thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thư 1 | Thư 2 | Thư 3

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

JACQUES ROUBAUD

(1932~)

 
Jacques Roubaud sinh năm 1932 tại Caluire-et-Cuire [Rhône], vùng Provence thuộc miền nam nước Pháp, là một nhà thơ, tiểu thuyết gia, dịch giả, người viết tiểu luận và là một nhà toán học Pháp. Đầu những năm 60, trong khi cùng lúc chuẩn bị cho ra mắt một tập thơ và viết luận văn toán học của mình về lý thuyết tập hợp (théorie des ensembles), ông khám phá ra luận lý và những lý thuyết toán học đã mách bảo cho mình nhiều điều lý thú trong sáng tạo thơ ca. Năm 1966, Raymond Queneau mời ông tham gia nhóm văn chương Oulipo [Ouvroir de littérature potentielle] là mảnh đất sau đó ông cùng nhiều nhà văn và nhà toán học tên tuổi — Raymond Queneau, François Le Lionnais, Georges Perec, Italo Calvino, Oskar Pastior, Hervé Le Tellier, Marcel Bénabou, Francois Caradec, Marcel Duchamp, Harry Mathews, Anne F. Garréta vân vân — mặc sức chế tạo một nền văn chương tiềm năng không giới hạn... Tác phẩm của ông như một khu rừng rậm muôn màu đan chéo thơ ca và văn xuôi, thực tại và hư cấu, cái có thật và cái tưởng tượng, văn chương và toán học. Roubaud từng là thành viên trong ban biên tập tạp chí Change cuối những năm 60, giáo sư toán tại Đại học Paris X Nanterre, giáo sư giảng dạy thi pháp tại École des hautes études en sciences sociales trong hệ thống các trường Đại học ở Pháp. Mặc dù sức khoẻ không được tốt, ông thường xuyên cùng nhiều thành viên Oulipo, trong số có những nhà văn trẻ, có mặt tại nhiều hội thảo và đọc thơ tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ — chẳng hạn tháng Tư năm nay (2009) ông đã tham gia giảng dạy văn chương Oulipo tại Đại học Princeton,
 
Con “người chế tạo toán học và thơ ca” ấy, như ông vẫn tự xưng, là người sở hữu nhiều giải thưởng văn học dành cho toàn bộ tác phẩm, như Grand prix national de la poésie (1990), Grand prix de littérature Paul-Morand của Hàn lâm viện Pháp (2008)... hiện được coi là một trong những nhà văn viết tiếng Pháp quan trọng nhất còn sống. Tập thơ Quelque chose noir của ông được đưa vào chương trình thi tuyển của trường École normale supérieure lettres et sciences humaines ở Pháp.
 
Ngoài những tập tuyển thơ Nhật và thơ Mỹ mà ông tham gia dịch và giữ vai trò biên tập, có thể kể các tác phẩm chính: E [1967], Lo et le loup, dix-sept plus un plus plus un haiku en ouliporime [1981] Quelque chose noir [1986], Le grand incendie de Londres [1989], La Boucle [1993], Poésie, etcetera: ménage [1995], La forme d'une ville change plus vite, hélas, que le coeur des humains [1999], Churchill 40 [2004], Graal théâtre [2005 - với Florence Delay], Nous, les moins-que-rien, fils aînés de personne [2006]...
 

________

 

Thư 1

 

Ta vừa nhận được lá thư sau cùng của bạn và ta trả lời lập tức. Bạn hỏi ta là ta đã nhận được lá thư sau cùng của bạn chưa và ta có ý định trả lời thư ấy hay không.

Ta xin phép lưu ý bạn là việc bạn gửi lá thư sau cùng làm cho lá thư bạn gửi cho ta trước đó không còn là lá thư sau cùng của bạn nữa và nếu như ta trả lời như ta đang trả lời lá thư sau cùng của bạn, thì ta không phải là đang trả lời lá thư giờ đây là lá thư trước lá thư sau cùng của bạn. Vậy là ta không thể thoả mãn điều mà bạn đòi hỏi ta làm trong lá thư sau cùng của bạn.

