thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gửi người yêu và tin [thư số 9]

 

Đã đăng:

 

Gửi em,

Nhiều thứ lần lượt trở về trong trí nhớ. Anh cần sắp xếp lại các hồi ức để kể cho em. Chắc sẽ không theo trình tự thời gian. Anh sẽ bắt đầu bằng điều gì đến với anh trước nhất. Anh ghi lại đây trung thực những gì anh đã nghĩ, vào thời điểm xảy ra sự việc, rồi anh sẽ nói cho em biết lúc này đây anh đánh giá việc đó như thế nào, cái nhìn của anh vào thời điểm này, khi viết cho em, là như thế nào. Điều lớn nhất anh có thể làm bây giờ đấy. Mà cũng chẳng dễ chút nào. Lộn trái nội tâm mình ra như thế, nó cũng đòi anh phải tiêu nhiều năng lượng lắm. Còn hơn cả năng lượng.

Anh sẽ kể em nghe câu chuyện về hai vợ chồng người nghiên cứu sinh. Người chồng làm luận án tiến sĩ với anh.

Hai vợ chồng đó ở quê lên. Một năm họ phải chuyển chỗ thuê nhà đến bảy lần. Cả hai đều không có thu nhập ổn định. Bây giờ nhớ lại anh mới nghĩ đến những chi tiết ấy, còn lúc đó, lúc đó anh không quan tâm đến đời tư của họ. Lúc đó anh chỉ biết họ làm anh khó chịu.

Anh đã muốn hành hạ nghiên cứu sinh đó cho bõ ghét. Anh thấy anh ta thật đáng ghét. Luận án của anh ta do anh hướng dẫn, dù công sức hoàn toàn của anh ta bỏ ra nhưng anh vẫn là người hướng dẫn, anh phải đọc hàng mấy trăm trang. Vậy mà anh ta chỉ đưa một cái luận án không. Không kèm theo bất kỳ thứ gì. Thôi, anh phải nói thẳng toẹt, không kèm theo phong bì. Anh cầm cái luận án, lật đi giở lại, giận tím tái vì chẳng thấy gì. Một kẻ vô ơn bạc nghĩa. Không có lấy một chút tình cảm nào. Đã thế cứ ngồi đấy mà chờ. Anh giam luận án của anh ta, không đọc, không nhận xét. Con người đáng thương đó hoảng hồn, nhưng không hiểu tại sao. Thời hạn bảo vệ sắp hết rồi, thầy hướng dẫn mãi vẫn không cho nhận xét. Rồi bạn bè cũng tội nghiệp cho anh ta mà chủ động mách nước. Vợ anh ta còn ngốc đến nỗi không biết bỏ phong bì bao nhiêu cho vừa. Một việc như thế cô ta cũng đi hỏi bạn chồng. Một cặp vợ chồng đần độn. Anh thấy những kẻ đó sao khốn nạn, ngu ngốc quá. Thời buổi này là thời buổi nào mà còn có thể đưa cho thầy cái luận án trống không như vậy!

Rốt cuộc, một buổi tối, sau khi được bạn bè tư vấn, hai vợ chồng cũng mò đến nhà anh. Hỏi han sức khỏe xong xuôi, cô vợ rút trong túi xách ra cái phong bì. Cô ta quê mùa đến mức lúng túng không biết bắt đầu như thế nào, mặt cô ấy hơi đỏ lên, nhưng dưới ánh đèn nê-ông rất khó nhận thấy. Nhà quê cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên, cô ta ở quê ra, hay ít nhất cũng ở tỉnh lẻ. Quần áo tóc tai quê một cục. Tóc buộc bằng sợi giây chun, túm lại thẳng đơ phía sau lưng. Áo thun Trung Quốc loại rẻ tiền, bó sát thân trên gầy như con mắm. Sao phụ nữ có thể ăn mặc như vậy chứ. Cô ta còn nói giọng đặc sệt địa phương, cái địa phương vốn dĩ anh rất ghét. Anh chẳng có cảm tình với người ở địa phương đó. Cô gái này khiến anh có thêm lý do để chán ghét. Cô ta cứ như gà mắc tóc, ấp úng mãi. Anh chồng sốt ruột đành đỡ lời cho vợ. Dĩ nhiên, việc của chồng, nhưng theo truyền thống gia đình ở đây những việc như thế bà vợ giải quyết dễ hơn ông chồng. Trường hợp này hơi đặc biệt, cô vợ quá vụng về, không xử lý được. Anh chồng điềm đạm nói :

