thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Làm thế nào để dắt một con cá hồi đi rong chơi
Bản dịch của Thận Nhiên

 

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ DẮT MỘT CON CÁ HỒI ĐI RONG CHƠI

 

Theo báo chí, có hai vấn đề chính đang giày vò thế giới hiện đại: sự xâm chiếm của máy tính, và sự bành trướng đáng sợ của Thế giới Thứ Ba. Báo chí nói đúng, và tôi biết điều đó.

Chuyến du hành mới đây của tôi rất ngắn: một ngày ở Stockholm và ba ngày ở London. Ở Stockholm, lợi dụng có một giờ rảnh, tôi mua một con cá hồi hun khói, một con bự chảng, rẻ bèo. Nó được gói kỹ trong bao plastic, nhưng tôi được dặn rằng nếu tôi đang đi giang hồ đây đó thì nên giữ nó trong tủ lạnh. A ha. Thử cái xem sao nào.

Thiệt là khoái, ở London, nhà xuất bản của tôi đặt phòng cho tôi ở một khách sạn hạng sang: một phòng có quầy rượu mi-ni (minibar). Nhưng khi đến khách sạn, thì tôi có ấn tượng rằng đang đi vào một toà công sứ ngoại quốc ở Bắc Kinh trong thời bạo loạn của Nghĩa Hoà Đoàn: nhiều gia đình hạ trại trong hành lang, du khách quấn chăn ngủ vạ vật giữa mớ hành lý. Tôi hỏi nhân viên khách sạn, ngoại trừ vài người Mã-lai ra thì toàn bộ là người Ấn-độ, và họ nói là mới ngày hôm trước, trong cái đại khách sạn này, một dàn máy tính đã được gắn vào, và trước khi người ta sửa chữa những lỗi kỹ thuật, thì nó đã sụm bà chè hai giờ rồi. Chẳng làm sao biết được phòng nào có khách và phòng nào còn trống. Tôi phải chờ thôi.

Buổi tối hôm đó người ta sửa xong hệ thống máy tính, và tôi cũng vào được căn phòng của mình. Lo cho con cá hồi, tôi lấy nó ra khỏi va-li và tìm cái quầy rượu mi-ni.

Theo thông lệ, trong những khách sạn bình thường thì quầy rượu mi-ni là một cái tủ lạnh nhỏ có chứa hai lon bia, vài chai rượu mạnh nhỏ loại một shot, vài lon nước trái cây, và hai bao đậu phộng. Trong khách sạn của tôi, cái tủ lạnh là thứ cỡ trung loại thông dụng trong gia đình và chứa năm chục chai Whisky, Gin, Drambuie,[1] Courvoisier, tám chai nước khoáng Perrier, hai chai nước khoáng Vitelloises, và hai chai nước lọc Evian, ba chai champagne, nhiều lon bia các loại như Guinness, bia mạch nha, bia Hoà-lan, bia Đức, nhiều chai vang trắng của Pháp và Ý, và, ngoài đậu phộng, thì còn có bánh quy mặn, hạnh nhân, sô-cô-la, và thuốc Alka-Seltzer.[2] Chẳng còn chỗ trống nào dành cho con cá hồi. Tôi kéo hai cái hộc ra khỏi tủ đựng áo quần để trút hết những thứ trong tủ lạnh vào đó, rồi bỏ con cá hồi vào tủ lạnh, và không băn khoăn gì về chuyện đó nữa. Ngày hôm sau, khi tôi trở về phòng lúc bốn giờ chiều, thì con cá hồi nằm chễm chệ trên bàn, và cái tủ lạnh lại bị nhét đầy cứng những món rượu của dân sành điệu. Tôi mở hai cái hộc ra thì thấy mọi thứ mà tôi đã trút vào hôm trước vẫn còn y nguyên. Tôi gọi điện thoại cho tiếp tân và bảo tay thư ký hãy báo với những người hầu phòng rằng nếu họ thấy cái tủ lạnh trống thì không phải là do tôi đã tiêu thụ hết mọi thứ mà nó chứa, mà là do con cá hồi. Hắn đáp rằng tất cả những yêu cầu như vậy đều phải được nhập dữ liệu vào máy tính trung tâm, nhưng — lại có một rắc rối hơn nữa — vì hầu hết nhân viên không nói được tiếng Anh, mà những chỉ dẫn bằng lời nói suông thì không được chấp nhận: Mọi thứ đều phải được dịch ra ngôn ngữ kỹ thuật Basic. Trong khi chờ đợi, tôi lại kéo hai cái hộc khác ra và trút đầy chúng với những thứ mới chứa trong tủ lạnh, rồi lại bỏ con cá hồi vào lại trong tủ lạnh.

