thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
A chuyện ấy làm bà ngạc nhiên bà thân yêu...
Bản dịch của Hoàng Ngọc Biên

 

Thưa Bà, bà ngạc nhiên thấy một người Mỹ như tôi nói tiếng Pháp giỏi đến thế, và phát âm không một chút lạc giọng. Hãy cứ cho là tôi có khiếu về ngôn ngữ và khi tôi còn trẻ tôi từng được cấp một học bổng học môn ngôn ngữ ở Sorbonne. Nhưng mà không, chuyện không có thật đâu. Tôi trêu bà đấy, thưa Bà. Bà thấy đấy, tôi sinh ở Pháp, ngay tại Paris này đây. Vâng tôi là người Pháp nhưng tôi sống ở Mỹ từ khoảng mười năm nay. Tôi từ Pháp đi hồi mười tám tuổi để học cho xong môn học của mình, là môn văn chương và triết học, tại Đại học Columbia ở Thành phố New York.

Ồ bà biết một chút tiếng Anh, nếu vậy thì có lẽ một ngày kia chúng ta sẽ có thể cùng nhau ngồi nói chuyện thân tình bằng ngôn ngữ của Shakespeare.

Vâng bà thấy đấy, tôi qua bên ấy để học và tôi đã thích nước Mỹ đến độ tôi ở lại luôn. Đây là một đất nước tuyệt vời bà biết đấy. Bà có từng đến đó bao giờ chưa?

Chưa đến. A, nhưng bà đang dự kiến năm tới làm một chuyến du lịch bên đó. Ồ, bà và chồng bà... A vậy ra bà đã có chồng. Tôi thì tôi tin bà... Dù sao bà cũng sẽ thấy là nước Mỹ đẹp vô cùng. Vậy thì tuyệt đối tôi phải cho ông bà số điện thoại của tôi ở New York và khi ông bà đến tôi sẽ đưa ông bà đi xem cái thành phố kỳ lạ này. Tôi sẽ đưa ông bà đi một vòng lớn ở Manhattan, và ông bà sẽ thấy cái thành phố này nó đẹp như thế nào với những tòa nhà cao lên tới trời xanh.

Đâu có, người ta phóng đại cái hung bạo trên đường phố New York đấy. Nó cũng như khắp các thành phố lớn, khắp những nơi dân rất đông và những người nhiều sắc tộc rất khác nhau xô đẩy nhau ngoài đường. Chuyện không tránh được. Nhưng bà sẽ chẳng có vấn đề gì ở New York, tất nhiên là trừ trong một số khu vực, ban đêm, nhưng ở đấy thì ta đừng nên đi một mình, chứ gì.

Tôi thì tôi ở gần Riverside Drive. Đây là một góc rất rất ư là đẹp của thành phố. Sát ngay Đại học Columbia là nơi tôi từng học, như tôi đã có nói với bà. Học lấy bằng tiến sĩ. Và còn là nơi tôi từng dạy học một thời gian trong Phân khoa Văn chương So sánh. Vâng bà thấy đấy, tôi xưa nay ưa so sánh chữ nghĩa, như người ta vẫn gọi, chắc chắn là do cái khiếu ngôn ngữ của tôi. Tôi làm bà cười rồi. Bà thấy đấy tôi vốn ưa chọc ghẹo.

Không bây giờ tôi không còn dạy nữa. Tôi để hết thì giờ cho chuyện viết lách. Tôi là người viết tiểu thuyết.

A, ông bạn Jean-Louis Laplume của tôi có cho bà biết tôi là nhà văn, nhà văn Mỹ. Vâng đúng thế, tôi viết chủ yếu là bằng tiếng Anh, nhưng khi nào thấy muốn đôi lúc cũng viết bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên tôi phải thưa với bà rằng viết bằng một ngôn ngữ khác ngôn ngữ của ta không phải là chuyện dễ, hoàn toàn không dễ khi ta dung nạp những từ không phải của ta, những từ kháng cự ta bởi chúng với ta là xa lạ. Nhưng chúng ta đi đến chỗ yêu những từ đó, và biến chúng thành của ta. Hơi giống như một mẹ gà mái mất đàn gà con của mình và nhận nuôi một con vịt con. Không cần biết bộ lông vàng và cái mỏ dẹp của nó mẹ gà vẫn dạy nó bươi móc trong cát và kiếm giun đất để ăn. Bà ạ, thưa Bà, tôi đây tôi cũng đã học cách kiếm ăn kiểu như thế những từ tiếng Anh trong cái tôi viết, nhưng chắc chắn là không bao giờ quên tiếng mẹ đẻ của mình.

