thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đối thoại

 

Ông già: Này cô gái, chào cô ngày mới dù không đủ tin cậy ở hai vai. Dẫu sao thì chúng ta cũng đã gặp nhau, thế nên chả mất công mấy một câu chào hỏi.

Cô gái: Tôi không thể chào hỏi ông được, xin vui lòng thứ lỗi. Vì tôi đang bận nhìn ra hướng khác. Những kẻ toan đi đứng thường hay chào hỏi nhau. Còn tôi đã ngồi mãi đây suốt 25 năm rồi, cho nên không còn toan đi đứng nữa. (Càu nhàu)

Ông già: Ồ, thế ra cô là người mà tôi đã cất lời chào mỗi ngày khi đi ngang qua con đường này ư? Ôi, thế mà tôi không nhận ra cơ đấy! Quý hoá quá đi mất! Thật không ngờ! (Hân hoan ra mặt). Ôi, tôi bối rối quá, chẳng biết phải làm sao nữa. Thôi, cô nhận lấy cho tôi một lời chào nhé! Chào cô! Trời lòng lành che chở mặt đất.

Cô gái: Tôi đã nhận của ông tổng cộng hơn 1…0 lời chào. Nhà tôi có quá nhiều lời chào nên chẳng còn chỗ nào để xoay xở nữa cả. Ban đầu thì chúng tôi cố gắng làm quen với sự chật chội ấy, nhưng lâu sau thì thậm chí chẳng còn chỗ để chân nữa, thành ra tôi đã gởi ba mẹ tôi vào dưỡng viện, còn tôi thì phải dọn đồ ra ngoài cửa mà ngồi thế này. (Nhăn nhó, thở dài).

Ông già: Thế ra cô không phải là chủ nhân của ngôi nhà này ạ? Trông cô cũng không ra dáng một người canh cửa cho lắm khi cứ quấn chăn chặt cứng mà ngồi rũ rượi thế này. Vậy ra vị chủ nhân quyền uy đằng sau cánh cửa này là những lời chào ạ? Quý hoá quá! Làm sao tôi có thể có được cơ hội vào diện kiến các vị ấy đây? Tôi bối rối quá đi mất. Mà mỗi khi bối rối tôi lại không thể không thốt ra lời chào… (Bỏ nón, cúi người như thể sắp chào.)

Cô gái: Ấy ấy, ông làm ơn cho! Gia đình tôi đã bị huỷ hoại đến thế này là do tôi quá nể nương người ta mà nhận lời chào hỏi một cách vô lối. Xin ông đấy, làm ơn để tôi yên. Tôi cần một mình để sám hối cho tội lỗi của chính mình. Làm ơn đi mau cho! (Cau mày cáu kỉnh).

Ông già: Cô gái nhỏ ơi, xin đừng nói lời xua đuổi như thế! Tôi đã sống được 60 năm rồi. Ừ phải, đã 60 năm chẵn tròn, cô nhỏ ạ. Này, đừng mở mắt nhìn tôi trân trối như thế chứ! Tôi đã sống chừng này tuổi, và cũng đủ khôn ngoan để biết thế nào là ân huệ của trần gian. Cô là người sinh ra với ân huệ nắm giữ sự hào nhoáng. Ôi thôi, tôi chẳng có đủ ngôn ngữ hoa mỹ để ca ngợi lòng lành ấy. Ấy mà xin cô, cô cứ nghĩ giúp cho như thế!

Cô gái: Ông già ơi, đừng cợt giễu tôi. Tôi có một cái ghế để ngồi, một cái chăn để túm lấy thân tôi, và một cái đầu không biết phân loại. Thế nên tôi ngồi đây, dồn đống tất cả các câu nói, lời chào vào trong nhà. Tôi chẳng biết làm gì với chúng. Bà ve chai qua đây mỗi ngày bảo rằng bà ta không cần ba thứ vớ vẩn đó. Thằng bé con ở xóm trên bắn ná vào tôi khi nó biết tôi muốn gởi nó một vài lời chào sẵn có trong nhà. Tôi đến nước không thể đốt chúng đi mà sưởi ấm trong mùa đông. Vì đơn giản đầu óc tôi không biết cách phân loại. Nhóm lửa cũng đòi hỏi kĩ năng phân loại, ông biết mà! (Mắt ngó đăm chiêu).

Ông già: Cô bạn trẻ, cô thật có khiếu hài hước. Như những người giàu thường than thở bệnh tật, thiếu thốn. Cô cũng mắc bệnh dở người như họ thôi. Cô sở hữu những lời chào hỏi ban ngày, buổi trưa, ban đêm, rạng sáng, hội hè, tết nhất… Ôi chao, tha hồ mà tung tẩy. Tôi đã sống ngần này tuổi rồi, và đã đi khắp lượt làng này, đôi khi tới cả vùng miền lân cận nữa, để mà chào hỏi mọi người. Ấy thế mà cả đời tôi, tôi chưa khi nào được trông thấy một câu chào hỏi nào cả! (Hạ giọng) Cô bạn trẻ, cô có thể ngồi dịch sang bên để tôi ngó nghiêng một chút câu chào hỏi cất sẵn trong nhà không?

Cô gái: Có thật sự là ông muốn trông thấy chúng? Đừng hối hận đấy nhé. Tôi cá với ông một lòng đỏ trứng rằng ông chẳng bao giờ đoán được điều ông sắp trông thấy đâu.

Ông già: Ôi, thế… thế… (Hớn hở lắp bắp). Trứng gà thì tôi không có, nhưng tôi có bộ lông của con chim đà điểu mà tôi cưỡi đi khắp nơi. Giờ thì nó đã chết. Tôi thương nó đến độ đã lấy bộ lông của nó mà khoác vào người thế này này. (Vừa nói vừa kéo hở vạt áo khoác một chút.). Cô vui lòng nhận bộ áo lông đà điểu đổi lấy một phút hiếu kì tuổi già của tôi chứ, cô gái trẻ?

Cô gái: Người ta khi 10 tuổi hay 60 tuổi đều vẫn trẻ con như thế. Thôi thì này, tôi cũng chẳng vội vàng gì, ông cứ mặc sức mà mỉa mai trí tò mò của mình đi nhé! (Càu nhàu một chút. Nhưng có vẻ chẳng bận tâm lắm đến cái áo lông đà điểu).

 

*

 

Ông lão dịch cửa, ngó vô trong căn nhà tối om. Một lúc lâu, chẳng thấy ông động cựa gì, cũng chẳng biết ông đã thấy gì ở bên trong. Chỉ biết rằng sau khi ông lão quay trở ra thì mặt ông chẳng biểu hiện một cảm xúc gì cụ thể. Ông quay lưng bước đi. Một hồi lâu thì ông lão trở lại với một chiếc ghế đẩu. Ông xếp chiếc ghế ngay bên cạnh chiếc ghế của cô gái mặt mày ủ dột nọ. Rồi ông móc trong túi áo khoác ngoài ra một trái chanh. Rồi ông cắn một miếng, ngửa miệng cười khà khà. Ông quay sang đưa nửa miếng còn lại cho cô gái ủ dột nọ, cô cũng cắn một miếng và quay lại cười mỉm với ông già. Khi ăn hết trái chanh, họ lấy những hột chanh chọi nhau. Rồi bất thần ông già ôm mặt khóc. Cô gái trẻ lại ngồi trơ mặt càu nhàu.

 

 

 

---------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021