thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƯ HÀ NỘI [I]

 

Nguyễn Thu Hồng & Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ (2002)
với lời giới thiệu của Hoàng Ngọc Biên
[nxb Trình Bầy, Tủ sách Nhân & Dân, 2003]

 

Lời tựa của Gérard Macé:
 
Tháng giêng năm 1928, ở Hà Nội, có một anh binh nhì bắt đầu viết một lá thư gửi Roger Martin du Gard[1] là người mà anh đã được quen biết trong những buổi gặp mặt nổi tiếng ở Pontigny.[2]
 
Anh lính mang số 560, bởi đó chính là số quân của anh, đang làm quân dịch ở đây trong những điều kiện hơi đặc biệt: anh là thư ký bộ tham mưu, dưới quyền chỉ huy của người anh ruột Marcel Aymé,[3] những bài thơ của anh đăng trên tạp chí N.R.F. [4] (mà thời ấy người ta say mê đọc) khiến anh được các thượng cấp nể nang và được một vài lợi thế nho nhỏ; sau cùng, anh được ở ngay trong biệt thự của cha anh, là hoạ sĩ Victor Tardieu,[5] giám đốc Trường Mỹ Thuật.
 
Thế nhưng không vì tiện nghi cũng như những ưu đãi mà anh không nhìn thấy, và anh có nhiều điều để nói ra đến nỗi lá thư bỏ dở rồi sau đó đem ra viết lại trở thành một cuốn nhật ký thật sự. Vả chăng đây chính là ý nghĩ của người nhận thư, liền sau đó đã khuyến khích anh cho xuất bản, dưới hình thức này hay hình thức khác, một “Lá thư Đông Dương”.
 
Jean Tardieu hồi bấy giờ đã không làm ngay việc ấy (do chức vụ người cha đang giữ) nhưng ông rất thiết tha với lá thư không soạn chỉnh lại mà ông muốn sẽ được cho in sau khi ông qua đời. Người ta hiểu được lý do khi ngày nay đem thư ra đọc, bởi lẽ thư chứa đựng một sự phê phán rất gay gắt, rất riêng tư đối với chủ nghĩa thực dân và nền “dân chủ của mấy ông Homais”,[6] cũng như những vấn đề về bản sắc của các nền văn hoá, bằng những lời lẽ mà Segalen[7] hẳn sẽ không khước từ. Và cái đẹp của lá thư phần lớn là ở chỗ gợi lại môi trường, khí hậu, những phong cảnh và nền hội hoạ phương Đông, đó là không kể đến vai trò của những yếu tố ấy trong việc khám phá bản thân.
 
Tóm lại, Jean Tardieu trở về từ Hà Nội (nơi đây anh gặp được một người con gái “rất giỏi về khoa học” sau này trở thành vợ anh) sẵn sàng đón nhận, dù bối cảnh như thế nào, “sự tưởng tượng đánh bắt được thiên nhiên còn tươi rói trong một cái lưới đầy những dối trá”.
 
Gérard Macé

 

Mời độc giả xem bài viết của Hoàng Ngọc Biên,
"Jean Tardieu: Những ngày Việt Nam" (đã đăng trên Tiền Vệ),
giới thiệu về tác giả Jean Tardieu và tác phẩm Thư Hà Nội.

 

____________

 

JEAN TARDIEU

(1903-1995)

 

 

THƯ HÀ NỘI

 

 

Hà Nội, 22 tháng giêng 1928

Thưa ông,

Tôi thừa biết là tôi không nên bắt đầu lá thư này mà không kể dài dòng với ông vô số những sự kiện và những đột biến tiếp diễn có thể giải thích sự im lặng của tôi và làm cho nó có thể được tha thứ! Nhưng tôi cũng biết rõ là ông đã hiểu tôi ngay từ trước rồi: có cần thưa với ông lần nữa rằng không có gì, thời gian, cách xa, cũng như những sự kiện, kể cả ký ức chồng chất những hình ảnh mới, với sự chệch choạc và ngổn ngang của chúng, không gì có thể làm cho ông bớt hiện diện trong ý nghĩ của tôi, hay không còn ở ngay trung tâm những cảm tình lúc nào cũng canh cánh giữ bên mình, đến đỗi y như là tôi mới vừa gặp ông đây thôi. Vậy thì để xác nhận sự hiện diện bất kể mọi điều ấy và cũng chính là để tôi có được cái ảo tưởng ngọt ngào mới vừa được gặp ông đây thôi, xin ông hãy để tôi bắt đầu lá thư đường đột như thế này:

