thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Căn nhà trọ của ông Đỗ

 

Tưởng nhớ anh Đỗ Long Vân

 

Trở về căn nhà / Chăn chiếu héo khô / Giống chiếc quan tài của Thoại... Hắn đã thấy nơi căn nhà người bạn vong niên của hắn ở trọ như vậy, như những dòng thơ anh Tâm viết tặng bạn, một kịch tác gia. Người bạn vong niên, nhà biên khảo văn học họ Đỗ, hắn vẫn gọi là ông Đỗ, bảo hắn tới ở chung. Ông Đỗ quảng giao, những ai đó biết chỗ ông Đỗ ở thỉnh thoảng tới, ông luôn ngó qua kẽ hở trước khi mở cửa, nhiều lần ngó xong ông không mở cửa, chỉ tặc lưỡi chép miệng rồi trở lui... Họ thường gõ cửa trước khi lên tiếng, có thể ông Đỗ đã nhận ra đó là ai nhưng ông vẫn ngó qua kẽ hở. Trung Niên Thi Sĩ thì không bao giờ gõ cửa, không kêu tên mà réo lên: “Nhà thơ ngậm ngùi đi vào biên khảo!...”, sau đó xô cửa bước vào cùng cái bị là chiếc bao tải bẩn thỉu đựng những gì đấy, vật bất ly thân của Trung Niên Thi Sĩ.

Từ lâu, trước khi hắn tới ở chung với ông Đỗ, một chàng trạc tuổi hắn, học trò cũ của ông Đỗ ở một trường đại học ngoài Huế, vào Sài Gòn, đã tìm đến căn nhà ông Đỗ trọ, ở lại luôn. Và anh ta, mỗi khi có dịp nói chuyện với ai tới thăm ông Đỗ, không ngớt bày tỏ niềm quý mến thầy, chỉ trỏ vào đống khoai sắn ở góc nhà, lương thực của ông Đỗ, lắc đầu và nói, nói, nói, vẻ hết sức thương cảm về cuộc sống của một người từng là giáo sư đại học, tốt nghiệp cử nhân văn chương gì đấy ở đại học Sorbonne... Nhiều buổi sáng tới thăm ông Đỗ, hắn thấy anh ta trong tiệm phở ở đầu một ngõ hẻm gần căn nhà trọ. Rồi anh ta trở về, có khi lại cùng ông Đỗ và hắn ra quán cà phê bình dân cũng không xa tiệm phở. Thường thì về căn nhà trọ anh ta cạo râu, thay quần áo chỉnh tề bảnh bao rồi đi đâu đó.

Khi hắn tới ở chung với ông Đỗ thì chàng cựu sinh viên đại học Huế đã chuyển chỗ khác, “một chỗ nào đó cũng ở Sài Gòn, chắc là thế...”, ông Đỗ nói vậy. Hắn thì đoán anh ta đang ở chung với một phụ nữ giàu có. Vài ba lần hắn thấy anh ta và người phụ nữ ấy, cả hai phục sức sang trọng, chở nhau trên chiếc xe gắn máy mới tinh, loại đắt tiền. Ông Đỗ bảo ở chung với anh ta phiền quá, anh ta nói nhiều, ngôn ngữ rất văn vẻ hoa mỹ, một thứ mỹ từ pháp của một loại văn chương rù quến phái đẹp. “Những chàng nghiện marijuana chúa là hay hút thuốc lá của người khác”, một lần ông Đỗ bảo vậy, lúc đó hắn nhớ ngay việc hút thuốc lá của anh ta, dù anh ta không nghiện marijuana. Anh ta không phải người nghiện ma túy, hoàn toàn không thuộc loại nghiện ấy.

