thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
GHI BẰNG BÚT CHÌ TRONG TOA TÀU NIÊM KÍN và những bài thơ khác [I]
Bản dịch Diễm Châu
 
 
DAN PAGIS
(1930-1986)
 
 
GHI BẰNG BÚT CHÌ TRONG TOA TÀU NIÊM KÍN
và những bài thơ khác [I]
 
— bản dịch này để tặng nhà số 9,
đường Trại cau, Hải-phòng.
DC.
 
 

TỰ SỰ*

 
Ngay nhát đầu tiên tôi đã chết và được vùi chôn
giữa những tảng đá ngoài đồng
Diều quạ đã dạy cha mẹ tôi
cách xử trí với tôi.
 
Gia đình tôi có nổi danh
công lao ấy không nhờ tôi chút nào hết.
Anh tôi đã sáng chế ra chuyện sát nhân,
cha mẹ tôi nỗi muộn phiền,
tôi tôi sáng chế ra sự im lặng.
 
Sau này những biến cố quen biết đã xảy ra.
Những sáng chế của chúng tôi được hoàn thiện. Chuyện nọ dẫn tới chuyện kia,
lệnh đã ban ra. Đã có những kẻ giết người theo lối riêng của họ,
muộn phiền theo lối riêng của họ.
 
Tôi sẽ không kể ra những tên tuổi
vì tôn trọng người đọc,
bởi thoạt đầu những chi tiết khiến ta ghê rợn
mặc dù rốt cuộc thời chúng cũng chỉ là nhàm chán:
 
anh có thể chết một lần, hai lần hay cả bảy lần đi nữa,
nhưng anh không thể chết một ngàn lần.
Tôi tôi có thể.
Những tế bào chìm khuất của tôi lan tới hết mọi nơi.
 
Khi Caïn bắt đầu sinh sôi nẩy nở trên mặt đất,
tôi cũng đã bắt đầu sinh sôi nẩy nở trong lòng đất
và sức mạnh của tôi đã từ lâu hơn hẳn của Caïn.
Hằng đoàn lũ những kẻ đi theo Caïn rời bỏ anh ta qua với tôi,
và ngay cả điều này đi nữa cũng mới chỉ là một nửa cuộc báo cừu.
 
------------------
* đã đăng trên Tiền Vệ.
 
Theo Kinh thánh, Caïn và Abel là con của Ađam và Evà. Abel làm nghề chăn cừu, Caïn làm ruộng. Abel tế lễ Thượng đế bằng chiên cừu “đầu lứa” được Thượng đế thương; còn Caïn tế lễ bằng hoa trái nên không được nhìn tới. Từ đấy sinh ra tức tối thù nghịch, Caïn đã hạ sát Abel ngoài đồng. Trời phạt Caïn phải “vất vưởng chạy rong trên đất”, đất cũng không còn mầu mỡ như trước, nhưng hứa: những kẻ sát hại Caïn sẽ bị trừng phạt “gấp bảy lần”... (ND.)
 
 

ANH EM

 
1
Abel tóc hoe vàng và mềm như len
trông thật nhỏ mọn
như con dê con hiền dịu nhất,
mái tóc chàng uốn lượn như làn khói cuộc tế lễ
chàng dâng lên
trước mũi thượng đế của chàng.
Tóc Caïn thẳng tuột: như một lưỡi dao.
 
2
Caïn kinh hoàng không thốt ra lời. Bàn tay to lớn của anh
nắm lấy cái cổ họng đã bị tàn sát ở trước mặt:
cái im lặng này vọt ra từ đâu?
 
3
Abel ở lại ngoài đồng. Caïn vẫn là Caïn. Và bởi lệnh đã ban ra là anh phải là một kẻ lang thang, anh lang thang thật chăm chỉ. Sáng sáng anh thay đổi nhẫn giới. Một hôm anh khám phá ra: trái đất đã lừa gạt anh suốt những năm ấy. đã chuyển động, trong lúc anh, Caïn, đã chỉ bước trên một địa điểm. Đã bước, đã rảo đều bước, đã chạy trên một khoảnh đất duy nhất to vừa bằng đôi dép của anh.
 
4
Một chiều muộn khoan dung anh bắt gặp 
một đụn rơm thích đáng.
Anh sà vào, lọt thỏm, nghỉ ngơi.
Suỵt, Caïn thiếp ngủ.
Mỉm cười, anh mơ thấy anh là em anh.
 
5
Caïn đừng sợ.
Lệnh đã ban ra là bất cứ kẻ nào sát hại anh 
sẽ bị trừng phạt gấp bảy lần.
Em anh là Abel canh giữ cho anh khỏi mọi sự dữ.
 
 

KỶ NIỆM

 
Thị trấn nhỏ nơi tôi sinh, Radautz, ở vùng Bukovina, đã liệng tôi ra ngoài khi tôi mới lên mười. Ngày hôm ấy nó đã quên tôi, như thể tôi đã chết, và tôi tôi cũng đã quên nó nữa. Cả đôi bên chúng tôi đều lấy làm hài lòng về chuyện ấy.
 
Bốn mươi năm sau, bỗng dưng, nó gửi cho tôi một kỷ niệm. Như một bà dì khó thương mà ta coi như có nghĩa vụ phải yêu mến chỉ vì bà là họ hàng máu mủ. Ấy là một tấm hình chụp mới, bức chân dung mùa đông gần gũi nhất của nó. Một cỗ xe có màn rủ đang chờ trong khoảnh sân. Con ngựa, quay đầu lại, âu yếm nhìn một người đàn ông đã trọng tuổi đang bận khóa lại một thứ cổng gì đó. A, thì ra một đám táng. Tang nghi Hội lúc này chỉ còn lại đúng hai thành viên: người đào huyệt và con ngựa.
 