- Em cảm ơn thầy đã bỏ công sức hướng dẫn luận án cho em. Em biết thầy rất vất vả mà không có cách nào bù đắp được. Bọn em cũng chẳng có nhiều, chỉ là một chút quà mọn biếu thầy.

Lúc đó anh vừa buồn cười cho hai kẻ nhà quê, vừa cảm thấy hả hê trong lòng, hóa ra biện pháp dền dứ này cũng mở mắt cho chúng nó. Anh mát mẻ :

- Có gì đâu, đợt này tôi bận quá, vẫn chưa thu xếp được thời gian để đọc luận án cho anh. Tôi sẽ đọc, anh yên tâm đi.

- Dạ, em hy vọng không phải sửa chữa nhiều, thời gian cũng gấp lắm rồi thầy ạ. Nếu để quá hạn, thủ tục của Bộ rất nhiêu khê.

Anh lạnh lùng :

- Sao bây giờ anh mới nói!

Người nghiên cứu sinh im lặng nhẫn nhục. Thực ra anh ta đã nói nhiều lần, nhưng anh ta không thể nhắc cho thầy hướng dẫn điều đó. Còn anh, dĩ nhiên anh biết rõ, nhưng vẫn phủ đầu như vậy. Với những kẻ không biết điều cần phải tỏ thái độ để lần sau họ biết thân biết phận. Họ phải biết xã hội này không có chỗ cho những kẻ ngông nghênh. Qua sông phải lụy đò. Không chịu lụy đừng hòng qua. Đã tỏ ra một chút ngông nghênh thì anh bắt phải lụy đến chín lần đò mới thôi.

Mà lúc đó anh thấy mình còn kín đáo chán, so với cái cô giáo đi dạy tại chức không bao giờ mang theo hành lý. Mỗi lần đi dạy các tỉnh cô ta đều đi tay không. Đến nơi thông báo cho sinh viên biết rằng cô bị mất vali ở sân bay, hoặc ở bến tàu, bến xe. Và sinh viên cứ thế sắm cho cô từ A đến Z, tất tật mọi thứ cô cần, từ đồ lớn đến đồ nhỏ. Anh tự thấy mình còn lịch sự chán, so với cái cô giáo đòi sinh viên tại chức phải mua nệm, nệm của khách sạn không đủ tốt cho giấc ngủ quý giá của cô. Khi kết thúc khóa dạy, cô cuốn luôn nệm mang về thủ đô. Dù sao anh cũng ở một đẳng cấp khác, không hành xử theo lối trắng trợn và nhỏ mọn như vậy, cái thứ nhỏ mọn vốn là tâm lý làng quê. Chỉ có dân thủ đô mới quê mùa thế kia. Chứ anh, dù sao cũng là công dân của một thành phố được xem như đô thị bậc nhất của cả nước.

Anh đã suy nghĩ và cư xử như vậy đấy. Làm sao em còn có thể yêu anh? Nếu biết rõ như thế, chắc em không thể nào còn yêu anh được nữa, phải không?

