thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mẹ, Bố, và thằng nhóc

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

HERTA MÜLLER

(1953~)

 

Lời người dịch:
 
Herta Müller viết những truyện ngắn đầu tay trong cuốn Nadirs [Hạ địa] vào đầu những năm 1980. Trong truyện “Mẹ, Bố, và thằng nhóc” dưới đây, Müller mô tả hình ảnh một gia đình tạm trú vài ngày trong một khách sạn quốc doanh để thưởng thức một chuyến đi nghỉ mát. Qua đó, chúng ta sẽ thấy những con người xã hội chủ nghĩa Romania sống như thế nào trong thời kỳ được tuyên truyền là phồn thịnh và thành công nhất của chế độ Ceauşescu.
 
Thiết nghĩ cũng nên nhớ lại rằng, năm 1971, sau khi sang thăm Trung quốc, Bắc Hàn và Việt Nam, Nicolae Ceauşescu đã được gợi hứng bởi mô hình cai trị sắt thép của những nước Á châu này. Trở về Romania, Ceauşescu tung ra một bài diễn văn gồm 17 điểm cần thực hiện để “nâng cao” mọi phương diện của đất nước xã hội chủ nghĩa, từ chính trị, kinh tế, đến văn hoá. Ceauşescu đã ra lệnh phá huỷ hơn một phần năm nhà cửa và giáo đường ở thủ đô Bucharest và vay mượn hơn 13 tỷ đô-la từ các nước tư bản Tây phương để xây dựng một thành phố xã hội chủ nghĩa điển hình, với trung tâm điểm là dinh thự của chính Ceauşescu — một toà nhà lớn nhất ở châu Âu, và lớn thứ ba trên thế giới, chỉ nhỏ hơn một chút so với Ngũ Giác Đài ở Virginia và Merchandise Mart ở Chicago! Song song với điều đó, để kiếm tiền trả nợ và cũng để loè bịp thế giới về sự thành công của nước Romania xã hội chủ nghĩa, Ceauşescu bắt dân nhịn đói để tăng cường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp với giá rẻ đến các nước Tây phương! Tất nhiên, đàng sau tấn tuồng đó của một kẻ vĩ cuồng và độc ác, cuộc sống của nhân dân Romania đã chìm dần xuống đến mức cùng cực của sự chịu đựng, cho đến khi chế độ xã hội chủ nghĩa của Ceauşescu hoàn toàn sụp đổ vào tháng 12 năm 1989.

 

 

_______________

 

MẸ, BỐ, VÀ THẰNG NHÓC

 

Lời chào từ miền ven biển ngập nắng của Hắc Hải. Chúng tôi đã có một chuyến đi thú vị ở đây. Thời tiết thì đẹp. Thức ăn thì ngon. Quán cà-phê ở ngay tầng trệt của khách sạn, và bờ biển thì nằm sát bên khách sạn.

Và Mẹ không thể để những cuộn xoắn tóc ở nhà, hay bộ pyjama của Bố, hay chiếc áo choàng của Mẹ, hay đôi dép có những núm tua bằng lụa của Mẹ.

Trong quán cà-phê, Bố là người duy nhất mặc com-plê và cà-vạt. Nhưng Mẹ không muốn Bố mặc quần áo theo lối khác.

Bữa ăn tối đã được bày ra trên bàn, bốc hơi nghi ngút, và cô hầu bàn thì lại vẫn tỏ vẻ thân mật với Bố như khi sáng, và chắc chắn điều đó chẳng phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Và nét mặt của Mẹ thì ủ rũ, cái mũi của Mẹ gằm xuống. Gân cổ của Mẹ phồng lên, tóc của Mẹ rơi vào trong mắt Mẹ, miệng của Mẹ run run, Mẹ nhúng cái muỗng sâu vào trong bát xúp.

Bố nhún vai, Bố vẫn nhìn đăm đăm vào cô hầu bàn và Bố làm xúp rơi cả ra ngoài trước khi đưa muỗng xúp vào miệng, nhưng Bố vẫn chúm môi để ngậm cái muỗng trống rỗng và mút chùn chụt và thọc cái muỗng vào miệng sâu cho đến cán. Trán Bố toát mồ hôi.