Hôm nay, ngày 22 tháng giêng, hay là ngày trước nguyên đán lịch An-nam, tôi đã được nghe diễn ở nhà hát Hà Nội vở Le Testament du père Leleu. [8] Vở này được kèm theo hai vở khác ngày xưa cũng từng được diễn ở rạp Vieux-Colombier[9]Le pain de ménage Le pie borgne. Giám đốc nhà hát quả thật là rất táo bạo! Ông ta hẳn phải biết rõ công chúng, đa số là “dân tỉnh”, sẽ không thưởng thức nổi Le père Leleu. Điều đã xảy ra là như thế này: trong lúc, như người ta có cho tôi biết, nhà hát đầy ắp khán giả khi người ta cho diễn một ca kịch nhẹ như “Ba thiếu nữ khoả thân”, thì hôm nay, trong nhà hát khá rộng này, nhiều nhất là có được khoảng trăm người, trong số đó có lẽ có được mười người là thấy sung sướng và trong số mười người đó có một anh binh nhì đang được uống sữa, hiểu theo nghĩa bóng. Quả thực tác phẩm của ông đã được diễn xuất, tuy không phải là hoàn hảo, nhưng không phải là tầm thường chút nào. Sân khấu tỉnh? Không, hay hơn thế. Hay hơn cả một sân khấu hạng nhì ở Paris: vị giám đốc nhà hát thủ vai cha Lessandre và vai cha Leleu, và vị giám đốc ấy, tên Bourrin, khoe là mình từng diễn ở rạp Vieux-Colombier. Tôi không biết chuyện này có thật hay không. Dù sao chăng nữa chắc chắn là ông ấy đã theo khá sát kỹ thuật của Copeau[10] nên mới có thể nhại lại kỹ thuật ấy một cách quả là khá thích đáng... tận bên bờ Thái Bình Dương — và làm ấm lòng dăm ba kẻ tha hương. Nỗi xúc động của chàng binh nhì nói trên êm ái biết bao khi nhìn thấy màn kéo lên mở ra một cảnh trí đơn giản hoá, bên phải là cái hòm quá quen và bên trái là cái mũ trùm, cái chăn và cái gối của cha Alexandre! Câu “f’r’m’ ta goule”[8] đọc lên nghe khéo, le mare “de l’éclipss”[8] vang tốt, những tiếng nấc của người hấp hối, hài hước mà không làm quá đáng, và những trò diễn xuất sân khấu của cha Leleu được sắp xếp một cách thông minh và thẩm thức tốt. Vai La Tourine diễn kém, không dí dỏm — nhưng trong toàn bộ người ta không sao khỏi ngạc nhiên và vui có được một vở diễn như thế! — để kết thúc, xin nói một chi tiết sẽ làm ông thấy thú vị: cái bát canh mà cô La Tourine đưa cho cha Lessandre là một trong những “Ké-batt”[11] xinh đẹp của người An-nam, bát ăn cơm nhỏ bằng sứ mảnh khảnh phơn phớt xanh, lấm chấm những nét cọ lớn màu xanh đậm; vậy thì nếu có một lúc náo trong cái nhà hát giống như tất cả những nhà hát châu Âu, sau những dãy ghế dựa nhô lên những cái gáy người châu Âu, tôi có tưởng mình đang ở Pháp — thì đột nhiên cái bát cơm chẳng giống chút nào cái bát vùng Berry[12] đã nhắc tôi nhớ tôi đang ở đâu!

 

