thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thể loại đầu đất

 

1.

“Chúa đã gọi ông Antôn về.” Vị linh mục nói trong lễ tang ở nhà thờ. Ông Antôn là bố tôi. Ông Antôn đã chết hơn một năm rồi. Hôm giỗ đầu, tôi mời họ hàng nội ngoại hai bên đến nhà ăn giỗ. Mọi người vui vẻ. Nhưng tất cả anh em ruột thịt của tôi đều vắng mặt, bởi họ đang ở Mỹ. Nước Mỹ và Việt Nam, theo cách nói của chính phủ, mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp. Tất nhiên phải tốt đẹp vì kinh tế Việt Nam khá lên được là nhờ xuất khẩu qua thị trường Mỹ và khoản kiều hối khổng lồ gởi về. Nhưng anh em tôi vắng mặt vì không muốn tốn tiền. Vả lại, làm giỗ ở đâu chẳng được, cứ gì nhà tôi. Tuy nhiên, người vắng mặt quan trọng nhất, tôi cho rằng chính là bố tôi.

Những năm cuối đời, ông đã sống với tôi sau khi hồi hương. Mặc dù chỉ sống ở Mỹ có vài năm, chưa kịp có thẻ xanh để làm thường trú nhân, nhưng khi trở về Việt Nam, ông cũng không phải là công dân Việt. Phải mất đến gần mười năm, tôi mới xin nhập hộ khẩu được cho ông. Dù sao, ông Antôn cũng đã chết. Tàn tro của ông, tôi gởi trong nhà thờ, mong ông được gần Chúa.

Trước khi chết, ông muốn đi ỉa. Tôi chùi đít cho ông. Và tôi phát hiện ra, cái hậu môn của ông không khép lại được nữa. Ông muốn đi ỉa lần thứ hai, tôi đỡ ông dậy, nhưng ruột già cũng đã tê liệt, cứt không tống ra được. Tôi bảo: “Thôi, thày ngủ đi.” Bố tôi gật đầu. Nằm quay mặt vào tường, bố tôi chết.

 

2.

Cái chết của bố tôi lặng lẽ. Không phiền ai. Nhưng đây là lúc tôi cảm thấy cần viết một điều gì đấy về bố tôi cũng như về sự chết của con người. Cho bố tôi. Nhưng bố không biết chữ, liệu bố có đọc được bằng linh cảm không nhỉ? Dù thế nào, tôi cũng phải viết điều gì đấy cho bố.

 

3.

Bố đang ở đâu, nếu bố có một linh hồn?

 

4.

Thế nào là một linh hồn?

 

5.

Bố.

 

6.

Đang.

 

7.

Ở.

 

8.

Đâu.

 

9.

Nếu.

 

10.

Có.

 

11.

Một.

 

12.

Linh.

 

13.

Hồn.

 

14.

Có lần, bố tôi nói: “Tao sẽ nói với mẹ mày” về việc tôi mất nết bỏ bê nhà cửa. Khi ấy, mẹ tôi đã chết. Như thể mẹ tôi cũng có một linh hồn và đang ở đâu đó, vẫn sống theo cách của con người.

Dù sao, tôi vẫn tin rằng, bố đã tìm đến được với mẹ và em gái tôi (cũng đã chết). Ở một nơi rất gần và có thể chạm vào được. Khi đã là một gia đình, mối quan hệ đó trở thành vĩnh viễn.

 

15.

Khi thắp nhang, tôi thấy lòng ấm cúng.

 

16.

Sự luân hồi làm cho sự sống trở nên bình đẳng. Và bởi thế mọi mối quan hệ chỉ là giả định. Cuộc sống dương gian là “hiện tại” và đích thật hay chỉ là trung chuyển?

 

17.

Bố có buồn không? Thời gian quá đỗi hiu quạnh. Nếu linh hồn nương náu ở “hư không”, thì “hư không” có là “bể khổ”?

 

18.

Bố tôi đã cắt hai tinh hoàn vì u xơ tiền liệt tuyến, nên cuối đời không cảm thấy bức bách về tình dục. Tôi cho rằng đấy cũng là điều may. Tuổi già, ham muốn khó giải quyết vì con mắt khắc nghiệt của người đời. Sống, càng già càng cần dũng cảm.

 

19.

Có lẽ cũng không còn bao lâu nữa sẽ đến ngày tôi về cùng cha mẹ. Và đến lượt tôi, có thể linh hồn tôi cũng sẽ quyến luyến lần khân sống quanh quẩn với các con mình.

Tôi chợt nhận ra, cái đạo thờ ông bà của người Việt Nam, hoá ra cũng nằm trong máu một người Công giáo như tôi. Có thể coi đây là một hệ tư tưởng nền tảng của người Việt. Nó chi phối đời sống xã hội cũng như tâm linh của người Việt.

 

20.

Tôi tin rằng, linh hồn người chết có khả năng phù hộ cho người sống. Đó là sự hỗ trợ năng lượng từ một bản thể.

 

21.

Một ngôi nhà càng cũ, nghĩa là càng có nhiều thế hệ gia đình sống trong đó, càng có thể tạo ra những trường tâm linh đặc biệt.

 

22.

Tôi không có kỷ niệm nhiều với bố. Ký ức của tôi về ông là tiếng đàn nhị kéo ò e chọc ghẹo những buổi chiều thảng thốt. Những buổi chiều hốt hoảng. Những buổi chiều hoang mang. Những buổi chiều ráo hoảnh. Những buổi chiều lê thê. Những buổi chiều se sắt. Những buổi chiều trốn chạy. Những buổi chiều buồn thiu. Những lan man chiều.

Tiếng đàn nhị như tiếng khóc. Ấm ức.

