thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hang động

 

Bản dịch Hoàng Tân Nhân & Hoàng Tân Dân

 

ENRIQUE JARAMILLO LEVI

(1944~)

 
Enrique Jaramillo Levi là một trong những nhà văn, nhà thơ và kịch tác gia có công khởi xướng và phổ biến văn học Panama. Ông sinh ngày 11.12.1944 tại Colón, Panama; tốt nghiệp văn chương và triết học Đại học Panama năm 1967; lấy bằng MA về Tác văn và Văn học Mỹ Latinh ở Đại học Iowa, Hoa kỳ, năm 1969; MA về Văn học Mỹ và các nước nói tiếng Tây-ban-nha cũng tại Đại học Iowa, năm 1970; và hoàn tất chương trình Tiến sĩ Văn học Mỹ La tinh tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico, ở Mexico, năm 1975. Ông từng dạy tiếng Anh ở các trường Trung cấp ở Panama [1964-1987], sau đó là giáo sư tại nhiều Đại học: Đại học Tự trị Quốc gia Mexico [1975], Đại học Mỹ La tinh ở Mexico [1975], Đại học Độc lập Thủ đô Mexico [1975-1983], Đại học Panama [1983-1987 và 1990], California State University [San Bernardino, Hoa kỳ, Hè 1989], Oregon State University [Corvalis, Hoa kỳ, 1989-1990], Đại học Kỹ thuật Panama [từ 1996] và School of Writers ở Querétaro, Mexico [1993-1995]... Ông cũng từng đảm trách Trưởng ban Văn học thuộc Viện Văn hoá Quốc gia INAC, Panama, 1990-1992; Giám đốc Nhà xuất bản Đại học, Đại học Panama, 1992-1993; Điều hợp khoa Khoa học xã hội và Ngôn ngữ tại Đại học Kỹ thuật Panama, 1996-1997; rồi Điều hợp Phổ biến Văn hoá cũng tại Đại học này trong nhiều năm sau đó.
 
Ngoài ra, ông còn là người sáng lập và Chủ tịch Hội Nhà văn Panama [1986-1987], sáng lập và điều khiển tạp chí văn hoá Magical [1984-1987, 1990-1993, rồi 1996-1999], hướng dẫn nhiều lớp và nhiều hội thảo tại các trường đại học, và đứng đầu Nhà xuất bản “Signs”, đồng thời là người sáng lập nhiều giải thưởng văn học ở Panama.
 
Tác phẩm của Enrique Jaramillo Levi khá phong phú, với trên 50 ấn phẩm đủ loại. Về văn xuôi và truyện [được dịch và xuất bản ở nhiều nước như: Đức, Ba-lan, Áo, Bồ-đào-nha, Brasil, Mexico, Pháp, Hungary, Ý, Anh và Hoa kỳ... và xuất hiện trong 20 tuyển tập truyện Mỹ Latinh], ngoài những tiểu luận văn học khá nổi tiếng như Sinh ra để viết và những thách thức khác [Nacer para escribir y otros desafíos, Panama, 2000], Mỹ học của hi vọng [La estética de la esperanza, Panama, 1993 & 1995], Nhà văn và sự lương thiện trí thức [El escritor y la honestidad intelectual, México, 1995], gần 20 tập truyện vừa và truyện ngắn, trong đó có: Người bán sách [El vendedor de libros, El Salvador, 2002], Truyện bỏ túi - Tuyển tập truyện mini [Cuentos de bolsillo - Antología de minicuentos, Panamá, 2001], Ốc sên và những truyện kể khác [Snails and other tales, Mexico, 1998] ... – trong đó đặc biệt có The Shadow: Thirteen Stories in Opposition [Discoveries - Latin American Literary Review Press, Hoa kỳ, 1996] và tập truyện Duplications and Other Stories [Discoveries - Latin American Literary Review Press, Hoa kỳ, 1994]. Từ 1966-1967, ông đã cho ra đời ở Panama nhiều vở kịch như ¡Si la humanidad no pintara colores!, Alucinación, La cápsula de cianuro, Gigolo..., và trong vòng 1970-2003 rất nhiều tập thơ và tuyển tập thơ của ông được xuất bản ở Panama, Mexico, Costa Rica, nổi tiếng hơn cả là Phục hồi tiếng nói [Recuperar la voz - Poesia selecta:1970-1993, Mexico, 1994], và Hoàng hôn của ký ức [Los atardeceres de la memoria - 1970-1978, Mexico, 1978 & Panama, 2003]
 
Enrique Jaramillo Levi là người khai sinh và điều hành những giải thưởng văn học, và chính ông cũng từng đoạt nhiều giải thưởng như Giải Văn học Ricardo Miro [2005], Bằng Danh Dự trong thể loại sân khấu [1965]...

