thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chỗ nào khô thì ngủ qua đêm
riêng gửi Võ Quốc Linh
 
Họ và tên?
Nguyễn Tôn Hiệt.
Tôn gì?
Hiệt.
Hiệt là cái gì?
Không biết.
Bố mẹ anh không biết chữ à?
Dạ... không rõ...
Ngày sinh?
Giấy tờ thất lạc nhiều lần... không rõ ngày sinh...
Ngày sinh của anh mà anh không biết à?
Có thể là hai tháng chín bốn lăm... hoặc là... hai tháng chín sáu chín... cũng có thể là... mười chín tháng năm...
Anh điên à?
Dạ, không...
Anh nói bậy thì chết đấy. Ngày sinh?
Dạ, thì... ba mươi.. tháng tư...
Năm?
Dạ... bảy lăm...
Bảy lăm?
Dạ... có lẽ...
Sao lại có lẽ? Năm sinh?
Dạ, năm tư... sáu tám...
Cái gì?
Bảy hai... Dạ... bảy lăm...
Bảy lăm. Nơi sinh?
Giấy tờ thất lạc... nơi sinh có thể là Hà Nội... Sài Gòn ... Huế... hay ở đâu đó...
Anh nói gì?
Dạ.
Dạ cái gì? Nói ngay. Nơi sinh?
Dạ, thì... Nghệ... Nghệ An... cũng được...
Sao lại cũng được?
Dạ, Nghệ An.
Anh muốn đùa? Coi chừng đấy. Trình độ học vấn?
Dạ, học hành lung tung... trường này trường kia... học ngoài đường ngoài chợ... không biết trình độ ra sao...
Nói cái gì thế? Thất học, lang thang bụi đời à?
Dạ.
Nghề nghiệp?
Nhiều nghề, tuỳ hoàn cảnh mà thay đổi... nếu gặp thời thì... làm ông kia bà nọ... không gặp thời thì... đi... ăn xin... thỉnh thoảng thì... làm thơ...
Hả? Anh nói cái gì? Ông kia bà nọ là thế nào?
Dạ, không... thì ông kia bà nọ là ông chỗ kia bà chỗ nọ... Dạ... ăn xin và làm thơ...
Ăn mày? Làm thơ? Không nghề nghiệp. Quốc tịch?
Dạ, có lẽ là... Việt Nam...
Sao lại có lẽ? Thế anh dân tộc gì?
Dạ, vì mất hộ khẩu mấy chục năm nay rồi nên... không biết có còn quốc tịch hay không... Nghe nói là dân tộc... Kinh... hay là... gì đó...
Địa chỉ?
Không có địa chỉ... vì mất hộ khẩu... chỗ nào khô thì ngủ qua đêm...
Vô gia cư. Tôn giáo?
Không rõ... tuỳ hoàn cảnh... trước kia thì nghe nói gia đình thờ ông bà... rồi theo đạo Phật... rồi...
Rồi sao?
Rồi... thời Pháp thuộc thì trong gia đình có người theo Công giáo... rồi thời Mĩ qua thì... có người theo Tin Lành... rồi cũng có người thờ Xít-ta-lin, thờ Mao chủ tịch, rồi... không nhớ...
Anh đang nói cái gì thế?
Dạ... rồi... sau ngày giải phóng thì thờ... Bác... còn bây giờ thì...
Thì sao?
Thì... đang lúng túng... không biết thế nào...
Hả? Cái gì? Tại sao lúng túng?
Dạ, vì người ta ai cũng chạy theo đồng tiền...
Nhưng tôi hỏi tôn giáo của anh. Tôi không hỏi tiền. Anh theo đạo nào?
Dạ... thì... không có đạo nào hết... đói quá...
Thành phần gia đình. Ông nội anh tên gì? Trước năm tư ông nội anh làm gì?
Dạ, không nhớ tên... ông nội... làm nhà nho...
Ăn bám hả?
Dạ, rồi đi kháng chiến...
Việt Minh à?
Dạ, không, yêu nước... đánh Tây...
Rồi làm gì?
Dạ, rồi bị đấu tố... vì...
Ai tố? Vì sao?
Dạ, bố tố ông nội thuộc gia đình địa chủ, đầu óc phong kiến phản động...
