thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngày làm việc

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

HERTA MÜLLER

(1953~)

 

Lời người dịch:
 
Truyện ngắn “Ngày làm việc” được viết một cách khác thường, mọi hành động và diễn biến hầu như đi ngược lại trật tự và thời gian. Đọc truyện, chúng ta có cảm giác như đang xem một đoạn phim siêu thực rất ngắn, nhưng diễn tả bản chất phi lý và vô nghĩa của một ngày làm việc của một con người chỉ còn tồn tại như một cái xác trong một xã hội đã mất hết sinh khí, hy vọng và lý tưởng.
 
Thế nhưng, đối với Herta Müller, trong cuộc sống vô nghĩa dưới chế độ độc tài, có một vật mang đầy ý nghĩa, đó là chiếc khăn mù-soa. Vào thời bà còn trẻ, mỗi buổi sáng, trước khi bà rời nhà, bà đều nghe mẹ hỏi: “Con có một chiếc khăn mù-soa không?” Câu hỏi ấy dần dần mang đến cho chiếc khăn mù-soa những ý nghĩa đa tầng mang tính biểu tượng và một sức mạnh cứu rỗi cho tâm hồn.
 
Trong bài diễn văn đọc tại Viện Hàn lâm Thuỵ-điển hôm thứ Hai ngày 7/12/2009 vừa qua, Herta Müller nói: “Không có thứ gì ỡ trong nhà, ngay cả chính bản thân chúng tôi, mà lại quan trọng đối với chúng tôi cho bằng chiếc khăn mù-soa. Nó được sử dụng cho mọi việc: hỉ mũi; chùi máu cam, cùi chỏ hay đầu gối, hay cắn vào nó để ngăn tiếng khóc.”
 
Chiếc khăn mù-soa cũng tượng trưng cho sự phản kháng. Trước Viện Hàn lâm Thuỵ-điển, Herta Müller hỏi một cách khôi hài: “Há chẳng lẽ câu hỏi 'Bạn có một chiếc khăn mù-soa không?' mà lại không thể xoá đi cả cái búa và cái liềm, xoá luôn cả những trại cải tạo kiểu Stalin hay sao?”

 

 

_______________

 

NGÀY LÀM VIỆC

 

Bảy giờ rưỡi sáng. Chuông báo thức reo.

Tôi thức dậy, cởi áo quần, đặt nó lên gối, mặc bộ pyjama, đi đến nhà bếp, bước vào chậu tắm, lấy chiếc khăn tắm, dùng nó để rửa mặt, lấy cái lược, dùng nó để lau khô mình, lấy bàn chải đánh răng, dùng nó để chải tóc, lấy miếng bọt biển, dùng nó để chà răng. Rồi tôi đi vào buồng tắm, ăn một miếng nước trà, và uống một tách bánh mì.

Tôi cởi đồng hồ và những chiếc nhẫn ra.

Tôi tháo giày ra.

Tôi đi đến cầu thang, rồi tôi mở cửa căn hộ.

Tôi đi thang máy từ tầng năm xuống tầng một.

Rồi tôi bước lên chín bậc cầu thang và thấy mình ở ngoài đường.

Trong tiệm thực phẩm tôi mua một tờ báo, rồi tôi đi đến trạm tàu điện và mua vài ổ bánh, và khi tôi đến quầy bán báo tôi bước vào tàu điện.

Ba trạm dừng trước khi tôi bước vào tàu điện, tôi bước ra khỏi tàu điện.

Tôi đáp lại lời chào hỏi của người gác cửa, rôì người gác cửa chào hỏi tôi và nói, lại thứ Hai nữa rồi đây và một tuần nữa đã qua.

Tôi bước vào văn phòng, nói lời tạm biệt với mọi người, móc chiếc áo choàng của tôi vào bàn giấy, ngồi lên cái móc áo, và bắt đầu làm việc. Tôi làm việc suốt tám tiếng đồng hồ.

 

 

-------------
Dịch từ bản tiếng Anh, “Workday”, trong Herta Müller, Nadirs [bản dịch tiếng Anh của Sieglinde Lug] (Lincoln, NE: University of Nebraska Press, 1999) 119-120.
 

