thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
I-VIII

 

I

 

Đường trước là đường sau, đường trên là đường dưới, đường cao là đường tháp và đường thấp, đường thẳng là đường tròn. Trước đường hay đường trước? Đường hay đàng? Đàng trong và đường ngoài. Lên đường hay trên đường? Lạc đường không hẳn là lộn đường. Liệng ra ngoài đường, liệng ra trong đường, tự quăng lên đường, thảy ra một cái, phải liệng rồi, có con én nào nó liệng? Những con đường liệng ngang qua trí nhớ. Ném lên một mối liên tố giữa con đường và con chim. Vứt đi liệt bại cơ thể, chọi vài con cưởng sành mỏ vàng. Đường trước là tờ giấy trắng trước: trước đường, trước tờ giấy trắng, trước đầu, đầu đi trước. Chọi một viên gạch, ném đi một đời người. Đâu là liên tố giữa hai nhịp hiện thức?

 

 

II

 

Tây tạng, nam tạng, trung tạng, bắc tạng, đông tạng, Thai Tạng. Tàng tích của gạch Bát Tràng? Táng khí, táng khí! Tảng sáng là tính thể trong sạch, rắn chắc, tao ngộ giữa cơn tát nước và con cá ở dưới ao... Tao nạn của văn chương, chữ nghĩa và đột hứng. Trọng lực của bông hồng trắng, tròng đỏ của ái tình, cứ lên đường, cứ phải lên đường. Mệt quá, trọng pháo yểm trợ làm xốn mắt. Hàng xóm bu quanh giếng nước, tiếng xôn xao, âm thanh tự phản song song, tiếng chuông nhà thờ lúc 12 giờ trưa. Con ngươi chứa đựng trí nhớ hỗn mang, đàng trước con ngươi là con đường ngược mắt. Tưng tiu vài ba chữ Việt, người ngọc nhựa cây tốt nái: tổng động viên tất cả những cảm giác tại ngũ và trừ bị. Theo đuổi và bắt chước tấn tuồng bi kịch Hy Lạp, trừng thanh. Theo mái về chuồng?

 

 

III

 

Ai bảo thời gian là đi trước? Thời gian không đi, vì thời gian là bức thư tình còn lại nằm trong trí nhớ hay trong kẹt cửa ngôi nhà cháy. Người tình đi hoài cho đến tảng sáng. Người yêu đi trước tình yêu. Thanh trừng tất cả và tất cả. Tưng tiu đôi đường nét, chấm bên đây, gạch ngắn dưới chân. Tạo lại liên tố giữa con cưởng bông và con cưởng sành. Không thể chạy trốn được tiếng chim kêu. Năm dòng chữ đoạ đày nhân lên làm hai. Yêu đời và chán đời, con ngươi của người mù, mỗi người suốt ngày nói chuyện với mình suốt đêm. Trừng thanh! Tiếng động xôn xao bên chỗ lấy nước. Ái khanh? Liệng lên một tràng liên thanh trừ tịch. Liêu trai chí dị. Những cung tần mỹ nữ triều đại cũ. Lửa soi đường, hồi khí, những đền thờ Hồi Giáo, người ăn mày xách áo chạy...

 

 

IV

 

Giấc nồng nặc, rượu vàng đêm hai mươi chín tết. Đường hẻm khu xóm tuổi nhỏ. Đường lót gạch rong rêu, vách tường ai vẽ hình tục tĩu. Tuổi dậy thì tọc mạch. Linh thiêng đâu đó sân khấu cải lương, lựu đạn nổ, máu chảy, người chạy mất. Đương đầu với những tử thi, cây đa, bến cũ, đường xe lửa bị giựt mìn... Hồi quang, phản ảnh vài chục kiếp người, thời gian, tiếng xôn xao và nước chảy. Lùng bắt đôi ba câu huyễn mộng, thực thế thì chỉ có thế. Thế thì thôi, gió nước. Cô phong độc tú, không gian trong gian phòng, không gian trong thời gian, thời giờ. Nói khao khao, gió vút lên cao, gió rít lên miễu rắn, con ngựa đứng trên đồi sương. Kháng cự, tranh đấu, cứng đầu, đi nữa, đi tới, con đường trước, trước đầu, chịu! Lên trên trời, leo xuống biển, 50 nước nhược tiểu, chư hầu, hậu duệ, lịch sử. Đợi.