Thế bố anh tên gì? Làm gì?
Dạ... không nhớ tên bố... ở nhà có lúc gọi bố, lúc gọi cha, ba...
Anh không nhớ cả tên bố anh à? Thế bố anh làm gì?
Theo Việt Minh.
Thế à? Rồi bố anh làm gì?
Dạ, không rõ. Lúc thì sang Tàu, lúc thì sang Nga. Nghe nói làm gì lớn lắm...
Lớn lắm là sao?
Dạ, không biết. Làm thủ trưởng... hay bí thư... gì đó...
Đừng có nói láo. Bố thế mà con thế này à? Thế còn chú bác của anh?
Chú với bác thì chạy vô Nam.
Ôm chân đế quốc à?
Dạ... không biết...
Thế bọn họ làm gì trong Nam?
Dạ, không rõ. Nghe nói làm thương gia hay... sĩ quan... gì đó...
À, thành phần nguỵ quân, tư sản. Thế anh ở miền Bắc với bố anh hay anh chạy vào Nam?
Dạ, không nhớ...
Anh dám đùa với tôi à? Bắc hay Nam?
Dạ, không nhớ... tại vì bố cũng vô Nam...
Bố anh cũng chạy theo Mĩ nguỵ à?
Dạ, không... bố vô Nam... chống Mĩ.
Thế thì anh cũng theo bố anh vào Nam chống Mĩ?
Không nhớ... không biết có phải hay không...
Khi nãy anh nói anh sinh năm bảy lăm thì còn chó gì Mĩ với nguỵ mà chống. Bố anh vào Nam khi nào?
Không rõ... nghe nói đi theo đường mòn Hồ Chí Minh gì đó... đi với bộ đội...
Sau bảy lăm bố anh làm gì?
Dạ, không rõ...
Còn chú bác của anh sau bảy lăm làm gì?
Dạ... nghe nói người thì đi Mĩ... người thì vô tù...
Người nào đi Mĩ? Người nào vào tù?
Không nhớ...
Anh điên hay sao mà chả biết cái chó gì cả. Thế mẹ anh tên gì? Làm gì? Ở đâu?
Không nhớ... có khi gọi là mẹ... má... bu...
Này, đừng có giả ngộ. Chết đấy. Mẹ anh làm gì?
Mẹ làm... đủ thứ nghề...
Đủ thứ nghề là sao?
Dạ, mẹ nói... nghề gì cũng được, miễn là có tiền...
Tiền. Làm gì mà có tiền? Làm...
Dạ, không biết...
Mẹ anh ở đâu?
Mất hộ khẩu từ lâu... nên...
Cả một gia đình ở đầu đường xó chợ à? Hiện nay bố anh đang làm gì? Ở đâu?
Chết rồi...
Chết? Tai nạn à? Chết lúc nào?
Dạ, không, có lẽ... tự tử... chết lúc nào không rõ...
Bố anh mà anh không biết gì cả à? Bố anh tự tử à? Vì sao?
Dạ, không biết... nghe nói bố bắn súng vô đầu... hay thắt cổ chết... hay...
Cái gia đình của anh... Thế anh có mấy anh chị em? Tên gì? Làm gì?
Một anh... một chị... Không nhớ tên... Anh đi vượt biên bị chìm tàu... chết...
Đấy. Thế đấy. Chị của anh làm gì?
Dạ, nhiều nghề... miễn là có tiền...
Miễn là có tiền? Cả một gia đình...
Dạ.
Tại sao anh dám cởi trần truồng chạy giữa đường trong ngày quốc khánh? Biểu tình à? Phản động à?
Dạ, đâu có cởi trần truồng.
Anh không cởi trần truồng mà anh tồng ngồng cặc dái thế kia à?
Dạ... tại không còn áo quần mà mặc... chứ đâu dám cởi trần truồng...
Anh không phải con người nữa à?
Dạ... không biết...
Anh không biết hôm nay là ngày quốc khánh à?
Không... Không nhớ...
Anh đừng có giả ngu. Tốt nhất anh nên thành khẩn khai báo. Tại sao anh cởi trần truồng chạy giữa đường trong ngày quốc khánh?
Dạ... tôi đang đói... tôi muốn làm thơ...
 