Chẳng hạn, như Gilles Deleuze từng giải thích rất rõ, sự sáng tạo một bút pháp trong một ngôn ngữ ngoại quốc đi qua nhiều chặng đường khác nhau mà chặng thứ nhất là một sư giải biến ngôn ngữ mẹ bấy giờ trở thành biến động, bắt đầu nói ấp úng, nói lắp bắp, trở thành một thứ ngôn ngữ khác, để tiếp đó đổ ra một ngôn ngữ mới, một cú pháp mới. Ấy, đó là cái đã xảy ra với tôi, và cuốn tiểu thuyết tôi hiện đang...

A Jean-Louis còn nói với bà về cuốn tiểu thuyết mà tôi đang viết. Cuốn tiểu thuyết mì sợi. Vâng đúng như thế, Thời gian của Mì sợi! Đây là một câu chuyện rất buồn cười bà biết đấy, và cùng lúc rất nghiêm chỉnh, chính là do cái cú pháp mới mà tôi đang phát minh kia.

Nhưng không đây thật ra không phải là một cuốn tiểu thuyết về mì sợi, ấy chỉ là do người viết cuốn sách ấy chỉ ăn mì trong nguyên một năm trời giam mình trong căn phòng anh ta ngồi viết cuốn tiểu thuyết của mình, nơi anh tự phong tỏa, như chính anh nói về hoàn cảnh của mình.

Không, bà không hiểu rồi, không phải tôi là người ăn mì sợi, mà là người viết tiểu thuyết trong cuốn tiểu thuyết mà chính tôi đang viết. Nếu điều này với và có vẻ phức tạp ấy là bởi cái tôi hiện đang làm ấy chính là cái người ta gọi là một cuốn tiểu thuyết ở vực thẳm.

Nó là vậy, chính xác là vậy, như Les Faux-Monnayeurs của André Gide. A tôi thấy ra, thưa Bà, là bà biết rất rõ văn học của nước bà. Nhưng xin bà cho tôi biết, bà làm gì ngoài đời.

Ồ, bà làm cho một nhà xuất bản. Bà ở trong ngành xuất bản!

Bà là... không không đúng thế, bà là Giám đốc văn học! Thế thì tôi rất vui được làm quen với bà, thưa Bà. Một nhà văn thì lúc nào cũng sung sướng được gặp một người nào đó, nhất là một bà duyên dáng như bà đây, làm việc trong ngành xuất bản. Ấy bây giờ tôi mới hiểu ra tại sao Jean-Louis đã thu xếp cho chúng ta người này ngồi cạnh người kia trong bữa ăn này. Anh ta tử tế biết bao. Anh biết tôi không quen nhiều người ở Paris, ấy là tôi muốn nói những người cùng nghề với chúng ta, và anh chắc hẳn muốn tôi nói với bà về cuốn tiểu thuyết của tôi. Nhưng dù sao tôi cũng sẽ không làm bà chán với những câu chuyện tôi kể trong bữa ăn này. Chúng ta ở đây là để thưởng thức bữa ăn ngon này. Bà không thấy rượu nho này là ngon tuyệt sao. Đây là rượu Saint-Emilion, bà biết đấy, và năm sản xuất rất tốt đấy. Này nhé, tôi xin tự cho phép uống mừng sức khoẻ bà. Nhưng nếu bà muốn có lẽ chúng ta cũng có thể bàn bạc về cuốn tiểu thuyết của tôi một cách nghề nghiệp hơn một lần khác vậy.

Trong văn phòng của bà! Ở Nhà xuất bản Tình Điên. Vậy là thưa Bà, bà làm tôi sung sướng quá. A vui lòng tất nhiên. Bà quả là quá tốt bụng. Tôi rất lấy làm biết ơn bà. Bà thấy không bà tử tế như thế làm tôi thấy lúng túng. Bà xem tôi rất cảm động và phấn chấn. Có chứ tôi chắc chắn sẽ có mặt ở đó, và chúng ta sẽ có thể bàn riêng về tác phẩm của tôi. Và biết đâu được, là từ đây đến đó bà sẽ có mặt trong cuốn tiểu thuyết của tôi.

