thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tại sao văn chương? [V]

 

Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm,
với sự hiệu đính của Hoàng Ngọc-Tuấn.

 

MARIO VARGAS LLOSA

(1936~)

[Photo: Rodolfo Angulo]

 

Mario Vargas Llosa được trao giải Nobel Văn Chương năm 2010 trước hết với tư cách một người viết tiểu thuyết lớn, người đã “khắc hoạ những cơ cấu quyền lực”, “những hình ảnh sắc sảo về những cuộc phản kháng, nổi loạn và thất bại của cá nhân” trong xã hội hiện đại, như lời phát biểu của Hàn Lâm Viện Thụy Điển. Tuy nhiên, không nên quên Llosa còn là một cây bút đa thể loại (multi-genre writer). Ngoài truyện, ông còn viết kịch, viết kịch bản phim, viết báo, viết phê bình và tiểu luận văn học. Ở lãnh vực nào ông cũng có những thành tựu xuất sắc. Công trình phê bình của ông về Gabriel García Márquez (García Márquez: Story of a Deicide , 1971) — nguyên thủy là một luận án tiến sĩ, sau được in thành sách, dày trên 800 trang — cho đến nay vẫn được xem là cuốn sách sâu sắc nhất về tác giả cuốn Trăm năm cô đơn. Những cuốn sách của Llosa về Gustave Flaubert, (The Perpetual Orgy: Flaubert and “Madame Bovary” , 1975), về Jean-Paul Sartre và Albert Camus (Between Sartre and Camus, 1981), và về Victor Hugo (The Temptation of the Impossible, 2004) được đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, Llosa còn viết rất nhiều tiểu luận. Theo Llan Stavans, giáo sư văn học tại Amherst College và là chủ biên cuốn tuyển tập văn học Latin (The Norton Anthology of Latino Literature), sự nghiệp văn học của Llosa có thể được chia thành hai giai đoạn: trước và sau khi ông ứng cử Tổng thống tại Peru vào năm 1990. “Trước, ông là một nhà văn và là một chính trị gia tập sự; văn chương là một ám ảnh. Sau, tiểu thuyết không còn làm ông bận tâm nhiều nữa. Thay vào đó, ông là một tiểu luận gia xuất sắc hàng đầu.”
 
Các bài tiểu luận văn học của Vargas Llosa là kết tinh của một tri thức uyên bác của một giáo sư đại học lâu năm và nổi tiếng và một sự nhạy cảm phi thường của một nhà văn bậc thầy. Dĩ nhiên, trong cách nhìn của ông về văn học không phải không có vấn đề, ví dụ sự nghi ngờ của ông đối với các phát minh kỹ thuật mới gắn liền với sinh hoạt văn học trên thế giới trong những năm gần đây. Tất cả những ưu và khuyết điểm ấy có thể dễ dàng được nhìn thấy trong bài tiểu luận “Tại sao văn chương” dưới đây.
 
Bài tiểu luận này đã được dịch và đăng thành nhiều phần. Dưới đây là phần kết thúc.
 
Phan Quỳnh Trâm

 

_______

 

 

TẠI SAO VĂN CHƯƠNG? [V]

 

Khi cuốn tiểu thuyết Hiệp khách tài hoa Don Quixote xứ La Mancha mới xuất hiện, những độc giả đầu tiên của nó đã chế nhạo cái kẻ mơ mộng đến mức ngông cuồng cũng như các nhân vật khác trong cuốn tiểu thuyết này. Ngày nay chúng ta biết rằng thái độ khăng khăng của chàng kỵ sĩ mặt buồn khi chàng nhìn thấy những cối xay gió thành ra những gã khổng lồ, và trong lối hành động có vẻ như kỳ quặc của chàng, thực ra là hình thức cao nhất của sự đại lượng, và là một biện pháp để chống lại những đau khổ trong thế giới này với hy vọng sẽ thay đổi nó. Chính những ý niệm của chúng ta về lý tưởng, về chủ nghĩa lý tưởng, mang đậm ý nghĩa đạo đức tích cực, chắc hẳn đã không như chúng ta hiểu hôm nay, chắc hẳn đã không trở thành những giá trị rõ ràng và được tôn trọng, nếu chúng đã không được nhập thể vào nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết nhờ sức thuyết phục của thiên tài Cervantes. Cũng có thể nói như thế về nhân vật Quixote nữ nhỏ nhắn và thực dụng, Emma Bovary, người chiến đấu một cách cuồng nhiệt để sống một đời sống huy hoàng đầy đam mê và xa xỉ mà bà được biết qua những cuốn tiểu thuyết. Như một con bướm, bà đã đến quá gần ngọn lửa và bị nó đốt cháy.