Hắn thường gặp khó khăn về chỗ ở. Hắn chưa từng ngỏ lời dù ưa thích ở chung với ông Đỗ, chính ông Đỗ bảo hắn: “Nay chỗ này mai chỗ khác cũng phiền, ông phải chọn một chỗ cho yên ổn chứ... Người tàn tật lên xe buýt thấy có chỗ dành cho người tàn tật thì sẽ yên tâm. Căn nhà trọ này là chỗ dành cho người tàn tật. Hình như ông từng nhận ra mình như vậy.” Hắn không nhớ rõ lắm, hình như một lần nào đấy hắn nói với ông Đỗ rằng nghệ sĩ là kẻ tật nguyền bẩm sinh. Hắn hỏi ông Đỗ để thêm xác định về nghệ sĩ, kẻ tật nguyền bẩm sinh, ông Đỗ kể chuyện ông đọc được về tiểu sử nhà soạn nhạc cổ điển Tchaikovsky: “Thuở thiếu thời có lần Tchaikovsky bị đứa bạn cùng tuổi đánh đập mà Tchaikovsky không dám đánh trả lại, chỉ khóc ròng, khóc rất lâu. Mẹ Tchaikovsky phát bực, hỏi Tchaikovsky có phải là con trai như đứa bạn không, sao không đánh trả mà lại khóc lóc. Tchaikovsky trả lời mẹ: Con không thể làm như vậy được...” Hắn cho rằng ông Đỗ hẳn nhiên cũng là một trong những kẻ tật nguyền bẩm sinh. Hắn nhớ thời gian gặp ông Đỗ ở Đà Lạt. Một đêm lạnh giá ông bỗng hất tung chăn mền, chạy ra khỏi căn gác trọ, la vang dội phố khuya: “Tôi đang ngủ chung với ai vậy?” Ngay hôm sau người vợ ông Đỗ trở lại Sài Gòn, không chờ hết ngày nghỉ phép mà bà đã định ở Đà Lạt với ông nửa tháng. Ông Đỗ đột ngột rời Viện Đại học Đà Lạt, nơi ông làm quản thủ thư viện sau khi ông đột ngột rời bỏ công việc giảng dạy ở trường đại học ngoài Huế. Hắn gặp lại ông Đỗ thường xuyên ở Sài Gòn, lúc đó ông Đỗ bị cảnh sát xét hỏi giấy tờ tuỳ thân, vì ông không giữ một giấy tờ nào nên phải nhập ngũ, thi hành quân dịch. Hắn tới trại lính ở ngoại ô Sài Gòn đón ông Đỗ mỗi cuối tuần, tất nhiên để cùng ngồi uống cà phê ở một quán quen thuộc trước khi ông Đỗ về nhà. Một lần có người bạn trong trại lính tặng ông Đỗ bịch cà phê sống, ông Đỗ bảo hắn hôm nay cùng về thẳng nhà ông, pha cà phê ngồi uống ngoài hiên, ngó con ngõ sâu hút như vô tận cũng thú vị. Lúc về, ông Đỗ vào trong nhà, lại ra ngay, rủ hắn đi uống cà phê ở ngoài quán. Hắn hỏi sao không pha cà phê ở nhà, ông Đỗ tặc lưỡi chép miệng, nói: “Bà xã mình đang bận có khách.”

Chừng nửa năm sau, lúc ông Đỗ và hắn đi xuôi trên một vỉa hè chật chội, ông Đỗ vội kéo hắn tránh một phụ nữ có thai đang bước tới. Người phụ nữ ấy là vợ ông Đỗ, cái thai với “người khách” đã khá lớn.

Từ ấy ông Đỗ lại ở trọ, căn nhà vách gỗ khô héo này, số 3D đường Trần Cao Vân, quận Phú Nhuận.

Ông Đỗ ở chung với hắn cũng không khác ông ở một mình, vẫn là lặng lẽ, không ai làm phiền ai. Bắt đầu một ngày, mỗi người thường lục tìm trong túi áo túi quần những tờ bạc lẻ, gom lại, rủ nhau ra quán cà phê bình dân. Sau đó ông Đỗ về căn nhà trọ, ngồi trước bàn viết là mấy cái rương nhà binh chồng lên nhau, chuyển dịch sang Việt ngữ những dòng văn lê thê, một câu dài cả trang của Asturias, hoặc một tác phẩm xưa cũ của Oliver Goldsmith, hoặc... Đôi khi ông Đỗ ra khỏi nhà suốt buổi, không hề nói và hắn cũng không hề hỏi ông đi đâu. Còn hắn khi về lại trải chiếc chiếu giữa nền nhà, đọc tới đọc lui mấy cuốn sách, tờ báo cũ nát, trong đó còn một hai cuốn xuất bản từ lâu của nhà-thơ-ngậm-ngùi-đi-vào-biên-khảo: Vô Kỵ Giữa Chúng Ta, Nguồn Nước Ẩn Của Hồ Xuân Hương... Hắn cũng thường đi ta bà suốt ngày, trong đó có khi lo chạy tiền nong ở đâu đấy.

