thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Che fece... il gran rifiuto | Ngày rằm tháng ba | Chuyện thật hoạ hiếm | Biển ban mai | Hạn kỳ ban cho Néron | Xa | Một đêm | Thần linh chỉ cần bổ cứu | Từ chín giờ
Bản dịch Diễm Châu
 
 
CONSTANTIN P. CAVAFY
(1863–1933)
 
 

CHE FECE... IL GRAN RIFIUTO

 
Đối với một số người, sẽ tới một ngày
họ phải nói tiếng Có hoặc tiếng Không lớn.
Kẻ sẵn sàng nơi mình, tiếng Có này,
tự lộ ra ngay; khi nói ra,
 
ông tiến thêm trong danh dự và niềm xác tín.
Người khước từ không tiếc nuối gì hết. Nếu hỏi lại ông,
ông sẽ lại nói Không. Thế tuy nhiên tiếng Không —
tiếng Không thật chính đáng này — đè nặng ông trọn đời.
 
-------------------------
CHE FECE… IL GRAN RIFIUTO («Người đã có... một khước từ lớn»): tựa đề mượn từ câu 60, ca khúc III trong «Địa ngục» của Dante. Chỗ có ba chấm là hai chữ «per viltate» («do hèn nhát») mà Cavafy đã cố tình bỏ đi. Đây là câu chuyện nhà ẩn tu đạo hạnh Pierre được bầu làm giáo hoàng, trái với ý ông, năm 1292, khi ông đã 82 tuổi, với danh hiệu giáo chủ Célestin V. Chỉ mấy tháng sau, Célestin V từ chức vì khinh bỉ vinh hoa... Điều này đã đem lại cho ông những truy bức, đoạ đày của... kẻ kế vị ông là giáo chủ Boniface VIII. (Chú thích theo Dominique Grandmont).
 
 

NGÀY RẰM THÁNG BA

 
Mi hãy sợ những vinh quang, thế lực, hỡi hồn ta!
Tham vọng của mi nếu mi không thể vượt qua,
hãy theo đuổi chúng với sự khôn ngoan
và phải phòng ngừa. Và càng tiến tới,
lại càng phải tỏ ra cẩn mật và chăm chú.
 
Và khi mi sẽ tới tột đỉnh vinh quang, rốt cuộc trở thành César;
khi mi sẽ được liệt vào hàng những nhân vật thời danh,
thì đặc biệt lúc ấy mi hãy coi chừng! Khi mi xuất hiện ngoài đường phố
như một chính khách, cùng đoàn tùy tùng, nếu như sự tình cờ
khiến tách rời khỏi đám đông để tiến lại gần mi
một ông Artémidore nào đó, mang một lá thư,
nói vội với mi: «Người hãy đọc thư này không chậm trễ
đây là chuyện nghiêm trọng liên hệ tới người»,
thì mi nhất định phải dừng bước, nhất định phải dời lại
mọi cuộc bàn thảo, mọi công việc; nhất định phải tách rời
những kẻ quấy rầy mi, đang chào đón và phủ phục
(mi sẽ gặp họ sau); hãy khiến
cả đến Nguyên lão nghị viện chờ đó, và lập tức, tìm biết ngay
những gì quan trọng Artémidore viết.
 
----------------------
NGÀY RẰM THÁNG BA: Ngay trước khi Jules César bị hạ sát ở Nguyên lão nghị viện ngày 15 tháng 3 năm 44 trước Tây lịch, có một nhà văn Hy-lạp tên là Artémidore, người ở Cnide, trao cho ông một lá thư ngoài đường phố để báo cho ông biết âm mưu sát hại ông, mà nói: «Người hãy đọc thư này một mình và mau lẹ. Đây là những chuyện nghiêm trọng, liên hệ tới cá nhân Người». Nhưng ở giữa cảnh xô đẩy, Jules César không kịp đọc thư. Ông bước vào Nguyên lão nghị viện, với lá thư trên tay... Theo Plutarque trong «Cuộc đời César», LXV. (Chú thích của Dominique Grandmont).
 
 

CHUYỆN THẬT HOẠ HIẾM

 
Ấy là một ông già. Mỏi mòn và yếu lả,
lọm khọm vì năm tháng và những điều quá độ,
ông lê bước băng qua con hẻm.
Thế tuy nhiên, khi trở về nhà để che giấu
sự suy đồi của tuổi già, ông tự hỏi
cái phần của ông đối với tuổi trẻ còn có thể là gì.
 
Ngày nay những người trẻ tuổi đọc thơ ông.
Những viễn ảnh của ông truyền qua trong đôi mắt bừng bừng của họ.
Đầu óc họ lành mạnh, đầy lạc thú,
xác thịt họ nhịp nhàng và rắn chắc,
ấy ý niệm đẹp của ông đã khiến chúng rùng mình.
 