Nhưng đó là một đám táng thật lộng lẫy; khắp chung quanh, trong cơn gió táp mạnh, cả ngàn bông tuyết chen chúc nhau, mỗi bông một ngôi sao pha lê với kiểu thức đặc thù của riêng nó. Thế là vẫn còn một sức thôi thúc tỏ ra mình đặc biệt, vẫn còn cũng những ảo tưởng ấy. Bởi lẽ hết thảy những ngôi sao-tuyết chỉ có một mô thức: sáu cánh, một ngôi sao David trên thực tế. Trong một phút nữa hết thảy chúng sẽ bắt đầu hòa tan và trở thành một đống tuyết thường. Giữa những bông tuyết ấy thị trấn già nua của tôi đã chuẩn bị sẵn sàng một cái huyệt cả cho tôi nữa.
 
 

EIN LEBEN*

 
Vào tháng mà bà mất, bà thường đứng bên khung cửa,
một thiếu phụ với một kiểu tóc uốn hợp thời trang.
Bà dường như suy tư
khi đứng đó nhìn ra ngoài cửa sổ.
 
Qua kính cửa một áng mây chiều năm 1934 
nhìn vào bà, mịt mờ, hơi lệch ống kính ảnh,
nhưng vẫn là người hầu hạ trung thành của bà. Ở bên trong
kẻ đang nhìn bà lúc đó là tôi, gần bốn tuổi,
 
giữ lại trái banh, lặng lẽ
bước ra ngoài tấm hình và lớn lên,
lớn lên thật thận trọng, thật lặng lẽ
để không làm bà hãi sợ.
 
--------------------
* Ein Leben: “Một cuộc đời”, tựa đề của tác giả bằng tiếng Đức. (ND.)
 
 

BÀI THUYẾT GIÁO

 
Ngay từ đầu, sức mạnh đôi bên đã chênh lệch: Sa-tăng một ông chúa trên trời, Gióp* chỉ là thịt da và máu. Và dầu sao, cuộc so tài cũng không ngay thật. Gióp, người đã mất hết của cải và không còn con cái lại bị những mụn nhọt gớm ghiếc trên người, không hề biết rằng đây là một cuộc so tài.
 
Bởi ông than phiền quá nhiều, kẻ trọng tài khiến ông im lặng. Thế nên, sau khi chấp nhận quyết định này, trong im lặng, ông đã đánh bại đối thủ mà chẳng hay. Thế là sự giàu có của ông được hồi phục, ông được ban cho những người con trai và con gái—những đứa con mới, cố nhiên—và nỗi muộn phiền của ông được cất đi.
 
Chúng ta có thể tưởng tượng được rằng sự trừng phạt này là điều khủng khiếp nhất trong hết thảy. Chúng ta cũng có thể tưởng tượng được rằng điều khủng khiếp nhất là sự không hay biết gì của Gióp: không biết mình đã khuất phục ai, hay cả đến chuyện mình đã thắng. Nhưng thực ra, điều khủng khiếp nhất trong hết thảy là Gióp không bao giờ hiện hữu và chỉ là một dụ ngôn.
 
----------------
* Job: hình ảnh người công chính phải chịu muôn vàn thử thách đắng cay, trong cổ sử Do-thái mà người Thiên chúa giáo ngày nay gọi là Cựu ước. (ND.)
 
 

NHỮNG KẺ CUỐI CÙNG

 
Tôi đã hoàn toàn khan hiếm. Trong bao nhiêu năm
tôi đã chỉ xuất hiện đây đó
ở mép bìa khu rừng rậm này. Thân xác thô lậu của tôi
được ngụy trang kỹ giữa đám lau sậy, bám chặt
lấy vùng bóng ẩm ướt chung quanh nó.
Nếu như tôi có được văn minh hóa,
hẳn tôi đã chẳng bao giờ chống giữ được.
Tôi mỏi mệt. Duy những đám cháy lớn
còn xua đuổi tôi từ nơi lẩn trốn này tới nơi lẩn trốn khác.
 
Và lúc này thì sao? Tiếng tăm tôi chỉ có trong lời đồn đại
rằng từng lúc lại từng lúc
và cả đến từng giờ lại từng giờ
tôi co rút lại.
Nhưng có điều chắc là ngay lúc này
có ai đó đang theo đuổi dấu vết tôi. Thận trọng
tôi dỏng tai nghe ngóng và chờ đợi. Những bước chân
đã làm xao động những chiếc lá khô. Thật sát. Ngay đây.
Phải chăng nó?
 
Phải chăng tôi là nó? Phải.
Không còn thời gian để giải thích.
 
 

TRONG PHÒNG THÍ NGHIỆM

 
Những dữ kiện trong bình thí nghiệm bằng thủy tinh: một tá bọ-cạp
thuộc đủ mọi loại—một xã hội leo trèo bấu víu, gây nguy hại
của những kẻ chủ trương bình đẳng. Chà đạp lẫn nhau và bị chà đạp.
Giờ đến cuộc thí nghiệm: một đấng tạo hóa tìm tòi tra xét thổi
hơi độc vào bên trong
và lập tức
mỗi người lại đơn độc trong thế giới,
cất đuôi lên, cứng ngắc, van xin tấm vách thủy tinh
thêm một khoảnh khắc nữa.
Nọc độc lúc này đã vô dụng;
những đôi còng ngơ ngác;
tấm thân rơm rác chờ cái rùng mình chung cuộc.
Xa xa, trong bụi cát, những thiên thần hắc ám
giật mình.
Ấy chỉ là một cuộc thí nghiệm. Một cuộc thí nghiệm. Không phải một phán quyết
của độc dược đối với độc dược.
 
