm xóm tụ họp chuyện này chuyện nọ, chứ nhà ai cũng chật quá. Tôi thấy việc này cũng cần, nhất là khi có những chuyện phải phân giải, tôi đồng ý.

Chẳng biết từ khi nào thì cái nhà chung đó được gọi là cái đình. Tôi rất hài lòng khi được nghe đám giai gái ngồi hát với nhau ở sân đình trong những đêm trăng. Nhưng ngày trọng đại nhất với tôi chính là ngày các cụ quyết định phải có một cái gì đấy được tôn kính trong đình. Một cụ nói: “Chúng ta cần chọn một người xứng đáng nhất để con cháu noi gương”. Tôi tự nghĩ, xét từ lúc có trí khôn, chẳng ai hơn tôi. Nhưng tôi chỉ có thể noi gương chứ không thể hương khói. Bởi vậy, tôi nói: “Thưa các cụ, nói loanh quanh chẳng qua nói thật. Thôn ta không mấy gia đình, cũng toàn là nghèo hèn. Có mỗi gia đình tôi là khá hơn cả, mà tôi thì không đáng được tôn kính như thế, suy đi nghĩ lại, người được gọi là tiền hiền để chúng ta kính nhớ công đức, không ai ngoài đấng đã sinh thành ra tôi”. Một cụ đứng phắt lên: “Ông bố nhà bác hả? Nó là ai, có ai biết không?” Tôi từ tốn: “Có thể không ai biết bố tôi là ai, nhưng nhất định tôi phải có bố chứ phải không ạ?” Có vài cụ cười tủm tỉm, nhưng không ai quyết. Cũng chẳng có gì vội, bởi trưa nào vợ tôi cũng làm một con gà luộc và đem một hũ rượu đến phục vụ các cụ. Đến chiều ngày thứ năm, sau khi các cụ đã ngà ngà say, tôi nói: “Thôi, cứ thế mà làm nhé”. Chẳng ai buồn cãi.

Tuy vậy, tôi cũng không biết phải thờ bố tôi như thế nào. Trong làng có một anh biết đọc chữ Nho, anh ta nói: “Để tôi lo”. Anh ta lấy một miếng gỗ, đục khắc mấy chữ trên đó, đưa tôi, anh nói: “Đây gọi là bài vị. Kể công đức của bố anh”. Tôi hỏi lại: “Thế anh biết bố tôi à?” Anh ta nói: “Không, nhưng công đức của các vị tiền hiền thì như nhau”. Tôi hỏi tiếp: “Thế anh viết cái gì?” Anh ta vui vẻ: “Thành hoàng, người đã sinh ra người đã lập nên cái đình này, nhân - nghĩa - lễ - trí - tín vẹn toàn”. Tôi đãi anh ta một bữa rượu thịt. Tôi không biết đọc, nhưng ý nghĩ bố tôi là một hàng chữ làm cho tôi hãnh diện.

Hôm đưa bài vị bố tôi vào đình là một ngày hội. Cả làng vui chơi ba ngày liền. Tôi tốn mất ba con trâu và chục hũ rượu.

Năm 1010. Cùng với việc xây thành, nhà vua cũng cho xây chùa để an dân.

Năm 1013. Vợ con tôi cải táng tôi rồi cho vào cối đá xay nhuyễn, xong bỏ vào một hũ sành và lén chôn trong góc sân chùa. Vợ con tôi muốn tôi sớm hôm được nghe kinh kệ.

Năm 1840. Tôi đầu thai vẫn là một nông dân ngay trên vùng đất cũ của mình, nhưng trong một gia đình Công giáo.

Năm 1861. Vua Tự Đức ban hành chiếu chỉ cấm đạo lần cuối. Máu rồng loang lổ khắp nơi. Cuối năm đó tôi bị quan sai triều đình bắt sau khi toàn bộ gia sản bị cướp đoạt.

Năm 1862. Tôi bị chém lần thứ hai bởi đức tin Công giáo của mình, trước sự chứng kiến của hai người đàn bà thân yêu, mẹ và vợ tôi. Đầu tôi bị bêu giữa chợ, trên má nổi bật hai chữ “Tả đạo”. Mẹ và vợ tôi mang cái xác không đầu về cuốn chiếu chôn trong nghĩa địa làng.