Những phát kiến của tất cả các nhà sáng tạo lớn trong văn chương đã khai nhãn chúng ta về những khía cạnh ẩn khuất của điều kiện nhân sinh của chính chúng ta. Những phát kiến ấy giúp chúng ta truy tầm và lĩnh hội cặn kẽ hơn về cái vực thẳm chung của nhân loại. Khi chúng ta nói “Borgesian”, chữ ấy ngay lập tức làm xuất hiện sự phân cách giữa tâm trí chúng ta với cái trật tự duy lý của thực tại, và dẫn chúng ta vào một vũ trụ huyễn tưởng, một cấu trúc tinh xảo và tao nhã của tinh thần, hầu như luôn luôn giống như một mê cung và tính bí nhiệm, mang đầy những liên tưởng và ám dụ văn chương, mà những nét đặc thù của chúng không xa lạ với chúng ta, bởi vì, qua chúng, chúng ta nhận ra được những khát vọng ẩn khuất và những sự thật thầm kín của tính cách chúng ta, mà chỉ nhờ vào sự sáng tạo văn chương của Jorge Luis Borges thì những điều ấy mới trở nên rõ nét.

Chữ “Kafkaesque” đến với ý nghĩ của chúng ta, như cơ chế hội tụ của những chiếc máy ảnh cũ với những ống kính xếp giống như chiếc thủ phong cầm, mỗi khi chúng ta, ở vị thế những cá nhân vô phương tự vệ, cảm thấy bị đe doạ bởi những guồng máy áp bức của quyền lực vốn đã gây ra quá nhiều đau khổ và bất công trong thế giới hiện đại — những chế độ độc tài, những đảng phái được tổ chức theo hàng dọc, những giáo hội bất khoan dung, những thái độ quan liêu ngột ngạt. Nếu không có những truyện ngắn và tiểu thuyết viết bằng tiếng Đức của người đàn ông Do Thái khốn khổ ấy ở Prague, kẻ luôn sống trong trạng thái đầy cảnh giác, chắc hẳn chúng ta đã không thể hiểu được cảm giác bất lực của những cá nhân bị cô lập, hay nỗi khiếp sợ của những dân tộc thiểu số bị đàn áp và kỳ thị, phải đối mặt với những quyền lực toàn trị có thể nghiền nát họ và tiêu diệt họ mà bọn tay sai không cần phải xuất đầu lộ diện.

Tính từ “Orwellian”, người anh em họ đầu tiên của tính từ “Kafkaesque”, diễn tả cảm giác hoang mang khủng khiếp, cái cảm nhận về sự phi lý tột cùng, gây ra bởi các chế độ độc tài toàn trị của thế kỷ 20, những chế độ độc tài tinh vi nhất, tàn bạo nhất, và triệt để nhất trong lịch sử, ở sự kiểm soát mọi hành vi và phản ứng tâm lý của các thành viên trong xã hội. Trong cuốn 1984, George Orwell, với văn phong lạnh lùng và đầy ám ảnh, đã một nhân loại bị nô dịch hoá bởi Đại Ca, một chúa tể tuyệt đối, kẻ, thông qua một sự kết hợp đầy hiệu quả của khủng bố và kỹ thuật hiện đại, đã huỷ diệt sự tự do, sự tự phát và sự bình đẳng, và biến xã hội thành một cái tổ ong của những người máy vô hồn. Trong cái thế giới ác mộng này, ngôn ngữ cũng tuân theo quyền lực, và bị biến thành “newspeak”;[*] thứ ngôn ngữ mà tất cả phát kiến và chủ quan tính đều bị tẩy sạch, biến thành một chuỗi những lời nói rập khuôn nhằm duy trì sự nô lệ của cá nhân đối với hệ thống. Thực tế thì lời tiên đoán khủng khiếp của cuốn 1984 đã không xảy ra, và chế độ cộng sản toàn trị ở Liên Xô đã đi theo con đường của chế độ phát xít toàn trị ở Đức và ở những nơi khác, và không lâu sau đó, nó cũng bắt đầu kiệt quệ ở Trung Quốc, và ở những xứ lạc hậu như Cuba và Bắc Hàn. Nhưng cái nguy cơ ấy không bao giờ tan biến, và chữ “Orwellian” tiếp tục được dùng để diễn tả cái nguy cơ ấy, và giúp chúng ta hiểu về nó.

