thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sự kiên nhẫn

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

ETGAR KERET

(1967~)

 

Etgar Keret là một trong những khuôn mặt văn nghệ hàng đầu của Do-thái hôm nay. Là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn, truyện bằng tranh, và cũng là một nhà làm phim, anh bắt đầu viết từ năm 1991 và gửi đăng trên một số tạp chí ở Do-thái. Năm 1992, anh xuất bản tập truyện đầu tiên Tzinorot [Những cái ống], và trong thập niên đó anh tung ra nhiều tập truyện khác, với bút pháp độc đáo, nổi tiếng nhanh chóng và gây ảnh hưởng đến nhiều nhà văn cùng thế hệ.
 
Keret đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương và điện ảnh, trong đó có Prime Minister's Award for Literature; Ministry of Culture's Cinema Prize; Israel Film Academy Award; giải nhất của Munich International Festival of Film Schools; và giải Camera d'Or tại liên hoan điện ảnh Cannes. Năm 2006, anh được Israel Cultural Excellence Foundation chọn như một nghệ sĩ ngoại hạng.

 

______

 

SỰ KIÊN NHẪN

 

Con người kiên nhẫn nhất thế giới đang ngồi trên một băng ghế dài gần Trung tâm Dizengoff. Không có ai ngồi trên băng ghế bên cạnh hắn, không có cả những con bồ câu. Những thằng dâm tặc quái đản trong những cầu tiêu công cộng đang tạo ra những tiếng động ồn ào, dị hợm đến mức bạn không thể làm ngơ được. Con người kiên nhẫn nhất thế giới đang cầm một tờ báo, giả vờ đọc.

Thật ra hắn không đọc mà đang chờ đợi một điều gì đó. Chẳng ai biết điều đó là gì.

Một tờ báo bình dân ở Đức sẵn sàng thưởng mười ngàn đồng euro cho bất cứ ai tìm ra cái điều mà con người ấy đang chờ đợi là gì, nhưng chẳng ai tìm ra cả. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền mà hắn đồng ý ban cho một đặc phái viên của đài truyền hình CNN, con người kiên nhẫn nhất thế giới nói rằng hắn đang chờ đợi rất nhiều điều, nhưng địa điểm phỏng vấn này không phải là nơi để liệt kê những điều ấy ra. “Thế thì đâu nơi ấy?” gã ký giả khăng khăng hỏi, nhưng con người kiên nhẫn nhất thế giới không chịu trả lời, hắn chỉ lặng lẽ chờ đợi câu hỏi kế tiếp. Hắn chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi, cho đến cuối cùng, họ phải dừng cuộc phỏng vấn.

Từ khắp nơi trên thế giới người ta hành hương đến gặp hắn để hỏi cái bí mật của hắn là gì. Những tay đầu nậu lăng xăng, những sinh viên hoảng loạn, những nghệ sĩ tuyệt vọng vì không đạt được mười lăm phút nổi danh. Con người kiên nhẫn nhất thế giới không biết chính xác cái điều mình nên nói với với họ là gì. “Cạo”, rốt cuộc hắn luôn luôn nói. “Cạo với nước nóng, sẽ rất êm.” Và tất cả đàn ông vội vã lao vào phòng tắm và làm xước mặt ở hàng ngàn nơi khác nhau. Đàm bà nói hắn là một kẻ bá quyền. Rằng câu trả lời mang tính đực rựa kiêu căng của hắn đã không cho phép mỗi người đàn bà được cái quyền đạt đến một trạng thái bình thản. Đàn bà cũng nghĩ rằng hắn rất xấu trai. Laurie Anderson thậm chí đã viết một ca khúc về hắn. Nhan đề là “Một Gã Đàn Ông Đực Rựa Rất Kiên Nhẫn và Xấu Trai”. Ở đoạn đồng ca, có điệp khúc “đồng hồ sinh học của hắn chẳng ra trò trống gì cả.”

Con người kiên nhẫn nhất thế giới ngủ gục trên băng ghế với cặp mắt khép hờ. Trong giấc chiêm bao, hắn thấy những mảnh thiên thạch rơi xuống mặt địa cầu với âm thanh mơ hồ của những chiếc xe buýt chạy qua, những núi lửa gớm ghiếc phun lên với âm thanh của những thằng dâm tặc quái đản đang giật nước trong cầu tiêu, và nàng con gái mà hắn đã yêu suốt nhiều năm nói lời đoạn tuyệt với chồng của nàng bằng tiếng gù của những con chim. Cách hắn hai mét, có hai con chim bồ câu đang ra sức mổ lòi tròng mắt của nhau chẳng vì một lý do nào cả. Thậm chí chẳng phải chúng đánh nhau vì giành ăn. “Cạo,” người đàn ông nói với chúng trong chiêm bao. “Cạo với nước nóng, sẽ rất êm.”

 

 

---------
Nguồn: “Patience” của Etgar Keret, bản dịch Anh ngữ của Miriam Shlesinger, trong Etgar Keret, Missing Kissinger (London: Chatto & Windus, 2007) 206-208.
 