“Đói khổ nhưng khó đổi”, ông Đỗ nói, lối nói lái thường trực của Trung Niên Thi Sĩ, người khách luôn tới thăm ông Đỗ vào những lúc bất ngờ. Nghĩa là ông Đỗ ăn khoai sắn thường xuyên, và thường xuyên ngồi quán cà phê bình dân, hút Bastos xanh, cùng loại thuốc lá hắn hút. Hắn tự lo cho cái bao tử của hắn, cũng rất giản dị, chóng vánh, duy hắn không nuốt trôi được khoai sắn hằng ngày như ông Đỗ. Hắn từng thử ăn khoai sắn, kể cả khoai tây nấu chín, chúng trớ ra hoặc chúng dồn cục trong cổ họng. Khoai tây chiên là chuyện khác, nhưng hắn cũng như ông Đỗ, làm gì có khoai tây chiên để mà ăn hằng ngày. Ông Đỗ bỏ mấy củ khoai sắn vào nồi luộc chín rồi ăn, chỉ như vậy mà thôi.

Ông V. chủ nhà, biết ông Đỗ từng là giáo sư đại học, rất mực quý trọng vị nể. Hắn muốn phụ đỡ ông Đỗ để trả tiền thuê trọ, ông Đỗ cho biết từ lâu nay ông V. nhất định không chịu nhận. Thỉnh thoảng ông V. ra quán cà phê bình dân tán chuyện, chủ quán là người bà con với ông V. Hẳn ông V. đã từng nghe chàng cựu sinh viên đại học Huế nói về người thầy khả kính và đáng thương tâm, có bằng cấp đại học Sorbonne, mà để sống còn chỉ có đống khoai sắn ở góc căn nhà trọ, đống khoai sắn tất nhiên ông V. đã thấy khi sang thăm ông Đỗ. Còn chuyện “người khách” của vợ ông Đỗ, hắn nghĩ chàng cựu sinh viên không thể biết để nối thêm vào câu chuyện đáng thương tâm của người thầy. Chẳng ai biết những chuyện như vậy ngoài hắn, ông Đỗ không bao giờ nói bất cứ chuyện gì về mình với bất cứ ai, kể cả nói về những cuốn sách ông đã viết hay đã đọc. Nỗi xót xa là của hắn. Hắn biết “người khách” của vợ ông Đỗ. Một văn nghệ sĩ trí thức giả mạo, khả năng lợi khẩu hơn hẳn một bậc so với chàng cựu sinh viên đại học Huế. Mỹ từ pháp của một thứ văn chương ngọt ngào tăng thêm sức thu hút, người phụ nữ tốt nghiệp luật khoa cùng trường đại học Sorbonne với ông Đỗ, thành hôn với ông Đỗ từ lúc còn ở Paris, ngất lịm dưới đáy vực đen.

Hắn gặp anh Tâm ở một đường phố Gia Định: “Cậu mang con Lô về mà nuôi, tôi sắp đi tập trung cải tạo, ở nhà tôi chả ai chăm nom được nó. Khi nào nó đẻ, cậu nhớ để dành cho tôi một con.” Lô là con chó Nhật rất ngộ. Tới thăm anh Tâm, hắn thường đùa rỡn với con Lô, ngắm nó lăn lộn thân mình, chân cào cấu thinh không, miệng cắn phá rối bời đám lông đuôi trắng xòe như chùm bông lau. Hắn hỏi trước ông Đỗ để mang con Lô về. Ông Đỗ, sau tràng cười kéo dài trong cổ họng, nói: “Con chó mà ông thích ấy là con chó nghệ sĩ, cũng là kẻ tật nguyền bẩm sinh... Ông thấy nó tự phá cái đuôi của nó, tất nhiên là như vậy. Bọn nghệ sĩ chỉ tự huỷ hoại chính mình chứ không huỷ hoại ai khác...”

Con Lô về căn nhà trọ của ông Đỗ được nửa tháng. Nó nhặt nhạnh sạch sẽ những mẩu khoai lang khoai mì rơi rớt trên nền nhà, trong bữa ăn ơ hờ của ông Đỗ. Nó đùa rỡn lăn lộn, cắn phá cái đuôi chùm bông lau. Mỗi lần ngủ dậy, nó đi ra khoảng sân nhỏ phía sau nhà, nheo mắt nhìn lên bầu trời... Rồi nó bị bắt trộm. Hắn buồn bã trong nhiều ngày. Ông Đỗ nói: “Con Lô dễ thương thật đấy, nhưng nó bị bắt trộm hay không bị mất trộm thì cũng chẳng khác gì nhau.”