23 tháng giêng

Tối hôm qua hơi mệt mỏi bởi cả một ngày dài đột nhiên nóng bức — nóng bức và tẻ nhạt — cái ngạc nhiên khó chịu sau ba tuần trời mùa đông tuyệt diệu, mát mẻ, đôi khi còn lạnh thực sự — tôi đã ngưng ngang lá thư. Thế nhưng nằm lâu mà tôi vẫn không ngủ được bởi tiếng pháo quỉ quái nổ lốp đốp do người dân An-nam đốt đêm trước “Tết”, hay là ngày đầu năm, lễ quan trọng nhất, trong ngày lễ đó cả nước, từ anh cu li quèn cho tới các quan trong triều, đều nghỉ. Vậy thì tối hôm qua, và suốt cả ngày hôm nay nữa, người ta bắn ra những cây pháo cực kỳ ầm ĩ để xua đi những con quỷ, vì hoảng sợ giữa tiếng inh ỏi kia, sẽ bỏ trốn mất và đề những lời khấn và lời chúc lành năm mới có đủ thì giờ khắc sâu hơn trên bài vị những đấng thần linh gia ơn. Nhưng thưa ông, ông chớ nên sợ rằng tôi sẽ rơi vào “màu sắc địa phương”! Sau ba tháng sống ở đây, tôi tuyệt đối chưa biết gì về người xứ Bắc Kỳ, về cách họ phản ứng, điều họ nghĩ, những phong tục của họ... Và tôi đang sợ năm tới đây phải trở về mà sẽ chẳng biết gì hơn: tất cả những nỗ lực tôi đem ra thử nhằm làm cho mình nhã nhặn, nhân từ, tươi cười và nhằm gây tin cậy nơi những người An-nam tôi nói chuyện, đều sẽ không thể làm cho họ quên được tôi là kẻ tiếm quyền, là tên chinh phục, nhất là, than ôi, tôi đang mặc quân phục của tên lính đánh thuê thô bạo châu Âu! Họ vĩnh viễn giấu kín con người thật của mình trong đáy lòng và cái nhã nhặn tột độ của họ, sự tôn kính quá mức, làm cho người khác vô cùng khó chịu, mà họ biểu lộ đối với những người Pháp, tôi chắc chắn là chỉ để làm cho họ xa chúng ta thêm thôi. Tôi nghĩ chẳng có phương thuốc nào cứu chữa được tình trạng này: phải chăng khi mỗi dân tộc nghĩ về một dân tộc khác, thì dân tộc ấy đều có khuynh hướng hình dung dân tộc kia một cách toàn bộ, tổng hợp, nhanh chóng, nói chung là sai, mà không nghĩ đến những khác biệt rất lớn có thể có được, ngay trong bản thân cái dân tộc xa lạ kia, giữa nhóm người này với nhóm người nọ, giữa thành phần này với thành phần kia? — cũng vì thế mà một người Pháp có thể nói “Bọn Đức là thế này, thế nọ”, mà không nghĩ đến vô số những khác biệt có thể có giữa người Đức này với người Đức kia. Vậy nên tôi tin chắc là cái ấn tượng ban đầu của người dân Đông dương đối với người Pháp, lúc nước nhà bị xâm chiếm, vẫn tồn tại và sẽ không bao giờ xoá đi được, chừng nào chúng ta còn là những “tên thực dân” ở đây. Có nói với họ, có thề với họ rằng chúng tôi không có cùng những ý kiến với những người thực dân thật sự, rằng mong muốn thành thật nhất của chúng tôi là lấy được cảm tình của họ, là nghiên cứu tìm hiểu họ với một mục đích vô vị lợi, cũng là điều vô ích — tôi thấy rõ họ sẽ trả lời như thế nào: họ sẽ mỉm cười vui vẻ, sẽ cám ơn chúng tôi với một sự lễ phép hiếm có về những ý nghĩ tốt đẹp kia — nhưng sẽ lặng thinh, khép kín và có lẽ càng ngờ vực hơn bao giờ: dưới mắt họ chúng tôi vẫn là người Pháp, có nghĩa là kẻ tiếm quyền không sao khỏi che giấu sau những lời nói tâng bốc của mình một hậu ý vụ lợi và thống trị nào đó. Số những người Pháp ở đây, nhữ g “thực dân” chính cống sinh cơ lập nghiệp từ ba mươi hay bốn mươi năm nay, không hề muốn nhìn nhận điều này: họ bịt tai, nhắm mắt và tiếp tục đối xử với cái dân tộc đặc biệt tinh tế và thanh nhã này như một “giống người hạ đẳng” hay như những con người ngu xuẩn tương tự. Nhưng phải có một sự nhạy cảm rất mòn lụt, rất chai sạn — do khí hậu hoặc do cái ý tưởng khả kính cho rằng mình đang phải hoàn thành một sứ mạng “khai hoá” —, thì người ta mới có thể không đánh hơi thấy quanh mình cái bầu không khí này, không phải là không khí thù hận, mà còn tệ hơn thế: nói chính xác, là không khí tuyệt đối im lặng, bàng quan, tựa như một người Pháp khi tới gần cách người bản xứ năm mươi mét là có sức dập tắt mọi tia sáng tự do, đích thực, trên gương mặt người này. Và người bản xứ ấy, dù là một vị quan to, hãnh diện đã lưu truyền một dòng dõi bắt nguồn từ thuở khai thiên lập địa, nếu có một người Pháp bắt chuyện với ông, vị quan này, thay vì nói ra suy nghĩ của riêng mình, sẽ tìm cách đoán cho ra ý nghĩ của người đối thoại, để lúc nào cũng tỏ ra tán đồng ý kiến với người này. Có phải là thiếu phẩm cách? Theo ý tôi thì hoàn toàn ngược lại: đó chỉ là một cách thế vừa giữ cho mình những ý nghĩ thầm kín, vừa biểu lộ — cho chính mình — sự kẻ cả, kiêu ngạo của mình — sự kẻ cả thật sự, kẻ cả về lòng tôn kính lễ độ, về sự hạ cố. Làm sao không nhận ra được ở đấy cái cách người ta sử dụng đối với một kẻ quấy rầy khó chịu và lắm lời: người ta vội vã đồng ý với mình là để được thoát khỏi sự hiện diện của mình nhanh hơn! Tất cả những điều tôi vừa nói với ông có thể là sai. Tôi đưa ra cho ông những giả thuyết này đúng như giá trị của chúng: không dễ gì hiểu được suy nghĩ và ý định của những con người quá khác chúng ta như những người miền Viễn-Đông này. Nhưng hiện nay tôi tin là mình đang được đặt vào một vị trí khá thuận lợi để, từ một số sự kiện, có thể thử làm những khái quát dè dặt và thận trọng. Ít ra tôi cũng cố gắng để không bao giờ tự tạo cho mình một ý kiến mà không nghĩ đến ý kiến trái ngược. Bằng cách không ngừng sửa ý kiến này thành ý kiến kia bất cứ lúc nào có lẽ tôi sẽ đi đến chỗ nhìn thấy rõ hơn một chút và, sau chuyến đi, sẽ trở về với một vài nhận xét chính xác một ngày kia có thể có ích cho tôi. Đó chính là một trong những thu hoạch đẹp đẽ nhất mà tôi có thể đạt được ở nơi này. Nhưng mà ông thấy đấy, cho tới nay đúng là tôi chưa bao giờ có thể xác định được