thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cây thập giá | Stabat Mater | Tháng Chạp 1981 | Quá khứ | Thơ ca không đem lại sự cứu rỗi
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
ANNA KAMIEŃSKA
(1920-1986)
 
Anna Kamieńska (1920-1986) sinh ở Krasnystaw, gần Lublin, là nhà thơ, dịch giả, người viết tiểu luận và biên tập, tác giả nhiều tập thơ và thơ dịch (từ tiếng Nga và những ngôn ngữ Slave khác), cũng như hợp tuyển, sách cho thiếu nhi, và nhiều tác phẩm giới thiệu văn học Ba lan và thế giới, tìm hiểu giảng giải thơ. Một thời gian dài bà làm biên tập ở Tiểu ban đọc sách của nguyệt san có ảnh hưởng lớn ở Warsaw là tờ Tworczosc. Những tuyển tập sau chiến tranh của bà (1949-1980) có thể kể: Giáo dục, Hướng về những năm 1940-1948, Nhịp tim đập (1954), Suối nguồn (1962) Lưu đày (1970) Bản thảo tìm thấy trong một giấc mộng (1980). Khởi đầu là nhà thơ của các chủ đề nông dân và những quan tâm có tính đạo đức, qua những năm đầu thập kỷ 70 bà đã trải qua một sự biến đổi thuộc lĩnh vực tâm linh và trở thành một nhà thơ có nhiều kinh nghiệm tôn giáo. Bà mất tại Warsawa sau một cơn đau tim.
 
 
 

Cây thập giá

 
Trong giấc mơ tôi nhìn thấy một cây thập giá
một nhánh ngắn
nhánh kia dài vô hạn
Có người bảo
đơn giản thôi
Mọi chuyện rắc rối đều đã được giải quyết rồi
gánh nặng quả là nhẹ và mỗi giọt nước mắt
sẽ được lau sạch
sống cuộc đời mình từ đầu đến cuối
rồi đơn giản thức tỉnh cho đến tận thiên thu
như thế đã đủ
 
Thế nhưng tôi vẫn vác cái nhánh kia
nhánh vô tận
và tôi biết rằng vật nhẹ chính lại là một gánh nặng
và cái cần phải lau sạch là một giọt nước mắt
lớn hơn cả hành tinh
có những ngày kéo dài hơn
cả vĩnh viễn
Và tôi không thể tưởng tượng một cái chết
lại có nghĩa là thức tỉnh
một bóng tối
là ánh sáng
một khoảnh khắc
là bất tử
một tình yêu
lại không phải là anh
 
 
 

Stabat Mater[*]

Kỷ niệm 600 năm Điện thờ Thánh mẫu Da đen Czestochowa [**]
 
Dưới cây thập giá này trong đêm
một đất nước Ba-lan bầm dập đang chết dần
trong những lớp băng của sông Vistule
trong tuyết tháng chạp
Thánh mẫu Da đen đứng thẳng
 
Bị xô đẩy bởi cả một đàn những bà mẹ
người mệt lả tóc tai trắng toát
vác cây thập giá đứng dưới cổng nhà thờ
Mẹ Khổ đau vẫn thẳng người
 
Cuốn trong một chiếc áo khoác giá băng
đen tuyền và lặng im
sát cánh với dân tộc mình
Mẹ đau khổ đứng thẳng
 
Hãi hùng và mất ngủ
như mọi bà mẹ ở đây hôm nay
Mẹ siết chặt chúng con vào lòng
nước mắt thấm ướt mẩu bánh mì đắng không men
 
Hỡi Thánh Marie Mẹ của Thiên chúa
nát lòng vì những mối lo
xin Mẹ cho chúng con nhiều hi vọng nhiều lòng tin hơn nữa
hỡi Đức Bà Czestochowa
 
 
 

Tháng Chạp 1981

 
Ai là kẻ va vào cánh cửa như thế
và – trên chỗ cửa hé mở – tự cho mình là bạn
bước vào lương tâm ta bằng đôi giày ống cao
lột của ta hết sạch mọi thứ
rứt lưỡi ta ra khỏi cổ họng
hắn còn để ta sống để làm gì
 
Hỡi Ba-lan hỡi các ông các bà Ba-lan
xin hãy xoá bỏ cái tên thô kệch đau khổ kia
cái tên vẫn làm cho lũ bội phản phải run sợ khi thốt lên
hãy phát tán nó
hãy rải nó ra khắp những cánh đồng
những cánh đồng tháng chạp
những vùng sa mạc
phủ đầy một màu trắng hão huyền
 
 
 

Quá khứ

 
Quá khứ lúc nào cũng đẹp hơn
và sáng ngời trong bóng tối
như rối bù dưới chân cây thập giá
những lọn tóc rực rỡ của Marie-Madeleine[***]
 
 
 

Thơ ca không đem lại sự cứu rỗi

 
Thơ ca không đem lại sự cứu rỗi
không an ủi
nó không phải là chiếc khăn tay sọc vuông để lau nước mắt
nó không phải bánh mì cũng chẳng phải nước
nó không phải là ngôi nhà cũng chẳng phải ngôi mộ
để làm giãn xương cốt
cũng chẳng phải là giấc mộng sum họp gia đình
có đủ người sống lẫn người chết
 
