thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những người anh em

 

Chúng tôi là những người anh em, ít nhất cái gã người Ăng-lê cũng thường nói như vậy mỗi khi chúng tôi nhậu chung. Đó là khi anh ta — tên Mark — cầm ly lên và nói: “Nào anh em, dzô!”

Mark ở Sài Gòn đã hơn 10 năm. Anh ta nói tiếng Việt khá sõi. Hằng ngày anh ta đi dạy tiếng Anh ở các trung tâm, đây là công việc kiếm được khá bộn và giúp Mark sống rất thoải mái, hơn nhiều khi còn ở Ăng-lê.

Những người anh em chúng tôi thường gặp nhau vào cuối tuần để uống bia và tán gẫu. Tửu lượng của Mark thật khủng khiếp, tôi chưa thấy anh ta say bao giờ dù liên tục cụng ly với tất cả mọi người. Mark rất hiểu thế mạnh của mình, nên cứ vào cuộc nhậu anh ta luôn là người hô hào nhiều nhất. Và vì thế, những cuộc nhậu có Mark rất sôi động. Và hẳn nhiên, anh ta luôn được nhiều người yêu thích.

Nhưng có lần, sau khi anh ta hô lên câu như mọi khi “Nào anh em, dzô!”, có một giọng lè nhè cất lên:

“Ai anh em với mày, thằng mắt xanh mũi lõ?”

Tất cả chúng tôi sượng chín cả người. Riêng Mark, sau chút ngượng ngùng, liền tươi cười trả lời:

“Tứ hải giai huynh đệ mà.”

Tôi thở phào nhẹ cả người và tự nhủ “Mark dễ thương thật. Vậy mà anh ta không giận.”

Sau đó Mark nói tiếp:

“Mấy bạn là anh em ruột, vì sinh ra từ một bọc trăm trứng. Còn tớ là anh em họ vậy”

Tất cả chúng tôi cùng vỗ tay cười rầm lên tán thưởng cho lý giải ngộ nghĩnh này.

Sau sự kiện đó chúng tôi càng yêu mến Mark hơn. Và anh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống cuối tuần của chúng tôi.

Sau này Mark kể cho chúng tôi nghe về cái mà anh gọi là “triết lý về anh em”.

Anh khẳng định triết lý này có ở hầu hết các nơi mà anh ta đã từng đến. Ban đầu, nó cũng gây cho anh ta chút nghi ngờ về cái quan niệm quá rộng này, nhưng sau đó anh ta đã cố đi tìm một sự lý giải để làm nền tảng cho nó. Và chẳng khó khăn gì để Mark tìm ra một lý thuyết hợp lý để giải thích. Hơn nữa, như Mark khẳng định, ít nhất nó đã giúp anh thoát chết một lần...

Đó là lần Mark đi du lịch ở châu Phi.

Khi anh ta đang loay hoay trong một khu rừng vắng để chụp ảnh, thì bất ngờ có một toán người địa phương tiến tới vây anh ta lại. Anh hốt hoảng đưa máy ảnh cho họ. Sau đó, anh còn lột đồng hồ, lấy ví móc hết tiền đưa ra. Vài gã mang khỉ trên vai, tay lăm lăm mấy cây cọc nhọn như chuẩn bị chọc tiết lợn.

Mark sợ tái cả mặt. Anh tự nhủ phen này chắc chết mất xác ở giữa rừng phi Châu này rồi. Nhưng rồi bản năng sống đã làm cho Mark tỉnh người lại. Anh ta quỳ xuống và nói như van xin:

“Ôi những người anh em, xin lấy hết đồ đạc nhưng hãy tha chết cho tôi.”

Mấy kẻ kia vẫn im lặng nhìn anh ta lừ lừ.

Mark vẫn tiếp tục:

“Chúa lòng lành sẽ cứu các anh, xin hãy tha chết cho người anh em của các anh.”

Nhưng đám người kia vẫn hăm hăm mấy cây cọc nhọn, mắt vẫn hằn lên những tia rất giận dữ.

Mark thấy cái chết như đang đến rất gần. Lúc này anh ta nhớ lại những câu chuyện ăn thịt người của các bộ lạc phi Châu mà rợn cả tóc gáy.

