thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nam

 

Mùa đông đến rồi. Những cơn mưa máu lại táp vào cửa kính. Tôi nhìn ra ngoài vườn, ngắm những bông hoa ướt. Những cánh hoa rụng xuống ngập chìm trong nước. Trong nước, những cánh hoa ấy có thở được không? Có thở được không? Tôi không biết chúng có thở được không nhưng tôi muốn chúng ngoi lên khỏi mặt nước. Tôi không muốn chúng ngạt thở trước khi những con vật kỳ lạ ấy bò lên khắp cửa kính và phát ra những tiếng kêu rùng rợn.

Ông tôi cắm mặt vào tường và rút ra những sợi chỉ đỏ. Ông nói với tôi rằng đó là những sợi máu. “Mày chưa hiểu được đâu.” Ông nói với tôi như thế và thực ra thì tôi cũng chẳng cần phải hiểu. Ông tôi cứ cắm mặt và rút mãi như thế. Những sợi máu được rút ra, ông bỏ chúng vào một cái xô rồi ông nói: “Chúng mày sẽ sáng mắt ra. Tao sợ lắm.”

Cha tôi lại lôi về nhà một thắng nhóc nữa. Tên nó là Nam. Bùi Văn Nam. Cha tôi nói thế. “Tao tóm được lúc nó đang móc túi ở bến xe. Nó lủi như chạch.” Cha tôi nói. Tôi ngắm nhìn Nam. Người nó tướp máu. Máu trên tóc nó đang nhỏ từng giọt xuống sàn nhà. Tôi muốn nói với nó về những bông hoa ướt ngoài vườn và về những con vật sắp xuất hiện trên cửa kính. Nhưng Nam không nhìn tôi. Nó không nhìn vào mặt tôi. Nó nhìn vào váy mẹ tôi. Nam nhìn vào những bông hoa nhỏ xíu trên váy mẹ tôi rồi nhìn xuống sợi dây thừng đang trói chân nó. Nó lí nhí gì đấy tôi không nghe rõ.

Bố tôi nói hãy nhốt Nam vào nhà kho và ông nhắc mẹ tôi nhớ mua thêm ớt và tiêu. “Lá chanh nữa.” Ông nói.

Ngoài trời những con gió lạnh lại rít lên. Tôi không muốn đi học. “Cậu học lớp mấy?” Tôi hỏi Nam nhưng nó không trả lời. Nó nhìn qua cửa sổ và ngắm những cánh hoa ướt. “Ướt.” Nam nói.

Ông tôi vẫn mải miết rút những sợi chỉ đỏ từ những bức tường ẩm trong mùa đông.

Rồi mẹ tôi lôi Nam vào nhà kho. Ở đấy rất tối và nhiều muỗi vô cùng. Nam sẽ bị nhốt ở đấy cho tới khi nào mắt cha tôi đỏ ngầu lên. Tôi biết mẹ tôi lại mua rất nhiều tiêu, ớt và lá chanh. Trước khi vào nhà kho, Nam nhìn vào những bức tranh ngổn ngang của anh trai tôi trên tường nhà. Nam bước qua phòng vẽ của anh tôi. Nam nhìn vào bàn tay đầy màu đỏ của anh tôi. “Máu.” Nam nói. Anh tôi ngước lên nhìn Nam rồi lại hí hoáy vẽ. Anh bị câm. Anh nói bằng những bức tranh lấm máu của mình.

“Nhìn vào mắt nó. Nhìn vào mắt nó đi.” Ông tôi nói rồi lại bận rộn với những sợi chỉ đỏ trong góc tường.

Tôi bảo mẹ hãy nhìn vào mắt Nam. “Tao đã nhìn.” Mẹ tôi nói. Nhưng tôi biết mẹ tôi đã không nhìn vào mắt nó. Tôi rón rén xuống nhà kho, tôi nhìn qua khe cửa và thấy đôi mắt của Nam ánh lên một tia sáng màu xanh. Trong bóng tối, Nam đang liếm lên lòng bàn tay. Nó lại lí nhí những gì tôi không nghe được.