Vả lại ta cũng sẽ nhận ra là lá thư sau cùng của bạn, ngược lại với điều bạn khẳng định, ta trích lời bạn: “tôi đã nhận được lá thư sau cùng của anh và tôi trả lời lập tức”, không trả lời lá thư trong đó ta hỏi bạn, nếu ta không nhầm (mà ta đâu có nhầm, ta có sẵn những bản sao) là bạn đã có nhận được lá thư sau cùng của ta và bạn có ý định trả lời thư đó hay không.

Vì không nhận được những lời giải thích và trả lời của bạn về hai điểm mà ta coi (một cách chính đáng ta nghĩ thế) là khá quan trọng, ta lấy làm tiếc là ta buộc phải ngưng thư từ qua lại giữa chúng ta.

 

Thư 2

 

Ta chưa nhận được lá thư sắp tới của bạn nhưng ta trả lời thư lập tức đây. Trong thư bạn hỏi ta là ta đã nhận được lá thư sau cùng của bạn chưa và ta có ý định trả lời thư ấy hay không.

Có lẽ bạn sẽ hỏi ta làm sao, chưa nhận được lá thư sắp tới của bạn, ta lại có thể biết được là trong thư bạn hỏi ta là ta có nhận được lá thư sau cùng của bạn hay không và ta có ý định trả lời thư ấy hay không.

Câu trả lời là đơn giản: tất cả những lá thư của bạn, và thư này sẽ là lá thư thứ ba trăm mười bảy (ta còn giữ tất cả, cũng như bản sao tất cả những lá thư của ta) đều bắt đầu bằng:

“Anh có nhận được lá thư sau cùng của tôi không? Nếu có, và tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu anh chưa nhận được nó (và trong trường hợp đó, xin anh cho tôi biết), anh có ý định trả lời thư ấy không?”

Lá thư đầu tiên ta nhận được của bạn bắt đầu như thế đó.

Bắt đầu như thế đó cả lá thư thứ hai, lá thư thứ ba, và cứ thế tiếp tục cho đến lá thư sau cùng, lá thư thứ ba trăm mười sáu.

Vậy nên lý luận theo kiểu quy nạp, ta suy ra từ đó là lá thư sắp tới của bạn sẽ bắt đầu như những lá thư trước.

Ta tự coi là do đó ta được quyền trả lời y như ta đã nhận được thư rồi.

Và ta trả lời bạn như sau đây:

“Ta vừa nhận được lá thư sau cùng của bạn và ta trả lời lập tức. Bạn hỏi ta là ta đã nhận được lá thư sau cùng của bạn chưa và ta có ý định trả lời thư ấy hay không. Ta xin phép lưu ý bạn là lá thư sau cùng của bạn gửi đi làm cho lá thư mà bạn gửi cho ta trước đó giờ không còn là lá thư sau cùng của bạn nữa và nếu như ta trả lời lá thư sau cùng của bạn như ta hiện đang trả lời đây, thì ta không phải đang trả lời lá thư hiện là lá thư trước lá cuối cùng của bạn.

Vậy là ta không thể thoả mãn điều bạn yêu cầu trong lá thư sau cùng của bạn.

Vả chăng ta còn để ý thấy lá thư sau cùng của bạn, ngược với điều bạn khẳng định (ta trích lời bạn: “Tôi đã nhận được lá thư sau cùng của anh và tôi lập tức trả lời ngay”), không trả lời lá thư trong đó ta hỏi bạn, nếu ta không nhầm (mà ta đâu có nhầm, ta có sẵn những bản sao) là bạn đã có nhận được lá thư sau cùng của ta và bạn có ý định trả lời thư đó hay không.

Vì không nhận được những lời giải thích và trả lời của bạn về hai điểm mà ta coi (một cách chính đáng ta nghĩ thế) là khá quan trọng, ta lấy làm tiếc là ta buộc phải ngưng thư từ qua lại giữa chúng ta.”

 
 

Thư 3

 

Ta vừa đọc lá thư đầu tiên của bạn: thư đề ngày 23 tháng mười một 1960.