Nó sẽ không thay thế một cái nắm tay
không phải một bài tham luận thông thái
cũng chẳng phải một lời cầu nguyện không lời
nó không phải là bình minh
cũng chẳng phải là hoàng hôn
không phải là một vòng tròn vẽ trên mặt đất
chẳng phải là ngọn gió
chẳng phải là cây húng tây
cũng chẳng phải là con ong
 
Tiếc thay nó không phải là tất cả những thứ đó
Và ta không uống được nó trên một bàn tay thương yêu
                                                 như nước lấy từ trong giếng
nó còn chẳng phải là một cái nhìn
một lá thư nhìn thẳng vào mắt ta
 
Nó là một chấm khô
vẽ ra ngày càng rõ hơn
trong một cuốn giáo khoa hình học lớp sơ cấp
một chấm đôi khi trông còn giống như một vết mực
hay một con cò có cái mỏ dài và một chân co lên
một cái chấm
càng ngày càng trần trụi
càng ngày càng góc cạnh
bướng bỉnh xáp lại gần hư vô
chẳng là gì nhưng đôi khi hầu như là lý tưởng
quả đúng là một hạt nhân cô đơn
 
Nhưng nếu ta thử đưa tay chạm vào
bất chợt nó vỡ oà thành nước mắt
của cả thế gian
 
 
_____________________
Chú thích của người dịch:
 
 
Trái: “Stabat Mater”, 1482 – tranh Pietro Perugino.
Phải: Tranh Thánh mẫu Da đen ở Czestochowa.
 

[*]Stabat Mater là tên một bài tụng ca viết cho Thánh mẫu Marie ở thế kỷ 13: đây là tên viết tắt của một tên dài hơn, Stabat Mater Dolorosa, về “những nỗi đau của Marie” – mẹ của Jesus Christ – trong khi con mình bị treo trên cây thập giá.

[**]La Vierge Noire de Czestochowa: Điện thờ Jasna GoraIt ở Czestochowa, nơi linh thiêng nhất ở Ba-lan, từ hơn sáu thế kỷ nay là một trong những điểm hành hương quan trọng của châu Âu và thế giới, nằm phía tây bắc Krakow. Mỗi năm nhiều triệu người mang lễ vật đến đây cầu nguyện trước bức tranh vẽ Thánh mẫu Czestochowa... Cũng từ hơn sáu trăm năm nay, điện thờ có bức tranh thánh này biểu tượng cho trái tim và đức tin của mỗi người Ba-lan.

[***]Theo Tân ước, đây là người phụ nữ được Jesus cứu khỏi ma quỷ và trở thành đệ tử trung thành theo Ngài cho đến khi Ngài qua đời, cũng là người chứng kiến đầu tiên hiện tượng phục sinh của Ngài. (Chú thích này e phải thêm một dấu hỏi, cho phải đạo?)

 
 
 
Anna Kamieńska thời trẻ tuổi.
 
 
---------------
“Cây thập giá“ dịch từ bản tiếng Anh “A Cross” của Stanislaw Baranczak và Clare Cavanagh trong tuyển tập Spoiling Cannibals’ Fun - Polish Poetry of The Last Two Decades of Communist Rule (Evanston, IL: Northwestern University Press, 1991). “Stabat Mater” và “Tháng Chạp 1981” dịch từ bản tiếng Pháp “Stabat Mater” và “Décembre 1981” của Lucienne Rey và Gérard Gaillaguet trong Témoins – Quarante-quatre poètes Polonais contemporains 1975-1990 (Saint Jean du Bruel: Les Ateliers du Tayrac, 1997); “Quá khứ” và “Thơ ca không đem lại sự cứu rỗi” dịch từ bản tiếng Pháp “La passé” và “La poésie n’apporte pas le salut” của Grażyna Erhard trong Panorama de la littérature polonaise du XXè siècle do Karl Dedecius tuyển chọn (Paris: Les Editions Noir sur Blanc, 2000) [2 tập, 1856 trang].
 
 
-----------
Đã đăng:
 
Xin Chúa cho con đau khổ thật nhiều / rồi sau đó sẽ chết / Xin Chúa cho con đi qua sự im lặng / và không để lại gì ngay cả sự sợ hãi... | Khi thần chết đi vào / hắn thấy quần áo lót nằm bừa bãi / một dây nịt bít tất đặc cứng / và một trong hai bàn tay / đang với tới một vật gì trên nền nhà... | Làm người ra làm sao nhỉ / con chim hỏi / Chính tôi cũng không biết / làm người là bị nhốt trong bộ da của mình / trong khi đi tới vô hạn... | Chúng ta không còn lịch sử nữa / tất cả những gì chúng ta có đều là những phút giây / lãng phí của cuộc đời... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Năm bài thơ của Anna Kamieńska (1920-1986) — một nhà thơ quan trọng của văn chương Ba-lan đương đại. Lạy Chúa xin hãy để cho tôi đau khổ nhiều / rồi chết // Xin hãy để cho tôi bước xuyên qua im lặng / và không bỏ lại gì hết kể cả sợ hãi... [Bản dịch Diễm Châu]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021