thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học

 

“Bữa nay con Xù của bà Hai đã cân nặng được 8 ký rồi!”

Ba của Thảo Mai từ văn phòng trở về và trong bữa cơm tối đã nói với cả nhà như vậy với một vẻ vui mừng đặc biệt hiện ra trên nét mặt. Rồi quay sang mẹ Thảo Mai, ông dặn dò bà đủ thứ, thứ Bảy ngày mai đi chợ nhớ phải mua những cái này, những cái này...

Ba mẹ của Thảo Mai vẫn giữ thói quen như hồi còn ở trong nước không gọi vợ chồng ông giám đốc của mình bằng tên mà gọi ông Hai, bà Hai. Con Xù là con chó bà Hai xin của một người bán hàng ngoài chợ về nuôi. Cứ cách khoảng chừng dăm bữa, mươi ngày, ba của Thảo Mai lại thông báo cho mẹ nó tình hình cân nặng của con Xù. Thảo Mai có cảm tưởng mọi người – từ ba, mẹ nó, ông bà Hai cho đến hết thảy những người làm trong văn phòng với ba nó – đều quan tâm và chăm sóc đặc biệt cho con chó nhỏ ấy, như người ta chăm sóc cho một đứa bé sơ sinh. “Con Xù khôn lắm nghe. Từ xa nghe tiếng xe của bà Hai về là nó chạy ra cổng liền, phe phẩy đuôi đón.” “Em ơi, bữa nay con Xù được ăn sô cô la,” hay “Hai mẹ con biết không, hôm qua con Xù gãi gãi ở cửa buồng ngủ vợ chồng ông Hai đòi vào…” Đủ chuyện dễ thương về con chó Xù mà Thảo Mai được nghe và vì vậy mà nó cứ đòi nằng nặc ba nó cho nó đến nhà ông bà Hai chơi một lần để được bế con Xù. Nhưng ba nó cứ hứa, cứ hứa…

“Ừ, được rồi! Ba hứa mà.”

“Ba hứa hoài hà!”

“Con cũng biết mà. Ba đang bận quá. Để bữa khác đi.”

“Bây giờ coi con Xù làm sao? Nó còn biết làm gì nữa hả ba?”

“Nó giống con gấu bông đen. Bà Hai thương con Xù lắm đó. Mỗi lần bà kêu nó Xù ơi, đến đây với mẹ, là nó nhảy vô lòng bả ngồi.”

“Thương quá! Con sẽ kêu Xù ơi, đến đây chơi với chị. Cũng được vậy?”

“Được chứ, sao không?”

Nhất định lần này sẽ bắt ba phải đưa đến nhà ông bà Hai cho bằng được, nó nghĩ.

Tuy nhiên, buổi tối nay, không giống như mọi hôm, trong cách nói chuyện của ba, Thảo Mai cảm thấy toát ra một vẻ khẩn trương và quan trọng như nó vẫn thường thấy khi mỗi lần ở nhà chuẩn bị có giỗ chạp. Những lần như thế, bọn con nít như Thảo Mai và mấy đứa anh em họ của nó phải biết ngoan ngoãn, không được đùa giỡn như mọi khi; chúng thường đứng sớ rớ trong một góc hay nép đằng sau cánh cửa, nhìn người lớn tất bật tới lui với tất cả sự tò mò thích thú pha lẫn một chút sợ sệt vô cớ.

Bữa cơm tối kết thúc. Mẹ rửa chén. Thảo Mai và ba xem ti vi. Hết chương trình dành cho trẻ em, ba chuyển sang một một kênh thể thao và Thảo Mai ngồi vào bàn học. Hôm nay nó sẽ phải hoàn thành một bài viết kể lại một câu chuyện ưa thích đã đọc trong sách hay xem trên truyền hình để nộp vào ngày thứ Hai tới. Có một lúc trong bữa cơm, trong đầu nó thoáng nghĩ đến chuyện con Xù nhưng nó không biết liệu làm như thế thì có được không.

Cho đến khi Thảo Mai đã vào giường nằm rồi mà nó vẫn chưa tìm ra được một câu chuyện cho bài tập. Nó lo lắng. Ở ngoài kia ba mẹ nó vẫn còn nói chuyện.

“Bà Hai nói ông Hai ổng thèm lắm. Ở xứ người mấy năm rồi mà.”

“Vậy sao? Đâu cứ gì ông Hai. Ai mà không thèm!”

“Nhớ nghen. Riềng với mắm tôm nghen. Hai cái đó không có là thua luôn đó.”

“Nhớ rồi mà.”

“Bà Hai còn dặn mình mang theo mẻ nữa.”

“Ủa? Em đã gây cho bả một lọ rồi mà.”

“Nó chết rồi.”

“Nuôi mẻ mà không cho nó ăn là vậy thôi. À...”

“Gì em?”

“Anh định làm thế nào?’

“Thế nào là thế nào? Không hiểu.”

“Mình ở đây, không khéo hàng xóm chung quanh biết thì sao? Coi chừng họ báo cảnh sát thì có nước chui xuống đất.”

“À, tưởng cái gì. Em yên tâm đi. Mọi người tính hết rồi.”

“Sao?”

“Bà Hai sẽ gọi nó đến. Chờ nó ngồi yên xong xuôi trong lòng bà ấy rồi anh sẽ lấy băng keo quấn chặt mõm nó lại. Vậy là xong. Phần còn lại là của ông Tài, ông ta sẽ giải quyết.”

“Không chừng nó cứ tưởng là anh đang giỡn với nó.”

“Vậy chứ sao!”

Hình như ba mẹ còn nói chuyện nữa nhưng Thảo Mai đã ngủ thiếp đi từ lúc nào. Có lẽ nó đã quên khuấy chuyện bài tập ngày thứ Hai.

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021