Trong các bài giảng của mình, đôi khi anh liên hệ đến Nam Cao. Tất cả những ai trải qua trung học phổ thông đều biết nhà văn này. Anh có trí nhớ tốt và biết sử dụng các tư liệu văn học để làm cho bài giảng hấp dẫn. Anh nói rất hay về tư tưởng của Nam Cao, liên quan đến vấn đề “miếng ăn là miếng nhục”. Anh thuộc lòng truyện “Một bữa no”, lần nào liên hệ đến truyện ấy sinh viên cũng tỏ ra rất hứng thú. Khi giảng bài, anh phân tích thật tuyệt về việc cái đói có thể làm mất nhân phẩm con người ra sao. Khi hành động, anh làm như thể vẫn còn chưa qua cơn đói suốt mấy ngàn năm của dân tộc. Anh không còn sống trong rơm rạ. Anh có hẳn một cái nhà bốn tầng ngay trung tâm thành phố, có ô tô và người lái xe riêng. Nhưng anh đã sẵn sàng hành hạ một học trò đang phải thuê nhà và chạy ăn từng bữa, để có được cái phong bì. Vì miếng ăn mà anh đã làm nhục người khác và tự hạ nhục mình như vậy đấy. Miếng ăn, phải gọi đúng tên nó như vậy. Phong bì là gì nếu không phải là miếng ăn? Tham nhũng là gì nếu không phải là miếng ăn. Trước đây miếng ăn là nỗi nhục của vài người, bây giờ nó đã trở thành quốc nhục, nỗi nhục của cả một quốc gia. Hình ảnh của quốc gia này gắn liền với tham nhũng, quốc gia này được định nghĩa bằng tham nhũng. Vậy tham nhũng không phải quốc nhục thì là gì?

Anh, lúc ấy đã là giáo sư, nhà giáo nhân dân, anh đã cư xử như vậy. Anh không còn đói nữa. Anh thừa no rồi, còn không biết làm gì với tiền. Nhưng vẫn cứ dùng cái phong bì để sỉ nhục sinh viên và sỉ nhục chính mình. Điều đáng nói, điều cần phải nhấn mạnh : lúc đó anh không nhìn thấy anh, anh chỉ thấy người nghiên cứu sinh thật đáng ghét và vô lễ. Anh không cần quan tâm đến chuyện hai vợ chồng nhà kia sống như thế nào, đang khó khăn ra sao. Trong đầu anh, nghiên cứu sinh có nghĩa vụ phải đưa tiền cho anh, như những nghiên cứu sinh khác. Nhà nước không trả công xứng đáng cho anh, sinh viên phải trả. Sinh viên nào không hiểu điều đó phải bị trừng phạt. Anh đã cho anh ta một bài học.

Người học trò ấy, lúc đó im lặng nhẫn nhục, sau này sẽ bắt học trò của anh ta phải chịu đúng nỗi nhục ấy. Cứ như vậy mà các chu kỳ tiếp diễn. Thực ra chẳng ai còn để ý đến nỗi nhục nữa. Người ta chấp nhận những chuyện đó một cách bình thường. Hơn nữa người ta biến chuyện đó thành tình nghĩa, thành biểu hiện của sự kính trọng. Phong bì càng dày lòng kính trọng đối với thầy càng lớn. Thầy đo lòng kính trọng theo cách đó nên trò cũng cứ thế đáp ứng cho đủ thước đo. Nếu ai đó có tỏ ý phản đối thì ngay lập tức sẽ bị xung quanh cho là cực đoan, và bị tẩy chay. Muốn không cực đoan, không bị tẩy chay, phải chấp nhận tất cả là bình thường. Cơn no của người này được lấp đầy bằng cơn đói của người kia. Hoặc nói cách khác, người này phải chịu đói cho người kia được no. Trò phải chịu đói cho thầy được no, rồi đến khi làm thầy lại bắt trò của mình phải trả. Anh đã quên mất rằng có những mô hình xã hội khác, quên mất rằng anh đã từng được sống trong một môi trường khác, nơi mà người thầy đến hẹn chậm 5 phút thôi là đã xin lỗi học trò, xin lỗi rất chân thành. Và dĩ nhiên, không bao giờ có chuyện phong bì. Anh cũng quên luôn là môi trường này trước đây không phải như thế. Thầy anh ngày xưa đâu có như anh bây giờ. Thầy anh nghèo, nhưng không đói. Còn anh giàu mà vẫn đói.

