thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hình bóng cũ

 

Cô Sáu là em thầy tôi. Dượng Sáu mất sớm. Cô dượng có ba người con, hai trai một gái. Trong khoảng thời gian ba bốn chục năm qua, ở Việt Nam cũng như ở Mỹ, thỉnh thoảng cô Sáu đến với anh chị em mấy hôm: lũ cháu — tức chúng tôi — gặp cô đấy rồi mất cô đấy, có khi ba bốn năm liền không thấy mặt cô. Cô Sáu thường xuất hiện bất ngờ: không phải vào ngày cúng giỗ nào, vào dịp hiếu hỉ nào... Cô nói vắn tắt: “Nhân tiện, ghé thăm anh (hay chị, hay dì v.v...)”. Thế thôi.

“Tiện” như thế nào? Có thể đó là một chuyến đi công việc: mua hàng, mua vật liệu sửa chữa nhà cửa, điều đình về chuyện làm ăn, buôn bán... Năm nọ, xa lắm, cô dính vào một vụ tranh tụng nào đó ở tòa, lần ấy cô Sáu “nhân tiện” ra tỉnh, ở chơi với thầy mẹ tôi ngót nửa tháng. Nhưng thường thường các cuộc ghé thăm đều liên quan đến các cô chú em tôi. Tức các người con cô Sáu.

Con cô Sáu không phải là những trẻ ngỗ nghịch, có nhiều “vấn đề”, làm khổ cô tôi. Em tôi thường thôi. Như mọi người thôi. Nhưng đối với cô Sáu, là mối quan tâm thường trực. Cô “nhân tiện” ghé thăm thầy tôi, ở chơi ba hôm rồi ra đi. Sau, biết ra thì đó là chú Hoàn — con cả của cô — được thuyên chuyển từ Sóc Trăng ra Nha Trang; đến nhiệm sở mới, chú thuê nhà dọn nhà: cô thấy mình cần để con mắt vào đấy.

Lần khác “tiện dịp” cô Sáu đến chơi với dì và dượng Bảy mấy hôm. Dịp ấy là dịp cô được con gái gọi gấp đến góp ý về một quyết định chồng con (chuyện rồi không thành).

Lần khác nữa, cũng là cô ấy xin được cái học bỗng đi tu nghiệp bên Pháp (rồi suy đi nghĩ lại, cô từ chối). Cứ thế.

Các chú bác và các cô tôi dần dần nghiêng về một giả thuyết: từ ngày dượng mất đi, cô Sáu dồn hết tình thương vào mấy con. Con cô hiểu tâm lý ấy, tranh nhau hưởng những sự lo lắng chăm sóc của cô. Cô Sáu có nhận thấy giả thuyết của các anh chị và em mình. Giả thuyết nọ là đúng hay sai? cô đánh giá thế nào? Không biết! Chỉ biết phản ứng của cô Sáu thật hay ho.

Biết bà con cho mình cưng con quá đáng, cho là con mình đã trưởng thành mà nhõng nhẽo quá đáng với mẹ; biết bà con nuôi trong đầu những ý nghĩ chế giễu về mình, cô Sáu lấy ngay sự chế giễu của bà con làm sự chế giễu của mình. Cô giễu các con và tự giễu lấy mình.

Chẳng hạn cô vào bếp lui cui rang mớ tôm thật công phu; mắm, muối, tiêu, ớt, đường, lửa, cái gì cũng kỹ, mẹ tôi mỉm cười hỏi qua: “Cháu Hoàn thích tôm? Giống bác Tư thôi.” Cô Sáu cười xòa: “Đấy! món ruột của cậu đấy. Không sơn hào hải vị nào thích bằng!” Lại chẳng hạn, một hôm đang lật cuốn album, cùng xem, mẹ tôi dừng lại ở một tấm hình, chưa kịp tìm ra câu nói, thì cô Sáu đã bảo ngay: “ đấy. Chính nó đấy. Suýt nữa thì hút luôn, hút thật đấy chị ơi. May quá.” Trong tấm hình, em Lan hai ngón tay còn kẹp điếu thuốc ngậm ở mồm, hãnh diện thấy rõ. Mẹ tôi nhìn cô, ngờ vực; cô Sáu gật đầu, cười, xác nhận: “Nó bỏ được. Bỏ rồi.”

Nhiều lần khác, cô lắc đầu: “Úi dào, với cậu!” Rồi cô Sáu bật cười.