 

 

V

 

Hãy vỗ tay đi! Đầu hàng, bại trận, bất phân thắng bại. Mười năm, cứ lại mười năm. Đắm sắc say tình, kỳ đài Huế, cưng dưỡng lỗ rún, chát chúa màng nhĩ, rào giậu năm xưa, dưỡng mục hài nhi, dẫn lực vũ trụ trong mỗi một tiếng nói tình cờ: Nhân duyên hồi dương tương nhượng, dẫn thuỷ nhập điền cho sáng tạo nông trại, hồi loan trở lại tiền kiếp ở tu viện Tây Tạng, đoạn đầu đài của hạnh phúc giai đoạn tuyến, bế môn tu trai, bế quan toả cảng, buổi chiều ở bãi biển Thuận An. Say hoa đắm nguyệt, đặc chú cho hồi ký, tất cả mọi cử chỉ đều dẫn nhiệt kỳ lạ. Ăn mày lộc Phật từng giây phút mỗi ngày, cội rễ, cởi truồng tắm mưa, khánh thành ý thức mới, khao khát, thế mà cả đời vẫn khang thái, bao nhiêu nàng hậu phi đã đi qua trong đời, dẫn tích xưa làm tông miếu cho hiện tại. Cõi âm tiều tuỵ.

 

 

VI

 

Đánh trống đúng nhịp múa lân. Con lân làm bộ ngủ. Vụt sừng sững nhô đầu dậy. Tiền treo trên cao, trên từng lầu thứ năm. Con lân quyết bụng trừng mắt. Ông địa bụng bự, cái quạt sau đít. Thằng nhỏ đã đời, hai mắt thòi lòi. Rồi, nhớ đời, tuyệt nhiên nhớ rõ rồi. Giang thanh, giang thanh! Cơn gió thổi bay tờ giấy viết nửa chừng... Mặt trời nóng, uống nước mía. Chỉ có những vết thương làm cho cuộc đời đáng sống hơn nữa. Lặng nghe bước chân hồi hương. Say hoa đắm nguyệt mà chi? Huyệt vần với nguyệt. Thu vần với tu. Ru ngủ qua bao nhiêu năm dài. Đâu rồi? Đâu? Mỹ miều, sương sớm, lạ quá, quá sức. Sực nghe bầu thai động đậy. Viết nữa? Thơm tho và thơm tho, lỗ mũi quá nhạy, nhảy mũi, không khí trinh khiết, sạch. Yêu thương, con lân và ông địa. Đàn bà và con gái, nghiệp dĩ, ai bày đặt chữ?

 

 

VII

 

Đừng nói nữa! Không còn gì để nói... Tìếng nói đẻ ra con người. Im lặng đẻ ra đường trước và tiếng nói lên đường. Không phải muốn viết gì thì cứ viết. Những buổi trưa hè ở Việt Nam, đường phố Catinat vắng người, hai ba người ngoại quốc đứng ngó mấy cái quạt máy. Thằng Tây đảo Corse làm chủ quán rượu bến tàu. Mấy đứa văn nghệ đánh cờ tướng. Rất điệu nghệ như tranh Cézanne. Mấy cây me ven đường. Những đứa nhỏ đánh giày. Những chiếc xích lô. Thằng bạn ngồi tán gái một cách trang trọng trong quán rượu đường Tự Do, nó giấu những bức thư tình tiếng Tây trong túi quần, viết riêng cho người tình bí mật, mê đọc Malraux, sau này viết bình luận chính trị cho Vấn Đề của Vũ Khắc Khoan; Khoan ca tụng tài năng chói lọi lên cao. Khoan đã chết, còn thằng ấy bây giờ lang thang ở đâu bên đất Saint-Germain-des-Prés? Hiện thân "trầm thống" của những thằng con trai Huế lý tưởng cô quạnh tháp Chàm? Túp lều bằng lá của Trần Tuấn Kiệt dựng lên trên mấy nấm mồ khu nghĩa địa Phan Chu Trinh, buổi tối ngồi chồm hổm ăn thịt sườn heo nướng với vợ con nó, chuột cống chạy tứ tung; nó trịnh trọng đọc thơ và vợ nó âm thầm quảy gánh hàng rong nuôi nấng ông chồng thi sĩ có đầu tóc giống tổ chim. Bây giờ thằng Kiệt nó đang làm gì giữa những nấm mồ ở quê hương? Thằng thi sĩ Hoàng Trúc Ly cũng đã chết? Bạn bè đều chết từ từ... Liệng ra ngoài đường, thảy ra quá khứ, vứt đi liệt bại thần trí, ném lên mối liên tố giữa đường trước và trước đường, chọi vài ba chữ nghĩa vào phân lừa. Đường Catinat, rạp hát Majestic, hai ba trận chiến tranh. Đâu là con lân râu bạc?

