thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Không đứng lại

 

Tôi không phải là kẻ muốn sở hữu và để lại con đường suy tư đã trưởng thành. Tôi không cầu nguyện, suy tư tôi là Đức Chúa Thanh Niên, nhưng suy tư tôi không là thầy tu, không bao giờ là một chiến binh tuân lệnh và chiến đấu cho một lý tưởng nào đó. Tôi là khoảng suy tư tự do. Tôi không phải là một ai nhưng là một người có tên được người khác biết. Tôi tên: SuyTư Sài Gòn. Một nhân vật của thi sĩ Phan Bá Thọ. Một thực thể trên trang giấy có những quan hệ nhất định: “Tôi tha em đến tận phi châu” em tôi: “một chữ v chổng ngược”. Nhưng phi châu của Sài gòn ở đâu? Nếu có thể thì bạn nên đi bộ ngược chiều đường Đồng Khởi, đến góc tay trái, ngã tư Đồng Khởi - Nguyễn Du. Những mái vòm theo kiểu Bắc Phi đang treo ở đó. Thật ra trông nó giống cái mũ cối đội trên đầu con dốc cao nhất Sài Gòn. Trước mặt là tượng Nữ Vương Hoà Bình, tôi không nhớ có lần nào bà quay mặt nhìn xuống góc đường, nơi thỉnh thoảng chúng tôi đưa nhau đến uống cà phê ở mé hiên metropolitan. Đó là Phi Châu Sài Gòn? Rõ ràng, nhưng không hẳn. Tôi muốn nói đúng ra nơi đây không phải là chỗ suy tư đến, đô thị không có mé hiên không là đô thị, nhưng mé hiên không phải là đô thị. Ở đây không gia đình, không quán trọ, không phải là chỗ trú ngụ của con người trong mối tương giao được cấu tạo bởi các ý nghĩa gia đình xã hội. Nơi đó đơn giản là

Tôi đã tha em đến tận phi châu
một chữ v chổng ngược…

Nếu suy tư là sự ra đi, tôi là chuyến hành trình dài của thi sĩ Phan Bá Thọ. Tôi là một sự ra đi, không phải tìm một chỗ trú với chủ đích: tôi là một người được công nhận và sum họp trong cộng đồng ngôn ngữ của nó. Và em, một chữ v chổng ngược thì làm gì có chỗ sum họp ăn, nghỉ, dù là ngay trong bản chữ cái chưa ráp thành vần trong tiếng Việt; không thể tương tác để họp thành bất kỳ ý nghĩa tình cảm gì.

Dù tôi gọi là “buổi sáng”, nhưng không nhất thiết đó là buổi sáng hay buổi chiều. Bắt đầu từ sự im lặng. Trên chuyến xe buýt khởi hành từ ngoại thành đi về hướng tôi phải “tha em” đi. Đáng lẽ chúng tôi phải xuống ở một trạm nào đó để đi vào một ngày làm việc hoặc nghỉ ngơi như mọi người Sài Gòn. Nhưng chỗ tôi xuống xe là đêm tối, một không gian “phi châu” với buồn nổi và ngầm vui nuôi dưỡng chúng tôi.

Tôi đã tha em đến tận phi châu
một chữ v chổng ngược
mồ hôi nhỏ xuống từ đó như máu
những buổi sáng metropolitan
những mây và nắng ấm…

Chúng tôi không trách mình khi khờ dại chọn một nơi tới như thế. Tôi không nuối tiếc khi bỏ lại núm vú lục bát, và em chỉ thoáng chút ngại ngần trước bụi đèn màu, chỗ ăn ngủ hôi mùi đô thị. Nhưng chúng tôi không hoài nghi.