Và bất ngờ thằng nhóc làm đổ ly nước. Nước rỏ xuống sàn xuyên qua cái váy của Mẹ, và bất ngờ nó nhét cái muỗng của nó vào chiếc giày của nó, bất ngờ nó xé nát những bông hoa trong bình và rải tứ tung lên đĩa rau xanh.

Bố mất hết kiên nhẫn, cặp mắt của Bố đục ngầu như sữa và lạnh căm căm, và cặp mắt của Mẹ mở lớn ra và bốc lửa. Nói cho cùng, nó cũng là con trai của ông, chứ đâu phải chỉ là con trai của tôi.

Mẹ, Bố, và thằng nhóc đi gần quầy bán bia. Bố bước chậm lại, và Mẹ nói đừng đụng đến bia, đừng, tuyệt đối đừng.

Và Bố bực mình vì thằng nhóc bị bỏng nắng đỏ choét ngay trong ngày đầu tiên. Và Mẹ bước lệch bệch sau lưng Bố. Chẳng cần ngoái lại nhìn, Bố cũng thừa biết đôi giày của Mẹ quá chật đến nỗi thịt bàn chân phồng qua khỏi cổ giày, chẳng có đôi giày nào trên thế giới này mà rộng đủ cho hai bàn chân của Mẹ, đủ chỗ cho ngón chân út của Mẹ lúc nào cũng bị cong quắp lại, đau nhức và được quấn băng.

Mẹ đang lôi xềnh xệch thằng nhóc theo bên cạnh và lẩm bẩm nói một câu dài lê thê như con đường, rằng bọn gái hầu bàn đều là những con đĩ, những sinh vật ghê tởm, những thứ khốn kiếp chẳng làm nên trò trống gì trên thế gian này. Thằng nhóc khóc lóc, vùng vằng và ngã nhào lên nền nhà, và những vết ngón tay của Mẹ trên cặp má của nó thì còn đỏ sậm hơn cả màu da bị bỏng nắng.

Mẹ không tìm thấy chìa khoá phòng và dốc ngược cái túi xách của Mẹ xuống, và Bố thấy cái ví nhớp nháp của Mẹ là ghê tởm, tiền của Mẹ thì nhàu nát, lược của Mẹ thì đầy cáu, những chiếc khăn tay của Mẹ thì luôn luôn ướt đẫm.

Rốt cuộc, chùm chìa khoá được tìm thấy trong túi áo khoác của Bố, và đôi mắt của Mẹ ướt đẫm, thân thể của Mẹ cong gập lại và Mẹ khóc.

Và bóng đèn thì cứ hấp háy, và cánh cửa ra vào thì bị kẹt, và thang máy đang chạy thì bị hỏng. Bố bỏ quên thằng nhóc trong thang máy. Mẹ dộng vào cánh cửa ầm ầm bằng cả hai bàn tay.

Xế ngọ là giờ ngủ trưa.

Bố đang toát mồ hôi và đang ngáy, Bố nằm sấp, úp mặt xuống và trong giấc chiêm bao Bố phun nước miếng làm hoen cái áo gối. Thằng nhóc đang níu chặt tấm chăn, đạp hai chân, nhíu mày và trong giấc chiêm bao nó nói lảm nhảm bài thơ mà nó đã đọc ở những buổi liên hoan cuối cùng của lớp đồng ấu. Mẹ đang nằm thao thức và thẳng đờ dưới những tấm trải giường được giặt vấy vá, dưới cái trần nhà được sơn vấy vá, đàng sau những khung cửa sổ được lau chùi vấy vá. Chiếc áo len đan dở dang đang nằm trên cái ghế.

Mẹ đan một cái tay áo. Mẹ đan một cái lưng áo, Mẹ đan một cái cổ áo, Mẹ đan một lỗ khuy vào cổ áo.