Có lẽ bây giờ, anh nhận ra một điều quan trọng, khi nhận phong bì, anh không chỉ sỉ nhục học trò, mà chủ yếu là anh tự sỉ nhục bản thân mình. Cô gái nhà quê đó, lúc ấy anh khinh cái sự quê mùa của cô, nhưng đúng ra cô tự khinh mình, nên đã chẳng thể nào nói được gì. Vẻ mặt của cô, sự lúng túng của cô lúc đó, nếu anh muốn hiểu cho đúng, là vẻ mặt và sự lúng túng của một người đang tự khinh bỉ bản thân một cách sâu sắc. Cái nền giáo dục nhà quê của cô chưa bao giờ đặt cô vào một tình huống như thế, chưa bao giờ khiến cô phải tự hạ mình đến như thế. Cô ấy có lẽ còn kinh ngạc, cô đã từng dự các giờ giảng của anh, nên không làm sao gắn kết được những điều anh giảng về đạo đức cách mạng ở trên lớp và việc anh nhổ lên đạo đức con người, trước mặt cô, ở nhà anh. Cô gái quê mùa ấy, từ đó về sau, không bao giờ đến nhà anh nữa. Chồng cô ta đến một mình. Nhưng anh hơi đâu mà đi để ý chuyện đó, giới giao thiệp của anh toàn các nhân vật quan trọng, làm sao anh thèm quan tâm việc vợ một sinh viên cũ có đến nhà anh nữa hay không. Chính lúc này đây, viết cho em, bộ nhớ của anh mới lưu ý việc này. Không hiểu sao, anh nghĩ rằng cô gái đó chẳng bao giờ gột rửa được hết chất nhà quê.

Anh làm cho tất cả mọi người đều bị sỉ nhục. Trên hết, anh tự coi thường bản thân, anh đánh mất lòng tự trọng và danh dự của mình. Anh, một kẻ ngắc ngoải no ở thời hiện đại. Ngắc ngoải bởi anh không ăn no một lần rồi chết như bà già trong truyện “Một bữa no”. Anh tự điều tiết cơn no của mình trong không gian vô đáy của lòng tham, và giết chết nhân phẩm của nhiều thế hệ sinh viên.

Cùng với nó, cùng với cái phong bì ấy, lòng tự trọng mất dần theo năm tháng. Vì sao người ta không còn bộc lộ lòng tự tôn dân tộc hay tự trọng cá nhân? Người ta bị sỉ nhục và tự sỉ nhục mình mỗi ngày, đến mức lòng tự trọng biến mất lúc nào không hay? Không còn tự trọng cá nhân thì cũng không còn tự tôn dân tộc. Cái thước đo này ít nhiều tin được : những ai còn bộc lộ sự đau lòng và nỗi lo lắng cho an nguy của quốc gia, những ai còn hành động, dù ít hay nhiều, để bảo vệ an ninh quốc gia và hình ảnh quốc gia, những người ấy chắc chắn còn giữ được sự tôn trọng đối với chính họ. Những người ấy biết tôn trọng chính bản thân họ, những người ấy còn biết tôn trọng các giá trị cá nhân của mình. Nếu con người chẳng coi cá nhân mình là một giá trị, thì quốc gia cũng chẳng còn giá trị nào khác ngoài là một chỗ dung thân, một nơi để tồn tại, để kiếm chác. Quốc gia ấy độc lập hay lệ thuộc, người ta chẳng cần phải bận tâm. Kiếm chác xong rồi, đủ rồi, người ta sẽ tìm cách chuồn, con cái chuồn trước bản thân mình chuồn sau, còn quốc gia ấy, muốn ra sao thì ra. Những người còn cảm nhận được nỗi nhục của dân tộc là những người còn chưa đánh mất tự trọng cá nhân. Bây giờ anh tin như vậy. Bây giờ anh thấy hai thứ đó gắn kết với nhau, tự trọng cá nhân và tự tôn dân tộc.