những buổi sáng metropolitan
nhiều mây và nắng ấm…

Nhưng tôi tha em tới đây làm gì? Sài Gòn không đi như chúng ta. Bản chữ cái của đô thị này vẫn mãi si mê chính trị, luân lý, tôn giáo… Đằng nào thì cũng không có thơ. Đằng nào thì nó cũng đã vứt bỏ mối tình với những con đường biểu lộ những ngõ hẻm gởi lời của văn học nói chung. Nhưng chẳng lẽ Thơ chết! À không, sống đầy! Nhưng đằng nào thì cũng không có chỗ cho thứ thơ mà Rimbaud “mồ hôi nhỏ xuống từ đó như máu”. Thứ máu bừng sáng: “...Tôi phát minh ra màu sắc những nguyên âm! A đen, E trắng, I đỏ, O xanh, U lục. Tôi điều chỉnh hình thể và vận động của từng phụ âm, và với những nhịp điệu của bản năng, tôi nghĩ mình phát minh một ngôn từ thi ca một ngày nào đó có thể đạt tới mọi ý nghĩa...”(*)

Cho dù trong sự đọc của xứ sở này em đang là chữ v lật úp đánh đổ đến giọt cuối cùng mồ hôi và máu của mình tôi vẫn mang em đi khỏi những cái đạo đức, triết lý…những cái xác từ chối phục sinh. Tôi phải chổng ngược!

nhưng chỉ trong cái toa lét bé nhỏ
dơ dáy của xứ sở này…

Dù chưa từng nghe thấy người nào chổng ngược mà có thể sống, tôi vẫn tin.

nơi, tôi đã ngàn lần với em
nơi, tôi nhìn thấy em rõ nhất…

Như thế đã hẳn! Khi chúng tôi đưa nhau đi theo cách của chúng tôi, thì chúng tôi đã ở vào hoàn cảnh của con người nguyên thủy chưa từng có các tương giao xã hội thành văn. Chúng tôi đã ở vào tình cảnh mắt nhìn về hướng xa kia! Không nơi ý nghĩ yên ổn, không được cấp phép tham dự sinh hoạt cộng đồng ngôn ngữ của đô thị này, xứ sở này. Đã hẳn nhờ như thế mà sự thức tỉnh tiếp tục và thơ tiếp tục sinh!

nơi, tôi phải luôn áp bụng với cái lịch
sử xộc xệch của cả một gia[ dân ] tộc
một cái gì động đậy dưới rốn…

Trời bắt đầu đi vào tối. Ở đô thị này chỉ những hàng cây và “một cái gì động đậy dưới rốn” là biết cách đi qua đêm tối. Tên tôi là: SuyTư Sài Gòn. Không một lời chúc tụng. Tôi bỏ rơi thi sĩ Phan Bá Thọ ở đâu đó, một sự rời bỏ tự nhiên. Này! Chữ v chổng ngược, em và tôi, không biết ai trong chúng ta là quái thai thuần khiết? Và tôi thét lớn : chúng ta là quái thai!

Tôi không còn muốn tiếp tục kể câu chuyện: Trú ẩn và Thơ. Tôi đang quan sát tôi bắt vào nhịp suy tư: “…Tôi làm quen với hoang tưởng giản dị, tôi không ngần ngại trông thấy đền thờ nơi nhà máy, một trường dạy đánh trống do thiên thần dựng nên, những cỗ xe ngựa trên các nẻo đường trời, một phòng khách dưới đáy hồ…”(*) và em , chữ v của tôi lúc nào cũng chổng ngược. Chính đó là quái thai thuần khiết sinh ra để ra đi với thơ. Tên mới của tôi hôm nay là: Vương Huy Hồng Minh Thúy Hằng Lynh Bacardi Bùi Chát Khúc Duy Lý Đợi Nguyễn Quán... Phan Bá Thọ… tên tôi là một con đường Sài Gòn không đứng lại. Hôm nay tôi đã biết chào đón cái đẹp

N  h  o  n  h  ỏ
Không    kham    nổi.
(10/2003)

 

--------------------------------------------------

Những câu có đánh dấu (*) là thơ Arthur Rimbaud.

Những câu in nghiêng là thơ Phan Bá Thọ


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021