thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Độc thoại của một kim tự tháp Ai-cập
(Diễm Châu dịch)
 
Ta là
        một kim tự tháp Ai-cập.
Ta được quấn quanh người bằng những giai thoại huyền hoặc.
Bọn viết lách lăng nhăng
                                     ưa tìm tòi
                                                    khám phá những bí ẩn của ta.
Và các viện bảo tàng
                               thường
                                          phá tán ta,
Và các nhà thông thái, với kính lúp,
E dè động tới bụi ta bằng những cây kẹp,
Và du khách,
                   mồ hôi nhễ nhại,
                                           chen nhau,
Để khiến in ra cho mình một bức chân dung trên nền bất tử.
 
Thế thì tại sao bọn dân quê và lũ chim chóc
Lại lặp đi lặp lại câu ngạn ngữ cũ:
Rằng hết mọi người đều sợ thời gian,
Và rằng thời gian
                         lại sợ những kim tự tháp?
Hỡi các người, hãy chế ngự nỗi sợ lâu đời ấy!
Ta sẽ trở thành tốt,
                             nhưng ta van xin các người đấy:
Hãy đánh cắp,
                    đánh cắp,
Đánh cắp ký ức của ta!
Ta thấm hút trong một im lặng tang tóc
Mọi sức mạnh bùng nổ của bao thế kỷ.
Tựa như một sputnik,
Ù ù,
Ta cất lên
                từ
                    đám cát.
Ta lướt đi như một điều huyền bí của Hỏa tinh
Ở bên trên trái đất,
                            bên trên lũ người-sâu kiến.
Duy có một du khách nào đó đang dạo chơi,
Vướng mắc vào ta bằng cái dải đeo quần.
Con mắt ta xuyên qua cái thế giới bằng néon và nylon này:
Các Quốc gia chỉ mới mẻ khi nhìn từ bên ngoài.
Mọi sự đều già cỗi đến ghê rợn
Và bao giờ cũng là Cổ Ai-cập,
                                           Than ôi!
Vẫn là sự khiếp nhược hoàn toàn cuồng sảng,
Vẫn những nhà tù ấy, nhưng đã trở thành hiện đại.
Vẫn một áp bức
Nhưng giả hình hơn.
Vẫn những quân trộm cắp,
                                       keo kiệt,
                                                    vu khống,
Gian thương...
                     Thay đổi chúng ư?
                                                 Ích gì!
Các kim tự tháp không bi quan vô cớ
Các kim tự tháp
                        không ngu đần đến thế.
Dưới chân ta, những Nữu-ước,
                                             những Bá-lê!...
Nào, ta sẽ chậm lại cuộc vận hành,
Nào, ta sẽ xuống gần trái đất hơn
Để quan sát chỉ một xứ.
Ta sẽ rẽ màn mây
Như một bóng ma,
                           ta sẽ trườn xuống
                                                      qua khe hở.
Nào, con nhân sư mà người ta gọi là nước Nga,
Hãy cho chúng ta thấy những bí mật của mi!
Nhưng kìa ta lại thấy có điều gì quen thuộc:
Thay vì cát chỉ có những đống tuyết.
Có dân cày,
                  dân thợ,
Và bọn văn sĩ tồi,
                           rất nhiều bọn văn sĩ tồi.
Có những viên chức,
                              và rồi những anh nhà binh.
Chắc chắn là cũng có một ngài pha-ra-ông.
Ta thấy một lá cờ...
                             lá cờ màu đỏ.
Ôi!
       ta đã từng biết nhiều lá cờ khác.
Ta thấy,
            những tòa nhà mới chồng chất,
Ta thấy,
            những ngọn núi ngóc đầu lên.
Ta thấy,
            cái thế giới đang lao động...
                                                     a cái món béo bở -- lao động!
Ở thời ta, cả bọn nô lệ nữa cũng lao động...
Ta nghe
            khu rừng
Mà họ gọi là
                    taïga
                            rì rào như một khu rừng hoang.
Ta thấy điều khác nữa...
                                    phải chăng một kim tự tháp?
«Ngươi là ai thế hả?»
                               «Tôi là -- Thủy điện lực (T.Đ.L.) Bratsk
«A, phải rồi, ta biết:
                               ngươi là nhà máy số một trên thế giới
Về công suất,
                   v.v. »
Này!
        ta đây, kim tự tháp,
Ta sẽ nói với ngươi đôi điều.
Ta là kim tự tháp Ai-cập đây
Và như với một người em,
                                      ta sẽ mở hồn ta cho ngươi.
Ta được chùi rửa bằng những trận mưa cát,
Nhưng ta vẫn chưa chùi được hết những máu ta đã gây nên.
Ta bất tử,
               nhưng ta cũng đầy bi quan,
Và tất cả trong ta đều kêu la và nức nở,
Ta nguyền rủa mọi hình thức bất tử,
Nếu như, làm nền cho sự bất tử ấy
                                                   là những người chết.
Ta nhớ,
            cái cách bọn nô lệ, vừa rên rỉ,
Vừa kéo lê, dưới roi vọt,
Kiệt lực,
            một khối đá nặng cả trăm tấn
Trên nền cát,
                    với những khúc tre tròn.
Một hôm khối đá sững lại...
                                        người ta tìm một giải pháp
Và chỉ yêu cầu bọn nô lệ
Đào những lằn đường cho những khúc cây tròn kia
Rồi nằm xuống những đường lằn ấy.
Và bọn nô lệ đã ngoan ngoãn nằm xuống
Dưới những khúc cây:
                                «Ý Trời đã muốn thế... »
Khối đá lập tức lại chuyển động
                                              lướt trên những thây người
Nó vừa đè bẹp.
Vị cao tăng xuất hiện...
                                 với một nụ cười hiểm độc,
Y quan sát công trình của bọn nô lệ,
Rồi bứt ở chòm râu
Một sợi còn thơm mùi dầu thánh.
Cây roi lăm lẳm trên tay,
Y thét lớn:
               «Phải làm lại từ đầu, bọn ăn hại!»
Mỗi khi tình cờ, có một kẽ hở vừa bằng một sợi râu
Giữa những khối đá của kim tự tháp...
«Các người nghỉ một giờ à?
Ăn một miếng bánh à?
Tọng cát ấy!
Nốc nước đái chó ấy!
Không được để lọt qua một sợi!
Không được để lọt qua một sợi!»
Trong lúc ấy, đám quân canh hùng hục đớp,
        phình ra thấy rõ
Và, vung những cây roi, chúng rít lên bài ca.
(Bài ca của quân canh.)
Chính chúng ta đây là quân canh,
Chúng ta
               là cột trụ
                              của ngai vàng.
Thấy chúng ta,
                      đức pha-ra-ông
Nhăn mặt,
                 ghê tởm.
Nhưng ngài sẽ ra sao nếu thiếu chúng ta?
Thiếu những con mắt?
Thiếu những cổ họng?
Thiếu những ngọn roi của chúng ta?
Cây roi --
               ấy là một phương dược tốt,
Dẫu không có vị mật.
Nền tảng một Quốc gia
Ấy là canh gác,
                      canh gác.
Nhân dân, nếu ta không răn dậy,
Thời không thể lao động.
 