 

 

 

HANG ĐỘNG

 

Một con chó lấm chấm đen đang đánh hơi quanh cái vòi ống nước chữa lửa trước cửa kính tiệm buôn. Phía bên kia cửa kính, hình dạng những đồ vật hiện ra không rõ nét. Tôi mở cửa lớn tiệm của cha tôi và một tiếng chuông nhỏ reo lên. Khi tôi sắp bước vào bên trong, tôi có cảm tưởng rõ ràng là một cái mõm to tướng, sâu như một cái hang, sắp sửa nuốt chửng tôi. Thế nhưng tôi vẫn bước vào.

Con mèo của tôi đón tôi ở cửa. Con mèo yêu quí của tôi. Đôi mắt buồn của nó, với hai tròng đen tụ ở giữa, nhìn tôi một cách hiền lành trong khi nó uốn vòng cái lưng của nó. Những ngọn đèn néon màu vàng, xanh và trắng cứ loé lên rồi lại tắt. Các vách tường bốc mùi thơm hương trầm và gỗ thông quen thuộc. Tôi do dự một lúc. Tôi nhìn ra sau quầy và thấy cha tôi đang bận giúp một khách hàng trông có vẻ là một người Tàu. Tôi tiếp tục đi về phía chỗ mà nhiều lần tôi được dặn là không được đến.

Sau khi bước dọc theo lối đi dài với những dãy chất những chiếc hòm xưa và những đồ đạc bị bỏ quên, tôi đi vào “hang động”. Đó là chữ anh tôi dùng để gọi nơi này. Anh vẫn bảo, “Bố chứa đủ loại những thứ đồ kỳ lạ trong đó. Mỗi lần anh đi vào, dường như những con cá sấu nhồi bông nhìn anh có vẻ không vui. Anh tự hỏi tại sao những con cá sấu kia lại nằm trong hầm chứa ấy. Rất có thể đây chỉ là những con kỳ nhông hay những con thằn lằn khổng lồ Bố đã sưu tầm được.”

Đủ loại những áo quần vải vóc cũ trông giống như y phục sân khấu treo bừa bãi trên những cái móc đóng đinh trên tường hầm chứa đồ. Tôi chạm vào tấm lụa, vải đã mòn và bẩn, và một con nhện khủng khiếp suýt cắn tay tôi. Tôi la lên một tiếng và đúng lúc đó con ngựa gỗ nhỏ màu trắng có cái chân bị gãy, từ lâu lắm rồi đã biến mất một cách bí ẩn, giờ đu đưa qua lại, hớn hở đón tôi từ góc nhà phủ đầy mạng nhện. Ngọn gió dịu chạy luồng qua cái ống thông hơi làm đong đưa nhẹ một miếng cá biển mặn treo trên một sợi dây kẽm từ trần nhà thòng xuống. Tôi không biết cái gì lúc bấy giờ đã làm tôi dang bàn tay ra và rút một miếng da dai nhách màu đậm ấy và cho vào miệng nhai, nếm cái vị muối nhắc tôi nhớ đến những đại dương có bọn cướp biển trên các tàu thuyền.

Tôi tiếp tục bước vào bóng tối. Tôi cảm nhận có những bóng đen di động ở cuối phòng và nghe những âm thanh nhỏ, kêu ken két. Tôi bắt đầu phải chiến đấu với nỗi sợ đang cảm thấy và tim tôi bắt đầu đập như điên. Tôi có những cảm giác kỳ lạ trên da mình và tôi không biết có phải đó chỉ là do mình tưởng tượng hay là do những hồn ma mà tôi không nhìn thấy được. Tôi dừng chân để lắng nghe. Vâng, bây giờ thì âm thanh nghe lớn rồi. Tôi nghe một tiếng thét. Tôi nhấc bàn chân lên; trong hang mọi thứ hoàn toàn im ắng.