Anh đã cố để làm một người bình thường, đến mức quên rằng mình cũng từng có một giá trị, quên rằng bản thân anh đã từng là một giá trị, đến mức quên rằng bản thân anh cũng từng biết nhục, từng biết trọng mình và trọng người.

Anh đã cố để làm một người bình thường, đến mức lấy sự khinh bỉ chính mình làm điều kiện để tồn tại, và hơn thế, làm điều kiện để thăng tiến.

Thực ra phong bì là chuyện thường ngày ở huyện, anh không thể nào tính nổi số phong bì anh đã cầm, nhưng tại sao câu chuyện về hai vợ chồng người nghiên cứu sinh đó lại ám ảnh anh vào lúc này? Có phải vì lúc đó anh ta nghèo? Không hẳn, anh còn lấy tiền của những học trò nghèo hơn anh ta. Và các vụ làm ăn của anh đều đáng giá gấp ngàn lần cái phong bì còm cõi của anh ta. Anh không rõ trí nhớ chọn lọc các tình tiết của quá khứ theo cơ chế nào. Chỉ biết câu chuyện ấy cứ nổi lềnh bềnh trong ký ức anh.

Điều đáng nói, dù anh như thế, sinh viên vẫn luôn bày tỏ lòng kính trọng đối với anh, vẫn luôn ca ngợi anh. Đồng nghiệp cũng thế, họ luôn ngợi ca anh.

Sinh viên phải ca tụng thầy, dù thầy họ có như thế nào. Đến khi họ trở thành đồng nghiệp của ông thầy, họ lại càng phải tán tụng ông thầy đó nhiều hơn. Bởi lẽ họ là học trò của ông ấy, và một phần, chính họ đã biến ông thầy thành ra như vậy, dĩ nhiên cũng phải nói rằng ông thầy đã chấp nhận để họ biến mình thành ra như thế. Đa số các ông thầy chấp nhận điều này, cũng có những ông thầy không chấp nhận, nhưng số ấy ít thôi. Thừa nhận thầy có khuyết điểm này nọ chẳng khác nào họ tự nhận lỗi là của họ. Không thể được. Họ không bao giờ có lỗi. Vậy để họ được trong suốt, thầy của họ cũng phải trong suốt, họ muốn được kính trọng thì thầy của họ cũng phải được kính trọng. Họ đưa thầy lên mây xanh, đội lên đầu thầy vòng nguyệt quế. Họ hy vọng bằng cách đó, đến lượt mình, họ sẽ nhận được thái độ tương tự của học trò họ. Các thế hệ sau sẽ tiếp tục đưa họ lên mây, bất chấp họ đã sống và làm việc như thế nào, bất chấp họ có vô trách nhiệm và vô luân đến mức nào.

Một mặt họ không phán xét, mặt khác họ ca tụng. Rút cục người ta chỉ còn nhìn thấy mặt tốt của nhau, người ta chỉ còn biết ca tụng lẫn nhau. Trong khi tất cả đều tốt đẹp và đều đáng được ca tụng như vậy, nền giáo dục xuống cấp hơn bao giờ hết. Thế đó, chất lượng giáo dục xuống thấp, hệ thống giáo dục suy thoái, nhưng những người làm việc trong hệ thống giáo dục vẫn được ca tụng, thành tích càng ngày càng nhiều. Sao có thể như vậy được? Có thể đấy. Mọi việc đều có thể. Những người bình thường không biết rằng mọi việc đều có thể.

