|
Ý kiến độc giả
|
|
Những đề nghị và nhận xét của độc giả và thi văn hữu về TÁC PHẨM CỦA THÁNG 10/2006
03.10.2006 — Lý Hồng Mai (Berlin, Đức) Các bản dịch của Hoàng Ngọc Biên để lại trong tôi ấn tượng về một con người giỏi ngoại ngữ, đọc nhiều và quảng giáo. Bài tuỳ bút Chỗ bắt đầu chuyến đi là một đỉnh núi bốn bề yên lặng, đầu đội trời... gợi cho tôi ấn tượng về một nỗi cô đơn, hiu quạnh, tịch mịch. Không biết ấn tượng nào đúng?
04.10.2006 — Võ Văn Nam (Sài Gòn) Tôi lấy làm tiếc là Ban Biên Tập Tiền Vệ đã không chọn bài Thông điệp từ một đêm trăng của Nguyễn Quang Thiều để trao giải tháng 9 vừa qua. Bài viết ấy có thể được tuyên dương là một lời cảnh báo của nhà thơ trước những tai hoạ không thể tránh khỏi trên đất nước ta. Bài viết cho thấy Nguyễn Quang Thiều không phải chỉ là một thi sĩ tài năng mà còn là một công dân nhạy bén và dũng cảm, dám nói lên những sự thật không phải ai cũng dám bày tỏ.
17.10.2006 — Đoàn Thái Cầm (Brisbane, Úc) Tôi xin đề cử loại bài ký sự Núi Lạnh — Hành trình tìm về những nấm mồ hoang cho tặng thưởng tháng 10. Bài này được nhiều tờ báo đăng lại chứng tỏ chúng đáp ứng được nhu cầu tình cảm và nhu cầu hiểu biết của cộng đồng người Việt. Nhà thơ Trần Tiến Dũng đã có công lặn lội tìm kiếm mộ phần của những anh hùng vô danh sau 1975. Vong linh của những người ấy chắc cũng cảm thấy an ủi phần nào trước tấm lòng của nhà thơ. Riêng tôi, vốn là một người từng đi cải tạo và từng chứng kiến cảnh bạn bè mình bỏ xác trong các nhà tù và trại cải tạo ở miền Bắc không cầm được nước mắt khi đọc loại bày ký sự này. Xin cám ơn nhà thơ Trần Tiến Dũng!
19.10.2006 — Nguyễn Đức Tùng (Vancouver, Canada) Bài VĂN CHƯƠNG NGOẠI VI / VĂN CHƯƠNG TRUNG TÂM — từ một góc nhìn vừa đi ngày 18/10 là một trong những bài viết chững chạc nhất của Inrasara. Rất có ích, very informative. Tôi đề nghị Tiền Vệ trao giải thưởng.
19.10.2006 — Phạm Năng (Tokyo, Nhật) Bài VĂN CHƯƠNG NGOẠI VI / VĂN CHƯƠNG TRUNG TÂM — từ một góc nhìn của Inrasara nêu lên được nhiều vấn đề quan trọng nhưng thường bị cấm đoán trong văn học Việt Nam. Xin hoan hô nhà thơ đa tài và đa năng Inrasara!
24.10.2006 — Hương Yên (NSW, Úc) nhắc nhủ nhau. một nơi chốn của Lê Thị Thấm Vân là một bài thơ rất giàu: giàu ngôn ngữ, giàu âm điệu, giàu hình ảnh, giàu ý tưởng. Lê Thị Thấm Vân luôn luôn chứng tỏ là một cây bút rất giàu tài năng. Độc thoại trên tháp nhà thờ của Lynh Bacardi để lại trong tôi một cảm giác xót xa khôn tả. Truyện này không dữ dội như những truyện trước đây của Lynh Bacardi, nhưng có sức ám ảnh dài lâu hơn. Tôi luôn chờ đợi đọc những sáng tác mới của chị.
27.10.2006 — Nguyễn Thứ Vịnh (Dallas, USA) Truyện Người hoạ sĩ của Hoàng Ngọc Thư hay quá. Mới đây, tôi cũng đọc được một truyện ngắn khác của Hoàng Ngọc Thư, truyện “Người đi xin nước mắt” đăng trên Hợp Lưu số 91, tháng 10 & 11/2006, tôi cũng rất thích. Đó là một tác giả trẻ đầy triển vọng.
28.10.2006 — Lê Ðình Nhất-Lang (California, USA) HỒI TƯỞNG (thơ) của Nguyễn Quang Thiều: Ngoài kỹ thuật trì kéo của “Hồi tưởng tháng Tư” đưa tới sự choáng ngợp ở đoạn chót, những hình tượng của “Hồi tưởng tháng Bảy” ám tôi trong ba ngày liền: lúc nào đọc lại cũng cảm thấy có gì đó rất hay ho nhưng không lý giải ngay được. Tâm trí tôi còn quanh quẩn ở những pha trong phim Texas Chainsaw Massacre, nên đọc lại đến lần thứ mấy không rõ, bài thơ mới chịu “tháo mặt nạ” ở hai câu cuối. Người hoạ sĩ (truyện ngắn) của Hoàng Ngọc Thư: Tuy không đồng ý với thông điệp hiển nhiên của truyện, là hiện thực chỉ thần kỳ khi ở dưới ánh sáng của kinh nghiệm, tôi vẫn thích truyện này, vì văn bản đẹp như một bức tranh.
29.10.2006 — Lê Phong (Sydney, Australia) Ðinh Trường Chinh đến với độc giả trong tháng 10 này qua nhiều tác phẩm. Ngoài truyện cực ngắn Siêu thực, tôi yêu cả 3 bài thơ Im, Ngày mùa thu, và Bố cục của anh. Cả 3 bài đều cho thấy sự phong phú trong tư duy thơ của tác giả. Một tặng thưởng của tháng 10 là xứng đáng lắm chứ.
30.10.2006 — Võ Tri Tâm (Lyon, Pháp) Chìm, thơ Ðoàn Minh Châu, là một bài thơ ngắn nhưng đầy những âm thanh, màu sắc và hình ảnh mới lạ và gây ấn tượng sâu. Cảm ơn nhà thơ.
31.10.2006 — Lê Đình Hoà (Paris, Pháp) Cách viết truyện của Agota Kristof táo bạo mà không thấy tục. Hai chương “Cuộc tắm” (ngày 26.10) và “Cô đầy tớ và ông tuỳ phái” (ngày 31) tả tỉ mỉ các sinh hoạt tình dục nhưng lại không mô tả cảm xúc hay cảm giác của nhân vật. Tôi chưa thấy có nhà văn Việt Nam nào viết như vậy.
31.10.2006 — Trần Thanh Hoài (Houston, USA) Đường chân trời hình xoắn ốc của Phan Hải Bằng có một lối viết khiến người đọc có cảm giác như đang xem một loạt tranh, hay một khúc phim collage. Tôi nghe nói Phan Hải Bằng cũng là một hoạ sĩ. Nếu đúng như thế thì tư duy tạo hình có khả năng làm giàu cho kỹ thuật viết hư cấu. Tôi yêu thích lối thử nghiệm bút pháp của Phan Hải Bằng trong Đường chân trời hình xoắn ốc, và của Lê Nghĩa Quang Tuấn trong 24,503 chữ.
31.10.2006 — Thi Trần (San Jose, USA) Bài thơ Ve dep My của Nguyễn Viện lạ và ngộ ghê. Tôi đọc đi đọc lại mấy lần vẫn không biết là mình đọc đúng hay không nhưng cảm thấy khoái cách viết ấy.
|