Bốn giờ chiều ngày hôm sau, con cá hồi lại nằm trên bàn, và nó đang toả ra một thứ mùi khả nghi. Cái tủ lạnh lại được nhét cứng đủ loại chai lọ to nhỏ, và bốn hộc tủ gợi ý tới cái kho hàng lậu vào thời đỉnh cao của Luật Cấm Rượu. Tôi lại gọi cho tiếp tân và được bảo rằng họ đang bị trục trặc với cái máy tính. Tôi rung chuông gọi phục vụ phòng và cố giải thích tình huống với một tay thanh niên tóc cột túm sau gáy; hắn không thể nói gì cả ngoài một thứ tiếng địa phương mà, như về sau một đồng nghiệp nhân chủng học giải thích, chỉ đã được sử dụng ở Kefiristan vào thời Đại đế Alexander đang tán tỉnh nàng Roxana.[3]

Sáng hôm sau tôi xuống trả tiền phòng. Cái hoá đơn cao xa mịt mù ngoài vũ trụ. Nó cho biết trong hai ngày rưỡi tôi đã tiêu thụ mấy trăm lít champagne Pháp Veuve Clicquot, mười lít đủ loại Whisky, bao gồm cả một số single malt whisky thuộc loại hàng hiếm, tám lít rượu Gin, hai mươi lăm lít nước khoáng (cả hai loại Perrier và Evian, và thêm vài chai nước khoáng San Pellegrino), số nước trái cây đủ để bảo vệ cho tất cả bọn nhóc tì trong chương trình của UNICEF khỏi chứng thiếu sinh tố C,[4] và đủ hạnh nhân, quả óc chó, và đậu phộng để gây ói trong loạt tiểu thuyết hình sự Dr. Kay Scarpetta.[5] Tôi cố giải thích, nhưng tay thư ký, có nụ cười bị lá trầu nhuộm đen thui, trấn an tôi rằng đó là những gì cái máy tính cho biết. Tôi yêu cầu được có một luật sư, và họ mang tới một trái bơ.[6]

Giờ thì nhà xuất bản của tôi nổi giận và nghĩ rằng tôi là một thằng cha mắc cái tật lạm dụng kinh niên. Con cá hồi không thể ăn được. Các con tôi thì cứ nằn nì yêu cầu tôi bớt nhậu.

 

 

------------------
Dịch từ bản dịch tiếng Anh của William Weaver “How to Travel with a Salmon”, trong Umberto Eco, How to Travel with a Salmon (Boston: Mariner Books, First Harvest edition, 1995) 5-8.
 

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Drambuie: một loại rượu ngọt, màu vàng được làm từ scotch whisky, mật ong và hương liệu.

[2]Alka-Seltzer: thuốc viên thông dụng, giảm đau bao tử, giúp tiêu hoá.

[3]Roxana: một công chúa ở Bactria, thuộc vùng Trung Á cổ đại, và bà là vợ của Đại đế Alexander.

[4]Bệnh scurvy (scorbut): chứng bệnh do thiếu sinh tố C.

[5]Dr. Kay Scarpetta là một nhân vật hư cấu và vai chính trong loạt tiểu thuyết hình sự của nhà văn Patricia Cornwell.