Thế thì đồng ý, chúng ta sẽ hẹn nhau trong văn phòng của bà thứ Tư tới, mười giờ ba mươi. Tôi sẽ ghi cái hẹn ở đây. Nhưng xin bà cho tôi biết, mọi người có mặt hôm nay ở đây, họ có phải đều là nhà văn hay nhà xuất bản cả?

A quả thế. Mọi người đều là nhà văn tiếng tăm lớn, và cái ông ngồi kia ấy là ông tổng biên tập ở nhà xuất bản... không đúng thế! Đối diện với ông chính thị là Ông Gaston Gallimard. Vậy ra chung quanh tôi ở đây ai nấy ngon lành cả. Tôi sẽ phải lựa lời ăn tiếng nói đây.

Tôi xin lỗi, thưa Bà thân mến, bà có thể vui lòng đưa giùm tôi lọ muối. Món thịt bò rôti thật là ngon, nhưng cần cho vào một nhúm muối. Bà có thấy như vậy không? Cám ơn bà.

Bà hiểu không, ở Paris tôi biết rất ít người trong giới văn học. Dù sao Mỹ mới chính là nơi tôi tham gia trong giới viết lách.

Những người trong gia đình thì có. Những bà dì, ông cậu, những anh chị em họ. Vả chăng tôi trở về Pháp hầu như mỗi năm cũng là để thăm họ. Tôi rất yêu mến gia đình mình, nhất là bên phía mẹ tôi. Bên phía đó ai nấy đều rất tử tế với tôi sau chiến tranh, khi tôi bị bỏ lại mỗi một mình ở tuổi mười bốn. Nhất là dì Rachel của tôi. A dì Rachel của tôi. Một ngày nào đó tôi phải kể cho bà nghe về dì mới được. Cuộc đời dì đúng là như một cuốn tiểu thuyết. Dì quả là một người đàn bà kỳ diệu.

Cha mẹ tôi ấy à? Không, như bà thấy đấy, tôi không còn cha mẹ nữa. Cha tôi và mẹ tôi cũng như hai chị tôi đều đã mất tích trong chiến tranh. Một tai nạn đau đớn cho họ.

Vâng ta có thể bảo thế. Một tai nạn bất hạnh trong chiến tranh.

Ồ rồi người ta cũng quen thôi bà biết đấy. Người ta quen sống không có người khác, và cái hao hụt lớn nhất của ta, nỗi đau tủi nhục nhất của ta ấy chính là khi ta cảm thấy mình không còn đau được nữa. Rốt cuộc rồi ta cũng tự xoay trở được khi cần. Cuộc sống nó hơi giống một trận đấu quyền Anh. Vấn đề là phải đứng vững cho dù bị nhiều cú đấm. Tôi nghĩ chính Marc Aurèle là người có lần nói, sống đòi hỏi nghệ thuật của võ công chứ không phải của vũ công, chịu đánh, đứng vững, đó chính là cái đáng kể, không cần phải làm những bước đẹp mắt.

Ấy thế thưa Bà, trong cuộc đời tôi đây, một thân một mình sau khi cha mẹ mất, tôi sống hơi giống một người đấu võ không chịu phải ngã gục trên võ đài cuộc đời, nhất là ở nước Mỹ là nơi cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là đối với một nhà văn... từ chối những thỏa hiệp, một nhà văn đi tìm không phải sự phồn vinh mà là hậu thế. Bà thấy đấy nước Mỹ rốt cuộc là một đất nước rất phản-trí thức và các nhà văn không phải lúc nào cũng được kính trọng. Viết văn đúng ra được coi như một trò tiêu khiển, một thứ giải trí, một trò vui chơi.

Chẳng hạn nếu có người nào đó hỏi ta làm gì ngoài đời và ta trả lời, tôi là nhà văn, ấy thế lập tức người ấy sẽ bảo ta, vâng nhưng ngoài cái ấy ra thì ông làm gì, nghề nghiệp của ông là gì, y như là sự kiện dùng thì giờ vào chuyện viết lách không đủ để chứng minh sự hiện hữu của mình.