Anh được miễn trừ hết mọi phán xét. Đúng hơn là tai anh được miễn trừ hết mọi phán xét của người đời. Và bản thân anh tự miễn trừ cho mình mọi phán xét của lương tâm. Còn sau lưng anh, họ muốn bình luận gì, cứ tha hồ, tai liền miệng họ nói cho nhau nghe và cho chính họ nghe. Họ cứ chê trách theo kiểu ấy cả ngàn năm cũng chẳng thay đổi được gì, chẳng ảnh hưởng gì đến anh. Thực ra, nếu người ta chỉ dám xì xào sau lưng anh mà không dám nói thẳng, là bởi họ cũng làm bậy làm bạ, chỉ có điều có thể ở mức độ thấp hơn, họ kiếm chác được ít hơn anh, họ trâu buộc ghét trâu ăn. Anh biết thừa. Chứ nếu họ kiếm ngang ngửa với anh chắc họ cũng im. Có khi còn làm bạn với anh. Thành bạn rồi sẽ không còn chuyện phán xét nhau nữa. Mọi thứ thơm tho hết. Vả chăng, đã cùng hội cùng thuyền, đã làm y chang nhau, còn có gì phải cự nự. Mâu thuẫn chỉ nảy sinh khi có sự bất bình đẳng về quyền lợi, khi người này ngoạm miếng to hơn người kia thôi chứ. Một người có thể phản đối tiêu cực, chống lại sự tham nhũng, nhưng khi người đó là bạn anh, anh có thể tham nhũng thoải mái mà không bị người đó chống lại. Em biết không, làm bạn, điều này quan trọng lắm. Nếu không phải là sếp, không phải là người trong gia đình thì nên cố gắng trở thành bạn, càng có nhiều bạn ta càng ít bị đánh giá.

Anh là như vậy đó em.

Anh không hiểu tại sao em còn yêu anh. Vì em không biết hết những việc anh đã làm, phải không? Có lẽ anh đã không tồi tệ đến như thế nếu anh bị sinh viên và đồng nghiệp chỉ trích, nếu anh bị pháp luật trừng phạt. Nhưng pháp luật không đụng đến anh, sinh viên và đồng nghiệp tụng ca anh, báo chí đưa anh lên thành biểu tượng, và kết quả, thiên hạ ngưỡng mộ anh. Làm sao anh còn thấy được mình là ai. Nếu anh không biết về cái chết của em…

Con người yếu đuối lắm, không bao giờ hết yếu đuối, nó cần bị phán xét mới có thể trở nên mạnh mẽ được, nó cần tự phán xét để có thể trở nên mạnh mẽ.

Đã bao nhiêu ngày trôi qua. Anh đọc đi đọc lại những lá thư gửi em, xem đi xét lại những việc anh đã làm, những ngày anh đã sống, những tâm hồn trong trắng bị anh lừa dối, những trí tuệ non trẻ bị anh hủy hoại. Anh vẫn chưa tìm thấy nó, chưa tìm thấy cái lý do khiến em có thể yêu anh.

 

 

---------------

Đã đăng:

Gửi người yêu và tin [thư số 8]  (truyện / tuỳ bút) 
... Cái sự hèn nó mang nhiều dáng vẻ, mang nhiều sắc thái, mang nhiều khuôn mặt. Anh tô son trát phấn lên nó, đeo lên nó cái mặt nạ kiêu hãnh, rồi đến lúc quên mất rằng dưới lớp son phấn đó, dưới lớp mặt nạ đó, thật ra chỉ là nỗi nhục nhã mình phải gánh chịu và bắt người khác phải gánh chịu. Bao nhiêu năm anh đã sống với lớp hóa trang màu mè đó và nghĩ rằng mình bình thường, rằng mình đã được chữa khỏi bệnh. Điều khốn nạn nhất là anh có thể cảm thấy thỏa mãn với tình trạng đó... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 7]  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh đã không trở thành nhà tâm linh, mà trở thành chính trị gia. Làm tâm linh hay làm chính trị ở xứ này dù con đường có khác nhau nhưng đều có mục đích như nhau thôi: dẫn dụ, mê hoặc và làm mê muội con người. Làm chính trị đúng gu của anh hơn. Anh bước từng bước vững chắc trên những nấc thang quyền lực, cho đến cái nấc Bộ Chính Trị... (...)
 