“Có khi họ muốn làm thịt mình đây.” Mark tự nhủ

Nhưng một ý nghĩ hợp lý chợt đến, có lẽ là từ mấy con khỉ đang ngồi trên vai của mấy gã kia.

Mark nói vội vàng và liên tu:

“Ôi những người anh em, chúng ta là anh em mà, các anh không nhận thấy điều đó sao? Chính nó đấy, những chú khỉ trên vai các anh đã nói lên điều đó. Chắc các anh đã từng nghe ít nhiều về nguồn gốc của tổ tiên chúng ta? Vâng, tổ tiên chúng ta đã được thoát thai từ những đồng cỏ châu Phi. Và cách đây vài triệu năm, những tổ tiên đầu tiên của chúng ta đã ra đời từ những chú khỉ có vẻ hiền lành đó. Tổ tiên chúng ta đã sống quây quần trong những cánh rừng để săn bắn và yêu thương nhau. Thượng Đế đã che chở và nuôi dưỡng cho họ. Để rồi cách đây vài trăm ngàn năm, một vài ông tổ của chúng ta tạm biệt những người anh em để lội biển sang châu Âu hay châu Á,... để mưu sinh. Những người ở lại đã sinh ra các anh, còn những người ra đi đã sinh ra chúng tôi.

Đó các anh thấy chưa, chúng tôi như những đứa con xa mới trở về cố quán. Chúng ta phải yêu thương nhau.

Cầu Chúa lòng lành che chở cho tất cả chúng ta...”

Mark nói một hơi dài, khiến anh như ngộp thở. Nhưng đám người trước mặt vẫn chẳng có chút suy suyển gì, họ vẫn cứ lăm lăm trong tư thế chuẩn bị thọc tiết một con mồi.

Mark biết anh phải hành động nhanh chóng và quyết liệt thì mới mong trốn thoát. Anh ngẩng đầu lên và bắt đầu khóc to, rồi gào lên thảm thiết:

“Ôi Chúa nhân từ hãy đến đây mà xem những đứa con của Ngài đang giết hại những người anh em của mình.

Xin Chúa hãy rủ lòng thương...”

Những tiếng nấc của anh kéo dài và thảm não.

Nhưng lần này đã có kết quả: đám người kia trố mắt có vẻ kinh hãi và lùi ra xa. Mark biết cơ hội đã đến, cần phải dọt lẹ trước khi bọn họ hiểu được những thứ rối rắm mà anh vừa nói.

Mark từ từ lùi lại, rồi quay đầu bỏ chạy ra khỏi cánh rừng...

Đó là thứ kinh nghiệm và Mark gọi là “những thứ hợp lý”. “Triết lý về anh em” là một thứ rất hợp lý, hợp lý để tồn tại và an bình.

Mark có niềm tin rất vững chắc vào điều đó. Ừ, mà không tin sao được khi nó đã từng cứu mạng anh một lần.

Để rồi có lần Mark nói với chúng tôi rằng nên thử dùng cách đó để thương lượng về những chuyện đại sự, như biển Đông chẳng hạn.

Cái ý tưởng lạ lùng này của Mark khiến bọn tôi cười ngặt nghẽo. Theo ý anh ta, nghĩa là phải dùng cái phương cách mà Mark từng thoát nạn ở Phi châu, để ứng phó với những người “anh em phương Bắc”.

Nghĩa là chúng tôi phải quỳ xuống và van xin:

“Hỡi những người anh em phương Bắc, chúng ta là anh em và vì vậy, xin đừng bắn hay bắt những người ngư dân hiền lành của chúng tôi. Xin hãy trả biển, đảo và nhiều thứ khác lại cho chúng tôi...”

Có thể qua vài cuộc nhậu, chúng tôi sẽ lấy lại được biển Đông. Nhưng Mark đâu biết rằng, cũng bằng cách đó, nghĩa là dùng cái triết lý về anh em, mà những người “anh em phương Bắc” đã đoạt lấy biển đảo và nhiều thứ khác trên mảnh đất này.

Có thể Mark sẽ giải thích “một cách hợp lý” rằng, những người “anh em phương Bắc” và những kẻ a tòng với họ, không đến từ phi Châu.

 
 
 
---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021