Tôi gạt bóng tối sang một bên và trườn về phía Nam. “Mày thích mùi lá chanh không?” Tôi hỏi Nam nhưng nó không trả lời.

“Ướt.” Nam nói. “Máu ướt hết tao rồi.” Nam nói, nhưng hình như nó không nói với tôi, nó nói với màn đêm đang liếm lên mắt nó. Ngoài vườn gió lại tru.

Ban đêm, những sợi máu ông tôi rút ra ánh lên một vầng sáng mê hoặc trong những chiếc xô nhỏ. Những chiếc xô nhỏ bây giờ trông như những ánh đèn. Chúng sáng lấp lánh mỗi khi khuôn mặt rạng ngời của ông tôi nhìn vào chúng. “Mày xem, lại mà xem màu của lịch sử này. Chúng tao đang hành quân...” Ông tôi nói rồi rón rén đem những xô máu đó đổ lên những bức tranh của anh tôi. Sáng mai, anh tôi nhìn vào những bức tranh của mình và cười sung sướng bởi anh tưởng rằng máu trong tranh của anh đã tự sinh sản ra những hình thú quái dị.

Bằng cách quái quỷ nào đó Nam đã lết ra được chỗ anh tôi ngồi vẽ. Trong đêm, mắt Nam sáng xanh như mắt chó mực. Nam nhìn màu đỏ đang bết thành từng tảng lớn trên những bức tranh của anh tôi. Thỉnh thoảng, Nam le lưỡi liếm lên những tảng màu đỏ ấy rồi cười trong đêm khuya khoắt. Sáng ra, những hoạ tiết mới được hình thành bởi chính lưỡi của Nam trong đêm qua. Anh tôi nhìn vào bức tranh và thêm lần nữa anh tin tưởng rằng bức tranh của chính mình đã tự sinh sản ra những mảng màu máu mới tươi rói. Sự tươi rói của máu trên tranh khiến anh tôi thèm khát. Nếu nói được có lẽ anh sẽ thét lên: “Chọc... chọc... chọc...”

“Chọc chưa.” Cha tôi mệt mỏi cởi chiếc áo màu vàng vứt xuống ghế. Ông ngồi xuống bàn ăn và chờ đợi. Mẹ tôi vẫn hí hoáy trong bếp. “Chọc chưa?” Cha tôi gắt lên. Ông luôn như thế mỗi khi đói và bực bội. “Chưa, nó còn khoẻ lắm.” Mẹ tôi nói rồi bưng thức ăn lên. “Ngày nào cũng tóc, cũng ngón tay xào măng thế này, không ngán hả?” Cha tôi nói. Mẹ tôi không nói gì, bà luôn tránh những lời chì chiết của cha tôi. Cha tôi không bao giờ vào bếp để hiểu được cái khó của người nội trợ.

Trong khi đó, ông tôi vẫn rút mãi những sợi chỉ đỏ từ những bức tường rồi lại tưởng tượng răng mình đang hành quân trên những đèo cả gió.

“Tao sợ ướt.” Nam nói với tôi.

Tối nay tôi quyết định ngủ lại với Nam trong nhà kho. Tôi lại muốn thấy được đôi mắt sáng xanh của nó trong đêm. Tôi không biết trong khi lùng sục trong đêm thì mắt cha tôi có sáng xanh như mắt Nam không. Mắt tôi không sáng xanh được như thế. Tôi sờ lên khuôn mặt của Nam. Nước mắt của nó đã biến thành một lớp màng nhầy phủ lên da mặt nó. Tôi hỏi Nam về cảm giác bị trói và liệu những giấc mơ về đôi cánh màu trắng sau lưng của Nam có biến thành sự thật được hay không. Nam không nói, nước mắt nó lại rịn ra. Tôi ngồi bên Nam và ngửi mùi sơn dầu mà anh tôi đang pha với xăng để vẽ. Giờ này anh tôi đang vẽ máu, và tôi cá rằng nửa đêm Nam lại lết ra phòng anh trai tôi để liếm lên tranh của anh ấy. Trong đêm, mắt Nam sáng xanh cả một góc nhà. Khi thứ ánh sáng kỳ diệu đó chiếu lên những tảng màu đỏ đông cứng trên tranh anh tôi thì những tàng màu đỏ đó tan ra và trôi trượt đi trên bố, tạo thành những hình thù kỳ quái.