Nền tảng một Quốc gia
Ấy là canh gác,
                      canh gác.
Hãy coi chừng những kẻ suy tưởng:
Bọn người suy tưởng,
                               phải đem giết hết!
Việc canh gác tâm hồn
Quan trọng hơn
                        canh gác thể xác.
Các người la ó cái gì?
Các người than van cái gì?
Các người muốn có tự do?
Mà các người chưa có rồi sao?
Lúc đó vang lên
Những tiếng nói yếu ớt:
                                      «Có!
                                              Có!»
Chúng đã có tự do,
Hay là chúng muốn có?
 
Chính chúng ta đây
                              là quân canh.
Chúng ta thô bạo, nhưng nhân đạo.
Chúng ta không đập đánh chúng mày đến chết,
Vì lợi ích của chúng mày, cả đống những thằng ngốc.
Bằng những nhát roi
                               sống lưng chúng bay
Đen,
        chúng ta xẻ ra,
Thuyết phục chúng bay:
                                    «Vinh dự biết bao,
Lao động
               của một tên nô lệ.»
Mơ mộng tới tự do mà làm chi?
Tự do, rồi chúng mày sẽ có, bọn ngốc,
Tự do,
            bao lâu chúng bay vui lòng
Nín thinh
              những gì chúng bay nghĩ.
Chúng ta đây là quân canh.
Mồ hôi
            cũng chảy đầm đìa trên người chúng ta.
Hỡi bọn nô lệ
                    chúng bay không thể
Trách cứ chúng ta
                          một điều gì hết.
Lúc nào chúng ta cũng phải thủ thế,
Chúng ta là bọn chó
                              không có rọ bịt mõm.
Về phần chúng ta, những quân canh,
                                                      chúng ta cũng là
Nô lệ
        của những quân canh khác.
Và bên trên hết thảy những kẻ nô lệ đang than van,
Là kẻ nô lệ của thần Amon
Người canh gác những kẻ canh gác,
Đức pha-ra-ông khốn khổ của chúng ta... »
 