 

MỘT BÀI HỌC VỀ QUAN SÁT

 
Hãy hết sức chú ý: cái thế giới xuất hiện lúc này
ở độ không-chấm-không-một
chính là, theo chỗ ta được biết,
cái thế giới duy nhất
đã bùng ra từ im lặng.
 
Nó đã lơ lửng bên trong một chiếc bọt xanh, khá lớn;
và đôi khi đã có những đám mây, những cơn gió nhẹ của biển,
đôi khi một căn nhà, có lẽ một con diều, trẻ em,
và đây đó một thiên thần,
hay một khu vườn, hay một thị trấn.
Bên dưới những thứ này là những kẻ đã chết, bên dưới họ
đá, bên dưới đá nhà tù đỏ rực.
 
Rõ chưa? Ta sẽ lặp lại: bên ngoài trước kia đã có
những đám mây, những tiếng la hét, những phi đạn không-không,
lửa trên những cánh đồng, trí nhớ.
Ở bên dưới những thứ ấy thật xa đã có nhà cửa, trẻ em. Còn gì khác?
 
Cái chấm nhỏ ở một bên?
Dường như đó là vầng trăng duy nhất của thế giới ấy.
Nó đã tự tắt đi ngay trước cả lúc này.
 
 

CON TÀU KHÔNG GIAN

 
Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ phải khởi sự. Khắp quanh tôi
những vành trăng đã sáng lên. Đã cháy.
Tôi nhận được một làn ánh sáng khác, có lẽ từ bên trong,
tựa ánh đèn đường lờ mờ
nơi một công viên thành phố mà tôi đã một lần nghe nói tới.
Và tôi ra sức tưởng tượng: một thành phố. Làm sao có thể có một thành phố
chẳng hạn? Là gì những điều kiện tiên quyết
cho một cái cây? Cho sự sinh trưởng của một chiếc ghế dài? Một đứa trẻ?
 
Giờ là lúc cất cánh.
Không còn thời gian nữa.
Tôi chuẩn bị bản thân tôi
để lượn lờ trên mặt của chốn phi-vực thẳm
vào xác thân tôi và xa hơn nữa.
 
 

CUỘC KHẢO SÁT CUỐI CÙNG

 
“Nếu tôi không nhầm:
tia chớp đã biến mất
lúc này mới xuyên thủng
con mắt.
Không khí đã thế chỗ
cho bàn tay bị chặt đứt lúc này mới làm đau
kẻ tàng tật.”
 
      —Không, không phải vậy. Ký ức không có đó.
      Những gì ngươi nói chỉ là một dụ ngôn.
      Nhưng ngươi, tôi tớ của ta, ngươi
      cần phải chính xác hơn. Ta trông đợi ở ngươi nhiều hơn thế.
      Không sao. Ngươi đừng sợ, hỡi tôi tớ của ta. Ngươi không thể hỏng cuộc.
      Hãy nghĩ. Hãy nghĩ lại, thật kỹ, và trả lời ta:
      Ký ức ở đâu?
      Ai đã chọc thủng?
      Cái gì đã bị chặt đứt?
 
 

GHI BẰNG BÚT CHÌ TRONG TOA TÀU NIÊM KÍN

 
tôi là evà
ở đây trong toa tầu chật nứt này
cùng với con trai tôi là abel
nếu các người có thấy đứa con trai khác của tôi
caïn con của con người
hãy bảo nó rằng tôi
 
 

ĐƯA ĐƯỜNG CHO QUỶ

 
Trong lúc chờ đợi trước một sáng chế mới,
Danton nói, “Động từ guillotiner [1]
(cái động từ mới toanh này của chúng ta) bị hạn giới
trong các thì và ngôi khi chia:
chẳng hạn như, tôi sẽ không có dịp nói
tôi đã bị hành quyết bằng máy chém.”
 
Thật sắc bén và châm biếm, câu nói ấy cũng chỉ là khờ khạo.
Thực ra có tôi đây (và tôi chẳng phải là ai đặc biệt),
tôi đã bị chặt đầu
tôi đã bị treo cổ
tôi đã bị hỏa thiêu
tôi đã bị bắn
tôi đã bị tàn sát
tôi đã bị lãng quên
(Nhưng tại sao lại đưa đường cho Quỷ?—[2]
y rất có thể còn nhớ
rằng, ít ra về tinh thần,
trong lúc này, tôi đã thắng.)
 
------------------
1. “guillotiner”: “hành quyết bằng máy chém.” Chữ “guillotine” (máy chém) được đặt theo tên của Joseph Ignace Guillotin (1738-1814), y sĩ, nhân viên Quốc hội lập hiến Pháp, người đã đề nghị chặt đầu thay cho những hình phạt khác đương thời, và khuyên nên dùng một thứ máy đã được người Ý sử dụng. DANTON (Georges Jacques, 1759-1794): chính trị gia Pháp, nhân viên Ủy ban Cứu quốc bị loại bỏ năm 1793, người đã kêu gọi chấm dứt thời kỳ Khủng bố và đã có những cuộc thương thuyết với “địch”. Bị Robespierre tố cáo là “lạnh nhạt”(thiếu nhiệt tình?), Danton đã bị hành quyết bằng máy chém.
 
2. Câu này, theo Stephen Mitchell: “Nhưng tại sao lại cho Sa-tăng một lối thoát?” và tựa bài: “Một lối thoát cho Sa-tăng”(dịch sát). Theo một bản Anh văn khác, của Tsipi Keller, câu này: ”Tôi chẳng nên cám dỗ Quỷ”, và tựa bài: “Cám dỗ Quỷ”. (ND.)
 
 

CHỨNG TỪ

 
Không không: họ nhất định không phải là
người: những bộ đồng phục, giầy ống.
Làm sao giải thích? Họ đã được tạo ra
theo hình ảnh...*
 
Tôi là một chiếc bóng.
Một đấng tạo hóa khác đã tạo ra tôi.
 