Mưa vẫn không ngớt táp vào cửa kính, trong mơ, tôi vẫn mải mê đuổi theo những cánh chim màu trắng ấy. Rồi khi có tiếng sét, tôi mở mắt. Nam không còn nằm bên tôi nữa. Tôi bước về phía phòng tranh của anh tôi, anh tôi đã ngồi đó từ lâu. Trên tay anh tôi là sợi dây thừng đã dùng để trói Nam. Tôi nghe tiếng mài dao sau bếp. Cha mẹ tôi đang thì thầm trò chuyện. Cha tôi đang phàn nàn về việc đã hai ngày qua ông chẳng tóm được ai cả. Lũ tội phạm càng ngày càng tinh ranh. “Chúng đông như quân Nguyên những lủi như chạch.” Cha tôi nói. “Cố gắng thái lá chanh cho thật mỏng. Đừng để huyết loãng như thế. Tôi thích những bát tiết canh đặc. Giảm ga đi.” Cha tôi nói.

Gió lại thổi vào cửa. Tôi nhìn những tia máu của Nam bắn vào cửa kính trông như những đóm pháo hoa mà chúng tôi thường thấy ngươi ta bắn lên trời trong những ngày lễ lớn. Rồi tôi nhìn ra ngoài vườn. Trời gần sáng, những cánh hoa ngoài kia lại rơi. Đêm qua mưa gió bão bùng.

Bên giá vẽ, anh tôi lại nằm co quắp rồi rên vì lạnh và đói. Cũng có thể anh đang buồn đau khi thấy một hình ảnh nào đó trong những giấc mộng của anh nhưng không cách nào anh thể hiện được chúng trên bố. Không phải bất cứ cái gì anh tôi tưởng tượng ra cũng có thể vẽ lên trên tranh được.

Mẹ tôi để những ngón tay của Nam và một ít muối tiêu có chanh xuống bên giá vẽ của anh trai tôi. Bữa sáng, anh trai tôi ăn rất ít. Anh vừa ăn vừa nhìn nhìn những hoạ tiết vừa mới sinh sôi trong tối qua, rồi anh cười. Mắt anh sáng rực lên. Như máu.

Trong góc nhà, ông tôi lại ho. Những sợi chỉ đỏ ông rút ra từ những bức tường giờ đây đã thành những đống lớn cao hơn người tôi. Rồi ông lại hát say sưa những bài ca bất tận.

Trong giờ đạo đức, khi cô giáo đang vẽ lên bảng những quả tim ấy thì tôi lôi ra từ cặp xách hai con mắt sáng rực của Nam, đưa cho Hùng để đổi lấy hai mươi viên bi đủ màu sắc lấp lánh. Cô giáo bảo tôi hãy liên tưởng đến sự tương đồng giữa mầm non và tuổi trẻ. “Mắt Nam sáng xanh.” Tôi nói. Ngay lập tức cô nện tôi bằng chiếc thước gỗ lim trên tay cô. Cả lớp cười rộ lên. Cười man dại.

Nhưng vui. Tôi thích cái không khí man dại ở lớp, và bây giờ tôi hân hoan ngồi trên thềm nhà trong tiếng hát của ông tôi để đợi cha tôi lại lôi về một thằng oắt con nữa.

Mắt nó có sáng xanh không?

 

 

-------------

Đã đăng:

Thét  (truyện / tuỳ bút) 
... “Cha ơi, chờ con với.” Tôi nói nhưng cha tôi không nghe thấy. Tôi chạy theo cha. Dưới lòng đất hình như có tiếng thét, có lẽ đó là tiếng thét của mẹ tôi. Hai cha con lao đi trong đêm tối. Lao đi như những kẻ mộng du. Những kẻ mộng du rớt vào hố thẳm... (...)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021