Thế nhưng với tôi viết là một yêu cầu sâu xa và chủ yếu. Bà thấy đấy, đời đôi khi có những tai biến không sao ta chữa lành được. Dù có làm gì ta cũng không bao giờ thoát ra cái khủng khiếp ấy mà cũng không nói được chuyện gì khác hơn, là điều thưa Bà, phải nhìn nhận thôi, gây ra một bức bách đáng tiếc cho một nhà văn. Và chính đây là điều tôi luôn đề cập trong cái mình viết. Có thể nói, chính cái thiếu ấy, lỗ hổng ấy, khoảng trống to lớn ấy trong tôi điều khiển công việc của tôi và làm nên tính khẩn trương của nó. Đó là điều những người Mỹ không phải khi nào cũng hiểu ra. Nhất là những người Mỹ bị ám ảnh bởi sự thành công. Nhưng xin bà đừng tưởng tượng là tôi sống trong tuyệt vọng. Trái lại. Không ai biết làm xiếc trên dây hay hơn tôi giữa một tình trạng tuyệt vọng quá mức và tình yêu điên cuồng đối với cuộc sống.

Và quả thật cái tôi viết nằm giữa tuyệt vọng và cuồng say với cuộc sống. Giữa lửa đen và lửa trắng, nếu ta có thể nói. Giữa nước mắt và tiếng cười. Thế tuy nhiên đôi khi tôi tự hỏi một ngày kia tọi có sẽ tự giải thoát khỏi những chuyện buồn trong con người mình, và việc đem những chuyện kia ra kể có sẽ giúp tôi cởi bỏ chúng, hay đúng ra chính sự chán ngấy kể chuyện sẽ giải phóng cho tôi.

Bà mỉm cười. Nhưng chính bà cũng nên biết, bởi bà là giám đốc ban văn học, rằng tác phẩm tiểu thuyết lúc nào cũng là một hình thức thu hồi quá khứ, ngay cả khi quá khứ ấy cần được bóp méo để có vẻ thực. Sự kiện nối kết quá khứ trong những gì ta viết không có nghĩa hiểu nó như nó thực sự từng là, mà đúng ra là làm chủ những kỷ niệm như chúng đang nung nấu ngay cái khoảnh khắc hiểm nghèo của sự sáng tạo.

Bà thấy không, những gì tôi viết rốt cuộc chỉ là một sự trộn lộn những kỷ niệm với những dối trá, nhưng tất nhiên tất cả những dối trá tự chúng có một chút sự thật, và ta phải lắng nghe chúng. Cuộc đời, như một chiếc áo khoác cũ, lúc nào cũng có một lớp vải lót hư cấu hơi bị rách nát một tí.

Tôi hi vọng không làm bà thấy chán.

Vâng, tất nhiên, bà hoàn toàn có lý, để cho một câu chuyện có sức thuyết phục nó cần phải có vẻ thật. Nhưng sự có vẻ thật thì không nhất thiết là cái có thật và sự thật thì không phải lúc nào cũng có vẻ thật.

Ồ nhưng bà xem tôi đã cho phép mình đi quá xa rồi. Tôi xin lỗi vậy. Tôi rất ân hận. Tôi không muốn làm bà buồn lòng vì những chuyện riêng tư thế này. Nhất là tôi không muốn cho bà cảm tưởng là tôi không thấy hạnh phúc ở Mỹ. Và tôi cũng hoàn toàn không có ý định nói với bà về tác phẩm của tôi hôm nay, chúng ta sẽ nói chuyện thứ Tư tới, có phải vậy không? Tốt hơn ta hãy nói về bà.

Bà ở đâu ở Paris, thưa Bà?

Ô trong quận 16! Đường Belles-Feuilles.

Vâng tôi biết. Khu phố rất đẹp. Và tên đường cũng đẹp biết bao. Vậy thì bà sống giữa những chiếc lá đẹp, quả là rất thích hợp với bà, bà, vị giám đốc ban văn học, bà không thể nào có một địa chỉ hay hơn thế.