9/2008
 
 
----------------------------------------------------------------------
Tác phẩm của Nguyễn Tôn Hiệt đã đăng trên Tiền Vệ:
 
... một người sẽ bị quật mồ / một người đang chờ một người khác / một người sẽ nằm xuống / một người đã hết nước mắt / một người đang cầu nguyện / một người vừa ngủ yên...
 
Ải. Ấp. Bãi biển. Bãi tha ma. Bè. Bến. Bến đò. Bến phà. Bến tàu. Bến xe. Bệnh viện. Biệt phòng. Biệt phủ. Biệt thự. Bờ... | Á hậu. Bí thư. Bí thư chi bộ. Bí thư chi uỷ. Bí thư đảng bộ. Bí thư đảng uỷ. Bí thư huyện uỷ. Bí thư thành uỷ. Bí thư tỉnh bộ. Bí thư tỉnh uỷ. Bí thư trung ương đảng. Bí thư xã uỷ...
 
30 tháng 4, nghĩ tản mạn về văn chương Kafka  (tiểu luận / nhận định) 
... Trước đây, đôi khi tôi cảm thấy hơi ngạc nhiên và thắc mắc tại sao có những nhà văn tận tuỵ phục vụ cho chế độ độc tài lại hay khoe khoang rằng mình yêu thích văn chương Kafka. Sau đó, tôi hết ngạc nhiên, hết thắc mắc, vì tôi nhận ra rằng chế độ độc tài chuyên đẻ ra những con kỳ nhông. Mà những con kỳ nhông thì có khả năng biến đổi màu sắc tuỳ nơi, tuỳ lúc... (...)
 
[VIẾT CHO HOÀNG SA & TRƯỜNG SA] “Tất cả vì miền Nam thân yêu” / Thật vậy, nên chúng tôi đã dâng cho nhà họ Mao vài hòn đảo ở miền Nam / để họ vui lòng dạy dỗ đồng bào thân yêu của chúng tôi vài bài xương máu...
 
Khi thi sĩ tiếp thị  (sổ tay) 
... Ở xứ ta bây giờ, thơ có vẻ như càng ngày càng biến thành một món hàng để bán. Mà đã muốn bán, thì phải biết tiếp thị. Ngay cả bán rất rẻ, gần như biếu không, vẫn cần tiếp thị, vì đôi lúc nhà thơ chẳng cần tiền bạc chi mấy, nhưng cần cái "danh"... (...)
 
Những kẻ bán hòm  (sổ tay) 
Những kẻ bán hòm ngoài văn chương thường là những kẻ khéo tay hay có tài làm đồ gỗ, nhưng những kẻ bán hòm trong văn chương lại toàn là những kẻ bất tài... (...)
 
Đêm hôm qua tôi nằm chiêm bao thấy Donald Barthelme đến Hà Nội. / "Ông đã chết ở Mỹ gần hai mươi năm rồi, mà còn mò sang đây làm gì?" tôi hỏi. / "Du lịch chơi vui thôi!" ông nói...
 
[THƠ THỰC HIỆN] Đón năm mới, bạn không cần mua lá hoàng bì, lá bưởi, lá quýt đem nấu để lau sàn nhà, cột nhà, và các đồ vật khác vào ngày ba mươi Tết, vì làm như vậy cũng vô ích, bạn sẽ không trừ được ám khí của năm cũ. Ám khí đã đóng dày cả thiên hạ hơn nửa thế kỷ rồi...
 
Quán tính  (thơ) 
Bọn chúng bóp vú vợ tôi / hàng ngày / ngay trước mắt tôi // Con bọn chúng uống sữa vợ tôi / rồi đánh túi bụi lên đầu cổ mình mẩy con tôi / hàng ngày / ngay trước mắt tôi // Bọn chúng nhốt anh em tôi / thành từng bầy / rồi bắt đi lao động khổ sai / hàng ngày / ngay trước mắt tôi...
 