Khi thì với cậu, khi khác cô gọi con gái là “Con Chó”. Bằng cách ấy, cô Sáu công khai bày tỏ sự cưng con. Lan tuổi tuất. Lan, một con chó. Muốn mở rộng tình thương, bao bọc cả Lan cùng với những chị em khác trong họ trong một bầu không khí thân ái, cô Sáu bảo: “Tất cả mấy chị em, có ba con chó. Năm ấy, chị Ba, dì Bảy, cùng sinh, trước sau vài ba tháng chứ mấy, cùng con gái cả!” Con chó Lan vẫn còn là “Con Chó” cho đến năm ba mươi tuổi. Hoặc Con Chó, hoặc Con Chó Vàng, Con Chó Quắn, cũng một cô ấy cả. Về sau, tôi không nhớ ra có dịp nghe cô Sáu gọi cưng con gái nữa, không biết lúc nựng nịu cô có còn dùng tiếng ấy nữa chăng.

Tháng 4-75 mẹ con cô Sáu bị kẹt lại trong nước. Một người em trai bị tù hai năm rưỡi. Giữa năm 1981 vợ chồng người con thứ hai vượt biển. Rồi vợ chồng con cái người con đầu, rồi cô tôi và Con Chó cùng đi theo diện đoàn tụ. Dâu rể, và các cháu phát triển dần. Cánh cô Sáu mỗi lúc một đông đảo. Hình như từ ngày ra khỏi nước cô Sáu không hay nói riêng từng từng cậu nữa. Về các con, cô nói chung chung: “mấy đứa”. Rải rác từ khoảng tứ tuần đến quá ngũ tuần, mấy đứa phân tán rộng trong hoàn cảnh mới.

Ở Mỹ, bà con cô bác sống tản mác, không mấy khi gặp nhau. Cô Sáu thỉnh thoảng vẫn xuất hiện bất ngờ. Qua Mỹ ít lâu, thầy tôi qua đời. Mỗi lần cô Sáu ghé nhà thăm, cô và mẹ tôi chuyện trò rỉ rả. Gần như chỉ có hai người già với nhau; lớp trẻ bận đi làm, đi học bên ngoài. Tôi yên trí hai bà tha hồ nhắc chuyện những thời đã qua.

Những sáng thứ bảy chủ nhật, tôi thường dậy trưa. Thức giấc rồi, còn nằm đọc báo, đọc sách. Một hôm, giữa hai trang sách, nghe ngoài vườn, phía chân tường gần cửa sổ phòng tôi có tiếng nói đều đều, nho nhỏ. Yên trí: “Hai cụ. Lại hai cụ thôi. Tha hồ trao đổi.” Lát sau, rõ ra là chỉ có một giọng nói. Tôi thắc mắc: Sao lại một? Một người thì nói với ai? — Tôi lắng tai, bắt gặp một đôi câu: “Mày không được lấn nó. Nghe chưa? Mày phải đi về phía bên này, ô kê?” Không hề có tiếng đáp. Tiếng nói một giọng vẫn liên tục, ngưng rồi tiếp... Tôi nhẹ nhàng nhỏm người dậy, nhìn qua cửa sổ, thấy cô Sáu đang dọn sửa cây bông giấy: “Mày” là cây bông giấy, “nó” là cây quít con.

Do chuyện xảy ra hôm ấy, tôi chú ý nhiều hơn đến cô Sáu. Lần khác, hai bà cụ trò chuyện với nhau ở phòng ăn, tôi ngồi trên chiếc ghế xích đu, đọc sách ở một góc phòng khách vắng vẻ. Cô Sáu kể với mẹ tôi về thằng bé ở nhà sát cạnh. Mẹ tôi nghe thích thú như chuyện xa lạ. Hai cụ cười với nhau.

— Chị biết không? Thằng nhỏ, nhỏ chừng ấy mà xô nổi cái thùng rác đấy. Xô chạy rồn rột.

— Cô nói thằng Joe?

— Nó. Xe rác trút rác xong bỏ thùng rổng bên lề đường. Mẹ nó đẩy thùng vào nhà, nó giành lấy, đòi đẩy. Mẹ nó không cho, nó la khóc. Rốt cuộc mẹ nó nhượng bộ. Thằng bé nhỏ xíu; thùng rác thì to, cao. Coi cứ như con kiến cắn tha chiếc lá lớn hơn nó mấy chục lần, chạy trên ti vi.

Ý cô Sáu muốn nói đến một hình ảnh mà cô đã có lần trông thấy trong một phim về Thiên Nhiên chiếu trên đài 28. Mẹ tôi kêu:

— Cái thằng! Mới hai tuổi rưỡi chứ mấy. Để coi... Phải rồi, mẹ nó đẻ mới hồi mùa hè năm vừa dọn nhà tới đây.

— Nó nhỏ xíu. Cái thùng lớn che khuất, không trông thấy nó đâu.

Mẹ tôi tấm tắc: “Trẻ con Mễ chúng nó khỏe khiếp.”