A bà thấy lúng túng khi nói về mình. Xin bà đừng bảo tôi là bà nhút nhát. Không không phải thế đâu. Đúng ra là bà cảm thấy e sợ. Bà cho rằng cuộc đời bà không hay lắm so với cuộc đời tôi. Nhưng đâu có, mọi cuộc đời đều hay, mọi cuộc đời đều có mặt huyền bí của nó. Tôi tin cuộc đời bà cũng có cái chút bí ẩn của nó, vấn đề chỉ là biết khảo sát nó. Vả lại khai phá, ấy cũng là công việc của các nhà văn, hay còn hay hơn nữa là khai thác những bí ẩn. Nhưng bà biết rõ chuyện này hơn tôi, chứ gì nữa, chính vì bà là người quyết định chuyện văn học.

Vâng xin đồng ý, tôi không cố nài, tôi thấy rõ bà là một phụ nữ vô cùng nhạy cảm. Bà muốn tôi kể cho bà nghe về nước Mỹ, vâng vậy thì ta hãy nói về nước Mỹ.

Nước Mỹ, ấy như bà thấy đấy, đó là một đất nước tôi biết rất rõ bởi vì trong suốt mười năm vừa qua không những tôi đã sống ở New York, mà còn sống cả ở Chicago, ở San Francisco, ở Los Angeles, và ngay cả ở Détroit. Vâng tôi biết rất rõ Détroit, thành phố thú vị và dễ chịu theo cách của nó, thành phố xe hơi, tất nhiên rồi, những chiếc xe hơi trang nhã và tiện nghi hấp dẫn. A, cái thú có được một chiếc xe Mỹ!

Ồ, bà không thích những chiếc xe Mỹ to đùng, bà thấy chúng kềnh càng. Vâng nhưng bà thấy đấy ở Mỹ do không gian rộng và những khoảng cách xa giữa các thành phố chúng tôi cần có những chiếc xe lớn chạy nhanh và đầy đủ tiện nghi. Không gian rộng, đó có thể chính là cái đập vào mắt nhất ở xứ chúng tôi. Mọi thứ đều lớn, mọi thứ đều rộng, đường phố, đường dài, các thành phố. Và chắc chắn là nhà cửa cũng thế, nhà nào cũng bảy tám phòng, và phòng thì rộng mênh mông. Trong nhà người ta xê dịch thoải mái.

Chẳng hạn căn hộ của tôi ở New York, ấy nó có bốn phòng, và phòng tắm hầu như cũng lớn bằng cái phòng ăn mà chúng ta hiện đang ngồi ăn trong lúc này đây. Hơn thế tôi sống một mình trong căn hộ này.

Không tôi không có vợ, dù sao cũng là chưa. Tôi chưa gặp được người phụ nữ lý tưởng, người phụ nữ có thể chấp nhận những cái ngông của tôi và chịu đựng những đặc tính riêng của tôi. Còn tôi, bà biết đấy, tôi có những cái ngông và đặc tính riêng, vả cũng như mọi nhà văn khác, loại người dùng đầu óc và thể xác sáng tạo ra cái mà người ta gọi là văn học. A văn học, nó có thể gây bao nhiêu đau khổ cho những ai xả thân vì nó. Nhưng bà thấy chưa tôi lại hăng lên một lần nữa rồi.

Bà quả là quá tử tế. Bà bảo là tôi đầy sự hăng say. Bà thấy tôi thú vị nhưng đồng thời cũng sâu sắc. Bà làm tôi cảm thấy được tâng bốc. Tuy nhiên tôi hy vọng bà nhìn nhận nơi tôi cái khía cạnh hơi tinh nghịch. Ta không bao giờ nên tự cho quá trịnh trọng. Bà thấy đấy cái mà tôi trách cứ nhất nơi các nhà trí thức, nhất là các trí thức ở Pháp, ấy là họ chỉ quan tâm đến những nỗi khốn khổ lớn của nhân loại, lúc nào cũng muốn giải thích cho chúng ta những nỗi đau của nhân loại. Thế sao lại không quan tâm cả đến những con cá đỏ nhỏ bé chẳng hạn, vì chúng nó cũng thuộc về sự sáng tạo, đôi khi hẳn chúng nó cũng biết đau khổ.