 

 

Những tác phẩm của Etgar Keret đã xuất hiện trên Tiền Vệ:

Đập vỡ con heo  (truyện / tuỳ bút) 
... “Heo yêu thích những cánh đồng,” tôi nói với Margolis trong lúc tôi đặt nó xuống mặt đất, “đặt biệt những cánh đồng đầy những bụi gai. Mày sẽ rất thích ở nơi này.” Tôi đợi Margolis đáp lại, nhưng nó không nói một lời, và khi tôi sờ vào mũi nó để giã từ, nó chỉ nhìn tôi với ánh mắt buồn bã. Nó biết nó sẽ không bao giờ gặp lại tôi nữa... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Điếu ca cho một giấc chiêm bao  (truyện / tuỳ bút) 
Mọi sự bắt đầu từ một giấc chiêm bao. Rất nhiều chuyện phiền toái trong đời tôi bắt đầu từ một giấc chiêm bao. Và trong giấc chiêm bao ấy tôi đứng sau một xe bán hot dog tại một ga tàu lửa trong một thành phố lạ. Một đám khách sốt ruột đang chen nhau quanh quầy. Tất cả họ đều nôn nao, mất kiên nhẫn. Tôi không thể hiểu nổi họ. Họ đang khẩn thiết muốn ăn một ổ hot dog, họ lại sợ trễ chuyến tàu. Họ sủa những mệnh lệnh vào mặt tôi bằng một thứ ngôn ngữ lạ lùng nghe như một hỗn hợp đáng sợ của tiếng Đức và tiếng Nhật. Tôi trả lời họ cũng bằng thứ ngôn ngữ lạ lùng, phiền nhiễu ấy... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Đôi mắt lấp lánh  (truyện / tuỳ bút) 
... “Hãy cho tớ biết,” bé xoay sang hỏi nó ngay lập tức, không do dự một giây đồng hồ, “cậu đã lấy cặp mắt lấp lánh ấy từ đâu vậy hả?” “Nó chỉ xảy ra như thế.” “Vậy thì tớ phải làm gì để nó cũng chỉ xảy ra như thế cho tớ?” bé kêu lên. “Tôi nghĩ bạn cần phải mong muốn một điều gì đó nhiều khủng khiếp, và khi điều đó vẫn không xảy ra, thì cặp mắt của bạn sẽ bắt đầu lấp lánh, chỉ vậy thôi.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Khi chiếc phi thuyền đầu tiên đáp xuống mặt trăng, các phi hành gia chẳng tìm thấy ai ở chung quanh. Họ chỉ thấy có hàng triệu cái hố tròn. Thoạt đầu, các phi hành gia nghĩ rằng những cái hố tròn ấy là những huyệt mộ của những con người đã từng sống trên mặt trăng. Chỉ đến khi quan sát gần hơn, họ mới phát hiện rằng những cái hố tròn ấy chỉ là những ý tưởng về sự trống rỗng... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cô bồ của tôi ở truồng  (truyện / tuỳ bút) 
Ngoài kia, mặt trời đang chiếu sáng, và trên thảm cỏ dưới sân, cô bồ của tôi đang nằm trần truồng. Hăm mốt tháng sáu, ngày dài nhất trong năm. Đi ngang qua trước toà nhà chúng cư nơi bọn tôi ở, người ta ngoảnh đầu nhìn nàng, thậm chí có người tìm lý do để dừng lại — họ phải cột dây giày, chẳng hạn, hay họ đã đạp nhằm cứt chó ở đâu đấy và nhất định phải dừng lại đúng ngay vào lúc này để chùi cho sạch đế giày... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Ảo thuật với cái mũ  (truyện / tuỳ bút) 
... Thế rồi “Allakazeem—Allakazam!” và con thỏ chui ra. Bao giờ nó cũng làm bọn trẻ con ngạc nhiên. Và chẳng phải chỉ có bọn trẻ con — cả chính tôi nữa. Mỗi lần bàn tay tôi chạm vào đôi tai buồn cười của nó trong cái mũ, tôi cảm thấy mình như một ông phù thuỷ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thứ keo điên rồ  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi bước qua tất cả các phòng ở trong nhà, chẳng thấy nàng ở đâu cả. Trên bàn nhà bếp tôi thấy ống keo đã dùng hết. Tôi thử kéo một chiếc ghế ra, để ngồi. Nó chẳng nhúc nhích. Tôi ráng kéo một lần nữa. Không nhích một phân. Nàng đã dán nó xuống sàn nhà... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những cái ống  (truyện / tuỳ bút) 
... Một đêm nọ, tôi làm một cái ống cực kỳ phức tạp, với rất nhiều khúc cuộn và những đoạn cong ngoặc, và khi tôi thả một hòn bi vào đó, nó không chạy ra ở đầu bên kia. Thoạt tiên tôi nghĩ hòn bi bị kẹt ở khúc giữa ống, nhưng sau khi tôi thử bỏ thêm chừng hai chục hòn bi nữa, tôi nhận ra rằng chúng chỉ đơn giản biến mất... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021