Cô thuật lại câu chuyện mẹ con thằng Joe bán đồ cũ trước sân. Sáng thứ bảy, ai nấy ngủ trưa, đa số còn nằm dưới chăn ấm áp, mẹ con nó đã ríu rít bày biện đồ đạc, léo nhéo với nhau thật sớm. Cô Sáu kể:

— Này là chỗ đặt chiếc ghế nhựa xanh của nó. Chỗ kia dành cho cái ghế vàng của con em. Chiếc ghế rộng của mẹ nó cũng do nó bê ra luôn. Dĩa bánh ngọt cho nó... Nó, thằng Joe chứ sao... Dĩa bánh bự, cắt sẵn từng lát, cho mẹ nó. Cốc cà-phê cho mẹ, cũng nó lo. Giá tiền từng món đồ, mẹ nó viết trên giấy keo, nó phụ dán... Nó đòi đi gọi con em... Ủa, nó không có em à?

Mẹ tôi nêu thắc mắc, rồi cũng chính mẹ tôi tìm ra giải đáp:

—A! Con bé gái là con cô nó, nhà ở đầu đường. Người Mễ đông bà con, sống quây quần gần nhau...

Nghe cô Sáu nói chuyện với mẹ tôi về cảnh “da xeo” (yard sale), tôi có cảm tưởng mình đã hụt mất nhiều buổi mai đáng sống, nhiều cái đáng nhìn, đáng nghe. Trong khi mình nằm trong phòng thì quanh mình cuộc sống hồn nhiên bày ra nhiều dáng vẻ ngộ nghĩnh dễ yêu quá...

Ơ! Cô Sáu! Đâu phải cô chỉ cưng với cậu! Theo dõi cái cung cách cô đối xử, cái lối cô nhìn cây lá, trông cảnh “da xeo” tôi thấy... quen quen: Hình như phảng phất có gì gần với cái âu yến pha lẫn một chút chế giễu. Lẽ nào vì dượng Sáu mất sớm mà cô dồn thêm tình thương cho thắng bé Joe đẩy thùng, cho cây bông giấy bên tường? v.v...

“Giả thuyết” về cô Sáu sai rồi chăng?

 

Chừng trăm năm trước, Marcel Proust có lần dành cho chuyện đọc sách những trang viết thật lý thú.

Ngày nhỏ, vào những hôm được nghỉ học, buổi sáng mang cuốn sách đang thích ra công viên cạnh nhà, với bữa ăn sáng gói sẵn, chọn một chỗ mát mẻ, nằm đọc mê tơi. Con ong bay quanh quẩn bên mình, tia nắng chiếu gắt vào mang tai, thì giờ gián đoạn phải dành cho bữa ăn..., những cái đó bấy giờ là những quấy quả không hợp lúc. Không ngờ, về sau nghĩ lại thấy rằng chúng đã ghi sâu những kỷ niệm thật êm đềm. Về sau, khi đã trưởng thành, có lúc chợt nhớ lại thời niên thiếu, mở trang sách cũ, và... không còn thấy đâu tia nắng cũ con ong xưa... (dĩ nhiên!).

Tác giả nghĩ đến những tờ lịch cũ. Vào một giai đoạn nào đó trong đời, ta từng ở nơi này chốn nọ, từng có những kỷ niệm thâm thúy dưới một ngôi nhà hay bên một mép ao, một bờ hồ v.v... Năm tháng trôi qua. Chợt một hôm bồi hồi tha thiết nhớ nhung... Mở cuốn lịch cũ, lật tìm lại ngày tháng xưa, thì chẳng thấy đâu bóng hình ngôi nhà cũ bờ ao xưa nữa. Chẳng nhà nào ao nào chiếu bóng xuống tờ lịch cũ (Dĩ nhiên!).

Tiếng cô Sáu ngày nào, có lúc tôi thoáng bắt được trong lúc đang đọc đoạn sách này trang sách kia. Bây giờ thỉnh thoảng mở sách cũ, tình cờ gặp lại những trang cũ. Nhưng tiếng cô Sáu nói, lời cô Sáu trao đổi với mẹ tôi, cái giễu cợt đầy tình cảm khoan hòa của cô... Tôi giật mình: “Mất rồi. Mất hẳn đi rồi!”

Bóng hình cô Sáu không còn thấy đâu trên tờ sách xưa nữa (dĩ nhiên). Nhưng trang sách cũ hãy còn có hiệu lực gợi nhớ. Cái nhớ lan man rộng ra, và mỗi lúc một mờ nhạt thêm, mơ hồ thêm. Cái nhớ không chính xác rốt cuộc hóa dần thành ra những... giả thuyết.