A, tôi làm bà cười rồi. Đúng thế đấy. Nhưng mà chúng ta hãy nghiêm chỉnh trở lại và xin bà cho phép tôi tiếp tục một chút những gì tôi vừa nói ban nãy về không gian ở Mỹ. Hẳn là vì cái lý do không gian đó mà khi một người Mỹ đến châu Âu, ngay cả đến Pháp, và khi anh ta đi vào một căn hộ anh ta lập tức có cảm tưởng chật chội, hơi bị o ép. Vâng, bà thấy không, ngay cả trong căn hộ rất xinh đẹp này của Ông Laplume, ấy tôi đây tôi cũng phải nhìn nhận là tôi có cảm tưởng, tôi nói sao đây nhỉ... hơi bị tù hãm, vâng nó là thế, hơi bị compressé.[1] Ta có thể nói như thế chăng, compressé, bà chắc hiểu cái tôi muốn tìm cách diễn tả.

Không, ta không thể nói như thế, từ ấy không dùng theo cách như thế trong tiếng Pháp, hoặc nữa là trong nghĩa đó. A bà thấy như thế nào đôi khi tôi lẫn lộn hai thứ ngôn ngữ trong người tôi, hai thứ ngôn ngữ chơi cút bắt trong người tôi và thường cùng nhau chơi tôi những quả đích đáng. Dù sao thì bà cũng đừng tưởng tượng là tôi không thấy thoải mái ở đây, nhất là ngồi cùng với bà, thưa Bà, đang nói chuyện một cách thật là thích thú. Trái lại, tôi cảm thấy rất dễ chịu, cho dù là, vừa ban nãy khi tôi cần đi... Ồ tôi xin lỗi, ta không nên đề cập đến chuyện này trước bàn ăn.

Thật là kinh khủng cái lối thoải mái, thư dãn tự nhiên kiểu Mỹ đôi khi làm ta mất đi le sens de la bienséance,[2] như ngày xưa người ta vẫn nói ở thế kỷ mười bảy. Mười năm lưu đày trong cái xứ hãy còn hơi hoang dã đã biến tôi gần như thô lỗ trước bàn ăn. Hy vọng bà tha lỗi cho tôi.

Dù sao, đối với tôi cái quyến rũ hơn cả ở nước Mỹ ấy chính là không gian. Vâng không gian. Nhất là khi người ta mạo hiểm về miền tây, về bầu trời miền tây. The big sky,[3] như ở đó người ta vẫn nói. Này nhé, nếu người ta bảo tôi tìm cho ra một chữ diễn tả nước Mỹ hay nhất, tôi sẽ không nói tự do, như người ta vẫn thường nói quá nhiều lần, không cái từ sáo kia không cắt nghĩa đúng hơn cái đất nước này, mặc dù thật ra tự do chiếm ngự khắp nơi ở Mỹ. Không đây không phải là cái nói lên đặc trưng của Mỹ. Cái đặc trưng của xứ này ấy nó chính là không gian. Vâng không gian chính là...

Ồ xin lỗi! Tôi không nhìn thấy anh Jean Louis ạ. Thôi cám ơn tôi ăn món rôti này quá nhiều rồi, món này quả là ngon phi thường. Xin anh cho tôi gửi lời ca ngợi chị nhà. Cái này thì vâng tôi sẽ uống thêm một ly rượu nho tuyệt hảo này. Cám ơn, đủ rồi xin cám ơn. Vâng mọi chuyện trôi chảy tuyệt diệu. Anh đã cho tôi ngồi cạnh một bà cực kỳ kiều diễm đến độ tôi đột nhiên ba hoa không thua Anh chàng Ba hoa[4] của Louis-René des Forêts. Chúng tôi đang có một cuộc nói chuyện tuyệt vời. Có phải vậy không?

Và anh biết không, chúng tôi đã hẹn nhau để bàn về cuốn sách của tôi vào thứ Tư tới tại văn phòng của Bà đây. Cuốn tiểu thuyết về mì sợi, cuốn sách mà...

Chính thế, vâng vâng hẹn lát nữa, tôi sẽ đến nói chuyện với anh và chị nhà và cám ơn anh chị đã giới thiệu tôi quen với một con người đầy thiện cảm như thế.

Anh chàng thật là đáng yêu!

A, anh ấy xuất bản ở nhà bà. Nhà xuất bản Tình Điên. Và tiểu thuyết mới nhất của anh được trao Giải Goncourt. Nếu tôi biết trước như thế. Thế mà tôi chưa đọc cuốn ấy. Tôi tuyệt đối phải đọc nó mới được. Dù sao tôi sẽ hiểu hơn vì sao.