Mẹ viết vào một tấm bưu ảnh: Trong hình này bạn có thể thấy cái khách sạn nơi chúng tôi đang ở. Tôi đánh dấu khung cửa sổ phòng chúng tôi bằng một chữ x nhỏ. Còn chữ x ở bãi cát phía dưới chính là nơi chúng tôi luôn luôn đến để tắm nằng.

Ngày nào chúng tôi đến đó vào sáng sớm để giữ chỗ và không ai giành được chỗ của chúng tôi.

 

 

-------------
Dịch từ bản tiếng Anh, “Mother, Father, and the Little One”, trong Herta Müller, Nadirs [bản dịch tiếng Anh của Sieglinde Lug] (Lincoln, NE: University of Nebraska Press, 1999) 112-114.
 

 

 

Đã đăng:

Những người quét đường  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Những người quét đường đang làm việc. Họ quét đi hết những bóng đèn, họ quét những đường phố ra khỏi thị trấn, họ quét cuộc sống ra khỏi những ngôi nhà, họ quét những ý tưởng ra khỏi đầu tôi, họ quét tôi từ chân bên này đến chân bên kia, họ quét những bước chân của tôi ra khỏi lối đi của tôi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Bài điếu văn  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Ông ấy đã hiếp dâm một phụ nữ trong một cánh đồng trồng củ cải, người đàn ông nhỏ thó nói. Cùng với bốn người lính khác. Bố của cô đã thọc một củ cải vào giữa hai chân cô ta. Khi bọn tôi bỏ đi thì cô ta đang chảy máu. Cô ta là người Nga. Suốt nhiều tuần lễ sau đó, bọn tôi gọi mọi thứ vũ khí là những củ cải. Lúc ấy là cuối mùa thu, người đàn ông nhỏ thó nói. Những lá cải nám đen và quăn lại vì sương muối. Rồi người đàn ông nhỏ thó đặt một hòn đá to lên chiếc quan tài... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Gia đình tôi  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Mẹ tôi là một người đàn bà bị câm. Bà ngoại tôi bị mù vì mắt kéo mây. Một con mắt của bà kéo mây xám, con mắt kia kéo mây xanh. Ông ngoại tôi bị bệnh sa ruột vào bìu dái. Cha tôi có một đứa con khác với một người đàn bà khác. Tôi không biết mặt người đàn bà khác và đứa trẻ khác ấy. Đứa trẻ khác ấy lớn tuổi hơn tôi, và đó là lý do tại sao người ta nói tôi là con của một người đàn ông khác... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cuộc tắm của cả gia đình  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Mẹ trèo vào chậu tắm. Nước vẫn còn nóng. Xà-phòng đang nổi bọt. Mẹ kì cọ chiếc cổ cho sạch những bợn cáu xám xịt. Những bợn cáu của Mẹ trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Chậu tắm có một quầng màu vàng. Mẹ trèo ra khỏi chậu tắm. Nước vẫn còn nóng đây này, Mẹ gọi Bố. Bố trèo vào chậu tắm. Nước âm ấm. Xà-phòng đang nổi bọt. Bố kì cọ lồng ngực cho sạch những bợn cáu xám xịt. Những bợn cáu của Bố trôi lềnh bềnh cùng những bợn cáu của Mẹ trên mặt nước. Chậu tắm có một quầng màu nâu. Bố bước ra khỏi chậu tắm. Nước vẫn còn nóng đây này, Bố kêu Bà nội... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

Đọc thêm:

[NOBEL VĂN CHƯƠNG & NOBEL HOÀ BÌNH 2009] Bay Vút — tạp chí Việt ngữ liên mạng của Radio Australia, trực thuộc Australian Broadcasting Corporation (ABC) — phỏng vấn Hoàng Ngọc-Tuấn... “Một người là nhà văn, một người là nhà lãnh đạo chính trị, nhưng cả hai đều vươn lên từ bóng tối — một người từ bóng tối của sự kỳ thị chủng tộc, một người từ bóng tối của chế độ độc tài phi nhân tính. Họ cùng vươn lên từ bóng tối, nên họ cùng khát khao ánh sáng. Tôi tin rằng họ khao khát ánh sáng không chỉ cho riêng họ mà cho cả chúng ta...” (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021