Và đấng ấy nhân từ không để lại nơi tôi một điều gì có thể chết.
Và tôi bay tới ngài, trôi lên không trọng lượng, xanh, 
thứ tha—tôi còn dám nói; tạ lỗi nữa—
khói tới khói toàn năng
không có mặt hay hình ảnh.
 
-------------------
* Theo Kinh thánh, con người được tạo ra theo hình ảnh... Thượng đế. (ND.)
 
 

NHỮNG CHỈ DẪN ĐỂ VƯỢT ĐƯỜNG BIÊN

 
Hỡi người tưởng tượng, hãy đi. Đây là hộ chiếu của ngươi.
Ngươi không được phép nhớ.
Ngươi phải thích hợp với điều mô tả:
đôi mắt ngươi đã xanh.
Đừng trốn thoát với những tia lửa
từ bên trong ống khói:
ngươi là một người, ngươi ngồi trên xe lửa.
Hãy ngồi thoải mái.
Lúc này ngươi đã có một tấm áo khoác đàng hoàng,
một xác thân đã được tu bổ, một cái tên mới
sẵn sàng trong cổ họng.
Ngươi không được phép quên.
 
 

PHÁC THẢO MỘT THỎA HIỆP BỒI THƯỜNG

 
Thôi được, quý ngài vẫn kêu ám sát xanh, [1]
những kẻ làm phép mầu lúc nào cũng bắt lỗi,
hãy im đi!
Mọi sự sẽ trở về nguyên chỗ cũ,
từng tiết lại từng tiết.
Tiếng la thét lại trở về cổ họng.
Những chiếc răng vàng về với hàng lợi.
Sự kinh hoàng.
Khói về với ống khói bằng thiếc và cứ thế bên trong 
về với những hốc rỗng trong xương,
và lúc này quý ngài sẽ có thịt da và cơ bắp bao phủ và quý ngài sẽ sống,
kìa, quý ngài sẽ có lại cuộc sống của quý ngài,
ngồi trong phòng khách, đọc báo buổi chiều.
Quý ngài đang có đây. Không có gì là quá trễ.
Còn về ngôi sao vàng [2]:
nó sẽ bị giật đứt khỏi lồng ngực của quý ngài
lập tức
và sẽ di cư
lên trời.
 
---------------------
1. Ý nói: giết người bằng hơi độc.
2. Ngôi sao (David) sáu cánh của người Do-thái. (ND.)
 
 

CON RÙA

 
Anh thật lẹ làng với đôi chân nhẹ nhõm Achilles.
Tôi tôi rất chậm.
Chính vì thế mà tôi nổi tiếng.
 
Khoảng cách giữa chúng ta mỗi ngày một nhỏ đi
nhưng không biến mất.
Anh sẽ chẳng bao giờ đuổi kịp đâu.
 
Này bạn thân mến ơi, cứ cố gắng cật lực đi, rồi bạn sẽ chết trẻ.
Tôi, già quá tuổi, 
vẫn ì ạch lội quanh thế giới.
 
Tôi thú thật: là một tay vô địch,
một kẻ muôn đời đắc thắng trong cát bụi—
quả là một gánh nặng.
 
Tôi đang suy tính:
có lẽ tôi nên để cánh.
 
 

RẮN

 
Cát thật mau lẹ, chảy tràn qua, 
đào khoét bên trong chính mình, tìm kiếm
những gì còn lại, những bia mộ, xương của
tổ tiên.
Tôi, tôi không bao giờ hiểu được cái đói khát này
đối với dĩ vãng. Tôi
là một chuỗi những giây lát,
lột xác dễ dàng,
lãng quên,
tinh khôn hơn chính bản thân.
Trên khắp sa mạc này duy có mình tôi là đoán được
ai là ai.
 
 

NHỮNG ĐỢT THỦY TRIỀU

 
Con cá lớn đã nôn mửa Jonah* ra
không còn nuốt gì vô nữa.
Không còn lấy một lởi tiên tri nào trong ruột, nó vùng đi.
 
Con cá lớn ấy đã chết và biển nôn mửa nó ra trên đất khô,
ba trăm sải thịt da bất mãn bị ruồng bỏ
trong ánh sáng cuối ngày.
 
Thế rồi thiên hạ bỗng khoan dung với nó, một điềm báo trước những sự việc sẽ xẩy ra trong giây lát:
từng đoàn lũ cua
vây quanh nó, khoái trá rúc rỉa trên mình nó, rút tỉa nó sạch trơn.
 
Sau tất cả những đợt thủy triều ấy, còn lại trên bãi biển hoang vắng
là bộ xương: những hang hầm, hàng cột, vòm cổng, lối vào bí mật—
một đô thị để ẩn nấp cho một ngọn gió đã vuột thoát. Mọi sự đều được hoàn tất.
 
-----------------------------
* Jonah: nhà tiên tri Do-thái trong Cựu ước. (ND.)
 
 

HAI CHÂN

 
Hai chân quả là một tạo vật lạ kỳ:
qua xác thịt nó liên hệ
với các giống thú săn mồi khác, nhưng chỉ có mình nó
biết nấu nướng các loài vật, nêm gia vị,
chỉ có mình nó ăn vận bằng lông thú, phủ chân bằng da thú,
chỉ có mình nó nghĩ
rằng nó là một kẻ lạ mặt trên thế giới, mình nó phản đối
chống lại lệnh đã ban ra, chỉ có mình nó cười to,
và, lạ nhất, tự ý muốn
cỡi một chiếc xe máy.
Nó có tứ chi,
hai tai,
một trăm trái tim.
 