[6]Có lẽ Umberto Eco yêu cầu được có một luật sư (advocate), nhưng tay thư ký khách sạn không hiểu đúng tiếng Anh, nên sai người hầu mang tới cho ông một trái bơ (avocado). [HN-T phụ chú]

 

 

-------------

Những tác phẩm của Umberto đã được dịch và đăng trên Tiền Vệ:

... Ví dụ, nếu bây giờ chúng ta bắt đầu nói chuyện, hiển nhiên là chúng ta sẽ phải dùng ngôn từ; nhưng chúng ta cảm thấy chả cần thiết để nói lên như thế. Một người Bonga, ngược lại, khi nói chuyện với một người Bonga khác, sẽ bắt đầu bằng câu nói: “Chú ý nè, tôi đang nói chuyện đây, và tôi sẽ dùng chút ít ngôn từ đấy nhé.” ... [Bản dịch của Đoàn Khương Duy] (...)
 
Từ đầu cho đến điểm này, tôi đã nói rằng (i) người viết khởi sự với một ý tưởng chủng tử, và rằng (ii) cấu trúc của thế giới tự sự quyết định văn phong. Kinh nghiệm gần đây nhất của tôi về hư cấu, trong cuốn tiểu thuyết Baudolino, dường như lại mâu thuẫn với hai nguyên tắc ấy... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Một khi cái thế giới [của cuốn tiểu thuyết] đã được thiết kế, những câu chữ sẽ nẩy ra, và (nếu mọi sự đều tốt đẹp) chúng sẽ là những câu chữ mà cái thế giới ấy và tất cả những biến cố xảy ra trong đó đòi hỏi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Nhưng cuốn tiểu thuyết bước đi về đâu? Đây là vấn đề thứ nhì mà tôi thấy là nền tảng cho một thi pháp tự sự. Khi những nhà phỏng vấn hỏi tôi, "Ông đã viết cuốn tiểu thuyết của ông như thế nào?" tôi thường trả lời cụt ngủn: "Từ trái sang phải." Nhưng trong bài viết này tôi có đủ chỗ cho một câu trả lời phức tạp hơn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Thông thường, những nhà phỏng vấn ngây thơ thường bay lơ lửng giữa hai chủ ý mâu thuẫn nhau: một đằng, họ cho rằng một văn bản gọi là có tính sáng tạo thì phát triển hầu như chớp nhoáng trong sức nóng bí nhiệm của cơn cảm hứng xuất thần; đằng khác, họ lại cho rằng nhà văn đã theo một cuốn cẩm nang dạy nấu nướng, một bộ những quy tắc nào đó mà họ muốn thấy nhà văn tiết lộ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Đó là một quyết định mà suốt hơn ba mươi năm sau tôi vẫn không hề cảm thấy hối tiếc. Tôi muốn nói rằng tôi không phải là một trong những người bị số phận buộc phải viết về khoa học nhưng lúc nào tâm tư cũng cháy bỏng khát vọng viết về nghệ thuật... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tôi là một ví dụ khá bất thường của một người viết truyện hư cấu. Bởi tôi đã khởi sự viết truyện ngắn và tiểu thuyết trong khoảng thời gian từ tám đến mười lăm tuổi, rồi tôi ngưng, chỉ để khởi sự một lần nữa khi tôi đã đến bên lề tuổi năm mươi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Văn phong của bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản  (tiểu luận / nhận định) 
... nó là một văn bản đáng kinh ngạc ở chỗ nó khéo léo luân chuyển giữa giọng văn khải huyền và châm biếm, giữa những khẩu hiệu hùng hồn và những lời giải thích rõ ràng, và ngay cả đến hôm nay (nếu xã hội tư bản thật sự muốn trả thù về những cuộc nổi loạn mà mấy trang viết này đã gây ra) nó nên được đọc như một văn bản thiêng liêng cho những đại lý quảng cáo... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021