Như vậy, tính chất phi thực của văn chương, những điều nói dối của văn chương, cũng là một phương tiện quý giá cho việc nhận thức những thực tại ẩn khuất nhất của nhân loại. Những sự thật nó tiết lộ không phải lúc nào cũng đáng hãnh diện; và đôi khi hình ảnh của chúng ta hiện ra trong chiếc gương của những cuốn tiểu thuyết và những bài thơ là hình ảnh của một con quái vật. Điều này xảy ra khi chúng ta đọc về sự giết chóc kinh khủng vì tình dục do Sade tưởng tượng, hay những vết thương sâu hoắm và những cuộc hiến tế tàn bạo đầy rẫy trong những cuốn sách ác nghiệt của Sacher-Masoch và Bataille. Đôi lúc cảnh tượng kinh tởm và dã man đến mức không chịu nổi. Tuy nhiên, điều tệ hại nhất trên những trang sách này không phải là máu, là sự nhục mạ, hay là cái thú ghê tởm của sự hành hạ; điều tệ hại nhất là việc khám phá ra rằng tính bạo động này và tính vô độ này không xa lạ gì với chúng ta, mà chính là một phần sâu thẳm trong bản tính nhân loại. Những con quái vật hau háu phạm tội này ẩn náu trong những ngóc ngánh sâu kín nhất của con người chúng ta, và từ trong bóng tối nơi chúng trú ẩn, chúng tìm một dịp thuận lợi để hiện nguyên hình, để lập ra thứ luật lệ cho cho cái khát vọng không kiềm chế có khả năng tiêu diệt lẽ phải, cộng đồng và ngay cả sự sống. Và không phải khoa học đã thám hiểm đầu tiên vào những nơi tối tăm ấy trong tâm trí con người, và phát hiện ra khả năng tàn phá và tự huỷ đã hình thành nên nó. Chính văn chương đã phát hiện ra điều này. Một thế giới không có văn chương chắc hẳn sẽ phần nào mù loà, không nhìn thấy những nơi sâu kín khủng khiếp này, những nơi mà chúng ta cần phải khẩn cấp nhận ra.

Lạc hậu, man rợ, thiếu nhạy cảm, lỗ mãng trong lời nói, vô tri và sống theo bản năng, không có đam mê và thô lậu trong tình yêu, cái thế giới không có văn chương này, cơn ác mộng mà tôi đang mô tả, chắc hẳn sẽ có những đặc điểm chính của nó là thái độ tuân thủ và sự khuất phục mà con người thường tỏ ra trước quyền lực. Trong ý nghĩa đó, cái thế giới này chắc hẳn cũng chỉ là một thế giới đơn thuần của động vật. Những bản năng gốc sẽ quyết định các hoạt động thường nhật của một cuộc sống mà đặc trưng của nó là sự tranh giành để sinh tồn, sự sợ hãi trước vô minh, và sự thoả mãn các nhu cầu thể xác. Sẽ không có chỗ cho tâm hồn. Hơn nữa, trong cái thế giới này, sự đơn điệu tột độ của cuộc sống sẽ đồng hành với cái bóng nham hiểm của sự bi quan, cái cảm giác rằng cuộc sống con người là những gì nó phải là và sẽ luôn là như thế, không một ai và không một điều gì có thể thay đổi được nó.