 

BIỂN BAN MAI

 
A, dừng lại nơi đây. Đến lượt tôi, nhìn ngắm thiên nhiên đôi chút.
Những màu xanh lấp lánh của một vùng biển ban mai
và của một vùng trời không mây, bờ cát vàng; hết thảy
dưới một làn ánh sáng tươi đẹp và rộng lớn.
 
Phải, dừng lại nơi đây. Và hình dung rằng mình nhìn thấy những điều ấy
(quả thật, tôi đã thấy chúng, khoảnh khắc tôi dừng lại);
chứ không phải cả ở đây nữa vẫn những ảo mộng của tôi,
những hoài niệm của tôi, những yêu ma của hoan lạc.
 
 

HẠN KỲ BAN CHO NÉRON

 
Néron không lo ngại khi nghe thấy
lời sấm truyền từ Delphes báo trước:
«Y hãy khiếp sợ tuổi bảy mươi ba!»
Ông còn trọn thời gian vui hưởng cuộc đời.
Ông mới ba mươi tuổi. Hạn kỳ mà thần linh ban cho ông
quá đủ để dự phòng những nguy hiểm tương lai.
 
Lúc này ông sắp trở về La-mã, hơi mỏi mệt, phải,
nhưng mỏi mệt thật khoan khoái vì chuyến đi này,
cũng chỉ là những ngày đầy hứng thú —
nơi những hí viện, những hoa viên, những thao trường...
Những buổi dạ hội ấy ở các thành phố vùng Achaïe...
A, nhất là cái say sưa của những thân xác lõa lồ...
 
Đó là về Néron. Trong lúc đó ở Tây-ban-nha, Galba
âm thầm huy động binh sĩ và luyện tập,
ấy, chính ông già bảy mươi ba.
 
-------------------------
HẠN KỲ BAN CHO NÉRON: Néron lên ngôi hoàng đế La-mã năm 54 sau Tây lịch, bị truất phế vào tháng 6 năm 68 do các binh đoàn La-mã ở Tây-ban-nha mà lãnh đạo là Servius Sulpicius Galba, lúc đó đã 73 tuổi. Cavafy rút cảm hứng từ Suétone trong «Néron», LX. (Chú thích theo Dominique Grandmont).
 
 

XA

 
Tôi những muốn thuật lại kỷ niệm này...
Nhưng thế đó nó đã bị xóa nhòa từ đây... hầu như chẳng còn gì —
bởi đã nằm ở xa, thật xa trong thủa ban đầu của thanh xuân tôi.
 
Làn da tựa bông lài...
Buổi chiều tháng tám ấy—phải chăng vào tháng tám?— một buổi chiều...
Tôi cũng chỉ hơi nhớ được đôi mắt; đôi mắt ấy xanh, chắc thế...
Phải rồi, xanh; một màu xanh ngọc lam.
 
 

MỘT ĐÊM

 
Căn buồng nghèo nàn và thô kệch,
ẩn trên một quán rượu khả nghi
Qua khung cửa sổ, thấy một con hẻm,
nhỏ hẹp và dơ bẩn. Từ bên dưới đưa lên
tiếng nói của một vài người thợ
đang đánh bài và vui đùa.
 
Và ở đó, trên chiếc giường thứ dân hèn mọn ấy,
tôi đã chiếm được thân xác của tình yêu, chiếm được đôi môi
đầy nhục cảm và thắm màu cuồng nhiệt —
thắm một màu cuồng nhiệt tới độ ngay lúc này
khi tôi viết, sau bao năm trời!,
trong cảnh nhà cô quạnh, tôi lại thấy ngất ngây.
 
 

THẦN LINH CHỈ CẦN BỔ CỨU

 
Này đây tôi hầu như túng thiếu và vô gia cư.
Cái thành phố khốn nạn Antioche này
đã ngốn ngấu trọn tài sản của tôi:
khốn nạn, phải, với lối sống ngông cuồng của nó.
 
Nhưng tôi còn trẻ và hoàn toàn mạnh khỏe
Tôi thông thạo lạ lùng tiếng Hy-lạp
(tôi rành rẽ Aristote, Platon;
các nhà thơ, các nhà hùng biện, tất cả những gì quý vị muốn).
Tôi lại có chút ý kiến về các vấn để binh bị,
và một số liên hệ với các lãnh tụ dung binh.
Tôi cũng khéo xoay xở trong việc cai trị.
Sáu tháng tôi trải qua năm ngoái ở Alexandrie
đã cho tôi biết chút ít về công chuyện ở đó (và điều ấy có thể hữu dụng):
những mục phiêu của Kakergète [1], những mưu mô của y, v.v.
 
Chiếu theo những điều ấy, tôi thiển nghĩ
tôi hoàn toàn thích hợp để phục vụ xứ này,
tổ quốc yêu đấu của tôi, nước Syrie.
 