 

 

Đã đăng:

Công viên đen  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Khi tiếng cười trở thành tràng cười sặc sụa, khi họ oằn người xuống vì cười, khi họ chết với tiếng cười, thì có chút hy vọng nào chăng? Và tuy nhiên chúng ta còn quá trẻ. Và một nhà độc tài khác đã bị lật đổ ở đâu đó, và Mafia lại giết thêm một người nào đó, và một tên khủng bố nào đó đang chết ở nước Ý. Cô không thể uống để bớt sợ hãi, cô gái. Cô đang hớp từng hớp rượu từ chiếc ly này giống như những người đàn bà không có một cuộc sống, không thích nghi được với tất cả những thứ rác rưởi ấy. Ngay cả không chịu nổi chính bản thân mình... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Mẹ, Bố, và thằng nhóc  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Bố đang toát mồ hôi và đang ngáy, Bố nằm sấp, úp mặt xuống và trong giấc chiêm bao Bố phun nước miếng làm hoen cái áo gối. Thằng nhóc đang níu chặt tấm chăn, đạp hai chân, nhíu mày và trong giấc chiêm bao nó nói lảm nhảm bài thơ mà nó đã đọc ở những buổi liên hoan cuối cùng của lớp đồng ấu. Mẹ đang nằm thao thức và thẳng đờ dưới những tấm trải giường được giặt vấy vá, dưới cái trần nhà được sơn vấy vá, đàng sau những khung cửa sổ được lau chùi vấy vá... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những người quét đường  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Những người quét đường đang làm việc. Họ quét đi hết những bóng đèn, họ quét những đường phố ra khỏi thị trấn, họ quét cuộc sống ra khỏi những ngôi nhà, họ quét những ý tưởng ra khỏi đầu tôi, họ quét tôi từ chân bên này đến chân bên kia, họ quét những bước chân của tôi ra khỏi lối đi của tôi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Bài điếu văn  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Ông ấy đã hiếp dâm một phụ nữ trong một cánh đồng trồng củ cải, người đàn ông nhỏ thó nói. Cùng với bốn người lính khác. Bố của cô đã thọc một củ cải vào giữa hai chân cô ta. Khi bọn tôi bỏ đi thì cô ta đang chảy máu. Cô ta là người Nga. Suốt nhiều tuần lễ sau đó, bọn tôi gọi mọi thứ vũ khí là những củ cải. Lúc ấy là cuối mùa thu, người đàn ông nhỏ thó nói. Những lá cải nám đen và quăn lại vì sương muối. Rồi người đàn ông nhỏ thó đặt một hòn đá to lên chiếc quan tài... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Gia đình tôi  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Mẹ tôi là một người đàn bà bị câm. Bà ngoại tôi bị mù vì mắt kéo mây. Một con mắt của bà kéo mây xám, con mắt kia kéo mây xanh. Ông ngoại tôi bị bệnh sa ruột vào bìu dái. Cha tôi có một đứa con khác với một người đàn bà khác. Tôi không biết mặt người đàn bà khác và đứa trẻ khác ấy. Đứa trẻ khác ấy lớn tuổi hơn tôi, và đó là lý do tại sao người ta nói tôi là con của một người đàn ông khác... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cuộc tắm của cả gia đình  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Mẹ trèo vào chậu tắm. Nước vẫn còn nóng. Xà-phòng đang nổi bọt. Mẹ kì cọ chiếc cổ cho sạch những bợn cáu xám xịt. Những bợn cáu của Mẹ trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Chậu tắm có một quầng màu vàng. Mẹ trèo ra khỏi chậu tắm. Nước vẫn còn nóng đây này, Mẹ gọi Bố. Bố trèo vào chậu tắm. Nước âm ấm. Xà-phòng đang nổi bọt. Bố kì cọ lồng ngực cho sạch những bợn cáu xám xịt. Những bợn cáu của Bố trôi lềnh bềnh cùng những bợn cáu của Mẹ trên mặt nước. Chậu tắm có một quầng màu nâu. Bố bước ra khỏi chậu tắm. Nước vẫn còn nóng đây này, Bố kêu Bà nội... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

Đọc thêm:

[NOBEL VĂN CHƯƠNG & NOBEL HOÀ BÌNH 2009] Bay Vút — tạp chí Việt ngữ liên mạng của Radio Australia, trực thuộc Australian Broadcasting Corporation (ABC) — phỏng vấn Hoàng Ngọc-Tuấn... “Một người là nhà văn, một người là nhà lãnh đạo chính trị, nhưng cả hai đều vươn lên từ bóng tối — một người từ bóng tối của sự kỳ thị chủng tộc, một người từ bóng tối của chế độ độc tài phi nhân tính. Họ cùng vươn lên từ bóng tối, nên họ cùng khát khao ánh sáng. Tôi tin rằng họ khao khát ánh sáng không chỉ cho riêng họ mà cho cả chúng ta...” (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021