Nhưng ta hãy tiếp tục câu chuyện. Vậy thì tôi xin nói, thưa Bà, không gian. Nhưng khi ta nói về không gian ở Mỹ ta cũng nên xem xét ý niệm chuyển động. Vâng sự chuyển động, và điều tôi thưa với bà bây giờ là tôi dựa trên một kinh nghiệm cá nhân của tôi bởi lẽ tôi xê dịch rất nhiều trên đất nước này, từ Bờ biển Đông đến Bờ biển Tây, như lúc nào người ta cũng khuyên đám trẻ làm. Go west young man,[5] đấy ở đó người ta thường nói với tôi như thế, bởi vì miền tây là nơi diễn ra những cuộc phiêu lưu lớn, miền tây là nơi người ta làm giàu ở Mỹ, như điện ảnh Hollywood đã cho chúng ta thấy rõ.

Chuyển động, đó là cái đáng kể nhất ở xứ chúng tôi, và qua chữ chuyển động tôi không chỉ muốn nói chuyển động vật chất hay địa lý, tôi muốn nói chủ yếu chuyển động xã hội và kinh tế. Tôi xin giải thích. Ở Mỹ nếu người ta có can đảm và điều kiện người ta có thể chuyển dịch theo chiều ngang cũng như theo chiều đứng, nghĩa là từ góc này đến góc kia của đất nước, từ bắc xuống nam, từ đông qua tây, hay ngược lại, vậy là theo chiều ngang, và từ một tầng lớp xã hội hay kinh tế này đến tầng lớp xã hội hay kinh tế khác, vậy là theo chiều đứng.

Chắc chắn, đúng như thế, bà nghĩ có lý, chuyện này ở Pháp cũng có thể được, nhưng không phải cho mọi người, không phải ở cùng mức độ, bởi lẽ ở Pháp tôi có cảm tưởng phần lớn con người ta thường bị phong tỏa trong giai cấp xã hội của mình, trong gia đình mình, ngay cả trong khu phố mình, trong nghề nghiệp mình, trong giáo dục hay thiếu giáo dục của mình, nói tóm là trong cái mình thừa kế, trong khi ở Mỹ theo một nghĩa nào đó chúng tôi ai nấy đều là người từ nơi khác cắm dùi ở đây, hay nói đúng hơn là những người mất gốc, chúng tôi tự do di chuyển tới đâu chúng tôi muốn và như thế chúng tôi có thể tận dụng tốt hơn những thời cơ xã hội và kinh tế trước mắt chúng tôi. Vả chăng không phải tình cờ mà người ta gọi Mỹ là the land of opportunities.[6]

A bà không đồng ý! Bà cho là tôi hơi quá khái quát. Này nhé tôi thì tôi nghĩ nếu như ngày xưa tôi ở lại Pháp sau chiến tranh, thì trong cuộc đời tất tôi sẽ không đi xa lắm. Tôi không tin tôi có thể thoát khỏi cái bất hạnh lớn đã xảy đến cho tôi. Chính nước Mỹ đã cho phép tôi trở thành con người tôi ngày nay, cho tôi cơ may làm một con người như ai. Tôi sẽ có thể làm được gì ở đây khi không có gia đình, không học vấn, không một phương tiện nào, bị những biến cố chung quanh xô đẩy ra khỏi môi trường xã hội, một thân một mình trên bờ vực tương lai?

Tất nhiên, Bà thân mến, ta không thể tiên đoán tương lai cũng không thể nhìn nó ngược trở lại, nhưng dù sao vẫn phải nhìn nhận là tương lai luôn đến hơi ở dạng trá hình. Nếu tương lai đến trần trụi, ta sẽ sững sờ trước cái chúng ta nhìn thấy. Chính do vậy mà tôi vẫn thường cứ tự hỏi nếu cứ ở Pháp thì tương lai của tôi nó sẽ ra sao. Chắc hẳn sẽ là một trò hóa trang, một tấn kịch bi hài.

Nhưng này nhé nếu bà cho phép tôi sẽ xin đưa ra một thí dụ rõ ràng hơn, thí dụ của một người bạn, một người bạn dân Pháp cũng qua sống bên ấy sau chiến tranh như tôi. Anh ta cũng mất hết cả gia đình trong thời chiếm đóng. Một bi kịch rất lớn và rất đau khổ cho anh ta.