Những người nô lệ không có lòng biết ơn đối với sự nô lệ:
Thật là vô ý thức, những kẻ nô lệ ấy,
                                                        vô ý thức;
Họ không thương xót đến quân canh,
                                                        bọn nô lệ;
Họ không thương xót đến pha-ra-ông,
                                                        bọn nô lệ.
Là vì họ cũng không đủ xót thương đối với bản thân họ.
Một tiếng rên siết dài lâu chạy qua khắp bọn nô lệ,
Tiếng rên siết dài lâu vì mỏi mệt:
(Bài ca của những người nô lệ.)
Ấy chúng tôi những kẻ nô lệ... nô lệ... nô lệ...
Đôi tay chúng tôi sần sùi như đất.
Nhà cửa chúng tôi là những chiếc áo quan.
Lưng chúng tôi chỉ là những cục u chai cứng.
Chúng tôi là súc vật. Chúng tôi sinh ra để gặt hái mùa màng,
Để đập lúa, và rồi cũng để xây dựng
Các kim tự tháp, đặng biểu dương
Vầng trán cao ngạo của các đấng quân vương.
Các người cười cợt đi dạo mát,
Đầy những đàn bà, rượu nho và kiêu hãnh:
Thằng nô lệ, nó kéo những thân cây
Và những khối đá của các kim tự tháp.
Chẳng còn sức lực để chiến đấu,
Để một ngày kia nổi dậy?
Phải chăng trong mắt bọn đói rách khốn khổ
Bao giờ cũng thấy lời chỉ bảo của một định mệnh đời đời:
«Chúng tôi là những kẻ nô lệ... nô lệ?»
 
Nhưng ấy chính những người nô lệ đã nổi dậy,
Đã đáp trả các vì vua cổ Ai-cập từng đòn một
Và quăng các vị ấy xuống dưới chân của nhân dân...
Từ đấy rút ra bài học nào?
Ta,
      kim tự tháp Ai-cập,
Ta hỏi ngươi,
                    T.Đ.L. Bratsk:
Có bao nhiêu người nô lệ đã bị tàn sát để làm vinh danh ngươi?
Làm gì có phép mầu.
Người ta bảo:
                    nô lệ đã được bãi bỏ
Sai:
        còn mạnh mẽ hơn nữa
Là sự nô lệ do những thành kiến về chủng tộc,
Sự nô lệ bạc tiền,
Sự nô lệ đồ vật.
Phải,
        không còn xiềng xích cũ,
Mà có những xiềng xích khác đeo trên mọi người:
Những xiềng xích của một chính sách dối trá,
                                                                  của Giáo hội
Và xiềng xích bằng giấy của báo chí.
Hãy lấy thí dụ một người nào đó,
Chẳng hạn,
                  một anh ký lục...
                                            y sưu tập tem thư.
Y mua chịu căn nhà nho nhỏ.
Y có vợ và một đứa con gái.
Trong chăn gối, y chê bai ông chủ,
Nhưng, buổi sáng, y đi họp,
Uốn cong mình, đầu gật gù: Yes...
Con người này có tự do chăng, hỡi T.Đ.L. Bratsk?
Đừng xét đoán y một cách quá khắc nghiệt.
Tội nghiệp,
                y là kẻ nô lệ của gia đình y.
Hãy lấy thí dụ một người khác,
                                              ngồi ghế tổng thống,
Một người nhỏ bé khác:
                                    nếu
Giả thiết rằng
                    y không phải là một tên bỉ ổi,
Thời y có thể làm được gì tốt?
Như ngai vàng của pha-ra-ông,
Cái ghế tổng thống
                             là nô lệ của chính mấy cái chân nó.
Và mấy cái chân này --
                                    mấy cái chân chống đỡ cho y,
Khi cần,
            sẽ bỏ rơi y.
Ông tổng thống lệ thuộc
Một câu «Cần phải»
                              đè nặng trên mình,
Khi đấu tranh đã quá muộn:
                                          thời trong lời nịnh hót của bọn kia
Những nắm đấm sa lầy,
                                  như trong bùn.
Lúc ấy, viên tổng thống hít mạnh, bất lực:
«Cút cha tụi bay đi!
                              ta thấy mọi sự đều ghê tởm... »
Và thế là lịm tắt những đam mê cao quý của y...
Y là ai?
            Là kẻ nô lệ chính quyền bính của y.
Ngươi hãy nghĩ tới điều đó,
                                       hỡi T.Đ.L. Bratsk,
Nơi biết bao người, người ta thấy
      sự u mê đần độn, nỗi kinh hoàng.
Hỡi giống người,
      đâu là sự tiến bộ mà các người từng huênh hoang đến thế?
Hỡi giống người, hỡi giống người,
      các người mới thực là sa lưới của chính các người!
Ta quan sát từ trên những mặt tiền nghiêm nghị của ta,
Và qua mắt những con nhân sư nứt nẻ,
Cả vô số những kiến trúc,
Lẫn vô số những điều ô nhục của các người.
Ta biết:
             tinh thần của con người thời yếu đuối.
Người ta không thể
                              không mất niềm tin
                                                            ở con người.
Con người
                tự bản chất là nô lệ.
Con người
                sẽ chẳng bao giờ đổi thay.
Không, ta nhất quyết không chịu
                                                chờ đợi bất cứ một điều gì...
      Không vòng vo, thật dứt khoát,
Ta nói với ngươi thế đấy,
                                    hỡi T.Đ.L. Bratsk,
Ta, kim tự tháp Ai-cập.
 
