thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Argumentum Ornithologicum
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)

 

Tôi khép mắt lại và thấy một bầy chim. Hình ảnh ấy thoáng qua trong một giây đồng hồ, hay có lẽ ít hơn; tôi không chắc tôi đã thấy bao nhiêu con chim. Số lượng chim cố định hay bất định? Vấn đề này dính líu đến sự hiện hữu của Thượng Đế. Nếu Thượng Đế hiện hữu, con số phải cố định, bởi Thượng Đế biết tôi thấy đã bao nhiêu con chim. Nếu Thượng Đế không hiện hữu, con số không thể xác định, bởi đã không có ai đếm. Trong trường hợp này tôi đã thấy ít hơn mười con chim (tạm nói như vậy) và nhiều hơn một con, nhưng đã không thấy chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba hoặc hai con chim. Tôi đã thấy một số lượng giữa mười và một, mà không phải là chín, tám, bảy, sáu, năm, v.v. Dãy số nguyên đó -- không-phải-chín, không-phải-tám, không-phải-bảy, không-phải-sáu, không-phải-năm, v.v. -- thì bất khả tư nghị. Ergo, Thượng Đế hiện hữu.

 

Nguyên tác: "Argumentum Ornithologicum", trong Jorge Luis Borges, El hacedor [Kẻ tạo tác],
(Madrid: Alianza Editorial, 1972)

 

 

___________________________________

Chú thích của người dịch:

"Argumentum Ornithologicum" (tiếng Latinh) có nghĩa là "biện luận điểu cầm học". Chữ này do Jorge Luis Borges bịa ra để tạo vẻ khoa học nghiêm túc cho câu chuyện!

"Ergo" (tiếng Latinh) nghĩa là "do đó", "cho nên", "vậy thì". Lối dùng chữ ergo của Borges ở đây gợi đến câu "Ego cogito, ergo sum, sive existo" (tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu) của René Descartes.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021