một ý nghĩ nào cả. Và tôi đang “chơi trò tinh quái” khi muốn đưa ra, như một phương pháp, cái mà thật ra chỉ là một sự bất định thảm hại trong ý kiến và trong tâm trạng! Thật vậy, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình chông chênh như từ khi tôi đến “định cư” một thời gian ở Hà Nội. Điều này hẳn là do khí hậu: tôi thấy hình như ở xứ này, hơn hẳn mọi nơi khác, con người phải trực tiếp phục tùng cái quyền uy độc đoán và thất thường của các yếu tố thời tiết. Người ta cảm thấy mình trở thành chỉ là một con rối bị buộc bởi hàng ngàn sợi dây vô hình theo ý muốn của mặt trời, của mây, của sương mù, của gió và của giờ giấc; ý nghĩ thay đổi màu sắc, sự nhạy cảm tăng lên hay giảm xuống cùng khoảng thời gian một cơn dông chuẩn bị đến, nổ ra, và tan biến. Phần tôi thì tôi chưa sống qua một ngày nào mà tình trạng tinh thần và thể chất không đi qua nhiều đoạn kỳ tiếp nhau: từ mệt mỏi đến khoan khoái, từ thoải mái thanh thản đến tuyệt vọng. Và tôi thường nghĩ tới điều Gide đã ghi nhận về những phong cảnh châu Phi: sự không phân hoá. Vâng đúng là như vậy, ở đất Bắc Kỳ này cũng thế, người ta có ấn tượng rất rõ về một thiên nhiên không phân hoá, hay là chưa phân hoá: sự không phân hoá của các mùa, không có những ranh giới rõ rệt giữa mùa này với mùa khác, từ ngày hôm nay qua ngày hôm sau nhiệt độ khác nhau đâu mười hay mười lăm độ: cách đây mấy ngày chúng tôi thất lạnh thật sự: buổi sáng khi đi từ nhà tôi, người quấn chặt áo len đan, ủ kín trong áo khoác dạ, tôi có thể tưởng là mình đang ở Paris vào tháng chạp: cũng cái mặt trời nhợt nhạt và vui tươi ấy, cũng cái bầu trời một màu xám-xanh ngọt ngào, cũng những tiếng động rõ rệt trên đường phố, cũng cái cảm giác nhẹ nhàng ấy. Và đột nhiên ngày hôm sau, là cái nóng của mùa hè nước Pháp — trời nổi dông, với màu chì, sáng đục của những đám mây. Và như thế ngày này qua ngày khác với một phát kiến phong phú lạ thường thời tiết cứ thay đổi đủ các sắc màu trên thế gian, hết sắc thái này qua đến sắc thái khác, không thứ tự. Cũng có một thứ không phân hoá ngay trên mặt đất: trên những cách đồng vùng Châu thổ, có những nơi người ta không biết ruộng lúa chấm dứt ở chỗ nào và ở chỗ nào thì ao hồ bắt đầu — và nước ở ruộng cũng giống như nước ở biển, người ta thấy trong đó có cả những con cua nhỏ và những con cá. Có biết bao nhiêu điều bất ngờ rất buồn cười đối với người du khách mới đến: một anh nông dân ngồi câu cá bằng cần câu trong ruộng của mình — nếu những chồi lúa mọc cao thì người ta không nhìn thấy nước — và người ta không hiểu ra làm sao nữa! Trên mười thửa ruộng nằm kế nhau có một thửa ruộng người ta đang gieo mạ, một thửa người ta đang cấy những chồi có hạt đã nẩy mầm xuống lại, những thửa khác lúa mọc lên ở những độ cao khác nhau, và thửa cuối cùng thì người ta đang gặt! Sau cùng là những con sông, rộng như những nhánh biển, có khi đổi cả lòng sông, và vào những mùa lũ lụt trọn cả một tỉnh biến thành biển trong đất liền. Đến mùa nước rút, dân chúng, bấy giờ đã thích nghi, bình thản xây cất cho hạn sáu tháng nguyên cả một làng nằm trong lòng sông đã khô, còn chúng tôi vốn “không có thói quen”, chúng tôi không sao nhận ra được đâu là bờ sông, và đâu đích là con quái vật: nơi đây một cái đầm, nơi kia một cái ao không ra hình thù gì cả, đây đó mấy con sông nhỏ bất thường. Toàn bộ thiên nhiên, do đó, thúc đẩy những khách lạ, những người chưa thích nghi, sống ngày qua ngày và sống trong cái muôn thuở hết chuyện này qua đến chuyện khác. Phải có một ý chí rất bền mới có thể theo đuổi được một ý kiến trong một thời gian qua bao nhiêu gián đoạn như thế! Người ta cảm thấy mình chưa bao giờ trở thành phi lý đến như vậy. Có những ngày nắng quyến rũ vô cùng — khi ánh sáng chảy tràn quanh ta, quyện vào trong máu ta, khiến ta trở thành trong suốt và lóng lánh như thủy tinh — đến độ, ngay cả khi ta đang mang những buồn khổ lớn nhất trên đời, ta cũng vẫn bắt buộc phải vui lên. Một ngày khác, khi mọi việc đâu đó đều tốt đẹp, khi ta không có một lý do nào để phàn nàn, bỗng một trận gió gay gắt nổi lên, lẫn vào bầu không khí nóng bức. Bầu trời bị che kín bởi những đám sương mù tích tụ, sương thay vì chận đứng những tia nắng chói gắt, lại đưa nắng phản xạ trên những bề mặt bé tí của hàng ngàn giọt sương li ti treo lơ lửng — thế giới khắc nghiệt — không một chút ánh sáng; một thiên thể quỉ quyệt giấu mình để có thể gây cho ta một cơn say nắng không chạy đi đâu được — chúng ta đổ mồ hôi đồng thời cũng run lẩy bẩy — khoảng một tiếng đồng hồ sau chế độ thời tiết này, những lý do khiến người ta vui mừng đã biến mất — đã bị đốt cháy hay tan biến mất, người ta chẳng biết. Tuyệt vọng. Phải chờ cho tới khi các Ông quỷ kia bằng lòng đổi ý, muốn mang đến cho ta một cái tẩu đầy loại thuốc phiện do mấy ông đặt ra! Quả vậy, trên trời đột nhiên có một cái gì xảy ra, một cái gì khó hiểu: ở đâu đó một cơn dông chấm dứt, những bắp thịt căng cứng do một mối đe doạ không biết là đe doạ gì bỗng giãn ra — và những dây thần kinh của chúng tôi cùng lúc dịu xuống. Một buổi bình minh thực sự và nhẹ tênh hay một buổi hoàng hôn đầy khoan dung — êm ái nở rộ, nhanh như một chiếc quạt xoè ra. Chúng tôi cảm thấy con người mình thấm đẫm một sự thoải mái mà ở Pháp chúng tôi chưa hề được thấy bao giờ (bởi vì trong cái thế giới lạ lùng này, cảm giác khó ở cũng như cảm giác khoan khoái đều ở một cường độ gấp ba, gấp bốn lần những cảm giác ta có ở một nước khí hậu ôn hoà). Và thế là những ý nghĩ đẹp nảy sinh trở lại!