(trích “Ngụ ngôn về các loài thú”)
 
 

NHỮNG CÂY VIẾT *

 
Tôi đã viết nhiều chữ trong đời. Những chữ tránh né hoặc thẳng thắn, một nửa sự thật ở đây đó, hay một sự thật rưỡi, những điều tốt và những điều xấu, vv. Tất cả những chuyện này dĩ nhiên chỉ là giả thiết, bởi cũng như tất cả những cây viết máy khác, tôi không có trí nhớ. Tôi cũng chẳng cần đến một trí nhớ: tôi tới từ một hãng buôn xưa, rất được kính trọng, hãng Mont Blanc, chẳng đòi hỏi tôi gì hết ngoại trừ vẻ quý phái. Duy có máu xanh chảy tới đầu viết 14 carat của tôi. Tôi sống hòa hợp với tờ giấy chọn lọc, với cái ấn nhẹ giữa ngón cái và ngón trỏ. Đôi khi, giữa những lúc suy tư, tôi còn cất mình lên trán và nghỉ lại trên đó một đôi lúc.
 
Thời đại mới hiện nay khiến tôi cũng như mọi thành phần thuộc giới quý phái bị thương tổn. Đã nhiều năm trước (dĩ nhiên là tôi không thể nhớ được khi nào) cái thằng điên kia chạy sộc tới, cái cây Bic bằng nhựa thô lỗ ấy, cái cây viết bi đầu tròn bướng bỉnh ấy. Nó không có đến một giọt máu thật, chỉ một thứ chất nhờn hóa học dính nhem nhép làm hư cả túi áo. Và cái máy đánh chữ, cái hộp lào khào bép xép ấy. Nó cột các chữ vào những chiếc xiên mảnh khảnh co quắp lòng ngòng trong bụng như chân nhện. Lúc này nó đã được gắn điện, làm đẹp với đủ mọi thứ máy móc vặt vãnh, và dù thế nó cũng đang trở nên lỗi thời. Mỹ phẩm chả giúp gì được nó.
 
Hai thứ này, dẫu có trâng tráo [1] đến đâu chăng nữa, ít ra cũng nhìn nhận rằng chúng đang sống một cuộc đời tạm bợ: chúng viết rồi quên. Nhưng cái máy sắp chữ điện toán—một trò ảo thuật hoàn toàn! Cái tên nhào lộn này làm bộ nhớ, làm bộ thu thập hằng ngàn chữ trong ruột hắn. Nhấn một cái nút, hắn nôn mửa tất cả các thức ấy lên màn ảnh, bỏ mặc những chữ ấy cho bất kỳ một thứ vặn vẹo bóp méo nào, bất kỳ một thứ thay đổi độc đoán nào, và không còn nhớ tới tính trung thực thời thanh xuân của chúng, cả đến một khoảnh khắc. Ấy không phải là trí nhớ, ấy là giả mạo! Và tại sao tôi lại chẳng giận dữ? [2] Là vì thiên hạ rồi cũng sẽ nổi dậy chống lại cả hắn nữa, tên bịp bợm, cả hắn nữa rồi cũng sẽ bị quên lãng, như mọi cây viết, như tôi.
 
---------------------------
* đã đăng trên Tiền Vệ.
 
1. “chutzpah” trong bản Anh văn: “trâng tráo/ trơ tráo”, một từ thông dụng của người Do-thái ở Hoa-kỳ. (Xin cảm ơn bạn Phương Sinh đã “soi sáng” cho tôi về từ này. DC.)
 
2. Đoạn này theo bản Anh văn của Tsipi Keller: “Nhưng tại sao tôi lại nổi khùng lên thế. Rốt cuộc rồi cả y nữa, cái tên bịp bợm này, cũng sẽ tới số, cả y nữa cũng sẽ bị lãng quên như mọi kẻ viết lách kia, kể cả tôi.” Cũng theo Tsipi Keller, tựa bài: “Viết lách”. (ND.)
 
 

MỘT KHOẢNH KHẮC Ở VIỆN BẢO TÀNG LOUVRE

 
Tôi vội vã tới một cuộc họp khẩn cấp:
bên trong chiếc lồng kính, đang chờ tôi
(tôi đã tới trễ) là viên ký lục mau lẹ của Pha-ra-ông*
Ông ta ngồi bắt tréo chân.
Hết sức chăm chú,
ông ta nhìn tôi với đôi mắt trắng.
Tôi sẽ đọc cho ông ta ghi điều gì.
Tôi phải đọc cho ông ta ghi điều gì.
 
Khách thăm viếng vô tình lướt qua, dừng lại một khoảnh khắc,
phản chiếu trên chiếc lồng kính, bị bôi đi.
 
Ấy thế là, còn lại hai chúng tôi.
Hai đầu gối ông ta nhìn tôi hết sức nhẫn nại.
Ấy thế là, sao.
Ông ta là đất sét nung,
tôi là đất sét đang dần dà cứng lại.
Tôi sẽ để lại cho ông ta điều gì.
 
Ông ta thấy
sự im lặng của tôi,
ghi khắc nó
lên tấm bảng đá sạch trơn của mình.
 
Tôi liếc nhìn đồng hồ, tôi đang dần dần bị bôi đi
khỏi mặt vách thủy tinh, khỏi sự có mặt của ông ta.
Ông ta không thấy rằng tôi đã có đó.
Ông ta đang chờ tôi.
Tôi đã tới trễ.
 
-----------------------
* Danh vị các vua Cổ Ai-cập. (ND.)
 
 

BI CA CHO MỘT BẬC THÀY VỀ BÚT PHÁP

 
Thủa ấy ông luôn luôn săn lùng cái mot juste*. Nó vẫn thường lẩn thoát ông, nhảy lên giữa những ngón tay ông như một con châu chấu. Và bởi ông không bao giờ bỏ cuộc, nó đã tìm cách trả thù: một đám mây đen bốc lên ở chân trờI, muôn vàn cào cào châu chấu, những chữ dữ tợn vì đói khát từng bầy từng bầy kéo tới bu kín trên những cuốn sách của ông, khuôn mặt ông, miệng ông và tàn phá chúng.
 
