thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà thơ nói về thơ tình: Phan Huyền Thư
(phỏng vấn nhà thơ Phan Huyền Thư)

 

 

Thời thanh niên bà đã yêu bài thơ tình nào? Nếu ngay lúc này, trở lại tuổi mười tám và người yêu của bà muốn nghe bà đọc một bài thơ tình, trong những bài thơ tình bà biết (sau thời kỳ tiền chiến) bà chọn bài nào?

 

PHT: Tôi là học sinh được đào tạo dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa nên thời thanh niên những bài thơ tình mà tôi được biết thì sau khi đã trưởng thành tôi lại thấy nó không phải là thơ tình. Tuy nhiên, tôi yêu thơ của Thiền Uyển Tập Anh (quả thật là tôi thấy những bài thơ theo tinh thần thiền này rất tình) và Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi. Sau này tôi có thích một số bài thơ tình của Văn Cao, Lê Đạt-Dương Tường (Tập 36 bài tình của hai ông rất hay) có thể kể thêm Thanh Tùng và Hoàng Hưng. Cũng có khi thấy rất thích Nguyễn Tất Nhiên, Nguyên Sa, Du Tử Lê... Tôi thấy, THƠ là TÌNH nên nói chuyện về Thơ tình rất khó. Một dạo, ở Hà Nội, người ta cũng rất thích những tác giả như: Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Nguyễn Khoa Điềm,Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Trần Ninh Hồ... cái tạng của mỗi một vùng đất một khác, cái yêu và cái tình của mỗi người cũng khác. Tôi cũng chưa"dở hơi" đến mức đọc thơ cho người yêu nghe vào cái lúc cần thể hiện tình cảm yêu đương. Các vị đừng cười, thơ tình đối với tôi chỉ là thứ để đọc khi thất tình thôi, đang yêu tôi chẳng thiết cái gì khác ngoài người yêu cả, tôi cũng chỉ làm được thơ lúc thất tình, tuyệt vọng... Những người làm thơ tình càng hay thì càng khó thoả mãn ái tình của họ. Phải chọn một bài thơ để "ra vẻ" mình cũng có tình thì tôi chọn bài ..."Tương tư" của Nguyễn Bính.

 

Giả sử một ngày mai bà đối diện với ba sự kiện — Thứ nhất: Người yêu muôn thuở bước ra từ giấc mơ. Thứ hai: Cuộc cách mạng nhân văn. Thứ ba: Người ngoài hành tinh mời bà đi du lịch một chuyến. Trong ba sự kiện, chỉ được phép chọn một. Bà chọn sự kiện nào để làm bài thơ lớn của đời bà? Tại sao?

 

PHT: Tôi chọn sự kiện thứ hai vì nó làm cho tôi thoả mãn hơn cả. Không có văn hoá mới, không có tình yêu mới. Không có tình yêu mới thì không mong được gặp người yêu muôn thuở bước ra từ giấc mơ và vì không gặp được người yêu từ trong mộng bước ra nên cơ hội được người ngoài hành tinh mời đi du lịch vũ trụ là rất khó...

 

Bà có tin một bài thơ tình biết phản bội không? Bà có từng rơi vào trường hợp bị một bài thơ tình đưa vào cảnh trớ trêu, thậm chí vì một bài thơ tình nào đó mà bà bị chàng đá đít không? Bà có nghĩ hiện nay mọi người đang có nhu cầu đọc thơ tình thuần khiết không?

 

PHT: Chỉ có con người phản bội bài thơ mà mình đã từng viết, phản bội sự tử tế, đắm say của chính mình. Tôi không tin có loại thơ tình..."bẩn" nên nhu cầu đọc thơ tình thuần khiết là không chính đáng.

 

Một quan niệm chung cho rằng cái đẹp tình yêu và những bài thơ viết về tình yêu là bất biến. Bà có cho rằng trong 10.001 năm nữa thơ tình chẳng cần thay đổi? Rằng mặc kệ các thời đại, không cần phải đưa chất liệu mới vào thơ tình? Ngày mai bà có tin rằng con bà sẽ đọc cho người yêu nghe thơ tình của bà hoặc bài thơ tình mà bà đã thích?

 

PHT: Tôi hoàn toàn đồng ý. Bạn biết gì nhiều về Hồ Xuân Hương không? Theo bạn thì đến bao giờ người ta sẽ chán, không đọc thơ của bà chúa thơ Nôm này?

 

Cũng là ánh mắt, ngôn ngữ, cử chỉ, hoa hồng, trong không gian tràn ngập cảm xúc hoa hồng... một bài thơ tình điên điên cất lên. Bà có nghĩ là thiếu văn hoá, là đáng bị chàng cho là đồ yêu quái rồi "bái bai"…? Hay bà cho đó là liệu pháp cảm xúc chống lại bệnh não hoá biểu tượng tình yêu? Bà có làm thơ tình khùng, hay từng đọc tặng người yêu mình bài thơ khùng của ai khác không? Bà có thể bộc bạch cảm xúc nghệ thuật không kềm giữ của bà với bạn đọc không?

 

PHT: Tôi thấy phân tích thơ tình mà cần nhiều hội chứng tâm thần thế thì cũng mệt mỏi lắm. Từ chuyện thiếu văn hoá đến "bệnh lão hoá" để rồi "khùng khùng" không kiềm chế được...Tôi phải nhắc lại là thơ tình đối với tôi là tiếng nói của kẻ thất tình, của người chưa được thoả mãn ái tình cho nên người ta có quyền đòi hỏi và bày tỏ những gì người ta muốn cho dù điên hay tỉnh, kiềm chế hay bức xúc, tinh tế hay nồng nàn... Cái chính là người nghe có ngồi lại với bạn không hay người ta bỏ chạy. Nếu người ta cũng điên lên cùng với bạn thì chúc mừng, vì bạn đã là thiên tài.

 

Trên đỉnh cảm xúc lãng mạn của một đôi tình nhân trẻ. Nếu được phép nghe lén (trừ lúc lên giường) bà cho rằng sẽ nghe được gì?

 

PHT: Tôi nghĩ là rất khó nghe được gì vì đặc tính loài của chúng ta thể hiện cảm xúc rất phong phú và tiếc thay những khi phải dùng đến ngôn ngữ nói thường con người lại dùng nó để làm cho nhau buồn hơn. Cho nên, thi sĩ là một phát minh vĩ đại của Thượng đế vì họ biết làm ra những bài thơ tình để xoa dịu nhau, thể hiện những khát khao, những đau khổ khi đang yêu mà người ta không nói được bằng lời.

 

Nếu một chàng trai 18 tuổi nào đó, như mọi chàng trẻ tuổi trên đời, bỗng một hôm bị cái đẹp tính dục quyến rũ không cưỡng được. Anh ta muốn làm bài thơ “hai trong một” tình yêu và tính dục. Bỏ qua lời khuyên “anh hãy giấu trong cõi riêng”. Bà sẽ nói gì với chàng trai ấy?

 

PHT: Tôi rất thích việc anh ta làm và còn thích hơn nữa là... tại sao lại cứ phải là một anh chàng 18 tuổi? Tất cả những ai biết thể hiện ham muốn ái tình của mình bằng thơ ca mà kích động được bạn tình thì thật tuyệt diệu. Còn ngược lại... chắc bạn tình của anh ta (trong trường hợp này là độc giả) sẽ nói cho chúng ta biết kết quả chứ không phải tôi.

 

Xin cảm ơn sự cộng tác của bà.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021