thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người đàn ông trong bộ pyjama

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

EUGENIO MONTALE

(1896-1981)

 

Eugenio Montale là một trong những khuôn mặt quan trọng nhất của văn chương Ý thế kỷ 20. Ông đem đến cho thi ca tiếng Ý hiện đại những đóng góp to lớn như T.S. Eliot đã đem đến cho thi ca tiếng Anh hiện đại. Bên cạnh khối lượng thơ đồ sộ xuất bản liên tục suốt cả đời, Eugenio Montale lại còn sử dụng ngòi bút cho những thể loại khác. Ông nổi tiếng như một nhà phê bình văn học kiệt xuất và một nhà viết truyện ngắn đặc sắc. Ông được trao tặng vô số giải thưởng văn học quan trọng, trong đó có giải Nobel Văn Chương năm 1975.

 

___________________

 

NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRONG BỘ PYJAMA

 

Tôi bước ngược xuôi theo hành lang, trong bộ pyjama và đôi dép lê, và thỉnh thoảng tôi đạp nhầm lên một đống vải bẩn. Đó là một khách sạn hạng A. Có hai cái thang máy cho khách và một cái thang máy để chuyển đồ vật, nhưng hầu như lúc nào chúng cũng hư, mà khách sạn lại không có nhà kho để chứa tạm những thứ chờ được giặt như khăn trải giường, áo gối và khăn tắm, cho nên những cô hầu phòng đành phải chất chúng thành từng đống tại những nơi thuận tiện, nghĩa là, tại bất cứ xó xỉnh nào. Vào đêm khuya, tôi hay đến viếng những xó xỉnh ấy và vì thế những cô hầu phòng không bao giờ ưa tôi. Tuy nhiên, vì tôi có biếu họ chút tiền lẻ, nên họ im lặng chấp nhận để cho tôi lang thang bất cứ nơi nào tôi muốn. Lúc ấy đã quá nửa đêm và tôi nghe tiếng điện thoại reng khe khẽ. Có phải từ phòng tôi không? Tôi rón rén lướt về phòng tôi nhưng nhận ra rằng điện thoại reng từ phòng bên cạnh - phòng 22. Khi tôi quay lại, tôi tình cờ nghe lóm một giọng đàn bà đang nói vào ống điện thoại: "Hãy khoan đến, Attilio; có một người đàn ông mặc pyjama đang bước qua hành lang. Hắn có thể trông thấy anh."

Tôi nghe từ đầu dây bên kia có một giọng người nói lảm nhảm điều gì đó không rõ ràng. Nàng trả lời: "Ôi, em không biết gã là ai - một tên thảm hại lúc nào cũng đi loanh quanh lòng vòng. Làm ơn, đừng đến. Có điều gì, em sẽ cho anh biết." Nàng đặt ống nói xuống đánh cốp một tiếng. Tôi nghe bước chân nàng đi lẹp xẹp trong phòng. Tôi vội vã lướt về cuối hành lang, nơi có một cái ghế bành, một đống vải khác và một bức tường. Nhưng tôi lại nghe cánh cửa phòng 22 mở ra và tôi đoán rằng người đàn bà ấy đang theo dõi tôi qua khe cửa hé. Tôi không thể đứng lâu ở chỗ của mình, vì thế tôi chậm rãi đi ngược trở lại. Trong vòng chừng mười giây đồng hồ tôi sẽ bước ngang qua phòng của nàng, nên tôi cân nhắc chọn lựa giữa những điều khác nhau: (1) trở về phòng của mình và khoá cửa lại, không lảng vảng đi đâu nữa cả; (2) làm như thế, nhưng có thêm một điều nữa, đó là bảo cho nàng biết rằng tôi đã nghe lóm được tất cả và tôi cố tình tự rút lui về phòng mình để nàng dễ dàng thực hiện ý đồ riêng; (3) hỏi nàng phải chăng nàng thực sự muốn gã Attilio đến với nàng, hay phải chăng tôi bị nàng đem ra như một cái cớ để tránh một trận đấu bò bực dọc vào ban đêm; (4) gạt cuộc điện đàm ấy ra khỏi tai và cứ tiếp tục đi loanh quanh; (5) hỏi nàng liệu nàng có thể chọn tôi thay vì Attilio để đạt được mục tiêu như đã nêu ra ở điều 3; (6) đòi hỏi nàng phải giải thích cụm từ "một tên thảm hại" mà nàng đã chọn để mô tả tôi; (7) . . . hơi khó khăn chút ít để tạo ra điều thứ bảy. Nhưng ngay lúc này thì tôi đã đến trước cánh cửa hé. Hai con mắt đen, một tấm áo choàng mỏng đỏ chói khoác bên ngoài một bộ đồ lụa, và mái tóc xoăn cắt ngắn. Chỉ một giây ngắn ngủi và khe cửa hé mở ấy vụt khép lại đánh cạch một tiếng. Tim tôi đập nhanh lúc tôi bước vào phòng mình và nghe tiếng điện thoại lại reng lên từ bên kia vách. Người đàn bà nói điều gì đó bằng một giọng xầm xì tôi không nhận ra. Như một con chó sói, tôi nhảy ngược ngay ra hành lang và cố gắng lắng nghe nàng đang nói điều gì. "Không thể được, Attilio, em nói không thể được mà..." Thế rồi tiếng ống nói đặt xuống lách cách, tiếp theo là tiếng bước chân nàng tiến gần đến cửa. Tôi chạy vụt về phía đống vải bẩn thứ nhì, loay hoay chọn lựa giữa điều 2, điều 3 và điều 5. Cánh cửa lại mở hé và tôi không thể nào đứng yên được nữa. . . . Tôi nói với chính mình: tôi một tên thảm hại, nhưng làm thế nào mà nàng biết được điều đó? Và biết đâu chừng nhờ tôi đi lẩn quẩn dọc theo cái hành lang này mà tôi đã cứu được nàng khỏi tay Attilio? Hay đã cứu Attilio khỏi tay nàng? Tôi sinh ra chẳng phải để làm người phân xử cho bất cứ điều gì cả, lại càng không là người phân xử cho đời sống của những kẻ khác. Tôi trở về phòng của mình, vừa đi vừa dùng chiếc dép đá một cái áo gối dọc theo hành lang. Lần này cánh cửa mở ra hơi rộng hơn trước và cái đầu tóc xoăn thò ra ngoài nhiều hơn một chút. Tôi chỉ còn cách cánh cửa ấy chưa đầy một thước cho nên, sau khi đã đá văng chiếc dép khiến người đàn bà thật sự chú ý, tôi rống lên to đến nỗi cuối dãy hành lang còn nghe rõ: "Tôi đã hết đi loanh quanh lòng vòng rôi, hưa Bà. Nhưng làm thế nào mà bà biết tôi là một tên thảm hại?"

"Mọi người ai cũng thảm hại cả," nàng đớp lại ngay và đóng sầm cánh cửa. Điện thoại lại reng lên lần nữa.

 

-----------------------
Nguyên tác: "The Man in Pyjamas", trong Anti-Story: An Anthology of Experimental Fiction, ed. Philip Stevick (NY: The Free Press, 1971) 293-294.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021