Những sợi dây kẽm cuộn xoắn thò ra ngoài mấy cái thùng tạo nên những hình thù lạ lùng. Những mùi thối rỉ ra từ mấy cái chai cũ và làm tôi thấy choáng váng. Tôi bỗng trông thấy đôi mắt sáng tròn xoe của một con chuột khổng lồ. Tôi hét to và thấy hai con mắt biến mất trong bóng tối. Tôi cảm thấy có những vật lạ va vào hai mắt cá của tôi, và tôi bước lùi một bước. Và lại một vật khác nữa. Tôi bước lên một cuộn dây kẽm mà tôi nghĩ là một con rắn chuông quấn quanh bàn chân tôi. Tôi muốn bỏ chạy, nhưng tôi lại giẫm rồi ngã lên một cái thùng nằm trong một cái thùng khác lớn hơn. Tôi cảm thấy mình nhỏ lại rất nhiều. Và quả thật là như thế, vì lúc bấy giờ tôi nhìn thấy hai con mắt to tổ bố của con mèo của tôi chiếu sáng như những ngọn đèn đường trong bóng đêm. Hai con mắt nhìn chòng chọc vào tôi một lúc lâu, kiểu thôi miên, như thể mọi thứ đã đột ngột ngưng vĩnh viễn. Con mèo đưa ra hai cái vuốt chân trước to đùng của nó và đặt chúng lên mép cái thùng lớn, cắt đứt trạng thái hôn mê kỳ lạ của tôi. Khi nó vươn dài người, nó hạ thấp cái đầu to đùng đầy đe dọa kia. Tôi thấy bóng mình phản chiếu trong hai cái hồ lỏng bỏng nước đang tiếp tục nhìn chòng chọc vào tôi. “Ta đây mà... Anita!” Tôi nói, tìm cách làm cho nó bình tĩnh. Nhưng nó há cái miệng rộng toang hoác của nó. Tôi ghê tởm cái mùi cá tuyết trong hơi thở của nó.

Tôi nhìn thấy những cái răng nanh nhọn hoắt của nó đến gần. Tôi còn có thể thấy chúng từ từ chọc thủng bóng tối. Bằng một động tác nhanh, tôi tìm cách túm lấy một trong mấy chùm râu dài, co dãn của nó và đu lên nó với hi vọng có thể nhảy ra khỏi cái thùng. Tôi nhắm mắt lại để khỏi run trước hai con mắt chéo bối rối đang nằm chình ình ngay trước mặt tôi, tiếp tục quan sát tôi đu đưa từ bên này qua bên kia.

Tôi buông chùm râu của nó và ngã lên cuộn dây kẽm, lúc bấy giờ đã phủ quanh người tôi. Tôi không cử động được. Tôi bấy giờ là một con búp bê nhỏ xíu bị kẹt trong chỗ xoáy nước với những làn sóng kim khí dao động như những cái lò xo mới bóng loáng. Một tiếng meo meo kêu lớn khiến tôi ngẩng đầu nhìn lên. Cái mõm rộng, tối thui với những chiếc răng nanh nhọn hoắt đang đến gần tôi.

Đột nhiên một ngọn đèn bật sáng. Con mèo bỏ chạy. Hai bàn tay lực lưỡng của cha tôi bắt đầu gỡ những sợi dây kẽm đã làm tôi bị kẹt. Tôi nhìn lên mặt cha để giải thích cách nào đó, để ra hiệu. Tôi chỉ thấy sắc mặt ngày thường của cha, tựa như chẳng hề có chuyện gì bất thường xảy ra. Cha giúp tôi đứng lên và tôi vừa phủi bụi vừa cố gắng rứt ra khỏi những ký ức không đẹp đẽ kia. Mọi thứ trở lại bình thường. Tôi xác nhận điều đó khi cái gương soi trên tường phản chiếu chiều cao bình thường của tôi. Nhưng xương xóc tôi đau. Chúng cảm nhận một cái gì là lạ, căng thẳng, và nóng bên trong. Một tiếng chuông nhỏ reo lên. Tôi biết là có một khách hàng mới bước vào tiệm. Cha bỏ đi và đưa hai bàn tay ra dấu cho tôi đi theo. Trước khi rời nơi đây, tôi muốn nhìn lại chính mình trong gương một lần nữa. Tôi trông thấy con mèo tiến lại gần tôi từ phía sau. Như thường lệ, tôi to lớn hơn nó ít nhất gấp ba lần. Thế rồi con mèo kêu một tiếng meo. Tôi quay người lại để đối diện với nó. Hai con mắt chéo của nó chiếu sáng dưới ánh đèn treo trên trần nhà. “Mi đâu phải là mèo dữ... phải không nào?” Tôi nói thỏ thẻ. Tôi cảm thấy có hơi nóng xốn xang trong xương. Khi con mèo bỏ đi, lắc lư cái đuôi láo xược của nó, tôi chắc chắn là tôi nhìn thấy nó nháy mắt nhìn tôi.