-------------------
* “mot juste” (“từ chính xác”): tiếng Pháp trong bản Anh văn. (ND.)
 
 

NHỮNG CUỘC ĐỐI DIỆN

 
Mi đối diện với tấm gương và quay đi quá chậm.
Có gì lạ, mi chẵng hề thay đổi! Giã từ, giã từ.
 
Mi gặp, gần như trong thầm kín, một gói những tờ báo cũ.
Mi sống sót, chúng cũng thế. Chứ nói được gì khác?
 
Mi lang thang trong các tĩnh mạch, động mạch, theo nhịp đập của tim, rồi
theo một nhịp đập khác. Cả đến dòng máu này nữa cũng không còn.
 
Và đột nhiên, trong ngăn kéo, tấm hình chụp: mi,
xương mặt nhô lên, cái nhìn sửng sốt,
 
phải, vẫn những cái xương ấy. Giờ thì mi hiểu:
ngay cả chết mi cũng đã không chết. Mi đã hoài công khước từ.
 
Và mi sẽ trở lại với câu trả lời nào? bởi không có vấn nạn.
Lúc này mi đã sẵn sàng, đứng dậy và đập toang cánh cửa,
 
trèo xuống những bậc thang dưới hầm và tự giới thiệu với vách tường.
 
 

NHỮNG MẨU AI CA

 
Tôi đã khép đôi mắt người.
Tôi đã đặt đôi bàn tay người trở lại chỗ của chúng.
Gan bàn chân người nhìn tôi thương hại:
Tôi thừa thãi.
Lúc này tôi bắt gặp đôi tay tôi.
Tôi biết làm gì với đôi bàn tay tôi?
Tôi cột những sợi dây giày đã cột, 
cài chiếc áo đã cài.
 
Nghĩa trang mới thật khoảng khoát,
hoàn toàn vị lai. Xa, gần, không thôi,
những ca sĩ trong ca đoàn đang hát.
 
Người lẳng lặng, hơi bối rối:
có lẽ cuộc phân ly sẽ dài lâu.
Những chiếc móng đang mọc thêm, chầm chậm, phác một cuộc hưu chiến.
Hốc miệng làm hòa cùng đấng tạo thành.
 
Nhưng lúc này những nắm tay-đất
đã đập vào những tấm vách của chiếc bẫy:
hãy để chúng ta vô,
hãy để chúng ta vô.
 
 

HAI MƯƠI NĂM Ở THUNG LŨNG

 
Và sau đó? Tôi không rõ.
Mỗi người trong chúng ta đã rơi
vào quên lãng của chính mình.
 
Con đường mỗi lúc một rộng ra. Chiếc xe tải của tôi ở lại
bên lề, lật úp.
Buổi trưa đôi khi tôi nhìn qua 
đôi mắt đã cháy rụi của nó: tôi không nhớ
những cây trắc-bá này.
Những người lữ hành khác đi qua trước mặt chúng tôi, để quên 
một cuộc chiến tranh khác,
những người chết khác, 
mau hơn chúng tôi.
 
Nhưng đôi khi một cơn gió thổi tới chúng tôi, 
khua động vòng hoa
đã tình cờ lăn xuống thung lũng,
bứt một cánh hoa, rồi một cánh hoa khác,
tìm cách đoán biết:
Họ yêu. Họ không yêu.
Họ yêu 
chút ít. Không.
Yêu nhiều.
Không.
Quá nhiều.
 
(1968)
 
 

TỐI TƯỞNG NIỆM

 
Vào buổi tối tưởng niệm người thi sĩ kỳ cựu Tên-gì-nhỉ, tôi ngồi giữa đám công chúng ở trung tâm văn hóa ấy. Các thành viên ban tổ chức đã an tọa trên khán đài trước mặt. Một chiếc bàn hẹp dài cắt ngang người họ ở chính giữa, sáu gương mặt ngượng ngập ở bên trên, mười hai chiếc giầy ngượng ngập ở phía dưới. Diễn giả khai mạc mở đầu, nói: “Kính thưa Quý khách, xin chào vĩnh biệt, cảm ơn quý vị đã tới. Xin mời!” Sáu người phu khuân vác bước lên sân khấu, lật úp cái bàn xuống, và cẩn thận gói ghém các thành viên ban tổ chức vào bên trong, mỗi người ngồi trên chiếc ghế của mình: một cỗ áo quan tập thể. Công chúng lúc này đã chồm dậy, xô đẩy nhau trên lối ra, tới những cỗ áo quan đang chờ họ ở bên ngoài. Cả tôi nữa cũng chen lấn tìm lối ra bằng cùi tay, nắm đấm, để khỏi bị chậm trễ trước áo quan.
 
 

CÔNG VIÊN TRUNG ƯƠNG, LÚC HOÀNG HÔN

 
Tôi nhận ra nó, nhưng từ đâu, cái công viên này: đường và đá băng
và đôi chút muội đen nữa trong tinh khiết. Những tòa cao ốc
vươn lên, ở xa xa và khoảng khoát, sáng mờ trong thinh lặng mùa đông.
 
Đây đó, những khung cửa sổ—như thể tình cờ,
nhưng với ánh lấp loáng xa xăm của tự do—
vẫn còn phản chiếu vầng mặt trời tháng Chạp đang lui dần,
 
và đã tỏa sáng từ bên trong, sẵn sàng
cho một tương lai sẽ nghỉ đêm ở nơi đây.
Một giấc mơ Hoa-kỳ cũ kỹ của tôi. Và trong lúc ấy
 
có một ông già, cao lớn, để ria mép, đang quan sát
những người trượt tuyết trong một sàn băng. Ông nội tôi ư?
Ông đã chẳng bao giờ có ở đây. Và tôi tôi cũng chưa hề có mặt.
 
