thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thánh tích

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn,
như một món quà Tết,
riêng tặng nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc, cô giáo ngày xưa của tôi.

 

ROBERT OWEN BUTLER

(1945~)

 
Robert Owen Butler, nhà văn Mỹ đương đại, vốn là một cựu quân nhân đã tham dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 1971, ông đến Việt Nam, trước tiên ông làm việc như một nhân viên tình báo phản gián và sau đó như một chuyên gia dịch thuật trong quân đội Mỹ. Hiện nay, ông làm việc trong môi trường đại học, với học hàm Francis Eppes Distinguished Professor và giữ chức vụ Michael Shaara Chair của khoa tác văn, đồng thời là giám đốc của Creative Writing Program tại Florida State University, Tallahassee, Florida.
 
Ông đã xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết: The Alleys of Eden (1981), Sun Dogs (1982), Countrymen of Bones (1983), On Distant Ground (1985), Wabash (1987), The Deuce (1989), They Whisper (1994), The Deep Green Sea (1997), Mr. Spaceman (2000), và Fair Warning (2002); 4 tập truyện ngắn: A Good Scent from a Strange Mountain (1992), Tabloid Dreams (1996), Had a Good Time: Stories from American Postcards (2004), Mots de tête (2005) — đây là bản tiếng Pháp của cuốn Severance: Stories (2006); và nhiều sách về nghề văn. Truyện ngắn của ông đã được đưa vào rất nhiều tuyển tập và đăng trên nhiều tạp chí văn chương. Ông cũng sáng tác một số kịch bản phim.
 
Robert Owen Butler đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học, quan trọng nhất là giải Pulitzer (1993) cho tập truyện ngắn A Good Scent from a Strange Mountain (1992). Đây là một cuốn sách gồm 15 truyện ngắn xuất sắc về những kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh Việt Nam và những hậu quả của nó. Cuốn sách đã được vô số nhà phê bình khen ngợi bởi sự đẹp đẽ và mãnh liệt trong bút pháp cũng như cái nhìn sâu sắc của tác giả vào nội tâm của những con người đã trải qua cuộc chiến tranh ấy. Hội đồng Pulitzer nhận định rằng những truyện ngắn trong cuốn sách đã "nâng văn chương về chiến tranh Việt Nam lên đến một cấp độ mới của tính độc sáng."
 
Truyện ngắn "Thánh tích" ["Relic"] dưới đây là một tác phẩm trong cuốn sách ấy.
 

____________

 

THÁNH TÍCH

 

Có lẽ bạn ngạc nhiên khi nghe nói có một người đàn ông Việt Nam sở hữu một chiếc giày của John Lennon. Không chỉ là một chiếc giày của John Lennon. Mà là một chiếc giày chàng nghệ sĩ mang trong chân lúc bị bắn chết trước toà cao ốc Dakota. Người đàn ông đó là tôi, và tôi có tiền, tất nhiên, để mua cái di vật này. Tôi là một người rất giàu lúc còn ở cố hương, trước khi những kẻ nghèo hèn vất bỏ vũ khí và để cho bọn cộng sản cướp chính quyền. Khi tôi đang nói thế, một điều gì đó nẩy lên trong óc của bạn: đây là một gã khó chơi, một gã bạt mạng, làm sao mà gã dám nói đến "những kẻ nghèo hèn." Tôi không có ý nói rằng những kẻ ấy nghèo vì họ hèn. Tôi muốn nói rằng cái nghèo có thể lấy mất lòng can đảm của một con người. Đối với những kẻ nghèo, thì tình trạng bị ngược đãi, bị cướp mọi quyền hạn, bị đàn áp dưới một nền chuyên chế tệ hại nhất, cũng chưa đủ tệ hại hơn tình trạng nghèo. Thế thì tại sao họ phải chịu đau đớn, cụt tay cụt chân và chết chóc, để chẳng được gì hơn? Nếu tôi là một kẻ nghèo, tôi cũng hèn như thế.