Khi tưởng tượng về một thế giới như vậy, người ta thường dễ hình dung ra những con người sơ khai quấn những cái khố, những cộng đồng nhỏ bé theo những thứ tôn giáo mang tính ma thuật và sinh tồn ngoài lề của đời sống hiện đại ở châu Mỹ Latin, châu Đại Dương, và châu Phi. Nhưng tôi còn nghĩ đến một sự thất bại khác. Cơn ác mộng mà tôi cảnh báo không phải là hậu quả của sự kém-phát-triển mà là của sự phát-triển-quá-độ. Như một hệ quả của công nghệ và sự phụ thuộc của chúng ta vào nó, chúng ta có thể tưởng tượng một xã hội trong tương lai đầy những màn hình máy vi tính và những cái loa phát thanh, và không có sách, hay một xã hội mà trong đó những cuốn sách — nghĩa là, những tác phẩm văn chương — đã rơi vào tình trạng giống như thuật giả kim trong kỷ nguyên vật lý: một sự hiếu kỳ sơ cổ do một thiểu số loạn thần kinh thực hành trong những hầm mộ của nền văn minh truyền thông. Tôi e rằng cái thế giới mang tính điều khiển học này, dù cho nó rất phú cường, cái tiêu chuẩn cao của cuộc sống và cái thành tựu khoa học của nó chắc hẳn sẽ hết sức mọi rợ và hoàn toàn vô hồn — một nhân loại thụ động của những người máy hậu-văn-chương đã từ bỏ tự do.

Tất nhiên, có nhiều khả năng là điều không tưởng rùng rợn này sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Đoạn kết câu chuyện của chúng ta, đoạn kết của lịch sử, chưa được viết ra, và không thể định trước được. Những gì chúng ta sẽ trở thành thì hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn và ý chí của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta muốn ngăn ngừa sự khô kiệt của trí tưởng tượng, ngăn ngừa sự biến mất của lòng bất ưng đáng quý vốn giúp tinh luyện sự cảm nhận của chúng ta và dạy cho chúng ta cách phát ngôn hùng hồn và mạnh mẽ, cũng như ngăn ngừa sự giảm thiểu quyền tự do của chúng ta, thì chúng ta phải hành động. Chính xác hơn, chúng ta phải đọc.

 

----------------
Nguồn: Mario Vargas Llosa, “Why Literature?” New Republic, 05/14/2001, Vol. 224, Issue 20.

 

 

_________________________

[*]Trong nguyên tác, Vargas Llosa dùng chữ “newspeak” vốn là chữ được George Orwell sáng chế trong cuốn tiểu thuyết Nineteen Eighty-Four (xuất bản năm 1949). “Newspeak” là loại ngôn ngữ được sử dụng dưới chế độ độc tài toàn trị, với từ vựng và văn phạm bị giảm thiểu và đơn giản hoá tối đa. Loại ngôn ngữ này khiến người ta không thể diễn tả bất cứ một ý tưởng nào vượt ra khỏi những khẩu hiệu và những lời tuyên truyền của Đảng. Đặc biệt, bộ từ vựng của “newspeak” loại bỏ tất cả những chữ có khả năng diễn tả sự tự do, sự phản kháng, sự nổi loạn, sự thay đổi, v.v. George Orwell đã mô tả và phân tích những nguyên tắc căn bản của “newspeak” qua một bài tiểu luận in ở phần phụ lục của cuốn tiểu thuyết Nineteen Eighty-Four. [Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn]

 

 

------------

Đã đăng:

Tại sao văn chương? [I]  (tiểu luận / nhận định) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Trong thời đại của chúng ta hiện nay, khoa học và kỹ thuật không thể đóng một vai trò nhất quán, chỉ vì sự phong phú vô tận của kiến thức cũng như tốc độ tiến hoá của nó đã dẫn đến sự chuyên môn hoá và những điều khó hiểu của nó. Nhưng văn chương đã, đang, và cho đến chừng nào nó còn tồn tại, sẽ tiếp tục là một trong những mẫu số chung của kinh nghiệm nhân sinh qua đó loài người có thể nhận biết chính họ và có thể tương thoại với nhau, bất kể những khác biệt đến đâu chăng nữa về nghề nghiệp, về những dự định trong đời sống, về trú xứ địa lý và văn hoá, về hoàn cảnh riêng tư của từng người... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tại sao văn chương? [II]  (tiểu luận / nhận định) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Văn chương đưa chúng ta trở lại quá khứ và nối liền chúng ta với những con người của những thời đại đã qua, những con người đã đặt ra những câu chuyện, đã thưởng thức và đã mơ mộng qua những văn bản truyền lại cho chúng ta, những văn bản hôm nay cho phép chúng ta cũng thưởng thức và mơ mộng như thế. Cái cảm nhận mình là thành viên trong kinh nghiệm nhân sinh tập thể vượt qua thời gian và không gian này là thành tựu lớn nhất của văn hoá, và không có gì đóng góp nhiều hơn vào việc phục hồi nó trong từng thế hệ cho bằng văn chương... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tại sao văn chương? [III]  (tiểu luận / nhận định) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi tin chắc, mặc dù tôi không thể chứng minh được điều đó, rằng với sự biến mất của sách in, văn chương sẽ phải chịu một tai hoạ nghiêm trọng, thậm chí một tai hoạ chí tử. Thuật ngữ “văn chương” sẽ không biến mất, dĩ nhiên. Nhưng nó gần như chắc chắn sẽ được dùng để biểu thị một loại văn bản khác xa với những gì hôm nay chúng ta hiểu về văn chương, cũng như những tập phim tình cảm xã hội trên truyền hình khác xa với những vở bi kịch của của Sophocles và Shakespeare... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tại sao văn chương? [IV]  (tiểu luận / nhận định) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Không có phương tiện nào tốt hơn để kích động sự bất mãn đối với cuộc sinh tồn cho bằng việc đọc những áng văn chương hay; không có phương tiện nào tốt hơn để hình thành những công dân độc lập và có óc phê phán, những con người không bị thao túng bởi những kẻ cai trị họ, và những con người được phú cho một sự vận động tinh thần thường trực và một trí tưởng tượng mạnh mẽ... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Đôi khi tôi tự hỏi phải chăng viết văn là một sự xa xỉ tự kỉ trong những xứ sở như của tôi, nơi không có bao nhiêu người đọc và quá nhiều người là người nghèo và mù chữ, có quá nhiều bất công, và ở đó văn hoá là một đặc quyền cho số ít. Tuy nhiên những hoài nghi này chẳng bao giờ làm tắt tiếng kêu gọi cho tôi, và tôi luôn luôn vẫn viết ngay cả trong những giai đoạn mà việc kiếm sống thu hút phần lớn thời gian của tôi. Tôi tin rằng tôi đã làm đúng, bởi vì nếu, để văn học nảy nở mà trước tiên cần một xã hội lên tới trình độ cao, tới tự do, tới thịnh vượng và công lí thì văn học đã chẳng hề tồn tại... [Bản dịch của Nguyễn Tiến Văn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Khi còn trẻ, tôi rất mê đọc Sartre. Tôi cũng đọc các tiểu thuyết gia người Mỹ, đặc biệt của thế hệ lạc loài — như Faulkner, Hemingway, Fitzgerald, Dos Passos — nhất là Faulkner. Trong số các tác giả tôi đọc khi tôi còn trẻ, Faulkner là một trong số ít những người vẫn còn có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi chẳng bao giờ thất vọng khi đọc lại ông, như cái cách mà tôi vẫn thỉnh thoảng cảm thấy khi đọc lại Hemingway, chẳng hạn. Tôi cũng sẽ không đọc lại Sartre vào lúc này. So với mọi thứ tôi đã đọc từ thuở đó đến nay, thì tác phẩm hư cấu của Sartre có vẻ đã lỗi thời và đã mất đi phần lớn giá trị của nó... