thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hoá thân

 

Một giải pháp có vẻ như cảm tính cho những cơn “Mưa chữ” của anh HN-T.
Mến tặng những người yêu chữ.

 

Sau cơn mưa chữ bất thần đó, tôi hoá thân thành chữ. Một phát hiện vĩ đại và kinh hãi không khác gì phát hiện của Gregor khi anh hoá thân thành con bọ. Chỉ khác là hình hài tôi vẫn nguyên như thế, nhưng những âm thanh trong tôi và hình dạng tâm hồn tôi thì đã chuyển hoá mất rồi. Tôi không dám nói điều này với ai, ngay cả với vợ tôi. Tôi trở nên im lặng vì... sợ nói. Đúng ra tôi có nhiều hơn bao giờ hết nhu cầu nói, nhưng tôi sợ lộ sự chuyển hoá này. Tôi thường chỉ tâm sự với những con chữ vào buổi sáng, khi tôi làm việc ở nhà một mình, hoặc vào giờ thật khuya, khi tất cả đã đi ngủ. Thực ra nếu để ý thì một người tinh ý có thể phát hiện ra những điều lạ lùng ở tôi. Tôi thường xa lánh đám đông (trong khi trước kia tôi rất thích giao du chốn đông người), tôi ít đọc sách hơn trước và thường xuyên rơi vào trạng thái như thoát xác (như một số đạo sĩ ở Tây Tạng) nhưng trên gương mặt lúc nào cũng chan chứa một niềm hoan lạc đê mê như người đang say thuốc... Vợ tôi là người tinh ý đấy, nhưng dạo này nàng bận rộn công việc và thường đi công tác dài ngày, con cái thì lớn cả rồi và gần như chúng tự xoay xở mọi việc trong cuộc sống mà không cần đến tôi. Thành ra tôi có cái may mắn rất lớn là được tự do chuyện trò và ca hát với những bạn chữ mà không bị ai quấy rầy. Cái cảm giác rờn rợn ban đầu thì cũng dễ hiểu thôi, khi một người chợt phát hiện ra một khả năng đặc biệt của riêng mình, khả năng mà rất ít, thậm chí là không có người thứ hai cùng chia sẻ, thì sẽ xuất hiện ở anh ta những cơn run rầy không thể kiểm soát được. Tuy nhiên sự kinh hãi bột phát này cũng thoáng qua mau, thay vào đó là một niềm vui kỳ bí, một sự hoan hỉ trong kinh hãi. Những gì thoạt tiên khó lý giải thì ngay sau đó sẽ trở nên hết sức hiển nhiên: tâm thức của tôi bỗng thính nhạy như con sói trong bóng tối rừng thẳm, nó đo đếm được từng tiếng rơi và từng cơn phấn khích của cuộc đột nhập bất thần này. Những con chữ không nói như chúng ta, chúng liên tục biến hoá trước mắt tôi dưới dạng những trò chơi xếp chữ đầy biến ảo, cách chúng kết hợp với nhau tạo nên những ý nghĩa. Những mẩu đối thoại thoạt đầu rời rạc đã dần dần trở nên liền mạch và sáng sủa. Cuối cùng chúng tôi có thể trò chuyện bình đẳng về trí tuệ: những con chữ có những ý tưởng giống tôi đến kỳ quặc, ngay cả những suy nghĩ thầm kín nhất trong tôi cũng được chúng dàn trải ra trước mắt. Hay hơn cả là kèm theo những trật-tự-ký-tự mang ý nghĩa đó còn có âm thanh, một cuộc đối thoại nghe-nhìn đầy ngoạn mục. Những cuộc trò chuyện này rất bổ ích cho việc viết lách của tôi, không chỉ là những gợi ý, mà tôi có thể bốc nguyên toàn bộ cuộc trò chuyện đưa vào bài viết của mình: ý nghĩ này khiến tôi xấu hổ, nhưng mặc kệ thôi, những con chữ đó hoàn toàn không có ý định để lại dấu vết gì trên văn bản cả.

