|
1. Sự ngu xuẩn tột cùng thứ nhất của ngôn ngữ chính là việc, ngay giữa lúc tưởng như nó đạt tới độ chuẩn xác nhất, khi năng biểu được chắp dính vào sở biểu, thì đó cũng là lúc nó phải đối mặt với một nỗi ngờ vực khủng khiếp gây ra bởi hằng hà sa số các hành vi và hiện tượng ngoại ngôn ngữ. Rốt cục, sự chắp dính ấy của năng biểu vào sở biểu, ngay phút đó, đã hết còn là một kiểu liên hợp xác quyết tạo nghĩa thông thường, mà bị buộc phải ngưng đọng lại thành một trạng thái lưỡng lự vĩnh cửu — hoặc là kiên quyết thao tác chắp dính để cưỡng bức năng biểu và sở biểu vào trong một liên hợp (dù ngượng nghịu) gọi là “Đối tượng”, hoặc là phá bung hết, mặc kệ sự hỗn độn của vô số khoảng cách giả định giữa năng biểu và sở biểu, để rồi cuối cùng, quy tất tần tật thành ra các “Chủ thể”.
2. Sự ngu xuẩn tột cùng thứ hai của ngôn ngữ nằm ở khả năng quẫy thoát của nó. Trong rất nhiều trường hợp, sự quẫy thoát của ngôn ngữ khỏi một tình huống nào đó hoàn toàn không là bằng cớ về bản chất phóng dật thượng thừa của ngôn ngữ, mà chỉ là dấu vết của sự thiếu kiên nhẫn và kém hiểu biết của chúng ta khi, trong vai trò là những công nhân ngôn ngữ (tương tự các công nhân nghệ thuật của Carl Andre), chúng ta không chịu nổi sức nặng và độ nhoè mờ là bản chất của mọi sự thật, cho nên đã vội vã tìm cách phá nát ngôn ngữ — là cái mà chúng ta tưởng nhầm là sự thật — để hòng tìm ra bản chất bên trong. Thế nhưng rốt cục, giữa đống ngôn ngữ tan hoang ấy, cái chúng ta tìm thấy (lẽ dĩ nhiên không phải là bản chất sự thật rồi, thế nhưng thậm chí nó cũng chẳng phải là các mảnh vụn của ngôn ngữ) chỉ là những thông điệp u buồn của chúng ta.
3. Sự ngu xuẩn tột cùng thứ ba của ngôn ngữ thể hiện qua khả năng tạo liên tưởng từ kinh nghiệm. Bởi ngôn ngữ chính là chiếc bóng soi của kinh nghiệm, cho nên, chỉ quỷ sứ và trẻ nít mới là những kẻ có thể sở hữu riêng biệt hoặc là ngôn ngữ, hoặc là kinh nghiệm, do đó, cũng sở hữu luôn một trong hai dạng quyền lực: quyền lực của một kinh nghiệm không cần viện tới ngôn ngữ, hoặc quyền lực của một ngôn ngữ không cần viện tới kinh nghiệm. Tuy nhiên, với tất cả chúng ta, những kẻ không thể không sử dụng ngôn ngữ mà không viện tới kinh nghiệm và liên tưởng, cả cuộc đời dù ngắn ngủi hay dài lâu này rốt cục cũng chỉ là một thử nghiệm ngôn ngữ bất thành mà thôi.
March-April, 2006
|