thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái sống hững hờ

 

Trên một trang báo Newsweek vào khoảng giữa năm ngoái ông Kirk Douglas — một vị lão thành (ngoại cửu tuần) — kể rằng ngày ông còn nhỏ, khi thân mẫu lâm bệnh nặng hấp hối lìa trần ông hoảng hốt chụp ôm tay mẹ. Cụ bà mở mắt nhìn con, nói câu cuối cùng: “Đừng sợ hãi, bất cứ ai rồi cũng đến chỗ này thôi, con ạ” (... it happens to everyone). Người con lớn lên, sống vững tâm, nhớ lời mẹ dạy; nhưng ông lại nhớ ra là: “bất cứ ai khác cũng đến chỗ này thôi” (it happens to everyone else).

Cái chết của chính mình, cái ấy khó nghĩ đến một cách nghiêm chỉnh. Khó lắm. Cứu cánh cuộc đời, ý nghĩa hiện hữu của vũ trụ, của muôn loài, v.v..., về những cái này cứ tha hồ suy tưởng. Nhưng về chỗ sự chết ngỏm của con người (và đặc biệt là của chính mình) thì đố biết. Càng nghĩ càng rối thôi.

Ngại rối ren, bèn trốn tránh hết mình. Nhưng trốn mà thoát được à? Vào những lúc bất ngờ nhất, tưởng mình đang an toàn thảnh thơi, có thể ta vừa ngẩng đầu lên bỗng thấy nó chình ình ngay trước mặt. Cực kỳ sỗ sàng.

Bản thân tôi trước đây có lần phải vào bệnh viện chịu mổ xẻ, tôi ngậm ngùi viết những lá thư gửi lại bạn bè, nhờ một văn hữu thân tình trao giúp cho, sau khi mình... ra đi. Hoá ra rồi sau cuộc giải phẩu tôi tiếp tục sống nhăn. Sống và ngượng ngùng vu vơ.

Năm tháng trôi qua. Quá bát tuần, tôi lén lút hướng một chút tưởng tượng về cái kết thúc của đời mình. Chắc là gần thôi. Liếc mắt phớt qua tí ti, sợ gì? Liếc qua xong rồi liếc lại, tôi ngạc nhiên không nhận thấy một xúc động bất thường nào xảy ra cả. Cuộc sống đang tiếp diễn vẫn tiếp diễn đều đều.

Nửa năm sau, rồi một năm sau nữa, cả tôi lẫn cái quanh tôi cùng hoà đồng êm ả theo dòng thời gian.

Bèn cố gắng dò đoán ý định của Tạo Hoá. Và dần dần có cảm tưởng mơ hồ về một chăm sóc độ lượng, khoan hoà. Cảm tưởng rằng lúc con người trẻ trung thì được Trời cho tha hồ vung vẩy, bấy giờ nếu nghe loáng thoáng về sự vấp váp, suy tàn — đặc biệt là về cái chết — thì ôi thôi... Bất khả! Tối bất khả!

 

Tạo Hoá có lòng lành, nhón tay khe khẽ điều chỉnh lòng người. Tuổi người càng cao, lòng người càng bớt sôi nổi, bớt tha thiết. Rốt cuộc còn lại một sự hững hờ: “Chết? ai mà khỏi? Việc gì phải sợ?” Bà cụ hấp hối nói câu cuối cùng với người con hoảng hốt trong tờ báo Mỹ nọ, chính đã nói câu ấy. Toạ Hoá mớm ý mớm lời cho bà cụ. Cũng như cho mọi cụ, cả ông lẫn bà.

Nhân một lời trên báo Newsweek, nhớ lại một lời trên báo khác (Thế kỷ 21, số đôi: 225 & 226). Mừng xuân mới, chủ bút Ngô Nhân Dụng nhắc lời Khổng Tử: “Thiên địa chi đại đức, viết sinh” (Tính chất nổi bật ở trong trời đất là sự sống). Tiếp lời cụ Khổng, bạn Ngô tưng bừng: “Không cần một nghị quyết nào của Thiên Nhiên ra lệnh cho các cánh đồng cỏ cùng mọc lên đúng ngày đúng tháng. Sự sống tự nó biết cách sống, không cần phân tích, lý luận để quyết định vạn vật có nên sống hay không.”

Người nay người xưa cùng một tưng bừng rạng rỡ. Rụp rụp, sự sống biết cách sống. Nhưng sau sự sống, con người — mọi người — đều sẽ có dịp gặp một sự nữa: là sự chết. Sự chết thì sao? Liệu tự nó có biết chết một cách tử tế cho thiên hạ nhờ tí không?

Tôi âm thầm nghĩ ngợi và ngờ rằng đây là lúc xuất lộ cái từ tâm của Hoá Công. Chúng ta không nên mè nheo đòi hỏi cho được vừa huýt sáo mồm vừa chết. Chỉ mong những bước chân đến ngôi mộ của chính mình sẽ là những bước thong thả, hững hờ. Đại khái thế thôi. Và Tạo Hoá đã xếp đặt như thế. Trước cái chết, bà cụ nọ trấn an con, chứ không phải là người con an ủi mẹ.

 

Santa Ana, 2009

 

(In trong cuốn Cuối Cùng của Võ Phiến, Thế Kỷ 21 xuất bản tại California, USA, 2010)

 

 
-----------------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021