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi chưa bao giờ có cảm giác rằng tôi đã quyết định một cách duy lý, một cách lạnh lùng, để viết một cái truyện. Trái lại, những sự kiện hoặc những con người nào đó, đôi lúc những giấc mơ hay những gì đọc được trong sách vở, bất ngờ bám lấy tôi và đòi hỏi sự lưu tâm. Đó là lý do tại sao tôi nói rất nhiều về tầm quan trọng của những yếu tố hoàn toàn phi lý của công việc sáng tạo văn chương. Tôi tin rằng sự phi lý này cũng phải được chuyển tải đến người đọc. Tôi muốn những cuốn tiểu thuyết của tôi được đọc như cách tôi đọc những cuốn tiểu thuyết mà tôi yêu thích... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi không bao giờ biết khi nào thì tôi sẽ kết thúc một câu chuyện. Một mẩu chuyện tôi tưởng chỉ mất vài tháng đôi khi có thể mất vài năm để hoàn thành. Đối với tôi một cuốn tiểu thuyết dường như chỉ hoàn thành khi tôi cảm thấy rằng nếu tôi không kết thúc nó sớm, nó sẽ vượt qua khỏi tôi. Khi đã đạt đến độ bão hoà, khi tôi thấy đã đủ, khi tôi không còn chịu đựng được nữa, thì câu chuyện kết thúc... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Lúc đầu có điều gì đó rất mơ hồ, một trạng thái cảnh giác, một điềm báo, một điều gây thắc mắc. Một cái gì đó tôi nhận ra trong cõi mù mịt và chập chờn quanh tôi khiến tôi chú ý, tò mò, và phấn khích, và rồi tự nó biến thành công việc, những thẻ ghi chú, bản tóm tắt cốt truyện. Rồi đến khi tôi có cái sườn truyện và bắt đầu sắp đặt mọi sự việc theo trật tự, thì một điều gì đó rất tản mạn, rất mơ hồ vẫn còn lởn vởn. Giây phút “bừng sáng” chỉ xảy ra trong khi làm việc... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Một số người xem văn chương như là một sinh hoạt bổ sung hoặc trang trí cho một cuộc đời vốn dành để theo đuổi những thứ khác hay thậm chí như một cách để đạt được thanh thế và quyền lực. Trong những trường hợp đó, có một sự tắc nghẽn, đó chính là văn chương đang trả thù chính nó, nó không cho phép bạn viết với một chút tự do, táo bạo hay độc đáo nào cả. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng việc dấn thân hoàn toàn vào văn chương là điều rất quan trọng... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi nghĩ tiểu thuyết, như một thể loại, thiên về sự thái quá. Nó có khuynh hướng tăng trưởng nhanh chóng, cốt truyện phát triển như một căn bệnh ung thư. Nếu tác giả theo đuổi mọi đầu mối của cuốn tiểu thuyết, nó sẽ trở thành một khu rừng rậm. Tham vọng kể toàn bộ câu chuyện là đặc tính cố hữu của thể loại này. Mặc dù tôi luôn cảm thấy đến một thời khắc nào đó bạn phải giết chết câu chuyện để nó không kéo dài vô tận, tôi cũng tin rằng việc kể chuyện là một nỗ lực để đạt tới cái lý tưởng của cuốn tiểu thuyết “trọn vẹn” ấy... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Để hư cấu, tôi luôn phải bắt đầu từ một hiện thực cụ thể. Tôi không biết điều đó có đúng với tất cả các tiểu thuyết gia khác hay không, nhưng tôi luôn cần một bệ nhún của hiện thực. Đó là lý do tại sao tôi phải nghiên cứu và tham quan những nơi chốn xảy ra sự kiện, chứ không phải vì tôi chỉ muốn tái tạo hiện thực. Tôi biết điều đó là bất khả. Ngay cả khi tôi muốn tái tạo hiện thực thì kết quả cũng chẳng hay ho chút nào, nó sẽ là một điều gì hoàn toàn khác... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi nghĩ điều quan trọng là các nhà văn tham dự, đưa ra những phán đoán, và can thiệp, nhưng đồng thời không để chính trị xâm nhập và phá hoại lĩnh vực văn học, địa hạt sáng tạo của nhà văn. Khi điều đó xảy ra, nó giết chết nhà văn, làm cho anh ta chỉ còn là một kẻ tuyên truyền. Do đó điều cần thiết là anh ta phải đặt giới hạn cho những hoạt động chính trị mà không từ bỏ hoặc tự tước đi nhiệm vụ phát biểu ý kiến của mình... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021