Lúc này trên mặt gương của đá băng, trong một bước nhảy vòng quanh mình thật táo bạo,
đứa con trai ấy đã lướt tới phía tôi.
Cái nón lưỡi trai của tôi ấy. Cái khăn len quàng cổ có sọc.
 
Mặt đối mặt, đỏ rực vì bối rối ngượng ngập
và đã quay đi, tôi hoặc tôi
nói rất mau: xin đừng thức dậy.
 
 

SỚM ĐÔNG, LONG ISLAND

 
Như con bò mộng thật lúng túng thức dậy giữa một cửa tiệm bán đồ sứ,
tôi đứng sững lặng trong khu rừng sáng lấp lánh này,
cố không bước quá mạnh
trên làn băng mỏng đã đông lại trong đêm.
 
Nhưng buổi sáng nay còn có thêm nhiều chuyện đáng ngạc nhiên:
tôi, một kẻ xa lạ, cảm thấy mình như đã trở lại nhà
và con thỏ khôn ngoan mà tôi đã quên nơi những khu rừng xa xăm kia
có mặt ở đây, trong một khoảng rừng cây rậm rạp, và ra hiệu cho tôi “Thôi nào,
 
đừng băn khoăn lo ngại, đây quả là một mùa đông nghiệt ngã,
anh có thể vui vẻ, lặng lẽ bước qua khu rừng,
anh sẽ chẳng quấy phá gì,
cũng sẽ chẳng để lại đến một dấu vết.”
 
 

NHÀ VĂN QUÁ CỐ: TẤM HÌNH TRONG MƯA

 
Và thế là, Ernie, mái tóc vui tươi của anh trôi đi
giữa những vòm đen, trong đại thánh đường
của một cây dù đã căng ra.
Tôi đọc nơi những vết nhăn của anh và hãi sợ:
này Người kể truyện, làm sao anh đã đoán được tôi
trước khi tôi có đó.
 
Hàng râu mép của anh láu lỉnh nhạo cười. Nó giải hòa những thái cực.
Anh là một thày tu đã bỏ chạy trong một tấm áo sờn cũ 
xa cái lẽ thường—ngang bằng, sổ thẳng—của Manhattan.
Anh là một kẻ rối đạo, Ernie.
Mưa đang cầu kinh cho chin kiếp của anh.
 
Cái ngón tay của anh đây, vật duy nhất mà anh không bao giờ ngờ tới:
nó đã lớn lên cùng với anh, đã gõ máy những cuốn sách của anh.
Cuối cùng nó nhấn cò 
và vời anh: hãy tới. Tất cả như đã được thấy trước.
 
 

NHỮNG KHOẢNH KHẮC CỦA TUỔI GIÀ

 
1
Có người hỏi ông hôm ấy là thứ mấy. Thứ mấy?
Ông không biết. Ông lấy làm tiếc; không biết tại sao.
Những năm tháng, người ta. Có lẽ một cái tên khác nữa.
Ông sẽ cố nghĩ tới nó, có lẽ, kịp lúc.
Đôi khi ông thấy mình ở ngoài cuộc, một kẻ xa lạ,
Những ngón tay ông cuộn chặt lấy tờ báo buổi chiều.
Hoặc bỗng dưng ở chợ, lạc lõng trong cảnh chen chúc
Của những tấm thân, đôi môi tím ngắt, miệng há hốc như con cá.
Rốt cuộc rồi ông cũng sẽ được buông tha và tự do—
Một anh khùng già lúc nào cũng hỏi Tại sao.
 
2
Hãy ở lại trong nhà: tương lai sẽ chẳng hề xê dịch.
Một ấm nước đang chờ và huýt lên trên bếp.
Những chiếc ghế bành đã hao gầy; tấm thảm đã phai màu
Không thể hiểu; chiếc ghế đẩu tựa như một con chó
Nằm kế đôi chân xỏ dép ấm của mi. Đôi lúc, một con ruồi
Từ thế giới ở phía sau tấm kính cửa của mi ghé vô,
Để bay quanh đầu mi, để thử miếng bánh ngọt
Mi nhã nhặn mời nó, để nó nói
Về những mối lo âu của nó. Mi lắng nghe nó vo ve.
Không, không, mi đừng than phiền rằng mình chẳng được yên.
 
 

BỨC CHÂN DUNG

 
Đứa bé
cứ động đậy hoài
khiến tôi khó bắt được nét
nhìn nghiêng của nó.
Tôi vẽ một đường 
và những vết nhăn của nó nhiều thêm,
nhúng ngọn bút 
và đôi môi nó cong lên, mái tóc nó trắng ra,
da nó, đã tím lại, từ xương nó tróc xuống. Nó đã đi rồi.
Người già đã đi rồi. Còn tôi 
tôi sẽ đi đâu?
 
 

MỘT THI PHÁP NHỎ

 
Anh được phép viết hết mọi sự,
chẳng hạn như, và và và.
Anh được phép với tất cả những chữ anh tìm thấy,
tất cả những nghĩa anh đã cấy vào đấy.
 
Dĩ nhiên cũng là một ý kiến hay:
kiểm soát lại xem tiếng nói kia có phải tiếng nói của anh
và đôi tay có phải là tay anh.
 
Nếu quả vậy, hãy nhốt tiếng nói của anh khóa chặt 
thu lại đôi bàn tay, và tuân theo
tiếng nói của
trang giấy trắng.
 
