thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vĩnh biệt Người Ngồi Đội Mũ

 

DƯƠNG NGHIỄM MẬU (1936-2016)

 

VĨNH BIỆT NGƯỜI NGỒI ĐỘI MŨ

Nguyễn Đạt

 

Người Ngồi Đội Mũ là nhân vật của một truyện ngắn cùng nhan đề như vậy trong Cũng Đành, tập truyện ngắn đầu tay của Dương Nghiễm Mậu, do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 1963 tại Sài Gòn. Từ lúc quen biết Dương Nghiễm Mậu tới nay đã trên nửa thế kỷ, tôi chưa thấy ông đội mũ bao giờ. Đặc biệt những lúc ngồi trên xe xích-lô, ông lại càng không đội mũ. Thuở trước, Dương Nghiễm Mậu di chuyển nơi này nơi kia bằng xe xích-lô, hoặc đi bộ hoặc ai đấy chở ông trên xe gắn máy.

Gọi Dương Nghiễm Mậu là Người Ngồi Đội Mũ, tôi muốn ghi dấu ngày kết bạn với người em của ông, Phí Ích Bành (tên khai sinh của Dương Nghiễm Mậu là Phí Ích Nghiễm); cùng lúc tôi bắt đầu trở thành độc giả mê mải của Dương Nghiễm Mậu. Phí Ích Bành hỏi tôi thích nhất truyện nào trong tập truyện Cũng Đành, tôi trả lời lập tức: “Người Ngồi Đội Mũ”. Không phải tôi thấy truyện “Người Ngồi Đội Mũ” hay nhất trong tập truyện, mà là thật ngộ cái ông già ngồi trong quán uống cà-phê vẫn cứ đội cái mũ trên đầu.

Dương Nghiễm Mậu vừa là bạn của anh tôi, vừa là anh người bạn của tôi. Lại thêm mối quan hệ thân thiết của nhà văn Dương Nghiễm Mậu với người thân của gia đình tôi, một nhà văn được xem là Lý Thuyết Gia Chống Cộng của Miền Nam tự do. Hai nhà văn đáng nể, và với chủ quan của tôi, hai nhà văn đáng kể bậc nhất của văn nghệ Miền Nam tự do: Dương Nghiễm Mậu và Lý Thuyết Gia Chống Cộng; cả hai lại rất giống nhau ở chỗ đều khước từ lãng mạn tính, thứ lãng mạn vốn là thuộc tính của các nhà thơ. Dương Nghiễm Mậu biết tôi làm thơ nhưng chẳng bao giờ ông thăm hỏi hoặc tìm đọc thơ tôi. Có thể ông cho rằng biết hắn làm thơ, hắn ngông nghênh phóng túng, thế là đủ rồi.

Lần nào tới thăm ông tại nhà hoặc rủ ông đi uống cà-phê ở quán, đang chuyện trò vui vẻ thú vị, ông ngưng ngang, bảo: “Thôi Đạt về nhé, anh phải làm việc.” Một lần tôi đặt ông làm phiên bản bức tranh Le Christ Jaune của Gauguin bằng chất liệu sơn mài, hẹn nửa tháng tới lấy. Hơn nửa tháng sau, tôi tới thăm ông, chỉ tới thăm ông mà thôi, tôi quên khuấy đã đặt ông làm phiên bản bức tranh. Ông hỏi tôi đến lấy bức tranh phải không. Tôi giật mình thốt nhớ, ngượng nghịu hỏi ông “đã làm xong rồi hả anh?” Dương Nghiễm Mậu lắc đầu, nói: “Anh đang bận làm bức tranh cho một ông Việt kiều đặt trước, chưa có thì giờ làm cho anh chàng hứng chí nói chơi...”

Từ lâu tôi đã dè chừng sự tinh quái của một nhà văn “sắc và nhọn,” như hoạ sĩ Tạ Tỵ nhận xét về Dương Nghiễm Mậu. Đôi mắt tinh anh của ông nhìn thấu vô số thứ. Ngay lúc tôi đặt ông làm phiên bản bức tranh của Gauguin, ông cho rằng thế nào cũng bị “trật đường rầy” nếu ông thực hiện.

Lần gặp Dương Nghiễm Mậu gần nhất cách đây một năm, thấy ông vẫn khoẻ mạnh, vẫn tươi trẻ ở một người trọng tuổi. Thật ngỡ ngàng nghe tin ông mất, dù tuổi thọ của ông cũng không là mỏng. Có lòng tham yêu mến tôi cũng chẳng ngại, để được thấy nhà văn Dương Nghiễm Mậu còn ở trên đời, nên ông mất đi tôi rất tiếc thương. Cầu mong linh hồn ông an vui chốn vĩnh hằng.

 

Sài Gòn, 5.VIII.2016

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021