 

24 tháng giêng

Để nhất quán với cái không nhất quán của tôi, bỗng nhiên tôi tự hỏi: có lẽ đúng là người dân An-nam hạnh phúc hơn từ khi chúng ta bảo hộ họ (hơi giống kiểu Arnolphe bảo hộ tuổi trẻ của Agnès!)[13] Những khác biệt giàu nghèo khủng khiếp tồn tại giữa những đẳng cấp khác nhau của vương quốc xưa bị xoá đi một ít: một người An-nam, một viên chức thấp trong guồng máy hành chánh Pháp, chắc chắn giàu hơn, tự do hơn, hạnh phúc hơn là nếu người ấy làm ký lục cho một ông quan. Và về y khoa nữa. Thật sự là những bệnh dịch và những chứng bệnh khác có giảm đi. Dân số An-nam gia tăng, theo như các thống kê cho biết, với tỷ lệ đáng kể. Và sự thật là một nông dân quèn, khi mắc bệnh, thay vì nốc vào mấy thứ thuốc gia truyền sẽ giết họ chết nhanh chóng, cũng có thể được một y sĩ giỏi người Pháp chữa trị miễn phí... Nhưng đây lại chính là vấn đề: một người khi phục vụ cho một ông chủ hiền lành và nhân từ nhưng lại là một người nước ngoài, không hiểu mình, có thấy sung sướng hơn là khi phải đón lấy những đòn roi mây quen thuộc của một ông chủ tàn ác nhưng cùng chủng tộc, có cùng những tập quán, nói cùng một thứ tiếng với nạn nhân? Và nếu phải chết vì một phương thuốc đã từng lần lượt làm chết ông bà mình từ hằng trăm thế hệ nay, thì cái chết ấy có êm dịu hơn là được chữa lành trong một bệnh viện của người nước ngoài, trong một bầu không khí chỏi lại với thói quen nghĩ và nhìn của mình? Có lẽ có một cách hợp tác với dân tộc này, cách chỉ huy họ mà không phải thô bạo, là tìm cách đi cùng hướng với họ chứ không bắt họ về phía mình, cách để họ không cảm thấy quyền uy áp đặt, cách lấy lòng tin của họ. Nhưng muốn thế phải vô cùng khéo léo và thông minh, phải có lòng nhân mà không mềm yếu, một ý chí hoà đồng mà những người ở đây không có được. Cần phải đưa đến nơi này không phải những người tầm thường, những người “trung bình”, mà là những con người xuất sắc nhất trong số những người hoạt động và những quan chức hành chánh. Người ta đã dùng bạo lực bắt những người dân này phải nuốt không biết bao nhiêu là những quan điểm trật, bao nhiêu là sai lầm. Thật đáng buồn khi nghĩ rằng ở Đông dương gần như không còn có những nhà trường để học chữ nho, rằng cái hoài niệm tinh thần và nghệ thuật của nước Trung Hoa vĩ đại, cái mà trong văn hoá An-nam đã có cùng một vai trò như nền văn minh cổ đại La Hy đối với nước chúng ta, bây giờ đã mất dần và thay vào vô số những giá trị tinh thần, trí tuệ cao đẹp ấy người ta đã nhồi nhét vào óc những đứa bé tất cả những gì tầm thường nhất và tẻ nhạt nhất của nền dân chủ kiểu mấy ông Homais — tinh thần “trường làng”, những “nguyên tắc bất diệt của thời 89”, và cái qui tắc động tính từ mà các đầu óc tỉnh lược không biết dùng để làm gì. Tuy nhiên một anh thực dân thật sự, nếu muốn con cái của người làm bồi cho mình biết đọc ngay văn bản những bài thơ của André Theuriet và biết được ngày chiếm thành phố La Rochelle, thì về phần mình lại rất ít quan tâm hiểu biết cho được cái đất nước mình đang sống: người ta xây những biệt thự kiểu thời trung cổ, vạch ra những đại lộ càng giống “con đường dạo chơi rợp bóng cây Victor Hugo” muôn thuở càng tốt hay “phố Jules Ferry” của những thành phố tỉnh lẻ của chúng ta: người ta xây những khách sạn có thang máy, những tiệm cà phê có billard — tất cả những thứ ấy để che khuất cái vẻ đẹp kín đáo của các ngôi chùa, những đường phố Tàu quanh co và náo nhiệt, để rốt cuộc quên đi càng nhiều càng tốt cái đất nước mà người ta thừa biết là người ta đang sống. Những cây “tiêu huyền” trồng hai bên một đại lộ nào đó trong thực tế có là những cây bạch đàn hoặc là những cây cao su chăng nữa thì cũng chẳng sao nếu khi nheo mắt lại người ta có thể tưởng mình đang ở Pontoise![14]...

 