Sống liền kề nhà tôi là một vị giáo sư đại học, trước kia tôi không ưa gì ông này vì chả bao giờ ông ta nói với tôi lấy một lời, dù là một câu chào hỏi. Thế nhưng kể từ sau cơn mưa chữ, tôi lại thấy ông ta dễ mến hơn. Ông ta có vẻ ngoài nhẹ nhàng hiền lành, một mẫu người ngại va chạm nhưng cũng không thích ai chạm đến mình. Thỉnh thoảng vào những buổi sáng đẹp trời ngồi tư lự một mình, tôi thấy ông ta cũng đang ngồi tư lự trước hiên nhà bên kia. Những lúc ánh mắt chúng tôi giao nhau, ông ta khẽ nghiêng đầu chào. Cứ như thể ông ta bắt đầu coi tôi là bạn vậy. Ông ta có kỳ quặc không? Tôi suy nghĩ và hỏi những con chữ, chúng lắc đầu lia lịa: không, ông ta không kỳ quặc hơn những con bọ hằng ngày thò ra thụt vào trong những hang ổ. Những con bọ nào? Tôi rất thích những âm thanh lanh canh, leng keng, lóc cóc của những con chữ khi chúng nhảy rộ lên: những con bọ rúc mình trong hang ổ chỉ chờ có cơ hội thuận lợi là lao ra đầy đường, nhiều lắm, chúng có ở khắp nơi. Thế còn tôi thì sao? Những con chữ vuốt ve mơn trớn: anh cũng thế, anh cũng không kỳ quặc. Những phút giây tôi thực sự hoá thân thành chữ, thì không phải là một, hai, ba,... con chữ cụ thể, mà là một người-chữ trong thân xác tôi với tất cả tính trừu tượng của nó nhưng cũng đủ khiến cho tôi trở thành một ai đó không còn thiết tha gì đến ngoại giới ngoài những âm thanh và tất cả những biến ảo ý nghĩa của chữ đang dàn trải mênh mông trước tôi không thấy điểm dừng. Và tại đỉnh điểm của sự chuyển hoá bất tận trong tôi là những cơn mưa chữ róng riết nóng hổi cứ rơi bạt ngàn phi thời gian phi không gian cho đến lúc tôi hoàn toàn tan rã để trở thành một tồn tại ký tự phi vật chất. Tồn tại đó xoáy lộn trong những cơn hung tưởng ngút ngàn, chúng kéo hun hút đến tận cùng đáy thẳm những ám ảnh thầm kín trong tôi, réo gọi những ký ức và sự tiếc nuối, những cơn khát thèm sâu kín đổ về như thác lũ. Dưới cơn mưa chữ, tôi nhận ra sự thật thầm kín về mình: là tôi đó kẻ suốt đời đuổi theo một hương thơm vương vất, suốt đời tôi giật mình khi thi thoảng đâu đó, vào một khoảnh khắc nào đó hương thơm đó thoảng qua. Tôi đã cố vắt óc nghĩ xem hương thơm đó tôi đã bắt gặp ở đâu, gắn với ai, câu chuyện nào mà không thể. Hương thơm đó được bao quanh bởi một bí ẩn sâu kín, nhưng đâu là mảnh đất mà tôi có thể tới được với hương thơm? Hay một tiếng sáo mục đồng? Hay một mảnh vỏ cam rơi vãi trong ký ức? Hay đám rong biển xanh rờn như ánh mắt dưới đáy đại dương? Trong ảo giác bồng bềnh của người sống trong cõi phi thực, tôi chợt bắt gặp ánh mắt của người hàng xóm: ông đang nhìn tôi với đôi mắt đẫm lệ.

Vài ngày sau, tôi đọc được trên báo điện tử một phóng sự về một người đàn ông được cho là “bất bình thường”: ông sống trong nhiều năm với một người đàn bà đã qua đời từ lâu. Khi xem ảnh người đàn ông đó nằm ngủ trên giường cùng một hình nhân, tôi bàng hoàng nhận ra đó chính là ông giáo sư láng giềng của tôi. Ông tâm sự rằng đã nhiều năm nay ông ngủ cùng một giường với bà. Chỉ khi đêm về, ông mới thấy mình thực sự được sống như mình hằng ao ước, được nằm cùng giường với người mình yêu, được tâm sự biết bao kỷ niệm và mộng ước giữa hai người, và ông đi vào giấc ngủ yên lành trong cảm giác có bà ở bên. Bà đã qua đời, nhưng với ông, bà chỉ mất đi phần xác. Ngoài điều đó ra thì không có gì thay đổi lớn cả. Khi được hỏi bằng cách nào ông có thể giữ được xác của bà không bị phân huỷ, ông nói ông không giữ nguyên vẹn phần xác của bà, mà nặn một tượng sáp giống hệt bà và bỏ xương cốt của bà vào bên trong, sau đó ông mặc cho tượng sáp đó những bộ quần áo trước đây bà vẫn mặc. Giữ hình ảnh của bà trong tâm trí thôi chưa đủ, ông cần thấy bà hằng ngày bên ông, dịu dàng trong giấc ngủ và vẫn nguyên ở đó mỗi sớm mai ông tỉnh giấc. Tiếp ngay sau phóng sự đó là một loạt bài viết phản hồi về hiện tượng kỳ lạ này, trong đó có ý kiến cho rằng người đàn ông này mắc một chứng bệnh về tâm lý có tên gọi là necrophilia với một số đoạn trích giải thích về căn bệnh này:

Necrophilia là gì?