Vậy là bạn đã viết cho ta, tính trung bình, kể từ ngày đó, một lá thư mỗi sáu tuần lễ và hai phần ba – không hề bị cách quãng dưới sáu tuần lễ và không trên bảy tuần lễ tính giữa hai lá thư của bạn – và có một cái làm ta chú ý:

Bạn viết cho ta, ta xin nhắc bạn nhớ, trong trường hợp bạn đã quên mất:

“Anh có nhận được lá thư sau cùng của tôi không? Nếu có, và tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu anh chưa nhận được nó (và trong trường hợp đó, xin anh cho tôi biết), anh có ý định trả lời thư ấy không?”

Thế nhưng, ta không có một dấu vết nào trong tài liệu lưu trữ của ta, nơi ta bảo quản một cách có hệ thống và tuyệt đối tất cả những lá thư ta nhận được và bản sao tất cả những lá thư ta gửi đi, ta không có một dấu vết nào, ta xin nói, cho thấy có một lá thư bạn gửi trước lá thư đề ngày 23 tháng mười một 1960, mà ta vừa nhắc lại với bạn câu đầu tiên.

Vả chăng, ít ra đây là cái làm ta bối rối không kém, cũng không có lá thư của ta mà bạn đã ám chỉ ngay đoạn giữa lá thư của bạn đề ngày 23 tháng mười một 1960, lá thư trong tài liệu lưu trữ của ta, mang nét bàn tay ta viết, phía trên và bên phải một phần tư tờ 21x27, là khổ giấy bạn vẫn không hề dứt bỏ trong suốt bao nhiêu năm nay, con số 1, bằng bút chì.

Tuy nhiên, ta nhớ không thể nào rõ ràng hơn cái lần lá thư bạn đề ngày 23 tháng mười một 1960 đến tay ta. Hôm ấy ta vừa trở về nhà sau một buổi họp làm việc với bạn bè. Nét chữ ta thấy không quen, cả tên ký Q.B. cũng thế. Giờ đây, sau bốn mươi năm, ta vẫn không biết gì khác về tên họ của bạn ngoài những chữ cái viết tắt.

Ta đã trả lời bạn ngay lập tức, và thư từ qua lại của chúng ta, bốn mươi năm sau, vẫn còn kéo dài.

Vì bạn cho ta biết, trong cùng lá thư ấy, thư đề ngày 23 tháng mười một 1960, là bạn giữ trong tài liệu lưu trữ của mình bản sao tất cả những lá thư bạn gửi cũng như tất cả những lá thư mà bạn nhận được (thông tin mà bạn không hề quên lặp đi lặp lại, ta để ý thấy khi ta đọc lại thư từ qua lại của chúng ta trong tất cả, ta nói rõ là tất cả những lá thư) chắc chắn bạn còn giữ bản sao lá thư bạn nhắc đến ở đoạn đầu thư đề ngày 23 tháng mười một 1960.

Vậy là bạn có thể dễ dàng làm rõ cái chút bí ẩn ấy rồi.

 
 
--------------
“Thư 1”, “Thư 2” và “Thư 3” dịch từ nguyên tác “Lettre 1”, “Lettre 2” và “Lettre 3” của Jacques Roubaud, trong Oulipo – Pièces détachées (Paris: Éditions Mille et Une Nuits, 2007).
 
 
 

Đã đăng:

Những đường phố Paris có hai phía / đây là một qui tắc chung // Không có đường phố nào ở Paris chỉ có một phía / (vả chăng ta không thấy được làm sao một đường phố ở Paris (hay ở một nơi khác) chỉ có một phía) / Không có một đường phố nào ở Paris chỉ có duy nhất một phía... | Sacré-Cœur! / ta thấy mi / Ôi Bình sữa bú / với cái đầu vú to tướng hình chữ thập... | Hơn ngàn lần đi xuống con phố ấy / tôi cố gắng / không nhìn thấy / nhưng vô ích // Khi chắc chắn đã qua khỏi phố / tôi ngẩng mắt lên / nó vẫn ở đó... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021