 

 

VIII

 

Vô tình ngó lại một chữ, chỉ có một chữ vorweg và rồi chỉ có một chữ ahead liên tưởng trong ngôn ngữ ngoại lai đã tạo ra những con đường mòn bất ngờ trong bảy đoạn văn trên qua những âm thanh quen thuộc của quê hương... Đâu là liên tố giữa hai nhịp tim?

 
 
----------
Phạm Công Thiện, Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (California, USA: Trần Thi, 1988), chương 37, trang 313-320.
 
 
Đã đăng:
 
“... Trong 22 năm trời (với mấy trăm ngàn triệu người đã chết im lặng trên mặt đất) mà chỉ cho xuất hiện có một tập thơ mong manh với 12 bài thơ thực ngắn, như thế thì cũng đã nói quá nhiều đối với một người đang còn sống sót trong đôi phút phù du nữa và đang học hoài học mãi sự im lặng nào đó trên cao?”...
 
Bình thản, bình tĩnh, thanh thản, thanh bình, yên lặng, trầm tĩnh, trầm lặng, dịu dàng, nhẹ nhàng, ông tự lặp đi lặp lại trong đầu và tìm cho ra hết tất cả những chữ đồng nghĩa với chữ “Ruhe”, xe lửa bắt đầu chạy chậm lại và ông nói thầm: “Trên tất cả đỉnh cao...” (...)
 
5 bài thơ 5 chữ  (thơ) 
Bôn ba ngoài vạn dặm / Cũng chỉ một trăng rằm / Bao nhiêu là hố thẳm / Xoáy về nốt ruồi đậm...
 
Thôi nôi con trường giang mọi rợ / tôi mọi mãi mỗi trường an / con diều hâu chạy bắt con chim / con chim lòn qua kẽ núi / lọt ra gió Hải Nam thổi hiu hắt về trường sơn / nước trường giang mẹ ru chim ngủ / con lớn khôn rồi bỏ mẹ bay xa...
 
Anh sẽ hiện  (thơ) 
Anh sẽ hiện ồ anh sẽ hiện / Cả rừng cây không ai lên tiếng / Bóng tối tràn vũ trụ tan hoang / Tiếng thơ kêu trên đầu con kiến...
 
Chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài, gái thổ gài tổ chim trên lưng ngựa thồ. Vùng núi cao thổ phồn sinh sôi nẩy nở phôi châu của ngút ngàn bông đậu tía. Cơn giông tố rã rượi trên thiên đảnh tuyết sơn, hốt nhiên vùng dậy tung hoành, làm sụp ngã những cây tùng lạc diệp, và bao dong con chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài...
 
 
_______________________
Nhận định về Phạm Công Thiện:
 
Đọc lại Phạm Công Thiện  (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn Hưng Quốc
... Không ít người vẫn cho văn của Phạm Công Thiện là tối tăm. Tôi nghĩ ngược lại. Vấn đề không chừng là ở cách đọc. Có thể vận dụng kinh nghiệm đọc Kafka của Phạm Công Thiện vào việc đọc chính Phạm Công Thiện: “Một thi sĩ đọc tác phẩm của Kafka sẽ hiểu gấp ngàn lần hơn một triết gia, học giả hay nhà phê bình.” ... (...)
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021