Necrophilia, hay còn được biết đến với cái tên Necrolagnia, là một chứng bệnh lệch lạc về tình dục. Những đối tượng nhiễm chứng Necrophilia thường có khuynh hướng đam mê và có hứng thú nhục dục với những xác chết. Thuật ngữ Necrophilia xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách nghiên cứu về các chứng bệnh tình dục Psychopathia Sexualis của nhà nghiên cứu tâm thần học Krafft-Ebing (tên thật Richard Freiherr von Krafft-Ebing) vào năm 1886.

Những kẻ nhiễm chứng Necrophilia thay vì ham muốn và có cảm giác nhục dục với những sinh thể sống thì lại khoái lạc những sinh thể đã chết. Họ có ham muốn đặc biệt với những vật im lìm bất động. Có khoảng 68% những kẻ nhiễm chứng Necrophilia có khoái cảm và ham muốn với những thứ bất động hay những người hoàn toàn không có khả năng kháng cự. Một số Necrophilia có khoái lạc và ham muốn với những người đã chết và thân thể bị cắt rời từng phần nhưng chưa đứt hoàn toàn.

Một số Necrophilia lại có ham muốn bệnh hoạn với từng phần của xác chết. Có những Necrophilia thích quan hệ với những xác chết đã được một thời gian, một số lại thích tìm khoái lạc ở những người vừa mới qua đời. Đặc biệt có những kẻ mang đam mê bệnh hoạn với những cái xác vừa mới chết, khi thân thể còn nóng ấm và dần trở nên nguội lạnh. Ngoài ra còn tồn tại một số dạng Necrophia có khuynh hướng sử dụng thú vật đã chết để thoả mãn trò dâm ô thú tính của riêng mình. Đây là dạng bệnh có khuynh hướng chuyển biến từ chứng Zoophilia “Tình dục thú vật” (Có ham muốn nhục dục với thú vật).

Một số kẻ bị nhiễm Necrophia còn thể hiện những sở thích bệnh hoạn ghê tởm như thích ngắm nhìn xác chết, thậm chí thích ăn những vật phẩm phế thải đã thối rữa, hoặc phân, chất thải, đờm rãi.

Necrophilia có thể coi là chứng bệnh lệch lạc tình dục ghê tởm nhất của loài người. Và những kẻ nhiễm Necrophilia cũng thường là những kẻ hết sức khủng khiếp và nguy hiểm cho xã hội. Họ thường tìm mọi cơ hội nếu có thể để tiếp cận với xác chết nhằm thoả mãn sự bệnh hoạn tận cùng của mình. Điều hết sức nguy hiểm là phần lớn những người nhiễm Necrophilia là những người mang vẻ ngoài rất xinh đẹp và hiền lành, hay là một nhà trí thức, một vị giáo sư, tiến sĩ tính cách nhã nhặn, rất khó phát hiện.