Kính thưa quý vị, / Hôm nay tôi đến đây không phải để nói chuyện với quý vị. / Hôm nay tôi đến đây để nói chuyện với chính tôi. / Hôm nay tôi đến đây để nói với chính tôi những điều tôi không thể nói với bất kỳ ai khác...
 
Có cái gì lơ lửng giữa tôi và trang giấy / Tôi cố gắng chép nó xuống. // Giữa tôi / và trang giấy / có cái gì lơ lửng. / Tôi cố gắng chép nó xuống. / Tôi (cố gắng chép) cái gì lơ lửng (xuống) trang giấy // Tại sao tôi phải làm thế? / Tại sao tôi phải cố gắng chép xuống cái gì lơ lửng giữa tôi và trang giấy?...
 
Bức tâm thư  (thơ) 
[THƠ THỰC HIỆN] Đọc kỹ tiểu thuyết Trại Súc Vật của George Orwell và thực hiện những điều sau đây: 1. Nếu Trại Súc Vật không làm làm bạn liên tưởng đến những sự kiện nào đó trong lịch sử Việt Nam từ 1945 đến nay, bạn hãy an tâm vui sống và đừng bao giờ đọc văn chương nữa...
 
[THƠ THỰC HIỆN] Mời một người khác phái cùng bạn thực hiện 10 điều sau đây: / 1. Mỗi người tự dùng khăn bịt mắt thật kỹ, rồi đi quanh trong nhà mình, sờ vào từng vật dụng và hỏi lớn: "Cái này màu gì?" / 2. Người kia sẽ trả lời bằng cách nói lên một màu do mình tưởng tượng...
 
Tuyên ngôn về THƠ THỰC HIỆN  (tiểu luận / nhận định) 
Từ trước đến nay, tất cả những người mệnh danh là thi sĩ đều không biết LÀM THƠ. Họ chỉ biết viết những mớ chữ lên mặt giấy theo nhiều hình dạng khác nhau, hấp dẫn hay chán ngắt, mà người ta vẫn gọi chính xác là những bài thơ. Nhưng, bài thơ không phải là THƠ... (...)
 
Giải hoặc  (thơ) 
[THƠ THỰC HIỆN] Chuẩn bị đầy đủ các vật liệu: một mặt phẳng trắng (bức tường trắng, khung vải trắng...), ba lon sơn (đỏ, vàng, trắng), và ba chiếc cọ vẽ. / Chọn một lá cờ mà bạn tin là biểu tượng đích thực của tổ quốc mình (hoặc sao vàng trên nền đỏ, hoặc ba sọc đỏ trên nền vàng). / Dùng cọ chấm vào sơn đỏ và vàng, vẽ biểu tượng ấy lên mặt phẳng trắng, thật cẩn trọng, thật chính xác...
 
"Đồng bào lưu ý. Chỉ còn năm phút nữa tàu sẽ khởi hành. Mọi người hãy ngồi đúng số ghế như đã được quy định. Không ai được tự ý thay đổi chỗ ngồi. Không ai được đứng dậy hay rời ghế. Đây là một hành trình đầy khó khăn và thử thách nhưng sẽ đưa tất cả chúng ta đến một chân trời mới. Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?"...
 
dân chủ dt. Người chủ của dân, kẻ có quyền sai khiến và sử dụng dân như tài sản của riêng mình (tương tự như "gia chủ" là người chủ của một cái nhà). Các nhà độc tài luôn đề cao khái niệm dân chủ...
 
Lũ trẻ con tập vở kịch sự tích Giê-su ra đời. / Cô giáo đọc cho chúng nghe Ma-thi-ơ 2:1-22. / Rồi đứa đẹp trai nhất làm Giô-sép, đứa trắng trẻo nhất làm Ma-ri, / đứa nhỏ con nhất làm Chúa Giê-su hài đồng...
 
Một cơn ác mộng lặng lẽ thụ tinh bên trong một cơn hảo mộng. Với hình thù của một quái thai, nó lớn lên rất nhanh bằng máu của mẹ nó. Trong đêm tối người ta nghe tiếng sắt thép loảng xoảng từ bên trong chiếc bụng tròn và hớn hở treo lên những lá cờ đỏ rực chuẩn bị đón chào nó ra đời...
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021