Suốt mấy tuần lễ sau, tôi cảm thấy rất đau nhức ở xương khi trới mưa, đặc biệt vào ban đêm. Sau đó tôi không bao giờ đến gần mèo. Anh tôi nghĩ rằng ngày hôm ấy tôi buồn ngủ trong cái hang động và đã có một giấc ác mộng khủng khiếp. Tất nhiên đây là cách giải thích nghe xuôi tai hơn cả. Ai người ta cũng nói như vậy thôi.

Nhưng chỉ có tôi là biết rằng ngay bây giờ đây, không biết bao nhiêu năm sau, khi mưa dữ dội và khi trời lạnh, tôi vẫn còn nằm đắp chăn, sợ không dám nhìn mình trong gương.

 

 

------------------
Dịch từ bản tiếng Anh “The Cave” của Cynthia L.Ventura trong Where Angels Glide at Dawn - New Stories from Latin America, do Lori M. Carlson và Cynthia L. Ventura biên tập, Isabel Allende giới thiệu (New York: J.B. Lippincott, 1990).
 
 
 
Chú thích:
Minh họa là tranh mộc bản của José Ortega, hoạ sĩ người Ecuador, tốt nghiệp School of Visual Arts, New York. Câu chuyện trên xảy ra ở Panama, một nước Trung Mỹ nằm trên eo đất Panama, tiếp giáp Đại tây dương và Thái bình dương. Tàu bè khắp thế giới đều qua lại trên con kênh của xứ này.
 
 

Những tác phẩm khác trong cùng một tập truyện:

Ngày xưa có một vùng đất thần thoại ở tận cùng thế giới, có tên là châu Mỹ. Những nhà thám hiểm từ châu Âu từng tìm ra vùng đất này, khi trở về nhà đã kể lại cho mọi người là họ đã nhìn thấy những con sông rộng như biển, những khu rừng không ai đi vào được, những sa mạc cát trắng nóng bỏng, và những ngọn núi cao ngất đến nỗi đỉnh với tới tận trời cao, nơi có những thiên thần bay lượn trong buổi rạng đông... [Bản dịch Hoàng Tân Nhân & Hoàng Tân Dân]  (...)
 
... Và, với đôi mắt nhắm như thế, tôi bắt đầu nghĩ đến đủ mọi thứ chuyện. Tôi vẫn không hề dừng chân... Tôi tiếp tục bước đi, với đôi mắt nhắm, dĩ nhiên... — Truyện ngắn của Reinaldo Arenas (1943-1990), nhà văn Cuba lưu vong, một trong những cây bút hiện thực thần kỳ được nhiều người đọc ái mộ nhất của thế hệ hậu cách mạng ở Cuba. [Bản dịch Hoàng Tân Nhân & Hoàng Tân Dân]  (...)
 
Lão Paletón là một tay triệu phú vốn quen muốn gì được nấy. Mỗi buổi sáng, trước khi ra khỏi giường, lão phải gãi cái bụng của mình, ngước nhìn lên trần nhà, và tự hỏi: “Này Paletón, hôm nay nhà ngươi thích mua cái gì đây?”... [Bản dịch Hoàng Tân Nhân & Hoàng Tân Dân] (...)
 
Chiếc dù đen to tướng  (truyện / tuỳ bút) - Agosín, Marjorie
Khi chị đến nhà chúng tôi chị che một chiếc dù đen to tướng. Một nhánh hoa đành đành trắng lủng lẳng bên tai trái của chị. Em Cynthia và tôi vừa trông thấy chị là đã thấy mê tơi rồi. Chúng tôi cũng cảm thấy có chút sợ hãi nữa. Chị trông giống như một con cá khổng lồ hay một mệnh phụ bị đắm tàu ở nơi xa nhà... [Bản dịch Hoàng Tân Nhân & Hoàng Tân Dân] (...)
 
Diễn văn của gấu  (truyện / tuỳ bút) - Cortázar, Julio
Tôi là con gấu sống trong những đường ống của toà nhà. Tôi leo trèo qua các ống dẫn vào những giờ khắc yên tĩnh, những ống dẫn nước nóng, những ống lò sưởi, những ống dẫn của máy điều hòa không khí. Tôi đi qua những đường ống từ căn hộ này qua căn hộ nhà khác và tôi là con gấu đi qua những ống dẫn... [Bản dịch Hoàng Tân Nhân & Hoàng Tân Dân] (...)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021