Nhưng tôi đã có tài sản ở Việt Nam và điều đó cho tôi đủ can đảm ngay cả để vượt bằng thuyền qua Nam Hải, bỏ lại sau lưng tất cả những gì tôi đã sở hữu, tìm đến một xứ sở xa lạ và khởi sự lại từ đầu với hai bàn tay trắng. Đó là những gì tôi đã làm. Cuối cùng tôi đến New Orleans, Louisiana, và vì gốc gác tôi là người Công giáo Bắc kỳ, rốt cuộc tôi định cư giữa những người đồng hương ở tận phía bắc của Giáo Xứ Orleans, trong một cộng đồng gọi là Versailles, đặt tên theo một khu chúng cư mà họ đã cho chúng tôi vào ở như những người tỵ nạn. Tôi đã sống trong khu ấy một thời gian. Các trần nhà cao chưa tới hai mét rưỡi và không có mái hiên, thậm chí chẳng có chỗ nào để treo một chiếc phong linh. Sự trống trải của những căn phòng khiến tôi nản chí, mất cam đảm. Hồi ở Sài Gòn, tôi đã sở hữu nhiều thứ tuyệt vời: đồ thiết bị nội thất làm bằng gỗ tếch, có khảm những cảnh vật bằng ngà và ngọc trai, trình bày câu chuyện hai bà Trưng đánh đuổi quân Hán vào năm 40 đầu Công Nguyên; một mảnh giáp cốt từ thời xa xưa nhất của đất nước tôi, tức là một con thú nào đó đã bị giết để tế lễ và người ta đã khắc những sấm ngôn bằng chữ Hán cổ lên xương của nó; một cái gươm có chuôi bằng sừng nai trong bao gươm bằng đồng. Bạn có thể nghĩ rằng những đồ vật như thế đã bảo vệ tôi trước những sự kiện đã xảy ra. Có rất nhiều sức mạnh trong các đồ vật. Nhà thờ của tôi dạy cho tôi những điều đó rất rõ ràng. Một mảnh xương từ thân thể một vị thánh, một chút da, một nhúm tóc, tất cả những vật này có sức mạnh vĩ đại để tạo nên các phép lạ, để chữa bệnh, để làm lành các vết thương.

Nhưng bạn thấy đấy, mặc dù hai bà Trưng đuổi quân Hán ra khỏi bờ cõi, chỉ một năm sau thì quân Hán quay lại và hai bà Trưng phải thoái bộ, và cuối cùng, vào năm 43, hai bà đã nhảy xuống sông tự trầm. Và mảnh giáp cốt, mặc dù tôi không biết đích xác nó nói gì, có lẽ nó nói về những sự kiện đã qua từ lâu hay có lẽ thậm chí nó tiên tri những gì sẽ xảy ra sau khi tôi chết. Và cái gươm có phong khí nghi lễ và tôi chắc chắn rằng nó chưa bao giờ được tuốt ra khỏi bọc trong cơn giận dữ. Chắc hẳn là tốt hơn nếu tôi đã sở hữu một mảnh xương bé tí của một vị thánh, nhưng nhà thờ không bán những vật như thế.

Và giờ đây tôi ngồi tại bàn giấy trong phòng làm việc ở tư gia tôi. Tôi đã trở nên giàu có một lần nữa, và tôi đặt chiếc giày này nằm ngay chính giữa bàn làm việc của tôi. Trông nó giống chiếc ủng hơn là chiếc giày, với ống cao đến trên mắt cá và, thay vì có dây cột, nó có một cái khuyên bằng da ở phía sau,[*] nơi ngón tay trỏ của John Lennon đã móc vào để kéo ống giày lên, thậm chí đúng vào buổi sáng ấy, buối sáng cuối cùng của chàng trên trái đất này. Một điều gì đó đã nảy ra trong trí của bạn khi tôi kể bạn nghe chuyện này. Cái tài làm giàu của tôi là biết những những người khác đang nghĩ gì. Bạn tự hỏi bằng cách nào mà tôi có chiếc giày này, bằng cách nào mà tôi biết nó chính xác như là điều tôi nói về nó. Tôi không thể tiết lộ danh tính của những người giao dịch với tôi, nhưng tôi có thể kể cho bạn nghe những điều sau đây. Tôi là một người chuyên sưu tập đồ vật. Một gã ở New York hỏi tôi có thích mua một cái gì khác thường hay không. Khi gã kể cho tôi nghe về chiếc giày này, tôi cũng có phản ứng giống như bạn — làm sao mình dám chắc nó là thật? Vâng, tôi đã gặp gỡ với gã bán chiếc giày, và tôi có những tấm ảnh và thậm chí một bài báo xác định gã ấy là một kẻ quan hệ mật thiết với John Lennon. Gã ấy nói có một số đồ vật gợi đến những ký ức đau đớn cho thân nhân, nên họ vất chúng đi, và gã mang về, và gã biết có một vài người nào đó sẽ rất yêu thích những đồ vật ấy. Gã cũng là người Công giáo. Chiếc giày kia đã mất rồi, thật không may, nhưng vẫn còn chiếc giày này, và tôi đã trả nhiều tiền để mua nó.

