thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những thành phố & hồi ức [1 & 2]

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

ITALO CALVINO

(1923-1985)

 

Italo Calvino (1923-1985) hiển nhiên là một trong những khuôn mặt quan trọng nhất của văn chương hậu hiện đại. Ông là tác giả của 21 tiểu thuyết, 4 tập luận văn, và chủ biên rất nhiều công trình văn học quan trọng. Bắt đầu xuất bản từ năm 1947, ông đã đoạt nhiều giải thưởng và vinh dự lớn như: Viareggio Prize, 1957; Bagutta Prize, 1959; Veillon Prize, 1963; Premio Feltrinelli per la Narrative, 1972; viện sĩ danh dự của American Academy and Institute of Arts and Letters (Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật và Văn Chương Hoa Kỳ), 1975; Oesterreichiches Staatspreis fuer Europaeische Literatur, 1976; American Library Association’s Notable Book List for 1980; Grande Aigle d’Or du Festival du Livre de Nice (France), 1982; tiến sĩ danh dự của Mt. Holyoke College, 1984; và Premio Riccione (Italy), 1984.

_________

 

NHỮNG THÀNH PHỐ & HỒI ỨC

 

1.

 

Rời khỏi chốn ấy và trải qua ba ngày tiến về phương đông, bạn đến Diomira, một thành phố có sáu mươi mái nhà vòm bằng bạc, có những tượng đồng của tất cả các vị thần, có những con đường đắp bằng chì, có một hí viện bằng thuỷ tinh, có một con gà trống bằng vàng mỗi sáng gáy vang trên đỉnh tháp. Tất cả những điều đẹp đẽ này đều quen thuộc đối với người lữ khách đã từng trông thấy chúng ở các thành phố khác. Nhưng vừa đặt chân đến thành phố này vào một đêm tháng Chín, khi ngày đang trở nên ngắn hơn và những bóng đèn muôn màu đồng loạt bật sáng nơi khung cửa của các quán ăn và từ một mái hiên có một người phụ nữ thốt lên “ồ”, thì cái phẩm chất đặc biệt của thành phố này là cảm giác ganh tị của chàng đối với những ai giờ đây đang tin rằng họ đã từng sống qua một buổi tối giống hệt như buổi tối này và nghĩ rằng họ đã từng vui sướng, vào lúc đó.

 

2.

 

Khi lái xe rất lâu xuyên qua những miền hoang dã, chàng cảm thấy khao khát đến một thành phố. Cuối cùng chàng đến Isidora, một thành phố nơi các toà nhà đều có những cầu thang hình xoáy trôn ốc được trang trí bằng những vỏ ốc, nơi những viễn vọng kính và những cây vĩ cầm hoàn hảo được chế tạo, nơi người đàn ông ngoại quốc đang lưỡng lự không biết chọn ai giữa hai người phụ nữ thì lại gặp thêm người phụ nữ thứ ba, nơi những cuộc đá gà biến thành những cuộc ẩu đả giữa những tay cá độ. Chàng đã nghĩ đến tất cả những điều này trong lúc chàng khao khát đến một thành phố. Isidora, do đó, là thành phố mộng tưởng của chàng: chỉ có khác một điểm. Trong thành-phố-mộng-tưởng ấy, chàng là một thanh niên; nhưng khi đến Isidora thì chàng là một ông già. Tại một bức tường nơi quảng trường, những ông già ngồi nhìn ngắm các thanh niên đi ngang qua; và chàng ngồi cùng đám già ấy. Những khát vọng đã trở thành những hồi ức.

 

 

----------------------
Dịch từ bản Anh ngữ: “Cities & Memory 1” và “Cities & Memory 2”, trong Italo Calvino, Invisible Cities [trans. William Weaver] (New York: Harcourt, Inc., 1974) 7-8
 

 

 

-------------

Đã đăng:

Lương tâm  (truyện / tuỳ bút) 
Chiến tranh bùng nổ và Luigi tự nguyện gia nhập quân đội. Ai cũng đầy tự hào. Luigi đến nơi phân phát vũ khí, lấy một món và nói: “Bây giờ tôi sẽ đi giết cái gã tên Alberto”... [Bản dịch của P.K.] (...)
 
Con cừu đen  (truyện / tuỳ bút) 
Ở một xứ nọ, mọi người đều là kẻ trộm... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tia chớp  (truyện / tuỳ bút) 
Tia chớp loé lên trong một ngày nọ, tại ngã tư đường, giữa đám đông chen chúc đi lại... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Người gào tên Teresa  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi bước ra khỏi lề đường, đi lùi một quãng, ngước mặt lên, và, từ giữa đường, đưa hai tay lên miệng để làm chiếc loa và gào lên tầng cao nhất của khu chúng cư: “Teresa!”... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tiện túc  (truyện / tuỳ bút) 
Ở một trị trấn nọ, mọi thứ đều bị cấm đoán... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[...] Văn chương phải dự tưởng một công chúng có văn hoá cao hơn, và cao hơn chính bản thân người viết. Một công chúng như thế có hiện hữu hay chăng là điều không quan trọng. Người viết nhắm đến một độc giả mà người này còn biết nhiều về điều đó hơn chính anh ta; anh ta sáng chế ra một hình ảnh của “chính mình” mà nó còn biết nhiều hơn anh ta, để nó nói cho kẻ nào khác mà kẻ đó còn biết nhiều hơn nó nữa... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tính cách bội trương trong văn chương tương lai  (tiểu luận / nhận định) 
Những dự án mang tham vọng quá trớn có thể bị chối từ trong nhiều lĩnh vực, nhưng không thể bị chối từ trong lĩnh vực văn chương. Văn chương chỉ còn sức sống nếu chúng ta tự đặt ra cho chính mình những mục tiêu bất khả lượng đạt, vượt quá tất cả những hy vọng về sự thành tựu. Chỉ chừng nào các nhà thơ và nhà văn tự đề ra cho chính mình những công tác không có bất cứ ai dám tưởng tượng đến, thì chừng ấy văn chương mới đạt được tác dụng của nó... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021