Thời trẻ, bố tôi chơi nhạc cho phường bát âm trong những đám rước ở nhà thờ. Và ông ôm cây đàn sang bên kia thế giới. Tiếng đàn tôi nghe giờ đây như tiếng gió. Đôi khi, nó cũng giật giọng trong những đêm mất ngủ. Tôi thắp nén nhang cho mọi người trong gia đình tôi đã qua đời. Và tôi trò chuyện với họ. Thời gian có ý nghĩa gì không khi mọi sự đã là vĩnh hằng?

 

23.

Trong chiếc quan tài của ông, tôi bỏ thêm cho ông một cái chăn. Kinh nghiệm của một người từng lang thang không nhà không cửa cho tôi ý nghĩ cần thiết của một cái chăn ấm, dù đó là hư vô. Riêng với cây đàn, tôi đã phải rất lưỡng lự. Giữ lại làm kỷ niệm hay để ông đem theo? Cuối cùng tôi đã quyết định để tiếng ò e đi theo ông khuấy động nghìn thu tĩnh mịch.

 

24.

Tôi đã không biết làm gì ngoài việc gọi điện thoại báo tin cho mọi người, khi biết chắc rằng bố đã chết. Cho đến khi có người bạn đến, anh đã giúp tôi liên lạc với nhà táng và đắp tấm chăn che kín ông. Có nhiều thứ niềm tin chung quanh một cái chết và cách thức tổ chức một đám ma. Tôi chỉ biết mỗi một điều là ông sẽ không bao giờ khuất.

 

25.

Có rất nhiều thứ linh tinh ông để lại. Những cây kéo nhỏ để tỉa râu và những bao nylon đủ kích cỡ được xếp nhỏ lại và buộc bằng sợi dây cao su. Mặc dù râu của bố tôi không còn nhiều nữa sau khi cắt tinh hoàn. Một vài sợi mọc ngược ngạo trở thành thú vui để ông nhổ nó bằng một cái nhíp. Người già nào cũng có những thói quen lẩm cẩm. Cái vớ vẩn để giết thì giờ.

 

26.

Có những linh hồn báo ứng. Họ cần một thứ gì cho cuộc sống ở bên kia, hoặc muốn chu tất một sự dang dở ở bên này. Đôi khi chỉ là sự nhắn nhủ hay báo tin cho người thân. Cái khả năng kết nối hai miền âm dương vẫn còn là một bí mật cần khám phá.

 

27.

Bố tôi nói: “Tao nghe thấy chúng nó bàn nhau muốn hại mày.” Tôi cười hỏi lại: “Bố tính sao?” Bố bảo: “Làm sao tao tính được, hãy liệu giữ mình con ạ.” Tôi cũng chẳng biết giữ mình làm sao. Vẫn cứ làm những điều mình cho là đúng.

 

28.

Sự hoảng loạn đã bắt đầu. Nhiều người bị bắt, bị vu khống và nhục mạ trước khi bị kết án tù. Điều ấy không ngăn cản được càng ngày càng có nhiều người nói sự thật. Và sự thật đang trở thành niềm hy vọng cho nhân phẩm con người. Bố tôi, người dưới suối vàng, nói: “Cái chết là sự thật sau cùng.” Tôi sẽ đối diện với cái chết cũng như nỗi sợ hãi như một sự thật hiển nhiên.

Bố tôi cũng nói: “Sự dịch chuyển sẽ bứt chúng ta ra khỏi gốc rễ của mình.” Đây chính là điều tôi đang trải nghiệm. Rồi sẽ đến ngày chúng ta bị xoá mất căn cước, vì chúng ta bị bán đứng.

 

29.

“Không có tội thì tạo ra tội.” Nhiều người bị bắt theo kiểu đó. Cuộc sống vốn đã là một nhà tù. Ở một điểm nhìn khác, không ai không là nạn nhân của chính mình. Bố tôi bảo: “Không có cách bay theo chiều thẳng đứng.”

 

30.

Ai sẽ khóc cho những nông dân bị mất đất. Ai sẽ khóc cho những ngư dân bị đánh đập, bị giết chóc, bị cướp đoạt ngay trên vùng biển của mình. Ai sẽ khóc cho những người bị bắt bớ vì sự chính trực. Sống là hệ luỵ. Bố tôi bảo: “Thế giới đảo ngược.” Ý nghĩ nằm ở đầu các ngón chân. Khi tiếp xúc với đất, ý nghĩ sẽ bị giày xéo.

Dù sao, ý nghĩ không thể không tiếp xúc với đất. Chỉ với đất, con người mới tìm thấy hơi thở và sự sáng tạo.

 

31.

Trên bàn thờ tổ tiên, bố tôi bảo: “Không có vĩ nhân. Không có tư tưởng. Chỉ có sự nguỵ tín và áp đặt.” Vâng, con hiểu rồi. Tư tưởng của chúng ta là sự tôn thờ.

 

32.

Dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến. Nhưng có một ngàn năm mù chữ và ba ngàn năm học chữ của dân tộc khác. Cái chữ Nôm dang dở đã bị vứt vào sọt rác.

Tư tưởng Phật vào Việt Nam là Phật giáo hơn là Phật học.

Tư tưởng Lão - Nho vào Việt Nam là Lão giáo, Khổng giáo hơn là Lão học, Nho học.

Văn minh Tây phương vào Việt Nam cũng qua cánh cửa đức tin của các cha cố hơn là học thuật.

Thế thì, hãy khóc lên đi chữ nghĩa của tôi.

 

(11.10.2009)

 

 

---------------------
Bấm vào đây để đọc CHUYÊN ĐỀ về NGUYỄN VIỆN

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021