Tất nhiên, tôi đã làm được nhiều tiền trên quê hương mới của tôi. Đó là cái tài của tôi, và Mỹ là miền đất của cơ hội. Tôi đã bắt đầu bằng nghề bán lồng đèn giấy, pháo và cây nêu để mừng Năm Mới. Tôi đã bán những thứ này vào dịp Tết cổ truyền Việt Nam, khi những người tỵ nạn tha thiết nghĩ về quê nhà. Tôi cũng bán bánh mì thịt và nước giải khát, rồi sau đó tôi mở một quán ăn, rồi một tiệm giải trí với nhiều trò chơi điện tử. Trong cộng đồng Versailles đã có tiệm chơi bi-da, do một ông thương gia sành nghề đảm trách, nhưng tôi có các trò chơi điện tử trong tiệm của tôi và đám thanh thiếu niên yêu thích những trò chơi này, chúng chiến đấu với những phi thuyền từ các hành tinh khác, đánh nhau với lũ phù thuỷ và bọn giang hồ võ hiệp, còn tài tình hơn cha chúng đã đánh nhau với bọn cộng sản. Trong mười năm nữa, di dân Việt Nam sẽ là những người đánh lưới tôm độc quyền trong Vịnh Mexico. Tôi chẳng cần một miếng giáp cốt để nói chắc với bạn như thế. Và khi điều này diễn ra, tôi sẽ còn làm được tiền nhiều hơn nữa.

Thậm chí tôi có thể rời khỏi cái cộng đồng Versailles này. Tôi ngồi tại bàn giấy và tia mắt của tôi vượt qua khỏi chiếc giày của John Lennon, nhìn xuyên qua cửa sổ, và tôi thấy gì? Ngôi nhà của tôi không giống các nhà khác trên con đường này, nó có hai tầng. Tôi ngồi trên tầng thứ hai, gian phía sau, và ngoài kia là khoảng sân được cắt cỏ cẩn thận, thứ cỏ St. Augustine óng ả hơi gợn một chút màu xanh nước biển, và trên đó có cái lò xây bằng gạch để nướng thịt và một bộ bàn ghế bằng gỗ trắc bá để ngồi ăn uống vui chơi ngoài trời. Nhưng đàng sau đó là con lạch chạy xuyên qua vùng Versailles và ngôi nhà của tôi được xây cất tại một góc của miếng đất rộng sáu ngàn mét vuông, và tôi có thể thấy tất cả những mảnh sân sau của các nhà khác xếp hàng dài gần nửa cây số, nơi có một hồ nước mặn mở ra thênh thang và những toà chúng cư ở Versailles nhô lên. Tất cả những mảnh sân sau của những nhà này — tất cả — đều được cày xới và trồng trọt giống như đây là một ngôi làng của một tỉnh lẻ nào đó ở Việt Nam. Chẳng ai lại làm những điều như thế ở nước Mỹ cả. Ở nước Mỹ, cái vườn rau là một thú tiêu khiển. Thế nhưng ở đây, trong cộng đồng Versailles này, người Việt Nam trồng trọt trên những mảnh sâu sau của họ như một kế mưu sinh. Và đàng sau những mảnh sân ấy là một lối đi, và sau lối đi là ngoại vi của miền đất đô thị dọc theo con lạch, và trên miền đất này người Việt Nam đã trồng một khu vườn cộng đồng trải dài đến hồ nước mặn, và thậm chí ngay bây giờ tôi có thể thấy lác đác những chiếc nón lá ở đó, những người đàn bà lom khom làm việc trong vườn, và tôi tưởng như bất chợt một lúc nào đó tôi cũng có thể thấy một cậu bé cưỡi trâu dọc theo lối đi hay một chiếc tam bản lướt trôi theo con lạch, nhắm về hướng Nam Hải. Bạn có hiểu tôi đang nói gì không? Tôi đang sống trong quá khứ.