29 tháng giêng

Một thí dụ nữa về sự bất thường của khí hậu ở đây: suốt ba ngày vừa qua thời tiết thật sự là thời tiết của Thiên đường, nhiệt độ mà ở Pháp phải là nhiệt độ của một mùa hè rất nóng nhưng ở đây thì lại thật tuyệt diệu bởi vì người ta đã quen, cảm giác là đời sống không còn có những trở ngại nữa, thân thể được tắm trong ánh sáng trong suốt chói lọi nở ra với một niềm vui như là của cây cỏ. Người ta không còn hiểu chữ nhà có nghĩa là gì nữa — “ngụ” ở đâu bây giờ, nếu không phải là bất cứ nơi nào trên mảnh đất đẹp đầy hung bạo và rực sáng? Tại sao phải trốn sau những tường rào? Chỉ có những lời nói hạnh phúc và nhân từ trong không trung, và ban đêm, cái bầu trời đẹp đẽ với những vì sao trìu mến kia có vẻ rất gần! Đêm nay nữa, vẫn chính là mùa hè. Sáng hôm nay, trời đầy mây và một cơn gió lạnh dữ dội như gió mistral[15] — giờ này qua giờ kia, gió càng thổi chừng nào nhiệt độ càng xuống thấp chừng ấy. Hôm qua, nhiệt kế để ngoài nắng lên đến 31° giữa trưa; hôm nay cũng giờ ấy nhiệt độ xuống đến 17°. Một sự khác biệt tới 14° trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ! Lúc này tôi đang để lửa trong lò sưởi ở phòng ngủ của tôi... Tuy nhiên bây giờ tôi phải đổi đề tài: cái tôi đang viết cho ông không phải là một lá thư, thưa ông, mà chính là một bản tin khí tượng! Có lẽ đã đến lúc tôi cần nói với ông một tí về cách tôi sống trong cái đất nước kỳ lạ này. Đề tài này hẳn nhiên sẽ bắt tôi phải chính xác hơn là khi tôi mơ hồ nhận định về thuộc địa và những người thuộc địa! Sau một chuyến đi biển hai mươi lần dễ chịu hơn, vui vẻ hơn, một trăm lần yên tĩnh hơn và một ngàn lần tiện nghi hơn một chuyến du lịch trên những toa xe P.L.M.,[16] tôi đã tìm thấy nơi đây, “ở tận cùng thế giới”, một ngôi nhà to đẹp được bày biện giống như nhà có người ở từ hai mươi năm nay và đang chờ tôi đến ngồi vào những cái bàn, nằm dài lên những chiếc đi văng, treo áo quần tôi trong tủ áo, tối đến đọc những cuốn sách trong thư viện của nó, v.v. Cảm giác thật sự kỳ lạ và rất dễ chịu khi bên bờ Thái Bình Dương được gặp lại cha tôi và mẹ tôi trong một khung cảnh với tôi đã mau chóng trở thành quen thuộc y như với căn nhà ở Paris! Thế nhưng, trong những ngày đầu, thật là những bất ngờ đáng yêu, khi khám phá ra những căn phòng rộng mênh mông trang hoàng và bày biện theo một phong cách rất trẻ trung và vui mắt. Từ lâu nay cha tôi đã bị quyến rũ bởi những tìm tòi về nghệ thuật trang trí hiện đại; thường ở Paris, người mơ ước, nhưng chỉ là như một điều không thể thực hiện được, một ngày nào đó có thể tạo cho mình một khung cảnh mới trong nhà hoàn toàn khác với khung cảnh người từng sống, cho làm những đồ đạc trong nhà theo mẫu vẽ của người và sống trong một bầu không khí hiện đại, sáng sủa và trần trụi. Điều cha tôi mơ ước, người đã có thể thực hiện được trên đất nước này, nơi người ta có thể nhìn thấy một ngôi nhà từ dưới đất mọc lên trong vòng một tháng, nơi mà tất cả những kiểu đặt hàng kỳ lạ nhất đều có thể được thực hiện bởi cả một quần chúng thợ thuyền khéo tay và thông minh, với một thời gian nhanh chóng lạ thường. Phòng ăn, chẳng hạn, cao, rộng, nhìn ra vườn qua một ô cửa rộng trổ ra ngoài làm bằng toàn xi măng, từ đó ánh sáng ùa vào. Những bức tường, sơn một màu vàng xám đẹp mắt, để trần trụi, trang hoàng đơn giản bằng những vòng tròn khoét trên nền xi măng và sắp xếp có vẻ như ngẫu nhiên mặc dù chỉ có mỗi một mẫu lặp đi lặp lại. Sàn nhà, lát đá hoa xám và trắng, và đồ đạc mọi thứ chỉ có mỗi một tủ rượu to tướng và một cái bàn để bát đĩa làm bằng một loại gỗ đẹp trong nước, theo kiểu Ruhlmann,[17] và chính giữa phòng là một cái bàn vuông, dày, làm bằng gạch nén màu xám giả đá. Chỉ có thế. Tôi quên: trên tủ rượu còn điểm thêm một cái cốc cổ Tân Hoa xám trắng màu sữa, trên bàn thu dọn bát đĩa là màu xanh xưa, đậm, tuyệt đẹp của một cái lọ Khang Hi. Đây chính là “phòng ăn” của tôi... Bởi vì, từ hơn hai tháng làm Quân dịch, anh chàng binh nhì mang số quân 560 chưa hề ăn ở đấy vì giờ đây anh chàng có phép hợp lệ được miễn vụ này. Và anh lính số 560 thì chẳng hề thấy khổ sở khi ăn trong căn phòng đầy ánh nắng này! Phòng ngủ của tôi, nơi tôi đang ngồi viết thư cho ông đây, cũng rất dễ chịu, cũng rất vui mắt; bây giờ là mười giờ; im lặng ở bên ngoài và bên trong nhà, một khúc củi rít lên trong lò sưởi phòng tôi; cây đèn trên bàn tôi chiếu ánh sáng dịu dàng lên những bức tường trơn một màu sơn xám nhạt, đây đó vài bức tranh khắc Nhật Bản hay những bản vẽ nghiên cứu tinh vi của cha tôi; trên lò sưởi, trên tủ bàn, vài cái cốc hay lọ cổ Trung Hoa hình dáng tuyệt đẹp, nơi ánh sáng làm bật ra những tia óng ánh không định rõ được và bí ẩn, và căn phòng mặc dù rộng — khoảng 9 mét trên 6 mét — nó vẫn ấm cúng vào buổi tối cũng như sáng rỡ vào buổi ban ngày, và trong phòng này vừa đọc sách vừa nghe gió thổi qua cây lá trong vườn thì thật là thú vị. Cuối phòng, trong một góc chắn ở phía cửa ra vào bằng một cái tủ to bằng gỗ sáng nằm sâu tạo thành một bức tường, và ở phía bên kia thì chắn bằng một bức màn màu đỏ bạc cải hoa màu xám, là phòng tắm của tôi với vòi hoa sen trên một bồn nước tráng men. Sau cùng, mặc dù đêm nay không có muỗi, phía trên chiếc giường đi-văng rộng mênh mông của tôi, thấp và đường nét giản dị, những người làm như thường lệ đã giăng cái mùng tự nó thôi đã như một căn phòng nhỏ trong suốt; khi tôi cho ông biết, để kết thúc ở chỗ này, rằng trên cái bàn lớn của tôi, bên cạnh pho tượng một nhà nho Trung Hoa tuyệt đẹp tạc theo cách “đổ khuôn” như một cái tượng của Rodin bằng một thứ gỗ đậm và nhẵn nhụi như một miếng ngà voi cũ, tôi hiện đang có một chồng tạp chí NRF và số Commerce mới nhất, và khi tôi cho ông biết là cho tới bây giờ cứ năm lần mỗi tuần lễ anh lính có số quân 560 trải qua buổi chiều và buổi tối của mình trong cái “phòng ngủ” này, và rồi trong vài ngày tới đây, anh chàng hi vọng sẽ được phép dứt khoát ngủ lại đây cả bảy ngày trong tuần, thì có phải là ông sẽ nghĩ, như tôi vẫn nghĩ, là tôi đang làm nghĩa vụ quân dịch của mình một cách khá lạ lùng! Thế nhưng, một lần nữa, tôi sắp phải ngưng lá thư của tôi. Tôi hiện sống như một nhà hiền triết, ngủ sớm, dậy sớm và bắt đầu từ mười giờ tôi không còn có thể nối liền hai ý nghĩ cũng như hai chữ với nhau nữa. Ngày mai tôi sẽ kết thúc nói với ông về anh lính 560 bằng cách trình bày ngắn gọn tình hình tại ngũ của anh chàng — và chúng ta có thể nói qua chuyện khác.

 

[còn tiếp]

 

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Roger Martin du Gard: nhà văn Pháp (Neuiilly-sur-Seine 1881 - Serigny, Orne 1958), là người say sưa nghiên cứu tình trạng khủng hoảng ý thức nơi tuổi trẻ ở Pháp sau vụ án Dreyfus và những cuộc đấu tranh chính trị cuối thế kỷ (Jean Barois, 1913) và là người hợp tác sáng lập nhà hát kịch Vieux-Colombier (Le Testament du père Leleu, 1914). Tác phẩm nổi tiếng nhất có lẽ là bộ tiểu thuyết trường thiên Les Thibault (1922-1940). Giải thưởng văn chương Nobel 1937.