Ở trách vụ nào người ta sử dụng tôi, tôi cũng sẽ cố gắng
trở thành hữu ích cho xứ sở. Ấy chính là ý định của tôi.
Nếu ngược lại, lối làm việc của họ cản trở tôi —
biết quá mà, hạng người vô tích sự ấy: liệu có cần nói tới?
nếu họ cản trở tôi, thì đâu phải lỗi tại tôi.
 
Để khởi sự, tôi sẽ ngỏ lời với Zabinas [2],
và nếu thằng khờ này không biết giá trị tôi,
tôi sẽ qua với đối thủ nó là Gripos [3].
Và nếu tên ngốc này cũng không sử dụng tôi nữa,
tôi sẽ đi ngay tới với Hyrcan [4].
 
Một trong ba hẳn sẽ chấp nhận tôi.
 
Và lương tâm tôi hoàn toàn yên ổn
về sự phù phiếm của chọn lựa.
Cả ba đều tai hại cho Syrie ngang nhau.
 
Thế nhưng đâu phải lỗi tại tôi nếu tôi là một người khánh tận.
Một kẻ bất hạnh thuần túy đang tìm cách thoát nguy.
Các vị thần linh toàn năng chỉ cần bổ cứu
và tạo ra một kẻ thứ tư tốt lành.
Tôi sẽ sẵn sàng sống với kẻ ấy.
 
-----------------------
THẦN LINH CHỈ CẦN...: “Cảnh” trong bài thơ của Cavafy diễn ra ở Syrie vào khoảng năm 123-125 trước Tây lịch.
[1] Kakergète: «hỗn danh» của vua Ai-cậo Ptolémée VII Évergète (Évergète= «ưa làm điều thiện» đã mau chóng trở thành Kakergète= «ưa làm điều ác»).
[2] Zabinas, Alexandre: một người tranh ngôi vua ở Syrie, sau khi thất bại, đã tự đầu độc vào năm 123.
[3] Gripos («mũi khoằm»): «hỗn danh» của Antiochus VIII, vua Syrie, đầu óc lộn xộn, tiêu xài hoang phí.
[4] Hyrcan, Jean: thày cả thượng phẩm của đền thánh Giê-ru-sa-lem, người ra sức lợi dụng những chuyện hỗn độn kinh niên của Syrie để «mưu cầu» sự độc lập của xứ Judée.
(Theo ghi chú của Marguerite Yourcenar và Constantin Dimaras).
 
 

TỪ CHÍN GIỜ —

 
Nửa giờ khuya. Ngày giờ đã qua mau,
kể từ lúc chín giờ tối khi tôi thắp đèn
và đến ngồi tại đây. Tôi vẫn ở lại không đọc sách,
không nói năng. Có thể nói với ai đây,
khi tôi sống cô độc trong ngôi nhà này.
 
Bóng ma tuổi thanh xuân tôi,
kể từ lúc chín giờ tối khi tôi thắp đèn,
đã đến tìm tôi và đưa lại cho tôi nơi hoài niệm
mùi hương của những căn buồng khép kín
và lạc thú đã qua — một lạc thú táo bạo biết bao!
Nó cũng đưa lại cho tôi dưới đôi mắt
những đường phố mà ngày nay có lẽ ta không thể nhận ra,
những nơi hò hẹn năng lui tới không còn nữa,
và những hí viện, những quán nước đã xưa.
 
Bóng ma tuổi thanh xuân tôi
cũng đã tới đem lại cho tôi phần muộn phiền của nó;
những tang tóc trong gia đình, những cuộc chia ly,
ý kiến của những người thân cận, trối trăng
chẳng mấy được nể trọng của những người chết.
 
Nửa giờ khuya. Ngày giờ đã qua mau biết bao.
Nửa giờ khuya. Năm tháng đã qua mau biết bao.
 
 
-------------------------------
CONSTANTIN P. CAVAFY (hay Cavafis, 1863-1933) sinh ngày 29 tháng Tư tại Alexandrie và mất tại đây cùng ngày. Vẫn được thế giới coi như nhà thơ lớn nhất của Hy-lạp ở thế kỷ XX. Một thi sĩ-sử gia. Ông tự nhận mình là «một thi sĩ của các thế hệ tương lai..., trong một thế giới sẽ suy nghĩ nhiều hơn hôm nay». Bản dịch dựa theo bản Pháp văn trong các sách của Dominique Grandmont; Marguerite Yourcenar và Constantin Dimaras; Socrate C. Zervos và Patrice Portier; Ange S. Vlachos; Gilles Ortlieb và Pierre Leyris; và của các dịch giả khác in trong cuốn Constantin Cavafy của Georges Cattaui (Nxb. Seghers, Paris, 1964). (DC.)
 
 
 
----------
Đã đăng:

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021