(còn tiếp một kỳ)
 
-------------------------------------
Ghi chú về tác giả và tác phẩm:
 
DAN PAGIS (1930-1986) sinh năm 1930 tại Bukovina (ngày trước thuộc Áo, rồi thuộc Ru-ma-ni, và kế đó thuộc Liên Sô...), lớn lên trong một khu vực nói tiếng Đức, chia sẻ cùng một quê hương với Paul CelanRose Ausländer (xin xem Tiền Vệ). Vào Đệ nhị Thế chiến, ông đã phải trải qua ba năm trời sống trong một trại tập trung của quốc xã Đức.
 
Năm 1946, ông tới Israel, học tiếng Hy-bá (Hebrew) và trở thành một giáo viên ở một kibbutz. Ông định cư ở Giê-ru-sa-lem năm 1956 và đoạt được cấp bằng tiến sĩ của Đại học Hy-bá, nơi ông đã trở thành giáo sư về văn chương tiếng Hy-bá thời Trung cổ trong nhiều năm. Ông cũng giảng dạy tại trường Thần-học Do-thái (Jewish Theological Seminary) ở New York, Harvard, và Đại học California tại San Diego và tại Berkeley. Chỉ ba năm sau khi tới Giê-ru-sa-lem, Dan Pagis đã bắt đầu cho in thơ bằng tiếng Hy-bá và được chào đón như một trong những nhà “cách mạng” đem lại một nguồn sinh lực mới cho thi ca của một ngôn ngữ đang hồi sinh. Tác phẩm của ông gồm bảy tập thơ và nhiều công trình nghiên cứu về văn học tiếng Hy-bá. Dan Pagis mất ngày 29 tháng Bảy 1986.
 
Một số nhà phê bình Anh Mỹ, khi nhận định về Dan Pagis, thường nhắc đến Yehuda AmichaiNathan Zach (xin xem Tiền Vệ). Cả ba đều lựa chọn viết bằng tiếng Hy-bá. Cả ba đều được coi như những người có công lớn đối với ngôn ngữ này. Daniel Weissbort, thi sĩ kiêm dịch giả Anh, cho rằng Dan Pagis là “một thi sĩ của lưu lạc, đổi dời”. Nhà phê bình Robert Alter lại ghi nhận thêm: “sự mau chóng dứt khoát chọn lựa trở thành một thi sĩ tiếng Hy-bá (của Dan Pagis) không phải chỉ là một hành động cương quyết thích nghi của một người trẻ tuổi mà còn là sự biểu lộ một nhu cầu tâm lý: tìm lối diễn tả qua một trung gian (tiếng Hy-bá) tự nó đã là một sự dời đổi triệt để đối với ngôn ngữ nơi ông sinh.”
 
Tất nhiên, Dan Pagis thật gần gũi với Yehuda Amichai trong tưởng tượng sáng tạo và trong cách diễn tả nhuần nhuyễn bằng tiếng Hy-bá, nhưng nhận định căn bản của Daniel Weissbort, cũng như chính tác phẩm của Dan Pagis, cho thấy một mối liên hệ khác, thật khắng khít, giữa ông và những người như Paul Celan (cùng quê với ông), Nelly Sachs (xin xem Tiền Vệ),... là những người vẫn sử dụng tiếng Đức để diễn tả. Như họ, Dan Pagis là một kẻ mang những dấu vết không sao gột bỏ được của cuộc Tàn sát người Do-thái, ông hoàn toàn đồng hóa với những kẻ phải chịu cảnh lưu lạc, đổi dời .. và hơn thế, những kẻ mà mệnh số đã dành cho sự triệt tiêu, không để lại một dấu tích... Cái cảnh ác độc này đến từ đâu, mãi mãi họ vẫn không thể hiểu. Trong khung cảnh đó, nét hài hước buồn rầu trong thơ Dan Pagis lại tăng lên tới tột độ nỗi chua xót khôn nguôi. Dan Pagis là một nhà thơ của đớn đau đã lận vào thành máu thịt trong người. Chính vũ trụ bạo ngược của những kẻ theo Caïn, giết em mình, dội vào trong thân xác, trên trái tim nhà thơ, đã bật ra thành những tiếng kêu...
 
Theo Shimon Zandbank, Dan Pagis đã để lại rất nhiều thơ mà ông xếp thành ba loại: “Thơ nghiêm trang”, “Thơ kỳ cục, hài hước” và “Thơ văn xuôi”; những bài “thơ văn xuôi” cũng thường được ông viết lại thành.. thơ, hoặc ngược lại.
 
Tuyển tập thơ Dan Pagis này, tuy có tham khảo một số bản dịch Anh văn của Tsipi Keller,... hầu như hoàn toàn dựa trên các bản dịch Anh văn của Stephen Mitchell, người đã có dịp trực tiếp thảo luận với Dan Pagis, và sau khi ông mất, làm việc dưới sự hướng dẫn của Chana Kronfeld. Tư liệu Anh văn sử dụng trong tập này là do nhà thơ Phương Sinh (Chân Phương) cung cấp: Dan Pagis, Variable Directions, nxb North Point Press, San Francisco, 1989. Cộng với những khiếm khuyết có thể tránh nếu ở vào một nơi khác, một thời khác, tôi chỉ góp thêm một chút tình đối với Pagis. Xin cảm ơn nhà thơ Phương Sinh. (DC., 14.3.1994)
 
Bản dịch này gồm cả hai bài đã đăng trên Tiền Vệ và được lặp lại ở đây: bài “Tự sự” (mở đầu tuyển tập) và bài “Những cây viết” (theo sau bài “Hai chân”), nhưng lần này, có thêm những chú thích. Bạn đọc Pháp văn có thể tìm đọc một số thơ dịch (10 bài) của Dan Pagis trong cuốn Anthologie de la poésie en hébreu moderne, 464 trang, nxb. Gallimard, Paris, 2001. (DC., 2005.)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021