Hắn ngạc nhiên khi Huyên tìm tới căn nhà trọ của ông Đỗ để gặp hắn. Người phụ nữ đã nhiều năm hắn không gặp, nhiều năm ám ảnh hắn. Hoá ra “người khách” giả danh văn nghệ sĩ trí thức biết căn nhà ông Đỗ ở trọ, biết hắn ở chung với ông Đỗ. Hắn thầm hỏi, ông ta lần theo dấu vết của ông Đỗ làm gì nhỉ? Ông ta lại quen biết Huyên nữa. Mối quan hệ nào đấy, giữa ông ta và người phụ nữ ám ảnh hắn nhiều năm?...

Huyên xuất hiện lúc hắn vừa ngủ dậy, giấc ngủ trễ muộn: đêm qua hắn gặp người bạn từ thuở đi học, uống rượu say mèm với bạn. Ông Đỗ chắc hẳn đã ăn mấy củ khoai lang hay khoai mì, đang ngồi ở quán cà phê bình dân. Huyên ngồi trên mép giường sắt nhà binh cũ, trong căn nhà trọ không có cái ghế nào, không có thứ gì để ngồi, ngoài cái chiếu hắn nằm và cái giường sắt nhà binh sét gỉ của ông Đỗ.

Huyên cúi đầu, hai tay giữa hai chân duỗi thẳng. Mái tóc Huyên để dài, dợn sóng chảy xuôi xuống hai bên khuôn mặt im lìm như tượng gỗ. Huyên ngước lên nhìn. Hắn vừa thức dậy trong căn nhà trọ hay vừa đi qua con phố sau cơn mưa bốc lên mùi gỗ ẩm, con phố Roquentin đã đi qua?

 

*

 

Khi hắn trở lại căn nhà trọ sau ít ngày hắn có việc ở thị trấn Đơn Dương, ông Đỗ đã hoá kiếp thành tro bụi. Cái chết đột ngột. Ông Đỗ bị bệnh tim từ hồi nào, chính ông không biết. Hắn quá ngạc nhiên, đau xót về kiếp người, buồn bã về kiếp sống của ông Đỗ, người bạn vong niên của hắn, nhà-thơ-ngậm-ngùi-đi-vào-biên-khảo của Trung Niên Thi Sĩ. Ông V. bảo hắn cứ ở lại căn nhà này, như hắn đã ở đây hơn một năm, nhưng hắn không thể. Hắn không thể, không hẳn vì ông Đỗ đã khuất. Có thể hắn cũng nghĩ như ông Đỗ đã nghĩ về sự còn mất của con Lô hồi nào: ông Đỗ có mặt hay ông Đỗ vắng mặt thì cũng chẳng khác gì nhau. Hắn không thể, vì hắn không chịu đựng được nữa căn nhà gỗ khô héo, lẽ ra căn nhà chưa từng một lần bốc lên mùi gỗ ẩm sau cơn mưa, sau lần Huyên tìm đến. Hắn không thể tiếp tục chịu đựng cánh cửa gỗ đóng chặt, trong giấc mơ nhiều đêm tái diễn, con Lô trở về cào cấu, kêu rú đòi vào...

Giấc mơ vẫn đôi khi trở lại, hắn ngủ sau một bức tường xây, vẫn nghe vẫn thấy con vật thương yêu trở về, tha thiết điên cuồng cào cấu kêu rú ngoài cánh cửa căn nhà trọ.

Dù sao sau này hình ảnh Huyên dịu bớt cơn quay đảo trong đầu hắn, khi người phụ nữ cũng tên bắt đầu bằng chữ H, hắn đã gặp như một mối duyên tiền định. Hắn sẽ không bao giờ viết tắt tên nhân vật bắt đầu bằng chữ H như thói quen hắn vẫn thường viết tắt tên nhân vật trong những gì hắn viết, ngoài tên người phụ nữ hắn gặp sau này. Chữ H trở thành biểu tượng như biểu tượng Quán Thế Âm Bồ Tát: Nàng nghe hết thảy âm thanh trong trời đất / Hết thảy âm thanh khuất lấp đời ta..., như thơ của anh Tâm viết từ một thuở xa xôi.

 

Sài Gòn, tháng 1-2010

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021