[2]Pontigny: một xã của tỉnh Yonne, nổi tiếng về một tu viện dòng Citeaux thành lập năm 1114. Những cơ sở còn lại của tu viện vào thế kỷ XX đã được dùng làm nơi hội thảo và tranh luận văn học, gọi là những cuộc “trao đổi Pontigny”. Năm 1954, giáo khu Pontigny trở thành trụ sở của Hội truyền giáo nước Pháp.

[3]Marcel Aymé: Nhà văn Pháp (Joigny 1902 - Paris 1967), tác giả những tập truyện ngắn (Le Passe-Muraille, Contes du chat perché...), truyện dài (La Table-aux-Crevés, La Jument verte...), kịch (La Tête des autres).

[4]N.R.F.: Nguyệt san văn học La Nouvelle Revue Française, thành lập năm 1909, do Jacques Rivière điều hành. Bị gián đoạn khoảng thời gian 1943-1953, đến khi tục bản (1959) mang tên là La Nouvelle Nouvelle Revue Française, rồi sau đó lấy lại tên cũ. Đây là một trong những tạp chí tập họp nhiều nhà văn nổi tiếng và từng là trung tâm sinh hoạt văn học thời bấy giờ.

[5]Victor Tardieu: hoạ sĩ người Pháp (1870-1937), sáng lập (1925) và điều hành Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội mà người Pháp bấy giờ gọi là École des Beaux Arts et d’Architecture d’Hanoi — trong đơn xin mở trường (được Toàn quyền Merlin thông qua ngày 27.10. 1924) có ghi là nhằm “đào tạo nghệ sĩ bản xứ, dưới ảnh hưởng của các phương pháp và tư tưởng Pháp”. Là người nhạy cảm với những tư tưởng xã hội và những vấn đề của thế giới thợ thuyền, tranh ông thường đến gần loại hoành tráng xã hội trong đó chúng ta dễ dàng gặp những cái đẹp của lao động và những nỗ lực của con người trên các công trường, các bến tàu. “Giải thưởng Đông dương” (1920) ở Pháp đã cho ông một học bổng sáu tháng làm việc ở Việt Nam. Ông đến Hà Nội năm 1921 và ở luôn lại đây hai năm để thực hiện một bức tranh lớn 77 mét vuông cho giảng đường Trường đại học y khoa. Thời gian đứng đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, với ông giống như một “thách thức”, bởi lẽ vừa đem hết khả năng và lòng ưu ái giúp đỡ những sinh viên trẻ trước đó gần như không có cơ hội được đào tạo chính qui, ông còn phải chống đỡ cho sự tồn tại của trường trước sức ép của chính quyền thực dân thời ấy. Công việc nặng nhọc đi đôi với khí hậu tương đối khắc nghiệt, cộng vào với một tinh thần chao đảo bởi bốn năm chiến tranh hẳn đã góp phần làm ông ngày càng suy yếu, và đã mất ở Hà Nội năm 1937, xa quê hương, xa luôn gia đình, nếu không có dịp con trai đến làm nghĩa vụ quân sự ở Hà Nội đã kéo theo vợ ông đến đây trong khoảng thời gian ngắn 1927-1928.

 
 
Hình ảnh Hà Nội qua bức tranh rộng 77m² của Victor Tardieu (1870-1937),
vẽ trong khoảng thời gian giữa những năm 1920 cho đến giữa những năm 1930.
 

[6]Nền “dân chủ của mấy ông Homais”: Ông Homais là một trong những nhân vật trong tiểu thuyết Madame Bovary của Gustave Flaubert, tượng trưng cho một kiểu ngu xuẩn trong giai cấp trưởng giả.

[7]Sagalen: Victor Segalen, nhà văn Pháp (Brest 1878 - Huelgoat 1919), y sĩ hải quân, là người đã khám phá ra những ngôi mộ triều Hán trong một lần du lịch (1914) ở trung nước Trung Hoa. Vẻ huyền bí phương Đông đã là nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết (Le Immémoriaux, 1907) và thơ ca (Stèles, 1912) của ông.

[8]Le Testament du père Leleu: Di chúc của lão Leleu, kịch hài đồng quê của Roger Martin Du Gard, được công diễn lần đầu tiên năm 1914 ở Paris, tại nhà hát Vieux-Colombier của Jacques Copeau. Các nhân vật La Torine, Lão Leleu và Lão Alexandre (phải cùng một người diễn) cũng như ông Công chứng viên, theo kịch bản viết lần đầu, đều hoàn toàn nói một thứ tiếng địa phương ở Berry như lâu về sau những người già vùng này vẫn còn nói: cách phát âm nặng và chậm, kéo dài ở những âm cuối, và hoàn toàn không đọc nổi, ngay cả những chỗ thông thường nhất. Khi Di chúc của lão Leleu được đưa về Paris, ngôn ngữ trong vở kịch được đổi lại để người xem dễ hiểu hơn, do đó các ấn bản nơi này nơi khác có sự khác biệt xét theo tính bình dân trong cách viết: f’r’m’ ta goule: do lão Alexandre nói, có nghĩa “khó-a mõ-om mày lại / ferme ta gueule”; và la mare “de l’éclipss”: cũng do lão Alexandre nói, có nghĩa là “rượu bã nho năm nhật thực” (mare thật ra là chữ marc: rượu bã nho)

[9]Vieux-Colombier: tên một nhà hát ở Paris, do Jacques Copeau dựng và điều khiển.

[10]Jacques Copeau: (Paris 1879-Beaune 1949) diễn viên, giám đốc nhà hát, nhà văn, một trong những người sáng lập tạp chi N.R.F. dựng và điều khiển — nơi ông đã có nhiều nỗ lực làm mới kỹ thuật sân khấu, đặc biệt là nghiên cứu một nghệ thuật dàn dựng tổng hợp. Bên cạnh nhà hát, ông cũng lập một trường đào tạo diễn viên sân khấu, và về sau đã cùng với một số môn đệ rút về Bourgogne hoạt động và nghiên cứu sân khấu quần chúng.

[11]“Ké-batt”: Cái bát.

[12]Berry: phía nam vùng “Bassin Parisien”, giữa hai tỉnh Cher và Indre, nơi có nhiều đất sét. Có thể do tác giả liên tưởng đến một cái bát vùng Berry?