Đoạn trích trên khiến toàn thân tôi lạnh ngắt, những con chữ đang trong cơn thăng hoa bỗng trở nên xám xịt, rơi lả tả. Tôi ngắm nhìn gương mặt người đàn ông trong ảnh, bật khóc. Dường như người đàn ông ấy đã bị bài báo trên nguyền rủa và biến ông thành quỷ dữ. Nhưng tôi lại thấy ở ông ấy một sự hoá thân kỳ diệu: từ một vị giáo sư khó gần, có phần bí hiểm, trở thành một con người có khả năng hiếm hoi trên cõi đời này: biết yêu. Ngay lập tức, tôi gửi đến tờ báo đó một bài viết “Phải chăng tôi cũng đang ôm xác?” để thuật lại những trải nghiệm của tôi với những con chữ vô hình. “Phải chăng tôi cũng đang điên hay một dạng nhẹ của căn bệnh lettrophilia nào đó (giả sử là có)? Tôi ăn, ngủ, chuyện trò và thậm chí làm tình với những con chữ. Người đàn ông ấy cũng ăn uống, chuyện trò và ôm vợ ngủ, cho dù bà đã mất. Tại sao lại gọi đó là “tử thi” hay là hiện tượng “ái tử thi” mà không phải là “người đã chết” hoặc hiện tượng “lưu luyến người đã chết”? Người đã chết không phải là một tử thi cứng đờ và lạnh ngắt, đó là một người đã từng sống với rất nhiều kỷ niệm và những câu chuyện của riêng mình. Đó không đơn giản là một cơ thể không còn khả năng kháng cự, mà ngược lại, sự tồn tại của người chết trước mắt người sống đôi khi lại tạo ra những khả năng kháng cự về mặt tâm lý mà không phải ai cũng có thể chịu đựng được. Những con chữ phải chăng không có khả năng kháng cự lại tôi? Nếu đúng như vậy thì phải chăng tôi cũng là kẻ đang ôm xác? Liệu đó có phải là một sự lệch lạc tâm lý đáng ghê tởm và nguy hiểm cho nhân loại hay không?” Ngay sau phản hồi của tôi, vị nhà báo, người đã đưa những trích dẫn về necrophilia trước đó, đã trả lời tôi thế này: “Thưa ông, những trích dẫn về necrophilia hoàn toàn mang tính khoa học, tôi không đưa vào đó bất cứ một quan điểm cá nhân nào, mà chỉ cung cấp thông tin để bạn đọc tham khảo. Sự liên hệ của ông về chứng necrophilia với chứng lettrophilia giả tưởng đối với tôi là hết sức thú vị và cần lưu ý. Thực ra thì cũng đã có những ca tương tự trước đây, không thể nói là chưa có tiền lệ, tuy nhiên, dạng tâm lý này còn ít được nghiên cứu. Đó có thể là một đề tài bổ ích cho những kiếm tìm tới đây của tôi.” Lạnh lùng và gớm ghét, tôi viết tiếp cho anh ta: “Nếu như những người sống cần tìm đến tình yêu ở những người đã khuất, thì một trong những lý do xã hội học mà anh cần hết sức lưu ý, đó là xã hội này đã trở thành một nấm mồ lạnh ngắt không còn hơi ấm tình người. Như một sự giễu nhại với ẩn dụ trác tuyệt của Kafka xưa kia, ngày nay những con bọ nhảy ra đầy đường thay vì trốn lánh trong những hang ổ. Và chúng thấy ai cũng xấu xí, ghê tởm nếu không có cùng một hình hài cổ quái như chúng.” Sau khi viết những dòng thư phúc đáp trên, trái tim tôi trở nên u ám. Tôi như kẻ bị trục xuất ra khỏi xứ sở trong mơ để đến sống trên mảnh đất ngục tù này. Một tháng sau, người đàn ông hàng xóm lặng lẽ ra đi, đi đâu, tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng ông bị buộc phải rời xa hài cốt người vợ thương yêu vì những lý do... vệ sinh và an toàn sức khoẻ. Cũng có thể với những biểu hiện ghê tởm và nguy hiểm đã được nêu ra trong bài báo đó, ông không được tiếp tục nghề nhà giáo của mình. Buồn hơn nữa là những con chữ bắt đầu kháng cự lại tôi vì tâm trạng u ám khiến tôi không còn có thể vui đùa với chúng nữa. Chúng đã chào tôi để ra đi. Trước khi đi chúng có nói lại với tôi đôi điều: “Hãy hoá thân, hãy tiếp tục hoá thân. Mỗi kiếp sống là muôn vàn hoá thân và mỗi hoá thân là một ẩn trốn. Xung quanh người có vô vàn hoá thân và trong mỗi người là ức triệu hoá thân. Thế giới đã không còn phẳng từ rất lâu rồi.” Chúng lũ lượt kéo nhau đi, nhưng thanh âm của những lời nói ấy cứ ngân nga mãi. Tôi còn lắng tai nghe cho đến khi hai gót chân tí hon của chữ B rơi ngửa khẽ chạm vào mái nhà và biến mất hẳn.

Ngày hôm sau, tôi hoá thân trở lại là tôi trước kia, với nhịp điệu sống buồn tẻ và đơn điệu rất có tính toàn cầu. Nhưng lại hoàn toàn không mang tính nhân loại.

Tôi sẽ còn hoá thân thành những gì nữa đây? Ai biết.

 

4/12/2009

 

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021