Tôi có đủ tiền để rời bỏ cái cộng đồng Versailles này và trở thành một người Mỹ như tôi mong ước. Nhưng tôi lại thấy rằng điều ấy chẳng đơn giản như vậy. Có một cái gì mất mát. Tôi biết tôi sai khi tôi nói rằng kiếm được nhiều tiền thêm, từ việc đánh lưới tôm cho đến bất kỳ việc gì khác, thì cuối cùng tôi sẽ thoát khỏi quá khứ. Có lẽ vấn đề là các doanh nghiệp của tôi đều liên hệ đến cộng đồng người Việt Nam ở đây. Chẳng có cách nào tránh được điều ấy khi tôi bắt đầu công việc. Và có lẽ đúng ra tôi nên tìm một doanh nghiệp nào đó của người Mỹ để đầu tư vào. Nói cho cùng, chẳng có gì giữ tôi ở lại đây, ngay cả nếu tôi làm ra tiền ở đây. Trong các doanh nghiệp của tôi, tôi đâu có làm việc với những cái máy tính tiền.

Có lẽ sự vắng mặt của gia đình khiến tôi không rời bỏ nơi này được. Nhưng chính vợ con tôi đã chọn ở lại Việt Nam. Vợ tôi là một người đàn bà giản dị, và nàng không thể sống xa cha mẹ, và nàng rất sợ nước Mỹ. Con cái thì do nàng đẻ ra. Chúng thuộc về nàng, và nàng cảm thấy nàng thuộc về Việt Nam. Niềm ân hận duy nhất của tôi là tôi không có cái gì của nàng để sờ chạm, không một nhúm tóc hay một chiếc nhẫn hay thậm chí một chiếc khăn choàng — nàng có rất nhiều chiếc khăn choàng đẹp, và có vài chiếc nàng thường quấn quanh hông. Nhưng nếu gia đình tôi cùng đến Mỹ với tôi thì, thật ra, liệu họ có làm cho tôi càng khó trở thành người Mỹ hay không? Sự thể đã như thế này, tôi chỉ còn có một mình tôi để phán đoán trong vấn đề này và đáng lẽ điều ấy làm cho mọi sự đơn giản hơn.

Thế nhưng, có những vấn đề nào đó trong cuộc sống mà một con người không thể tự điều khiển được. Tôn giáo của tôi dạy điều này một cách rõ ràng. Đối với một người giàu, đối với một người có tài làm giàu thậm chí đến lần thứ hai, đây là một sự thật mà đôi khi khó thấy được. Nhưng y nên nhận thức rằng y là con người và lệ thuộc vào những sức mạnh vượt qua chính bản thân y, và y nên tìm kiếm cái cơ hội mà tài sản của y có thể ban cho y.

Tôi thậm chí không biết gì mấy về âm nhạc của John Lennon. Tôi đã có nghe và cảm thấy rất hay, nhưng lúc còn ở Việt Nam tôi luôn luôn chuộng những ca sĩ phổ thông hát tiếng Việt, và bây giờ ở Mỹ tôi thích loại nhạc mà người ta gọi là "dễ nghe", mặc dù đôi khi một giai điệu ngọt tai do dàn nhạc Living Strings hay dàn nhạc Mantovani chơi thì hoá ra lại là một bài ca của John Lennon. Chẳng hề hấn gì đối với một con người như John Lennon nếu tôi không biết rành âm nhạc của chàng trước khi tôi sở hữu chiếc giày của chàng. Ý nghĩa của đồ vật này vẫn còn nguyên như thế. Chàng là một nhân vật quan trọng. Điều này ai cũng biết. Chàng đã viết nhiều bài ca gây ảnh hưởng đến đời sống của con người trên đất Mỹ, và chàng đã hát về tình yêu và hoà bình, rồi chàng đã chết trên đường phố New York như một vị thánh tử đạo.