... Ông đã không muốn cô ấy nói dối, nên tôi cũng không nói dối ông. Giới hạn chịu đựng cuối cùng của cô là bức thư trong đó ông kể về việc viết bài “Trí thức ca”. Cô ấy nói: “Anh ấy trở về để làm điều này cho đất nước anh ấy đây”. Rồi tim cô hoàn toàn ngừng đập. Tôi đã làm hết sức mình để cứu trái tim của cô ấy, nhưng tôi đã bất lực... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 6]  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh được đặt hàng để viết một bài ca nhằm ru ngủ giới trí thức. Mục đích là giúp họ ngủ, và để yên mặc cho ai muốn làm gì thì làm, mặc cho mọi thứ xung quanh bị tàn phá, bị chia chác, bị thất thoát và mất mát. Trí thức cần phải ngủ ngon và ngủ ngoan, người đặt hàng nói với anh như vậy... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 5]  (truyện / tuỳ bút) 
... Em biết là với khả năng của anh, anh có thể làm một nhà tư tưởng, nhưng lệnh trên chỉ cho anh đóng vai trò cái loa. Không bao giờ anh được phép đóng vai trò một nhà tư tưởng. Không phải riêng anh mà tất cả mọi người trong xã hội này đều không được phép. Vì chỉ có một vài người xứng đáng làm nhà tư tưởng thôi, những người sẽ sống mãi trong sự nghiệp chung, những người sẽ soi đường chỉ lối, là kim chỉ nam cho tất cả cộng đồng. Anh làm gì thì làm, mọi người làm gì thì làm, không được phép thay thế Người. Nghệ thuật tối cao là nghệ thuật trở thành cái loa phóng thanh cho tư tưởng của Người. Ai nắm được nghệ thuật đó người ấy sẽ thành công. Ai sử dụng thuần thục nghệ thuật đó người ấy sẽ đại thành công... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 4]  (truyện / tuỳ bút) 
... Khôn cũng đồng nghĩa với việc biết dẹp lòng tự trọng sang một bên. Anh đã bốn mươi tuổi, nhưng nếu sếp xoa đầu anh như một đứa trẻ anh cũng phải để yên cho sếp sờ. Mà không chỉ đầu, nếu bị sờ xuống vai, xuống tay, hay bị sờ đùi cũng phải ngồi yên để đón nhận. Phụ nữ khôn thì không những để yên mà còn phải biết khuyến khích. Điều này quan trọng lắm. Một trong những nét nghĩa của khôn là mâu thuẫn với lòng tự trọng... (...)
 
... Đừng sợ làm họ đau. Nếu không đau thì làm sao họ có thể thức tỉnh? Những lời ve vuốt đường mật chỉ khiến họ chìm sâu hơn vào giấc ngủ mà thôi. Và nếu tất cả chúng ta cứ chìm mãi trong giấc ngủ mụ mị thì nhắm mắt cũng nhìn thấy các hậu quả. Chẳng phải mọi vấn nạn hiện nay đều là hậu quả của giấc ngủ mê mệt của tất cả chúng ta hay sao?... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 3]  (truyện / tuỳ bút) 
... Cô có hiểu “nhục mà không nhục” có nghĩa là gì không? Cô cứ tưởng là chúng tôi đang bị láng giềng o ép, chúng tôi mất biển đảo, biên giới, tài nguyên khoáng sản về tay họ thì chúng tôi nhục ư? Chúng nó là nước lớn mà đi bắt nạt nước nhỏ chúng nó mới nhục, chứ chúng tôi thì nhục gì! ... Mà mọi thứ ở chỗ chúng tôi đều có đảng và nhà nước lo rồi, đảng và nhà nước không nhục thì chúng tôi việc gì phải cảm thấy nhục? Cô chỉ nhìn thấy bề mặt sự việc mà không nhìn thấy cái gì ẩn sau đó... (...)
 