Có hôm, trang sách mở trước mắt, tôi mường tượng tiếng cô Sáu mắng cây ngoài vườn: “Tụi mày tệ lắm. Quá lắm. Đã sinh ra trái thì phải đủ sức đeo trái. Trái chưa kịp lớn, cành đã quịt cả xuống, sao vậy? Dở ơi là dở. Tụi này dở ẹc, nghe chưa?” Cái đọc bị câu nói cắt ngang. Tôi bị lạc ra ngoài tờ chữ, nghĩ về cành cây vừa bị mắng. Thoắt cái, tôi hiểu: Những cây cam cây hồng trong vườn tôi đều là loại cây chiết cành (không phải cây ương hột). Cành chiết ra, trồng xuống đất, bắt rễ, nở hoa, sinh trái nhanh, nhưng thân cây không nở to không lực lưỡng mấy. Nhánh của cây chiết thường không đủ sức mang nặng trái lớn. Cô Sáu liên tưởng, so sánh với những cành xoài cành mít to tướng ở vườn quê... Cô mắng tụi cây chiết dở ẹc. Mắng mà không phải mắng. Cô Sáu mắng cây như mắng cô mắng cậu: là mắng yêu thôi.

Từ đó, tôi trượt sang “OK”. Tại sao lần nọ cô Sáu OK với cành bông giấy? Thoạt tiên tôi ngạc nhiên. Rồi tôi ngờ vực tai mình: Lẽ nào? Ở tuổi cô Sáu, ai lại ô kê bao giờ? Cô học thói quen ấy trong trường hợp nào? — Không giải thích được bấy nhiêu thắc mắc, rốt cuộc tôi xua đuổi cái tiếng bất thường, tôi phủ nhận nó.

Sau vụ mắng cây, tôi ngờ ngợ: E “ô kê” có thể chấp nhận được. Chẳng qua một cách vỗ về, nựng nịu. Ô kê, cũng như “dở ẹc, nghe chưa?”, chỉ nên để ý đến cái âm, không nên chú ý đến cái nghĩa. Giọng cô dỗ dành, âu yếm. Buổi sáng bên cây bông giấy, mình cô mình nó. Đâu có ai nghe thấy? Trong chỗ thân mật cô đùa cợt tí ti. Cô Sáu nghe cô với cậu phát âm, cô không rõ nghĩa, cô chỉ tiếp nhận cái âm chứa đựng đầy hảo ý, tử tế. Cây bông giấy Mỹ, nên dỗ dành nó bằng cái thanh âm thích hợp với nó.

Từ “OK” lại trượt luôn sang một từ bất ngờ khác.

Buổi sáng hôm ấy, sau bữa điểm tâm ngoài hiên sau, tôi lui ra một góc đọc vớ vẩn, cô Sáu trò chuyện với mẹ tôi. Một lát, có tiếng điện thoại, mẹ tôi vào nhà, ở trong phòng khá lâu. Cô tôi nằm trên một chiếc ghế dài, trông ra vườn, yên lặng. Chợt tôi nghe có tiếng lẩm bẩm: “Thương quá.”

Nhìn quanh: Không thấy có ai. Không có cả một con chó con mèo nào. Tôi bỏ qua tiếng nói bâng quơ. Rồi bỗng đâm nghĩ ngợi, bỏ trang sách, quay nhìn về phía cô Sáu. Cô cười xã lã. Nhìn theo mắt cô, theo hướng cô trông: Quả là không có gì. Bụi ớt, cây cam, cây hồng, trời xanh, vài cụm mây trôi... Trong tàn cây cam một con ong bay, chờn vờn cành này cành nọ, một cặp bướm trắng nhỏ lăn tăn. Không có gì.

Trong trường hợp này, “thương quá” phát biểu một cảm tưởng không được xác định rõ ràng. Hoặc có thể hiểu: “Thích ghê!” hay “Thích thú ghê”. Hoặc cũng có thể là: “Buổi sáng thật đẹp”. Hoặc “Cái sống ở giây phút này, dễ chịu đa?”

Tôi lạc ra ngoài trang sách, trông lên nền trời, ánh nắng, con ong, con bướm... Và thông cảm với cô Sáu. Cô Sáu khác hẳn mẹ tôi.

 

Cả cô Sáu lẫn mẹ tôi đều đã ra đi. Cuốn sách cũ, những cuốn sách cũ thời ấy vẫn còn đây. Thỉnh thoảng tôi dừng lại trước một trang sách, nhìn kỹ: không tìm ra dấu vết hình bóng gì. Những gợi nhắc mỗi ngày mỗi mơ hồ thêm.

Một cốt cách ở đời, nó loáng thoáng khó bắt. Cái còn lại của một cốt cách: ít oi quá, mong manh quá.

 

Tháng 8-2000

 

(In trong cuốn Cuối Cùng của Võ Phiến, Thế Kỷ 21 xuất bản tại California, USA, 2010)

 

 
-----------------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021