Tôi sờ chiếc giày của chàng. Lớp da trơn láng và có màu gỗ tếch, và ngón tay trỏ của tôi lướt nhẹ từ giữa đế giày đến mũi giày, nơi có một vết sướt nham nhám. Tôi nhấc ngón tay lên và đặt nó vào nơi vết sướt bắt đầu, ở mũi giày, và tôi dò đến chỗ bị rách, men theo cái rãnh có những sợi lù xù nhô ra từ mặt trong của lớp da. Trong khi sờ như thế, tôi cảm thấy một chút xót xa trong lòng, như thể tôi đang sờ vào một vết thương trên da thịt. Vết thương của John Lennon. Tôi hiểu vết sướt này trên chiếc giày đã xảy ra như thế nào. John Lennon ngã xuống, và chân của chàng đạp vào lề đường khi chàng lìa đời. Đây là thánh tích trên chiếc giày, dấu hiệu của cuộc tử đạo của chàng.

Một bàn tay nắm lấy gót giày và bàn tay kia luồn xuống dưới mũi giày, tôi nhấc chiếc giày lên, và không ngừng ngạc nhiên về sự nhẹ hẫng của nó, giống như cảm giác của một người, trong khoảnh khắc trước cuộc tử đạo, ngạc nhiên về sự nhẹ hẫng của linh hồn chính mình. Tôi xoay nghiêng chiếc giày về hướng có ánh sáng từ cửa sổ và tôi nhìn vào bên trong. Tôi thấy chữ "Saville Row" in trên lớp đệm lót trong gót giày, nhưng chỉ thế thôi. Không có số ghi cỡ chân, và tôi tưởng tượng chiếc giày này đã được đóng đặc biệt cho John Lennon, họ đã cẩn thận đo bàn chân của chàng và đây là hình ảnh thanh kiết nhất trên lớp da mềm mại nhất. Tâm hồn tôi rất yên ả, nhưng có một sức ép rất căng trong lồng ngực, sức ép ấy sinh ra từ một cái gì đó mà tôi không thể nói là bản ngã của mình. Nó sinh ra vì những điều tôi sẽ làm ngay bây giờ đây.

Tôi đợi cho đến khi tôi có thể hít một hơi đầy. Rồi tôi xoay người trên ghế và nhẹ nhàng hạ chiếc giày xuống sàn nhà và đặt nó trước bàn chân trần bên phải của tôi. Tôi làm dấu thánh giá và đẩy bản chân mình vào trong chiếc giày của John Lennon, tôi luồn ngón tay trỏ vào cái khuyên[*] ở sau giày và kéo lên nhè nhẹ, cũng như John Lennon đã làm vào hôm chàng hội ngộ với các thiên thần. Lớp đệm lót được làm bằng chất gì mềm như lụa và có cảm giác lành lạnh toát ra.

Tôi đứng lên trước bàn giấy và chiếc giày rộng hơn bàn chân tôi, nhưng đúng là nó phải thế. Tôi bước một bước rồi một bước nữa và tôi đến giữa phòng và tôi đứng đó và trái tim tôi căng cứng và tôi chờ đợi cho những gì tôi cầu nguyện một ngày nào đó sẽ thuộc về tôi, với cảm giác về một điều gì đã xảy đến cho tôi mà tôi không thể hình dung nổi cho đến khi tôi thực sự tri nhận nó. Tôi đã nhờ gã đàn ông ở New York tìm cho tôi chiếc giày kia của John Lennon, chiếc bên trái. Ngay cả nếu nó thuộc về một đôi giày khác, tôi vẫn muốn sở hữu thêm một chiếc nữa. Thế rồi tôi sẽ mang vào chân cả hai chiếc giày của John Lennon và tôi sẽ bước ra ngoài đường và tôi sẽ bước đi mãi cho đến khi nào tôi tìm thấy quê hương thật sự của tôi.

 

 

_________________________

Chú thích của người dịch: 

[*]Sau khi bản dịch này được đăng lên Tiền Vệ, có độc giả ở Việt Nam thắc mắc vì không thể hình dung được "cái khuyên" bằng da ở phía sau giày ("nơi ngón tay trỏ của John Lennon móc vào để kéo ống giày lên") là thế nào. Vì vậy, tôi xin bổ sung bằng bức ảnh dưới đây.

 

 

--------------
Dịch từ nguyên tác Anh văn, "Relic", trong Robert Owen Butler, A Good Scent from a Strange Mountain (New York: Holt, 1992; new edition, New York: Grove Press, 2001).
 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021