Không, không phải trong một trận bom, mà là bị đưa đi đày. Anh là dân Do thái, bà hiểu rồi. Ấy anh chàng đến Mỹ tuyệt đối không có bất cứ cái gì trong tay – không một xu, không gia đình, không bạn bè, không học vấn. Trước chiến tranh cha mẹ anh rất nghèo. Tôi nghĩ cha anh là thợ may và mẹ anh đi làm công việc nội trợ cho người ta để lấy tiền nuôi con cái. Vậy thì ngay lúc đặt chân lên nước Mỹ anh đã buộc phải làm việc trong nhiều năm liền trong một nhà máy ở Détroit. Thật ra tôi gặp anh ta chính là trong thành phố này. Tôi thì hồi ấy tôi chơi nhạc jazz và tôi du lịch nhiều nơi hết thành phố này qua thành phố khác với ban nhạc nhỏ của tôi.

A bà ngạc nhiên. Vâng chuyện này với bà có vẻ như không thật, nhưng tôi thì quả tôi từng là nhạc sĩ jazz trước khi trở thành nhà văn. Tôi chơi saxophone. Ténor và alto.[7] Vả chăng bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn còn chơi, với đám bạn bè, không phải chơi chuyên nghiệp, chỉ là chơi cho vui thôi.

Ở Mỹ, như bà thấy đấy, con người có thể làm bất cứ gì mình muốn nếu mình có một chút tài và một chút tham vọng.

 

 

--------------------
Trích dịch từ nguyên tác La fourrure de ma tante Rachel do tác giả cung cấp. La fourrure de ma tante Rachel (Paris: Circé, 1996 – al dante / Léo Scheer. 2003) là một truyện kể viết xong năm 1995, trong đó người thuật chuyện (Raymond) vừa kể chuyện đời mình cho một người nghe chuyên nghiệp (Federman) vừa khai phá không gian tự do giữa cái có thật và cái tưởng tượng, không gian tiểu thuyết trong đó những kỷ niệm [cuộc đời lang bạt thất tán sau chiến tranh của một cậu bé Do thái từ hoàn cảnh sống trốn tránh ở một miền quê nước Pháp đến khi trở thành nhà văn ở Mỹ] được gợi lại trong những trò chơi văn chương, những gương mặt bịa đặt đặt bên cạnh những người có thật như L.-F. Céline, Francis Ponge, Max Jacob, Charlie Parker, Serge Doubrovsky, Diderot vân vân – tất cả được sắp xếp trà trộn thoải mái nhưng nhịp nhàng làm thành những khúc ứng tấu tuyệt vời. Trích đoạn trên là một phần của một chương trong đó tác giả / nhân vật trò chuyện / độc thoại với một bà giám đốc nhà xuất bản. Tác giả cuốn tiểu thuyết mì sợi trong truyện kể cũng như tác giả cuốn truyện kể được trích dịch ở đây tha hồ tung hoành... Và đâu đây người đọc nghe tiếng dội câu nói của Stephane Mallarmé: "Tout ce qui s’écrit est fictif"[8] – một trong những câu Raymond Federman trích làm đề từ cho La fourrure de ma tante Rachel.
 
La fourrure de ma tante Rachel từng được xuất bản ở Đức (Der Pelz meiner Tante Rachel, Faber and Faber, Leipzig, 1997, bản dịch của Thomas Hartl) và ở Mỹ (Aunt Rachel’s Fur, FC2, Normal / Tallahassee, 2001 – do Federman và Patricia Privat-Standley chuyển từ nguyên tác tiếng Pháp).

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]compressé: nén, siết, nhưng trong trường hợp trên, như tác giả nhận xét, người Pháp không dùng từ này.

[2]có nghĩa tinh thần lịch sự, ý thức làm hợp với lề thói. Tác giả đã để nguyên tiếng Pháp trong bản tiếng Anh của mình.

[3]Trời đất bao la.

[4]Le Bavard - tiểu thuyết

[5]Tiếng Anh trong nguyên tác tiếng Pháp: Hãy đi về miền tây hỡi người bạn trẻ.

[6]Tiếng Anh trong nguyên tác tiếng Pháp: đất của những cơ hội.

[7]giọng cao và giọng trầm.

[8]Tất cả những gì ta viết ra đều là tiểu thuyết.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021