thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Rồi nó sẽ ra sao

 

Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm

 

DANIELA FISCHEROVÁ

(1948~)

 
Sinh năm 1948 tại Prague, Daniela Fischerová là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Tiệp-khắc, tức Cộng hoà Séc hiện nay. Bà, cùng với Václav Havel, Ivan Klíma, Milan Kundera và Josef Skvorecký, thuộc thế hệ những cây bút sinh ra sau Đệ nhị Thế chiến và trưởng thành sau biến cố mùa xuân 1968 ở Prague. Cũng giống các cây bút vừa kể, bà gặp nhiều khó khăn từ chính quyền cộng sản trước đây. Một số tác phẩm của bà bị cấm xuất bản, phát hành hoặc công diễn, vì bị xem là phản động hoặc quá cấp tiến, trước khi được dư luận khen ngợi. Hơn nữa, cũng giống các cây bút vừa kể, bà là người đa năng. Bà làm thơ, viết truyện và viết kịch. Một tuyển tập truyện thiếu nhi của bà được chọn làm sách giáo khoa ở bậc trung học. Tuy nhiên, sở trường chính của bà là kịch. Nhiều kịch bản của bà được trình diễn và khen ngợi ở khắp nơi trên thế giới, trong đó, vở kịch đầu tay, Hodina mezi psem a vlkem (Giờ khắc giữa con Sói và con Chó , 1979), đã gây chấn động dư luận đến mức những vở kịch của bà đã bị chính quyền cộng sản cấm công diễn suốt tám năm. Ngoài ra, các vở kịch khác của bà, Báj (Huyền thoại, 1987), Princezna T (Công chúa T, 1988), Náhlé neštěstí (Rủi ro bất ngờ, 1993), và Fantomima (Fantomime, 1996) cũng gây xôn xao không kém.
 
Tác phẩm của Fischerová đã đoạt được nhiều giải thưởng. Đáng kể nhất là Giải Kịch Bản Hay Nhất ở liên hoan phim thế giới tại Culcutta vào năm 1983 cho kịch bản phim Neúplné zatmění (Nhật thực bán phần), và giải nhất trong cuộc thi viết kịch bản radio dành cho những nhà văn Tiệp Khắc và Đức cho vở kịch Andělský smích (Tiếng cười thánh thiện) năm 1993.
 
Câu chuyện cực ngắn dưới hình thức một kịch bản một phút dưới đây có vẻ như một hư cấu mang tính giả tưởng, mang một tư tưởng thâm trầm về bản chất của văn học nghệ thuật: Giống một bức tranh bị đóng khung giữa một hiện thực bao la, mọi tác phẩm văn học, đặc biệt các thể loại tự sự, là một cái gì luôn luôn phải kết thúc và phải mang một ý nghĩa nhất định trong khi cuộc đời lại là một dòng chảy vô tận và cơ hồ như vô nghĩa hoặc, nếu có nghĩa, ý nghĩa ấy cũng không bao giờ được tiết lộ. Đối diện với những giới hạn mang tính bản thể luận như thế, một câu hỏi không thể không được đặt ra: “Rồi nó sẽ ra sao?” như nhan đề truyện cực ngắn này.
 
“Nó” ở đây chính là số phận của văn học nghệ thuật nói chung.
 
Phan Quỳnh Trâm

 

_______

 

RỒI NÓ SẼ RA SAO

 

Nhân vật:
Người ngoài hành tinh
Tôi
 
Tôi đang ngồi ở bàn máy vi tính để viết một vở kịch dài một phút. Một người ngoài hành tinh ngồi trong dĩa bay phóng vút vào khung cửa sổ để ngỏ. Nhờ thiết bị phiên dịch trong đầu hắn mà tiếng vo vo đều đều của hắn được chuyển thành một chuỗi những câu nói trọn vẹn. Để có thể nói tất cả mọi thứ trong vòng vừa vặn một phút, hắn phải nói rất nhanh, thỉnh thoảng giống như hơi lắp bắp.

 

Người ngoài hành tinh: Này bạn! Bạn có phải là nhà văn không?

Tôi (lúng túng): Ờ hớ.

Người ngoài hành tinh: Tôi đến đây để cho bạn biết rằng công việc viết văn đã bị xoá sổ.

Tôi: Là sao? Tại sao như vậy được?

Người ngoài hành tinh: Cốt truyện là kiểu tư tưởng duy nhất muốn biết sự việc sẽ kết thúc như thế nào. Đó là một tư tưởng phá hoại! Sự sống, thật đáng tiếc, không bao giờ kết thúc. Nó sẽ không cáo chung và không có một kết cuộc cụ thể, cũng như sẽ không bao giờ tiết lộ bất cứ một ý nghĩa thực sự nào. Giữa bạn và tôi, nó không có nghĩa gì cả. Trong cả vũ trụ không ai chia sẻ mối bận tâm của bạn về ý nghĩa của sự sống. Ít nhất là cho đến lúc này! Và chúng ta không nên liều lĩnh để cho ý nghĩ điên khùng ấy được lan rộng.

Tôi: Vậy thì điều gì sẽ xảy đến với chúng tôi?

Người ngoài hành tinh: Tiến trình đã khởi sự. Chúng tôi mới chỉ xoá sạch tất cả đoạn kết của mọi câu chuyện. Tất cả những gì còn lại sẽ chỉ là những giai thoại vô nghĩa khiến người ta bực dọc, những câu chuyện trinh thám mà kẻ sát nhân sẽ không bao giờ được tiết lộ, những bi kịch không có bất cứ sự thanh tẩy cảm xúc nào cả, những chuyện tình mùi mẫn sẽ không bao giờ có một kết thúc có hậu. Câu hỏi về ý nghĩa của câu chuyện sẽ không còn nghĩa lý gì nữa. Kết quả là bạn sẽ mau chóng từ bỏ chuyện viết lách.

Tôi: Rồi sao nữa?

Người ngoài hành tinh: (phá lên cười một cách độc ác) Rồi sẽ đến phần chính! Ly kỳ thú vị lắm, bạn không biết sao? Bởi vì khi đó —

 

 

----------
Dịch từ bản tiếng Anh “How It Will Turn Out” của G.S, Evans, trên Cafe Irreal, Issue Thirty-Two (November 1, 2009).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021