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
YEVGENY YEVTUSHENKO (hay Evgueni Evtuchenko), nhà thơ Nga hiện đại, sinh năm 1933, sống ở Tây-bá-lợi-á tới mãi 1944. Kế đó, ông học tại Viện văn học Matx-cơ-va (1951-1954). Tập thơ đầu tiên của ông, tựa là Kẻ chinh phục tương lai, được xuất bản năm 1952. Ông bắt đầu nổi tiếng về thơ vào khoảng giữa những năm 1950. Sang những năm 1960, Yevgueny Yevtushenko trở thành một trong những nhà thơ có uy tín nhất ở Liên Sô: người đọc (và nghe ông đọc) thơ hết sức đông đảo. Thơ ông, vào thời kỳ này, có tầm quan trọng lớn về xã hội... Nhiều bài đã được Dmitri Shostakovich dùng để soạn nhạc, như bài «Babii Yar» thời danh mở đầu cho «Hòa tấu khúc thứ mười ba» (mặc dù đã phải sửa đổi một số lời, tất nhiên!).
 
Trong bộ Lịch sử văn học Nga, thế kỷ XX, tập 3 [Histoire de la littérature russe, le XXè siècle *** (Fayard, Paris, 1991)], các tác giả đã dành cho Yevtushenko những đoạn dài: người ta cho rằng thơ ông đánh dấu một giai đoạn đổi thay quyết liệt trong lịch sử nước Nga và thơ Nga, nhưng cũng ghép cho ông những từ như «hãnh tiến», «cơ hội», được chế độ của ông K. «dung dưỡng»... Trong cuốn Những tiếng nói trong tuyết, bà Olga Andreyev-Carlisle (cháu của văn hào Nga Léonide Andreyev) đã để cả chương 8 ở phần III để viết về Yevtushenko và các bạn nghệ sĩ của ông. Ở một chương khác trong sách còn có một khúc «phim» ngắn rất linh hoạt về Yevtushenko [Des voix dans la neige (François Maspéro, Paris, 1964)]. Theo chứng từ của một số các nhà văn học Nga, Yevtushenko được coi như khá tích cực bênh vực tự do: người ta ghi nhận «những can thiệp công khai» của ông kéo dài mãi tới thời Gorbachev...
 
“Độc thoại của một kim tự tháp Ai-cập” được dịch theo bản Pháp văn, có lẽ là của Elisabeth Soulimov trong De la cité du Oui à la cité du Non (Grasset, Paris, 1970); và trích từ một tuyển tập thơ của Yevgueny Yevtushenko do Diễm Châu dịch, với tựa đề: Những đêm trắng. Một bài thơ khác của Yevgueny Yevtushenko, “Ngủ đi em, hỡi người tôi yêu dấu”, đã được đăng trên Tiền Vệ.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021