Năm 1988. Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tôn phong tôi hiển thánh, bởi một số phép lạ tôi đã làm.

Năm 1975. Trong trại cải tạo các sĩ quan của chế độ Sài Gòn vừa sụp đổ, Thiếu tá Tuyên úy – Linh mục Đôminicô Phan Văn Ph. đã kể những câu chuyện về những người tử đạo Công giáo Việt Nam cho bạn tù nghe để an ủi và khích lệ họ trong cuộc sống khắc nghiệt. Đại úy Biệt động quân Nguyễn Văn N. – ông cũng có một mẹ già và một người vợ trẻ như tôi - bị xuất huyết bao tử, chờ chết. Cha Đôminicô làm phép xức dầu cho ông và khuyên ông ta cứ tiếp tục cầu nguyện. Và ông ta đã nhớ đến tôi như một người đồng hương và cùng cảnh ngộ lao tù. Ông ta thầm thì với tôi: “Xin giúp con, cho con qua cơn khốn khó này. Nếu phải chết, cho con được gặp mẹ và vợ lần cuối như xưa kia Người đã được như vậy”. Tôi nhận lời ông ta. Không những được gặp mẹ và vợ, tôi còn cầu xin Chúa cho ông sống để gia đình ông ta và những người tin vào Chúa được hạnh phúc. Các nhân chứng đều kể lại rằng, ông ta đã không ăn và không uống thuốc mười ngày, cho đến khi gặp mẹ và vợ thì hồi tỉnh.

Năm 1977. Gia đình ông Nghiêm Quang L. di dân vào vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng. Vừa đến nơi thì ông ngã bệnh. Chạy chữa hết tiền bệnh cũng không khỏi. Vợ con lâm vào cảnh chết đói. Ông cầu nguyện với tôi: “Con cùng đường rồi. Xin phó thác vào Chúa và xin Người nhủ lòng thương”. Tôi đến với ông trong đêm và nói: “Ông không có bệnh gì đâu, hãy đứng dậy và vác dao vào rừng”. Và ngày hôm sau ông ta đã thức dậy như một người khỏe mạnh.

Năm 1889. Đức tin Công giáo không thể ngăn cản tôi tiếp tục đầu thai. Trở lại quê cũ, so với khi lập nghiệp lần đầu, ruộng vườn nhà tôi đã giảm đáng kể.

Năm 1954. Lần thứ ba tôi bị chém chỉ vì có vài mẫu ruộng trong đợt cải cách ruộng đất. Thằng con trai cả đi theo cách mạng bất lực nhìn bố bị hành quyết một cách tủi nhục. Có một lấn cấn nhỏ trước khi chết, là tôi không biết có sự đổ vỡ trong tôi về tình phụ tử, hay sự phá sản trong niềm tin cách mạng của nó. Tôi chỉ biết rằng sẽ rất khó để đầu thai khi tôi vẫn nhìn thấy thằng con là một đảng viên của một đảng đã giết bố nó vì sự cần mẫn lương thiện và may mắn hơn người khác.

Năm 1010. Khi đầu tôi rơi chạm xuống đất, đức vua đã nhìn thấy rồng bay lên. Mặt đất chỉ còn giun và các con mạo nhận họ hàng nhà rồng nhưng không có linh hồn.

Năm 2009. Vào một buổi tối, ông nhà văn tôi quen đang phân vân trước bảng hiển thị của Google trên máy vi tính. Tôi cầm tay ông gõ hàng chữ “cho đến một ngàn năm”. Click chuột: Kết quả 1 - 10 trong 10 cho "cho đến một ngàn năm". (0,25 giây). Trong đó, chỉ có một kết quả “cho đến một ngàn năm của một người nông dân” là tôi. Thế là chuyện của tôi được kể. Tuy nhiên, tôi chẳng mong ước điều gì, ngoài việc cầu mong linh hồn tôi được an nghỉ ở đâu cũng được, miễn là đừng đầu thai nữa, vì tôi đã nhìn thấy ánh thép lóe lên từ phương Bắc.

 

29.9.2009
(Giỗ mẹ)

 

 

---------------------
Bấm vào đây để đọc CHUYÊN ĐỀ về NGUYỄN VIỆN

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021