[13]Arnolphe bảo hộ tuổi trẻ của Agnès!: Trong vở hài kịch L’École des femmes (1662) của kịch tác giả Pháp thế kỷ XVII Jean-Baptiste Poquelin [tự Molière] (Paris 1622-1673), Arnolphe, cha đỡ đầu của Agnès, là một kẻ cổ lỗ và độc đoán.

[14]Pontoise: tỉnh lỵ của Val-d’Oise, nơi có những nhà thờ Saint-Maclou (kiểu Gothique) và Notre-Dame (Phục hưng) và Viện bảo tàng nằm trong một khách sạn xây từ thế kỷ XV.

[15]Gió mistral: thứ gió mạnh, lạnh và khô thổi xuống thung lũng Rhône và bắt nguồn từ những hiện tượng hạ khí áp ở vùng Địa trung hải.

[16]Toa xe P.L.M: xe lửa tuyến đường Paris-Lyon-Marseille.

[17]Ruhlmann: Émile Ruhlmann, nhà trang trí Pháp (Paris 1879-1933) chuyên trang trí cho những nơi sang trọng, nhất là cho Nhà nước, sử dụng gỗ quí và những chất liệu hiếm, hình dáng tao nhã, hoa mỹ nhưng kín đáo, kỹ thuật hoàn hảo.

 

 

Các tác phẩm khác của Jean Tardieu đã xuất hiện trên Tiền Vệ:

THƯ HÀ NỘI [I] (truyện / tuỳ bút)
... Sau ba tháng sống ở đây, tôi tuyệt đối chưa biết gì về người xứ Bắc Kỳ, về cách họ phản ứng, điều họ nghĩ, những phong tục của họ... Và tôi đang sợ năm tới đây phải trở về mà sẽ chẳng biết gì hơn: tất cả những nỗ lực tôi đem ra thử nhằm làm cho mình nhã nhặn, nhân từ, tươi cười và nhằm gây tin cậy nơi những người An-nam tôi nói chuyện, đều sẽ không thể làm cho họ quên được tôi là kẻ tiếm quyền, là tên chinh phục, nhất là, than ôi, tôi đang mặc quân phục của tên lính đánh thuê thô bạo châu Âu!... [Nguyễn Thu Hồng & Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ] (...)
 
Trò chuyện (thơ)
Trái đất dạo này ra sao? / - Tốt, tốt thôi, tốt cả thôi. // Lũ chó con cũng khá chứ? / - Lạy Chúa, dạ, cảm ơn, cũng khá. // Còn những đám mây? / - Thì cũng bồng bềnh... [Bản dịch của Lê Liễu Chi]
 
Bạn hãy nín cười / trong buổi sáng sớm! // Nói gì, nghĩ gì? Ngày thì / do cứ nài nỉ để được xuất hiện, / ta hãy thú nhận đi, ta hãy thú nhận đi, / nó quấy rầy bạn thân thiết nhất của mình... | Trong cái đêm đen / mà Lịch sử tạo cho ta / tôi mò mẫm bước tới / lúc nào cũng kinh ngạc / lúc nào cũng sững sờ... | Nếu tôi biết viết tôi sẽ vẽ / Nếu tôi có một ly nước tôi sẽ làm nó đông lại và tôi sẽ cất giữ dưới kính / Nếu người ta cho tôi một thỏi bơ tôi sẽ đổ khuôn thành đồng... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Trên mặt đất mọi sự tốt đẹp chứ? / — Tốt đẹp tốt đẹp, tốt đẹp lắm. // Mấy con chó nhỏ phây phây chứ? / — Trời ơi vâng cám ơn lắm... | Từ sáng sớm tôi đã nhìn / tôi đã nhìn qua cửa sổ: / tôi thấy những đứa trẻ đi qua. // Một giờ sau, lại là những người lớn... | Bạn có hay tin chưa? / — Quả là chưa! / — Hình như là... / (nhưng bạn hãy can đảm, hãy chờ đợi cái xấu nhất!)... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Vở kịch này bắt đầu như một câu chuyện bình thường trong một siêu thị, và kết thúc một cách bi đát. Cô thiếu nữ rụt rè là nhân vật duy nhất trên sân khấu. Hỏi chuyện cô là một cái loa phóng thanh, chỉ là một tiếng nói không nhân dạng. Giọng hỏi [đàn ông] dần dần biến đổi và sau cùng trở thành giọng một người đàn bà thông báo cho cô thiếu nữ biết – bằng một bài thơ viết dưới dạng lãng mạn – là người ta sẽ dẫn cô ra sông để nhận chìm cô... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Họ thường tụ họp nhau, để chiến đấu / chống lại những kỷ niệm rất dai dẳng. / Mỗi người ngự trong một chiếc ghế bành / và ai nấy bắt đầu kể chuyện... | Những tiếng kêu răng rắc của bàn tủ không thể / đủ làm ông bận tâm suốt thời gian / (bởi lẽ từ lâu ông vẫn chờ đợi / cái không bao giờ có thể xuất hiện)... | Và trong lúc ấy mặt trời làm gì? / – Nó tiêu hết những của cải ta đã đem cho nó... | Con chim to tướng bay trên cánh đồng / giữ cùng nhịp với thung lũng và núi đồi, / chúng ta nhìn thấy chim bay rất lâu / trên bầu trời vô tận... | Những con người bị giấc mộng mình săn đuổi, / giữa giấc ngủ giữa lo sợ cùng tụ lại / trên một khoảng đất trống mở ra làn nước / cống, đen hơn cả đêm đen... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Socrate là bất tử: / thiên hạ vẫn còn nói về ông. / Mà Socrate là một người, / mà thiên hạ vẫn còn nói về người, / vậy thì, người là bất tử... | Tên này có một mình. / Hắn bước đi như một thằng điên / hắn nói với đá lát đường / cười với cửa sổ... | Cái gì đã bắt đầu / cái ấy tất phải kết thúc... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Kịch bản L'épouvantail – Monologue de plein air của Jean Tardieu (1903-1995) — nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia và là một trong những người viết về nghệ thuật độc đáo nhất của nước Pháp — do nhà văn Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021