... Anh làm ơn giải thích điều này: theo miêu tả của bác sĩ thì có vẻ như trong xã hội của anh, mọi người đều yêu mến nhau, nhân viên yêu mến sếp, đồng nghiệp yêu quý nhau, và suy rộng ra thì nhân dân yêu lãnh tụ, công dân yêu nhà nước, học sinh yêu quý thầy cô... Nhưng tại sao đọc báo hầu như chỉ thấy tin cướp, giết, hiếp, bạo lực học đường, giáo dục xuống cấp, văn hóa suy đồi, tham nhũng, lừa đảo, bắt bớ, đàn áp, bỏ tù...? Em không thể hình dung một xã hội như thế lại là kết quả của tình yêu mến... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 2]  (truyện / tuỳ bút) 
... Đàn ông ở đây không coi phụ nữ là danh dự của mình, và còn lâu mới có bình đẳng thực sự. Thiếu gì đàn ông sẵn sàng dâng vợ hay em gái cho sếp hay cho đối tác để làm bàn đạp thăng tiến hoặc thủ lợi. Vợ họ, em họ còn bị đối xử như thế thì họ sá gì việc con em người khác có đi làm nô lệ tình dục ở đâu. Gần đây thôi, một phụ nữ trí thức mỏng manh đã bị một đám đàn ông trí thức đánh tan nát trên hàng đống tờ báo. Đọc những bài đánh cô ấy mặt anh cứ đỏ rực, đỏ rực vì xấu hổ, thằng đàn ông trong anh xấu hổ, hoá ra anh còn biết xấu hổ. Và cô ấy lại bị một đám đàn ông trí thức khác cho thôi việc. Và những đàn ông trí thức còn lại đồng loạt im lặng... (...)
 
... Suy nghĩ tiếp những gì anh viết trong thư, em thấy rằng ở xứ anh, người ta sẽ lần lượt đi trên một chu trình, em nghĩ là khép kín, có sự chuyển hoá từ giai đoạn này qua giai đoạn kia, nhưng là một chu trình khép kín: bị lừa dối – tự lừa dối – lừa dối người khác. Trong chu trình này sẽ có một pha lúc người ta tự nguyện bị lừa dối. Nhưng nói chung thì em nghĩ cái pha tự nguyện bị lừa dối này là một trạng thái triền miên. Cho đến lúc nào họ không còn cảm thấy mình bị lừa nữa. Em nghĩ, để cho bộ máy xã hội có thể vận hành như hiện nay, cần nhất là mọi người tham gia trong đó phải tự nguyện bị lừa... (...)
 
Gửi người yêu và tin  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh sống trong một xã hội được cấu tạo trên nền tảng của sự dối trá, có lẽ vì vậy anh đặc biệt nhạy cảm và đặc biệt muốn tự bảo vệ mình trước sự dối trá. Em hình dung được không? Ở đây trẻ con từ khi đi học mẫu giáo đã được dạy cho cách để trở thành những kẻ nói dối. Các em được dạy hát về giấc mơ mà các em không có. Các em hát về giấc mơ trong đó các em gặp và yêu quý một người xa lạ. Nhưng các em không hề có giấc mơ đó, thậm chí còn chưa biết người đó là ai, ở cái tuổi lên ba lên bốn... (...)
 
Tình yêu  (truyện / tuỳ bút) 
... Con: Mẹ nhìn đi. Mẹ còn nhận ra cha trong quan tài này không? Còn gì của cha trong cái đống ghê tởm này? / Mẹ: Con bất hiếu! Sao dám nói cha ghê tởm! Con không thấy cha đẹp đến não lòng ư? / Con: Con không thở được nữa. Mẹ nhìn xung quanh xem. Giòi bọ nhung nhúc khắp nơi. Cả đống ở trên tay mẹ kia. / Mẹ: Cha đấy con ạ. Cha đang hạnh phúc vì được ở gần mẹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021